Thủ phủ sâm dây dưới chân núi Ngọc Linh

Thứ Sáu, 18/11/2016, 08:09
Khi mới đặt chân đến vùng đất Tu Mơ Rông, nằm dưới chân dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum) tôi đã nghe loáng thoáng đâu đó mùi sâm thơm phức. Con đường vào trung tâm huyện khá đẹp nhưng nhà cửa thưa thớt, chỉ có núi và núi vây quanh. Huyện nằm lọt thỏm trong vùng núi, cảnh vật đẹp như tranh vẽ, thênh thang dẫn lối tôi đến thủ phủ vùng sâm bên núi Ngọc Linh...

Tu Mơ Rông, phố huyện mà giống như làng. Anh Dương Thành Long, Chánh Văn phòng UBND huyện chia sẻ, huyện này nghèo nhất tỉnh Kon Tum, chủ yếu người dân tộc thiểu số tại chỗ sống nhờ nương rẫy, sản xuất còn hạn chế... Tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã có Nghị quyết phát triển kinh tế cây sâm trên diện rộng ở vùng đất này nhằm xóa đói giảm nghèo, tập trung tại các xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây và Tê Xăng, nhưng chuyện mới chỉ ở giai đoạn ban đầu...

A Rũi, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tu Mơ Rông đưa tôi về Măng Ri để thăm vùng sâm dây của dân làng đang phát triển. Trèo lên khu rẫy chị Y HLạng nằm ở lưng chừng núi của làng Pu Tá, ngắm cảnh sâm dây mượt mà, bắt mắt mê hồn. Chị Y HLạng được ca ngợi là người phụ nữ Xê Đăng trồng sâm dây giỏi nhất, kinh nghiệm nhất ở Tu Mơ Rông.

Phía dãy núi Ngọc Linh có nhiều sâm quý.

Ngoài rẫy mì, hoa màu, gia đình chị Y HLạng thu nhập từ việc trồng sâm dây hàng trăm triệu đồng. Đón trước được tình hình cây sâm dây tự nhiên bị khai thác cạn kiệt nên từ năm 2009 đến nay, gia đình chị Y HLạng đã vào rừng đào củ sâm. Khi lấy được củ to chị đem bán, củ nhỏ chị mang lên rẫy trồng nhằm phát triển giống và nhân rộng hằng năm để thu nhập kinh tế cho gia đình.

Gia đình chị Y Mẫu ở làng Pu Tá, xã Măng Ri cùng đã phát triển sâm dây và thu nhập hàng chục triệu đồng từ mô hình trồng sâm dây xen canh trong diện tích rẫy với bắp, mì... Cùng với gia đình chị Y HLạng, Y Mẫu, nhiều gia đình đồng bào Xê Đăng của thôn Pu Tá, xã Măng Ri cũng đã có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng xen cây sâm dây trên nương rẫy.

Bà Y Bát (73 tuổi) ở Pu Tá kể rằng, nhà mình cũng trồng sâm dây nhưng chủ yếu trên rừng, 2 năm mới thu hoạch một lần. Sâm dây trước đây mọc tự nhiên ở rừng nhiều lắm, nhưng bây giờ đã cạn kiệt. Người dân bây giờ lên rừng tìm những cây con còn sót lại về trồng làm giống rồi phát triển ra. Bà cho biết, nếu có giống, dân làng mình sẽ trồng sâm dây nhiều hơn để nuôi sống gia đình...

Anh Nguyễn Văn Chung, cán bộ xã Măng Ri cho biết, khó khăn nhất là tạo giống sâm để phát triển đại trà. Trước đây ngành khuyến nông đã tiến hành tạo giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhưng không hiệu quả. Bây giờ người dân chỉ lên rừng tìm cây giống tự nhiên về trồng nên không có nhiều.

Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây và Tê Xăng nằm trong địa hình núi vây quanh bên dãy Ngọc Linh và Ngọc Băng nên có lợi thế phát triển cây sâm. Cùng với hàng trăm hécta diện tích sâm Ngọc Linh đang phát triển trên núi Ngọc Linh, người dân Tu Mơ Rông còn tận dụng vùng đất này để phát triển sâm dây (Hồng đẳng sâm) để tăng thu nhập. Hiện giá sâm dây tươi khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg, trong khi giá mì (sắn) tươi chỉ 1.500 đồng/kg nên người dân mơ ước làm sao phát triển được giống sâm dây để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tìm sâm bên núi Ngọc Linh.

Anh A Tụ, cán bộ xã Măng Ri cho biết, sâm dây cũng là một loài dược liệu quý có tác dụng hồi phục sức khỏe, dễ trồng và chăm sóc, vốn đầu tư không nhiều như sâm Ngọc Linh. Cây sâm dây hiện đang được nhiều người ưa chuộng, tìm mua.

Lợi thế của cây sâm dây đã được chính quyền và người dân nhìn thấy nên đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông là phát triển cây sâm dây thành một trong 7 loại cây trồng chủ lực của nền kinh tế của huyện, nhằm tạo hướng thoát nghèo bền vững cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển diện tích sâm dây sâm khoảng 250ha... Từ chủ trương của huyện, xã Măng Ri phấn đấu bình quân mỗi hộ gia đình phát triển ít nhất 1 sào (1.200m²) sâm dây kết hợp các loại hoa màu để xóa đói giảm nghèo.

Sâm dây Ngọc Linh còn gọi là Hồng đẳng sâm, loài dây leo, củ dùng làm thuốc bổ, điều trị một số bệnh, bồi bổ cơ thể, có tác dụng chống mệt mỏi suy nhược, ăn không ngon, thiếu máu, chống lão hóa, giúp cho cơ thể khỏe mạnh và đề kháng tốt. Sâm dây Ngọc Linh không có độc tính khi sử dụng liên tục dài ngày, phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em cho đến người già...
Ngọc Như
.
.
.