Thoát nghèo nhờ “tiêu ôm tràm” trên vùng đất phèn

Thứ Bảy, 11/06/2016, 09:26
“Tiêu ôm tràm” được xem là mô hình canh tác hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn ở tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Việc sử dụng thân cây tràm sống làm trụ để cây tiêu leo bám, ngoài việc giúp nông dân cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập, còn góp phần phát triển diện tích rừng tràm ở địa phương.

Ông Dương Thanh Bình (ngụ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), là người đầu tiên đưa cây hồ tiêu bén rễ ở vùng đất phèn Long Mỹ. Theo ông Bình, trước đây vùng này đất này bị nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được tràm, mía, dứa. Ông Bình từng trồng sầu riêng, nhãn, vú sữa, cam, nhưng không hiệu quả. 

Trong lúc khó khăn, ông Bình nghe kể về mô hình trồng “tiêu ôm tràm” ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao nên đến học hỏi. 

Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn một năm tuổi trong vườn, ông Bình bắt đầu trồng thử 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm, chỉ có phân nửa số nọc tiêu sống sót, phát triển tốt. Từ số nọc tiêu này, ông Bình nhân rộng lên trên 1.000 nọc tiêu. Hiện, số nọc tiêu của ông được trên 3 năm tuổi và cho thu hoạch. Cuối năm 2015, ông thu được 800 kg tiêu khô, bán với giá 220.000đ/kg. 

Ông Dương Thanh Bình bên vườn “tiêu ôm tràm” xanh tốt của gia đình.

Theo ông Bình, một nọc tiêu từ 5 - 6 năm tuổi có thể thu hoạch từ 4-5kg tiêu khô và trên nữa thì thu hoạch từ 6-7kg tiêu khô. Thông thường một nọc tiêu có thể thu hoạch trên 20 năm, khi đó còn có thêm nguồn thu từ cây tràm. Theo tính toán của ông Bình, chi phí cho một nọc tiêu từ khi trồng đến cho thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6.000 đồng), cây tràm (20.000 đồng), tiền công lên liếp, phân bón khoảng 100.000 đồng. Sau ba năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1-2kg tiêu khô, đủ lấy lại vốn.

Có thể nói, mô hình này phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, chỉ cần một đến hai công đất trồng tiêu, thì chẳng những có cơ hội thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, để nhân rộng mô hình này, trước tiên các huyện có đất bị nhiễm phèn cần tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi, trên cơ sở tổ chức cho bà con tham quan thực tế mô hình “tiêu ôm tràm”. Song song đó, để hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp chuyển sang mô hình này thì có thể lồng ghép vào Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh. 

Trong đề án này, người dân sẽ được hỗ trợ vay 70% tổng nhu cầu vốn cho mô hình sản xuất và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất trong hai năm đầu. Mặt khác, trong chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp giai đoạn 2016-20 20 của tỉnh cũng đã có chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, trong đó chú trọng mô hình tràm - tiêu để nhân rộng ở các địa phương có đất phèn.

Đức Văn
.
.
.