Thông điệp từ những lá thư viết bằng máu

Thứ Bảy, 30/04/2016, 13:57
Những bức thư ngả màu, những nét chữ mờ dần qua năm tháng, những trang giấy mỏng manh với màu mực sâm sẫm - thứ mực đặc biệt được rút ra từ huyết quản của những thanh niên Việt Nam yêu nước. Một cảm giác xúc động đến nghẹt thở khi tôi cầm trên tay những bức huyết thư. Mỗi chữ, mỗi dòng đều ngùn ngụt lửa căm thù giặc Mỹ, hừng hực khí thế quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Càng đọc những tư liệu lịch sử quý giá ấy, tôi càng thêm hiểu vì sao cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta đã làm nên ngày 30-4-1975.

Kho cất giữ đặc biệt

Ở Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội có một kho lưu trữ đặc biệt bảo quản và cất giữ các di vật, hiện vật lịch sử của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Để được tiếp cận với những hiện vật ấy, tôi phải thực hiện theo một quy trình chặt chẽ.

Các cán bộ của Phòng kiểm kê bảo quản của bảo tàng cho biết, mỗi hiện vật đều có hồ sơ lý lịch đầy đủ, kho phải đảm bảo duy trì nhiệt độ, độ ẩm nhất định, định kỳ được xử lý kỹ thuật. Đó là quy định, là nguyên tắc và cũng là cách để giữ gìn, bảo quản một cách tốt nhất hiện vật. Thông điệp của lịch sử hiện hữu trước mắt tôi – những bức huyết thư mỏng manh nhưng chứa đựng trong mình sức mạnh to lớn, đại diện cho tinh thần của cả một dân tộc kiên cường trước giặc ngoại xâm.

Nét chữ mềm mại, nắn nót, màu mực máu đã mờ trên trang giấy học trò: “Với bao tội ác tày trời của đế quốc Mỹ đang ngày đêm gieo rắc đau thương xuống làng mạc quê hương cũng như cả nước… Hình ảnh anh chị tôi ngã xuống trên mảnh đất quê hương để lại cho Tổ quốc 4 mầm non đang còn khờ dại… Tôi không thể nào ngồi nhìn giang sơn chìm đắm để vui hưởng hạnh phúc đến một cách dửng dưng…”. Cô học trò cấp 3 Trần Thị Phúc sinh ngày 29-11-1950 ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã viết như thế vào ngày 21-4-1968.

Huyết thư của đơn vị thông tin tỉnh Quảng Ngãi trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Khí thế cả nước ra trận hừng hực trong huyết quản của những chàng trai, cô gái trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì, miễn là được chiến đấu để trả nợ nước, thù nhà, đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Cao Thị Hòe ở xóm Phượng Thắng, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu cũng là học sinh cấp 3 đã dùng huyết thư để bày tỏ nguyện vọng được góp sức mình cho cuộc chiến.

Cách viết chững chạc, nhận thức rõ ràng về cuộc chiến của dân tộc: “…nhiệm vụ cấp bách là phải đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, kiên quyết chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ... Lúc này chống Mỹ là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước…”.

Phía sau bức thư, như để khẳng định quyết tâm xin đi chiến đấu có sự đồng lòng của cả gia đình là những dòng chữ của bố, mẹ cô học trò ấy. Cuối thư, ngoài chữ ký, tác giả còn ghi thêm số tuổi: 18, 19 như một lời khẳng định tôi đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước sự lâm nguy của Tổ quốc, đủ tuổi để hiểu rõ lý tưởng mình đang theo đuổi và chịu trách nhiệm trước mỗi hành động của mình.

Nhiều người dù đã được đứng trong hàng ngũ quân nhân nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ phải làm nhiệm vụ ở tuyến sau, khó có thể tả được khát khao cháy bỏng được chiến đấu của những người lính ấy.

Ngày 5-9-1969, chỉ 2 ngày sau khi nhận tin Bác Hồ qua đời, một người lính đã cắn tay lấy máu viết bức quyết tâm thư trong ngập tràn cảm xúc đau thương: “Tên tôi: Lê Quang Thu 19 tuổi là chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Trong giờ phút lịch sử này, toàn dân tộc Việt Nam đau thương vô cùng… Tôi xác định rõ vị trí và nhiệm vụ của mình là lên đường vào Nam diệt Mỹ, dù khó khăn gian khổ không sờn lòng, hi sinh đổ máu không ngần ngại, noi gương Người hi sinh đến giọt máu cuối cùng cho cách mạng, cho Đảng… Tôi tha thiết đề nghị Đảng ủy thủ trưởng Trung đoàn xét duyệt cho tôi được đi chiến đấu ngay, đi bất cứ nơi nào tôi cũng sẵn sàng…”.

Nhiều bức huyết thư chỉ còn lại vết máu khô, bay màu theo thời gian, để đọc được tôi phải nhờ sự trợ giúp của cán bộ bảo tàng thông qua hồ sơ, biên bản về hiện vật được lập từ ngày mới sưu tầm.

Mỗi bức huyết thư được để trong một phong bao riêng. Có thể đó là giấy tập học sinh, cũng có thể là một tờ giấy được xé ra từ cuốn sổ tay được đóng bằng chỉ khâu. Thư viết bằng máu không bền màu như mực viết nhưng nó được viết ra từ tâm can của mỗi người dân yêu nước. Người viết thể hiện sự trân trọng trong từng con chữ. Có bức huyết thư được viết bằng ngòi bút, có bức được tạo nên bằng chính ngón tay tứa máu.

Để thêm một lần khẳng định lý tưởng của mình, anh thanh niên Trần Hữu Dước, 19 tuổi (Hợp tác xã Xuân Linh, xã Lĩnh Sơn, tỉnh Nghệ An) viết Đơn xin tình nguyện “được cầm súng đánh Mỹ càng sớm càng tốt” bằng máu với lá cờ đỏ sao vàng bên trong vòng tròn, bên dưới là dòng chữ: “Thề hi sinh cho Tổ quốc” .

Huyết thư của chiến sỹ Trần Hữu Dước.

Những câu chuyện phi thường phía sau hiện vật

Trong kho của Bảo tàng Lịch sử quân sự hiện có 3 bức huyết thư của 3 chiến sỹ thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2. Bức huyết thư được sưu tầm vào ngày 27-4-1978 tại Trung đoàn 24 trong số hàng trăm bản quyết tâm thư của chiến sỹ Đại đội 9 viết bằng máu xin trước khi bước vào chiến dịch tiêu diệt địch ở Thượng Đức, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam năm 1974.

Đồng chí Trần Quang Vinh quê ở Thái Bình sức khỏe loại 3, thường xuyên bị sốt rét nên đơn vị cho anh ở lại tuyến sau. Người cán bộ sưu tầm hiện vật dành những trang viết nắn nót để nói lên hoàn cảnh ra đời bức thư trong cuộc chiến khốc liệt: “Đơn vị chấp nhận cho đồng chí đi chiến đấu nhưng cho đồng chí làm nhiệm vụ vận tải đạn, gạo. Đồng chí đã đem hết sức mình gùi thồ gạo, đạn, đảm bảo tăng chuyến, tăng cân. Nhiều lần lên cơn sốt tới 39-40 độ nhưng đồng chí không chịu nghỉ… có lúc vác tới 80kg, góp phần cùng đơn vị vượt 300% chỉ tiêu.

Ngày 31-10-1974, Đại đội 9 được lệnh lên chốt ở A6 của cao điểm 1062, Trần Quang Vinh xung phong lên chốt, đồng đội bị thương vong, nhưng đồng chí quyết giữ chốt mặc dù bị thương nặng… Đi viện chưa lành vết thương đồng chí đã trở về tiếp tục xin đi đánh địch…”.

Đồng chí Mai Xuân Sinh người dân tộc thiểu số ở Yên Bái. Khi nghe tin bố mẹ già yếu đã mất, nhà cửa giao cho hợp tác xã, đơn vị xét hoàn cảnh cho đồng chí ở lại hậu cứ. Viết quyết tâm thư bằng máu mang lên đại đội nằn nì xin đi chiến đấu nhưng không được, Mai Xuân Sinh đã khóc và mang lên tiểu đoàn xin đi bằng được. Ngày 29-10-1974, trong trận chiến bảo vệ chốt 1062, anh bị thương nặng, đưa về tuyến sau.

Huyết thư của nữ sinh cấp 3 ở Nghệ An và các chiến sỹ Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.

Ngay sau khi tạm hồi phục, trên đầu vẫn quấn băng, anh lại xin trở về chiến đấu. Lúc này Đại đội 9 được giao nhiệm vụ đánh quân địch ở vùng B Đại Lộc. Đồng chí đã cùng đồng đội là Hà Xuân Tập tạo thành mũi thọc sâu vào đội hình địch, đánh phát triển, diệt nhiều địch cho đến khi hết đạn. 2 chiến sỹ chỉ còn 2 quả lựu đạn với 3 lạng gạo rang nằm suốt 10 ngày trong lòng địch. Ngày năm im ẩn mình trong lớp cỏ tranh, đêm lần mò tìm về đơn vị. 10 ngày sau, 2 anh trở về trước sự ngỡ ngàng của đơn vị và tiếp tục cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bản quyết tâm thư của đồng chí Vi Văn Ba vừa đúng một trang giấy ký ngày 25-9-1974, góc trang đã sờn, màu máu cũng đã phai đi nhiều. Anh cũng là một tấm gương kiên cường bảo vệ cao điểm, cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên địch trong trận đánh 9-3-1975. Anh đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Họ là 3 trong nhiều tấm gương tiêu biểu của Đại đội 9, Trung đoàn 24, góp vào chiến thắng Thượng Đức, mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến về giải phóng Đà Nẵng, là cơ sở mở ra các chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Được nâng niu trên tay hiện vật của một thời máu lửa, tôi đã hiểu được phần nào tình yêu Tổ quốc và tinh thần xả thân vì lý tưởng cao đẹp. Tinh thần ấy, khí thế ấy đã làm nên một Việt Nam khiến cả thế giới khâm phục, là niềm tự hào cho thế hệ sau.

Việt Hà
.
.
.