Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội:

Thúc đẩy đối thoại vì hoà bình, ổn định

Thứ Sáu, 09/04/2010, 09:17
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sau hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức lớn trên thế giới. Hiệp hội đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN...

ASEAN - sức sống mãnh liệt

Năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN, với những thời cơ và thách thức đan xen. Những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình hình, nhất là sự điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực nhưng mặt khác cũng là cơ hội để ASEAN phát huy vai trò là nhân tố quan trọng. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và hợp tác, khắc phục những hạn chế nội tại của hiệp hội để hiện thực hóa mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN cũng như bảo đảm vai trò trung tâm của hiệp hội.

Quang cảnh Lễ khai mạc.

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị cấp cao ASEAN 16 có nhiệm vụ quan trọng là đề ra phương hướng, các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến trình liên kết ASEAN và tăng cường sức mạnh của ASEAN trong việc xử lý có hiệu quả các vấn đề đặt ra ở khu vực và những thách thức toàn cầu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị hội nghị tập trung xem xét 5 nội dung lớn:

Một, việc triển khai việc thực hiện Hiến chương và lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN đã đạt được những tiến triển quan trọng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Hội nghị cần nỗ lực nhiều hơn để Hiến chương thực sự đi vào cuộc sống, nhất là việc hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động mới, đồng thời đưa ra những ý kiến chỉ đạo cần thiết về biện pháp và cách thức cụ thể.

Hai, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Do tính gắn kết và tác động lẫn nhau của các nền kinh tế, ASEAN cần hành động đồng thời theo cả 3 hướng: đẩy nhanh liên kết kinh tế và tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính Đông Á với vị trí ASEAN là trung tâm; tích cực đóng góp vào sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thông qua thúc đẩy các giải pháp toàn cầu. Riêng về liên kết nội khối, cần chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các thỏa thuận đã có, kể cả thu hẹp khoảng cách phát triển. Đồng thời, định hướng cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ về hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Cùng những nỗ lực để phục hồi sớm và vững chắc, ASEAN xác định cho mình mô hình phù hợp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Từ đó, xem xét và thông qua Tuyên bố chung về phục hồi, phát triển bền vững.

Ba, các vấn đề xuyên quốc gia, nhất là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh đe dọa thường xuyên đến cuộc sống người dân ở mỗi quốc gia. Với định hướng đó, hội nghị xem xét và thông qua Tuyên bố chung về ứng phó biến đổi khí hậu để phát đi thông điệp mạnh mẽ của ASEAN về tiến trình đàm phán quốc tế và phương hướng gia tăng hợp tác trong ASEAN.

Bốn, các nước ASEAN chia sẻ nguyện vọng và quyết tâm mạnh mẽ về mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác để cùng phát triển. Đây chính là sức mạnh to lớn và là thành công quan trọng nhất của ASEAN hơn 4 thập kỷ qua. ASEAN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

Năm, cùng việc đẩy nhanh liên kết nội khối, ASEAN cần tiếp tục quan hệ đối ngoại nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế. Theo đó, ASEAN cần hợp tác với các bên đối thoại thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 một cách thực chất, hiệu quả hơn, nhất là trong việc thực hiện các chương trình hành động, triển khai Tuyên bố chung.

Nhấn mạnh mục tiêu hình thành cộng đồng với tầm nhìn xa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, những vấn đề mà ASEAN phải xử lý không phải mới đặt ra và cũng không chỉ riêng trong năm 2010. "Điều quan trọng là chúng ta cần phải có quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ hơn, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực, nâng cao chất lượng của sự "thống nhất trong đa dạng" của Hiệp hội. Thực tiễn cho thấy, ASEAN là một tổ chức hợp tác có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi thời cuộc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo cơ chế giải quyết tranh chấp

Trước Lễ khai mạc, lãnh đạo các nước ASEAN đã có cuộc gặp chính thức lần đầu tiên với các đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và đóng góp của hai bên vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đồng thời, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) cũng đã nhóm họp để thống nhất lần cuối các nội dung của các văn kiện trình lãnh đạo cấp cao ASEAN.

ACC đã rà soát và nhất trí nội dung các dự thảo Tuyên bố về Phục hồi và Phát triển bền vững và Tuyên bố về Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu; thông qua Tài liệu hướng dẫn sử dụng tên, biểu tượng và ASEAN ca; quy tắc và thủ tục tài chính của Ban Thư ký ASEAN; kế hoạch truyền thông tổng thể của ASEAN. Bên cạnh đó, ACC cũng đã xem xét các văn bản do Uỷ ban các Đại diện thường trực ASEAN (CPR) đệ trình. Các Bộ trưởng là thành viên trong ACC còn ghi nhận báo cáo đầu tiên của Nhóm đặc trách cao cấp về kết nối ASEAN để đệ trình lên lãnh đạo ASEAN xem xét.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp ACC, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã cùng ký thông qua Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN - một văn kiện quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN.

Liên quan đến các hoạt động theo chủ đề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, sáng 8/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14 đã khai mạc với sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương 10 thành viên ASEAN cùng Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Kuroda, Phó Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Shinohara, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Juan Jose Daboub. Trọng tâm của chương trình nghị sự vẫn là quá trình thực hiện "Sáng kiến phát triển thị trường châu Á", "Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai" thuộc khuôn khổ hợp tác với ba nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)...

Trò chuyện với chúng tôi bên lề Hội nghị, ông Rastam Mohd Isa, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Malaysia nói: "Cương vị Chủ tịch luôn là nhiệm vụ nặng nề cho mỗi nước thành viên, nhưng tôi rất tin tưởng vào vai trò Chủ tịch của Việt Nam. Việt Nam rất nghiêm túc trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, đã đưa ra nhiều ý tưởng cho sự phát triển của ASEAN. Tôi đã tham dự các hội nghị tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tôi thấy rất vui mừng, vì không chỉ thấy các cương lĩnh của ASEAN tiến triển mà còn được mở rộng kiến thức về Việt Nam qua các Hội nghị ASEAN tổ chức trên đất nước của các bạn".                                        

Phan Hiển

Đăng Trường - Huyền Chi
.
.
.