Thủ phủ rắn Ma Thiên Lãnh

Thứ Tư, 27/01/2010, 10:41
Chiều chạng vạng, bên ánh lửa nhóm từ thây cây hoai mục để xua tan sương khí mỗi lúc một lạnh ở chốn rừng thiêng, nghe những cư dân Ma Thiên Lãnh kể chuyện rắn, nhất là những cuộc đụng độ giữa họ với những "ông" mãng xà khổng lồ mà cứ ngỡ đang xem những thước phim sống động.

Cách TP HCM 100km, rừng Ma Thiên Lãnh đón khách bằng khung cảnh thâm u của chốn rừng thiêng nước độc ít người qua lại. Khi chúng tôi hỏi căn nguyên của tên gọi Ma Thiên Lãnh, ông Nguyễn Văn Đồng, một cư dân sở tại lắc đầu: "Tôi sống ở vùng này gần 20 năm nhưng thực tình không rõ chính xác đâu là cội nguồn của tên gọi. Tôi chỉ biết đây là đại bản doanh của muỗi mòng, chim chóc, thú dữ và rắn khổng lồ. Ở đây đi rừng, phát rẫy, thậm chí ngồi trong nhà gặp rắn là chuyện cơm bữa".   

Những cuộc chạm trán sinh tử

Rừng Ma Thiên Lãnh là một lòng chảo được bao quanh bởi 3 ngọn núi gồm núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Cả 3 ngọn núi này nối với nhau bằng những cánh rừng bất tận, ăn thông với nước bạn Campuchia. Như các đỉnh núi cấu thành quần thể núi Bà Đen, rừng Ma Thiên Lãnh là mái nhà của nhiều loài cây gỗ và động vật quý hiếm, phong phú như ốc núi, dơi, thằn lằn, cheo, mễnh, beo, heo rừng, voọc, khỉ lông vàng…

"Trong chiến tranh, Ma Thiên Lãnh là căn cứ của quân cách mạng nên bị mưa bom lửa đạn hủy diệt ít nhiều. Thời bình, sự khai thác bừa bãi của người dân khiến quần thể động thực vật nơi đây bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhờ chính quyền các cấp tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và các dự án khôi phục vốn rừng nên quần thể động thực vật ở quần thể núi Bà Đen nói chung, rừng Ma Thiên Lãnh nói riêng phục hồi và phát triển".

Chiếc hang nơi anh Thủ từng gặp con rắn dài hơn 5m.

Chiều chạng vạng, bên ánh lửa nhóm từ thây cây hoai mục để xua tan sương khí mỗi lúc một lạnh ở chốn rừng thiêng, nghe những cư dân Ma Thiên Lãnh kể chuyện rắn, nhất là những cuộc đụng độ giữa họ với những "ông" mãng xà khổng lồ mà cứ ngỡ đang xem những thước phim sống động.

"Ai sống ở Ma Thiên Lãnh đều ít nhiều chạm trán với rắn khổng lồ" - bà Mai, vợ ông Đồng vừa nói vừa thu mình: "Tui phận đàn bà, chuyện đi rừng đi rẫy thi thoảng nhưng cũng có gần chục lần đụng độ với mấy "ổng", có bận mặt đối mặt với ổng trong căn nhà này. Hôm đó khoảng 6h chiều, đang ngồi trong nhà nhóm lửa tôi nghe ở ngoài chuồng đám gà kêu quang quác. Định chạy ra xem có chuyện gì thì con gà trống hớt hải vừa chạy vừa tung cánh lao vào trong, theo sau nó là con rắn hổ chúa đen nhẻm, thân cỡ nắm đấm người lớn, dài trên 3m. Theo phản xạ tự nhiên, tôi liền nhảy phóc lên giường, đứng yên như trời trồng. Rồi con gà cũng nhảy lên giường. Sợ con rắn trườn lên nên tôi quýnh quá vừa kêu gọi ông nhà vừa đẩy nó ra. Con rắn nghe động liền ngóc đầu dậy, cổ nó phình ra chuẩn bị phun nọc. May mà lúc đó ông nhà tôi chạy vào kịp thời dùng rựa phạt ngang làm nó đứt làm đôi".

Sau câu chuyện của bà Mai là kỷ niệm đụng độ với hung thần máu lạnh của anh Phan Thành Thủ: "Cách đây một tuần, lúc phát cỏ mở rộng diện tích rẫy, tôi vô tình giẫm lên cái đuôi của con xà tinh ẩn dưới lớp lá hoai mục mà cứ ngỡ là khúc cây. Đứng một lát thấy cứ trượt qua trượt lại, tôi nghĩ quái, sao khúc cây lại trơn thế này nên vạch lá xem sao. Mèn méc ơi, nhìn khúc cây đen bóng mọc vảy, tôi điếng hồn, biết đấy là khúc đuôi của con rắn khổng lồ. Nhưng thấy nó không nhúc nhích, tôi tiếp tục vạch lá xem thì thấy thân nó mỗi lúc một to, đi khoảng 6m, đến đoạn thấy cái thân nó to bằng bắp đùi đang thở phập phồng rồi bất ngờ oằn ẹo nên tôi ớn quá không dám dấn bước. Sợ để sổng biết đâu nó hại người nên tôi đưa con dao đi rừng xả xuống. Ai dè vừa giơ dao lên thì có con khỉ lông vàng chạy ngang, con rắn bất ngờ quay đầu về phía tôi. Nhìn cái đầu đen đúa to bằng cái lon sữa bò của nó tôi chết điếng, đứng như trời trồng, mặc nó trườn đi mà không dám manh động"…

Rất ít khi rắn tấn công người

Màn đêm thăm thẳm buông càng khiến câu chuyện về rắn khổng lồ của cư dân Ma Thiên Lãnh thêm phần rùng rợn… Đó là chuyện anh Năm Tẹc lúc đốn cây xoài lão bị tầm gửi phủ vàng khiến "đôi rắn cụ" đang yêu nhau rớt phịch xuống dưới. Bị phá bĩnh cả hai con tức khí ngóc đầu phình mang lao tới khè nọc mù trời khiến anh Sáu chạy có cờ để rồi bị vấp vào một khúc cây, té đập đầu xuống đất bất tỉnh. Đó là chuyện bà Năm Tốt đang lúc lùa gà vào chuồng thì chết đứng trước sự xuất hiện của con rắn sọc trắng đen có chiều dài cơ thể gấp đôi bà ngang nhiên xông tới phập con gà trống rồi lủi vào bụi rậm…

Xuyên suốt rừng Ma Thiên Lãnh, chúng tôi nghe nhiều chuyện ly kỳ, khiếp hãi về những con mãng xà khổng lồ với nọc độc kinh hồn nhưng tuyệt nhiên không nghe bất kỳ cư dân sở tại nào nói chuyện rắn chủ động tấn công người. Ông Sáu Cho, năm nay 77 tuổi, tâm tình: "Lạ một điều là rắn ở Ma Thiên Lãnh tuy độc nhưng rất hiền. Gặp người là chúng bỏ chạy vào rừng nên tuy quân số chúng nhiều như lá mùa thu nhưng chẳng có ai bị chúng tấn công đến phải vong mạng. Những người bị rắn cắn hoặc do vô tình va chạm khiến chúng tưởng là kẻ thù hoặc cố tình giết hại, bắt chúng ăn thịt hay bán kiếm lời".

Ông Đồng tâm tình: "Nghe tiếng Ma Thiên Lãnh nhiều chim thú, rắn rết, nhiều toán phường săn với súng ống, lưới bẫy tiến công lên đây. Hễ thấy bóng chúng ở đâu là bà con lập tức thông báo cho các anh kiểm lâm trục xuất liền. Làm vậy để bảo vệ môi trường sống của muôn thú, sau giữ sự bình yên cho khu rừng mà thực chất là giữ nhịp yên lành cho những nóc nhà nơi đây. Được bảo vệ, loài rắn đã báo đáp cho người làm rẫy chúng tôi bằng việc "xử" không còn con chuột nào. Trước đây chuột lộng hành lắm nhưng bây giờ thì vắng tiệt".

Những ngày lưu lại Ma Thiên Lãnh cho chúng tôi trải nghiệm mới về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Thì ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể sống chan hòa với thú dữ nếu như họ tôn trọng quyền được sống và không xâm phạm môi trường sống của chúng

Dũng Thành
.
.
.