Thung lũng tử thần

Thứ Tư, 29/12/2004, 08:30

Ngày 24/7/1992, cả nước chấn động trước tin: Lở núi Kép Ky (Trà Lĩnh, Cao Bằng), hơn 500 người chết vùi. 12 năm sau, vùng quặng măng gan Trà Lĩnh vẫn nóng. Đồi núi nham nhở, đỏ ối những vết đào khoét. Cả vùng như một tổ ong khổng lồ, nhốn nháo...

Trong sương sớm lạnh căm của miền sơn cước, tôi lầm lũi độc hành trên con đường bụi mù, lổn nhổn đá để tìm về Kép Ky. Từ thị trấn Trà Lĩnh, muốn đến được Quang Trung, Tri Phương, hai xã giáp biên giới Việt  – Trung, cái rốn của vựa măng gan, phải mất hơn 20km. Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của một người dân, tôi cũng tìm lên được núi Kép Ky, ngọn núi gắn với nỗi đau kinh hoàng 12 năm trước.

Đường lên dốc núi mọc toàn cây gai góc, cỏ dại chen bước chân đi. Dấu tích chỉ còn thấy 2 ngôi mộ, con số quá ít ỏi so với 500 nạn nhân, cả biết tuổi lẫn vô danh đã mất bởi vụ tai nạn khủng khiếp 12 năm về trước. Tại tấm bia đổ nát, gạch ngói vẹo vọ trông rất hoang tàn, dõi mắt mãi tôi mới luận ra dòng chữ xi măng, đã lở lói gần hết vỏn vẹn tạc: “Bia ghi nhớ tai nạn lở núi ngày 24/7/1992”.

Vụ đó, nạn nhân toàn là người thập phương được các chủ bưởng măng gan chiêu mộ đến đây. Thời điểm ấy đang là mùa mưa, sau mấy ngày trời rả rích, dầm dề không đào bới gì được, đám thợ mệt mỏi nằm lăn lóc ngay dưới hầm, góc lán chìm vào giấc ngủ sâu. Tai nạn xảy ra lúc 3h sáng. Người ta chỉ nghe một tiếng nổ lớn như sấm rền, sau đó là sự lặng im, chết chóc. Quá bất ngờ nên rất ít người thoát. Những chủ bưởng tay đuốc, tay kè kè con dao quắm, gào đến khản giọng, ra lệnh cho đám phu mỏ đang đầu bù tóc rối, mắt lạc thần vừa thoát chết sau tai nạn khủng khiếp, đào bới, tìm kiếm xác người trong vô vọng.

Ngày 12/7 trở thành ngày giỗ chung, ngọn Kép Ky trở thành ngôi mộ tập thể của hơn 500 phu mỏ. Vĩnh viễn hơn 500 người thập phương đã nằm lại nơi rừng xanh, núi đỏ biên ải xa xôi này. Sau thảm họa Kép Ky, tỉnh Cao Bằng huy động cả trung đoàn bộ đội về giải tỏa các bãi, các chủ bưởng cùng hàng ngàn phu mỏ phải dạt đi hết...

Thồ quặng đi bán.

12 năm sau, vùng quặng Măng gan Trà Lĩnh vẫn nóng. Chưa thấy ở đâu người ta buôn lậu công khai như ở đây. Tiếng là có một trạm biên phòng án ngữ ngay trên yết hầu của con đường, nhưng dòng quặng vẫn ngày ngày chảy miết sang biên giới. “Thì cũng toàn là người khốn cùng mới đi làm quặng chứ có ai giàu nhờ quặng đâu” - Bà Nông Thị Phấn, người dân tộc Tày, đang cắm cúi sàng quặng bên chiếc hố tự đào toen hoẻn bên đường liên xã, nói với tôi như vậy. Một cân quặng bán cho Nhà nước được 400 đến 500 đồng, bán cho tư nhân cũng được từng ấy, nhưng là “tiền tươi, thóc thật” nên chủ yếu dân phu bán thẳng cho các chủ bưởng.

Nông Văn Quế, chủ một bưởng quặng măng gan cho biết, một ngày cơ sở của anh thu mua được 4-5 tạ, cao điểm có ngày vài tấn. Giá mỗi cân quặng bán sang Trung Quốc khoảng 1 tệ (1.800 đồng/kg)  nên có muốn cũng không cản được dòng chảy quặng vượt biên. Sờ sờ ra trước mắt đó là buôn lậu nhưng bắt cũng khó, bởi toàn phụ nữ, trẻ em, người già đi áp tải cả. Có bắt thì họ lại khóc lóc, quỳ xuống van xin mà thôi. Việc buôn bán quặng diễn ra công khai đến nỗi, khi tôi giơ máy ra chụp thì đám phu vẫn bình thản tiếp tục công việc, có người tay còn cầm xẻng, miệng cười để... làm dáng trước máy ảnh kia.

Năn nỉ mãi, tôi cũng xin được vượt biên theo đoàn hành trình chở quặng lên Kỳ Lùng, nơi giáp ranh với Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc). Đường đi lúc đầu còn dễ, nhưng chừng 2km thì đã không có đường, chúng tôi phải thập thõm băng qua những thửa ruộng mấp mô gốc rạ. Điểm cuối cùng là những con đường mòn, nhỏ vừa bàn chân người, ăn len lỏi mãi theo những triền dốc chênh vênh, những vách đá dựng đứng, thẳm sâu. Sang đến tận đất bạn là đã có đại lý thu mua chờ sẵn. Cân đong đo đếm, tính tiền đều bằng tiếng Tày cả. Chừng vài tiếng đi bộ đã xong một chuyến vượt biên, còn sớm, đoàn người hối thúc nhau về làm chuyến hàng nữa. Hằng ngày có hàng chục tấn quặng măng gan từ Việt Nam bị “bốc hơi” một cách thủ công theo những bước chân ngựa thồ, trên những lưng áo ướt đẫm mồ hôi của đám đàn bà, trẻ con người Tày, người Nùng như vậy...

Chủ tịch xã Tri Phương Đàm Văn Độ có vẻ quá quen khi chúng tôi hỏi về chuyện quặng. Anh Độ chỉ thở dài: “Tri Phương có hơn 2.000 khẩu nhưng ruộng ít, lại bạc màu, thu nhập của người dân trong xã vào loại thấp nhất nước. Lôi tất tật từ củ sắn, bắp ngô, hạt lúa ra mà quy đổi thì cũng chưa được 1 triệu/người/năm. Cấm thế nào được họ làm quặng?”...

Trong hành trình ngược Kép Ky, qua bãi Lũng Nạp, Cửa Lò trời đã sẩm tối, nhưng chúng tôi vẫn thấy từng đoàn người ngựa lui cui chở quặng vượt biên đi trong bóng hoàng hôn loang lổ. Đứng trên đỉnh dốc, dõi mắt nhìn xuống Tri Phương, Quang Trung trông tựa như một chiếc quẩy tấu của đồng bào, cứ tun hút sâu, thăm thẳm tối một màu liêu trai. Bất giác tôi nhớ đến câu ca dao tự thuở nào: “Cao Bằng xa lắm anh ơi...”

Dương Đình Tường
.
.
.