Thoải mái ăn thịt rừng giữa lòng TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 22/08/2007, 12:20
Nổi tiếng trong giới cung cấp động vật hoang dã cho các nhà hàng tại TP HCM phải kể đến Đ. "mập". Gom hàng từ các đầu mối ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, Đ. "mập" có hẳn một kho đông lạnh chứa thịt thú rừng loại quý hiếm ở một huyện ngoại thành...

Chỉ thị số 22/2007/CT về "tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" đã có hiệu lực. Theo nội dung của chỉ thị này những người mua bán, nuôi động vật hoang dã trái phép có thể bị xử lý hình sự.

ĐVHD từ hè phố đến nhà hàng

Theo qui định của Chính phủ, những loại động vật rừng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng thuộc nhóm I B là những động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, môi trường và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nên nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Còn những loại động vật thuộc nhóm II B thì hạn chế khai thác vì mục đích thương mại do quần thể động vật này còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Thế nhưng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thực trạng mua bán, sử dụng ĐVHD quý hiếm vẫn diễn ra ào ạt, bất chấp những qui định của Nhà nước.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở khu vực trung tâm quận 1 lâu nay vẫn còn tồn tại chợ tự phát nằm trên đường Phạm Viết Chánh chuyên bán các loại động vật rừng như nai, heo rừng, mễn, cheo, chồn hương…

Cách chợ này không xa, trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn trước dinh Thống Nhất, hàng ngày luôn có gần chục người bày bán rùa, rắn, sóc… như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Một điểm khác cũng thường xuyên diễn ra cảnh mua bán ĐVHD nằm trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài. Tại đây, chúng tôi phát hiện 1 thanh niên đi xe gắn máy biển số tỉnh Tây Ninh đang giao hàng cho một số khách hàng là chủ các quán nhậu.

Số lượng động vật sau khi bỏ mối còn lại gồm 1 con chồn hương, gần 10 kg rắn, nhiều tay gấu để trong thùng đá và một bộ pín cọp. Chúng tôi được người thanh niên tiếp thị bằng cách trao một danh thiếp mang tên T.L., ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

L. cho biết anh ta lấy hàng từ biên giới Campuchia sau đó tự mang đến TP Hồ Chí Minh để bỏ mối và bán lẻ. Anh ta đảm bảo, nếu tôi đặt trước bất cứ loại thịt quý hiếm nào anh ta cũng có, tất nhiên càng qúy thì giá tiền càng cao. Trước mắt, anh ta cho biết mình còn nguyên một con gấu đông lạnh đang để ở Tây Ninh, nếu chúng tôi muốn mua anh sẽ bán cho giá rẻ…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những điểm mua bán thịt rừng ở vỉa hè, chợ búa hoặc bán dạo chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Những kẻ kinh doanh thịt thú rừng chuyên nghiệp đều trở thành những đại gia thực thụ, dưới trướng có hàng chục nhân viên làm nhiệm vụ phân phối, vận chuyển. Nổi tiếng trong số này là Đ. "mập", ngụ ở phường 18, Tân Bình nay thuộc quận Tân Phú.

Cách đây hơn 2 năm, Đ. từng nhiều lần bị lực lựơng kiểm lâm, quản lý thị trường phát hiện mua bán, tàng trữ hàng trăm kg thịt ĐVHD nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy.

Hiện tại Đ. "mập" phối hợp với một đại gia khác ở Củ Chi chuyên mua ĐVHD quý hiếm của các đầu mối ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ. Đ. "mập" có hẳn một kho đông lạnh để chứa thịt thú rừng loại quý hiếm ở một huyện ngoại thành.

Việt Nam là một trong những quốc gia mà còn nhiều người dân ý thức rất kém trong việc bảo tồn các loại động vật hoang dã qúy hiếm. Đặc biệt hơn, một bộ phận người dân (nhất là những người giàu có) còn có tư tưởng chết người là hễ loại động vật nào quý hiếm là tìm mọi cách ăn cho bằng được.

Một phong trào đáng báo động hiện nay là nhiều người tìm ăn những thứ đặc sản qúy hiếm như tê tê (trút), vích, trăn, kỳ đà, rắn hổ mang chúa, cá sấu nước lợ, nước ngọt… và họ đã xơi một cách rất dễ dàng vì những loại thịt này có mặt ở hầu hết các quán nhậu lớn trong nội và ngoại thành TP Hồ Chí Minh.

Nổi tiếng hơn cả ở nội thành là hệ thống quán H.R., tuy trong thực đơn không có thức ăn được chế biến từ thịt thú rừng nhưng nếu bạn gọi nhiều loại thịt của động vật quý hiếm thì nơi đây đều đáp ứng được.

Tương tự, ở quận Thủ Đức có quán T.H., H.T.; quận Tân Bình có S.R.; quận 12 có quán Th.Tr. ở Thạnh Xuân, H.H. ở Trung Mỹ Tây; Bình Tân có B.C.M.; Gò Vấp có N.R. chuyên về thịt rắn các loại; khu bán đảo Thanh Đa, Bình Thạnh thì có B.Tr., Tr.K…

Mặc dù chẳng có ai biết đích xác mỗi ngày các quán xá ở TP Hồ Chí Minh tiêu thụ bao nhiêu kg thịt ĐVHD trong danh sách nghiêm cấm và hạn chế khai thác sử dụng nhưng chắc chắn sẽ là một số lượng khổng lồ.

Riêng về cá chìa vôi sông, một loài ĐVHD quý hiếm nằm trong nhóm I B đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhiều quán nhậu vẫn ngang nhiên dựng bảng quảng cáo loại cá này. 

Chỉ thị cần cụ thể hơn để thực thi hiệu quả

Xuất phát từ tình trạng mua bán, nuôi nhốt, chế biến trái phép ĐVHD diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn nên ngày 10/8/2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 22/2007/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát triển các loài ĐVHD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, chợ, địa điểm kinh doanh, các khu dân cư… để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển, nuôi, chế biến, quảng cáo trái phép ĐVHD.

Địa phương nào để tồn tại các tụ điểm kinh doanh trái phép ĐVHD thì chủ tịch UBND phường, xã bị xử lý trách nhiệm. Ngoài ra, chỉ thị này còn nghiêm cấm mọi hình thức quảng cáo việc kinh doanh ĐVHD hoặc sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Nghiêm cấm việc nuôi nhốt, nuôi thả ĐVHD trái phép với bất kỳ mục đích gì ở các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, các khu di tích lịch sử, văn hóa, trong khuôn viên các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong đơn vị Quân đội, Công an, trụ sở các doanh nghiệp.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, UBND TP còn yêu cầu Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo các phòng nghiệp vụ ngừng cấp phép sử dụng súng săn các loại; rà soát thu hồi những giấy phép sử dụng súng săn đã cấp.

Chỉ thị này thể hiện quyết tâm cao của TP Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ ĐVHD trên địa bàn quản lý. Song dư luận cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc thực thi chỉ thị thế nào để đạt được hiệu quả vì trước khi TP Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị này đã có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng nhiều văn bản dưới luật cũng nghiêm cấm khai thác, sử dụng ĐVHD và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Song, người bị xử lý hình sự trong trường hợp này thì chỉ đếm trên đầu ngón tay đã không đủ sức để răn đe. Mặt khác, qua thực tế cho thấy, các quyết định, chỉ thị càng rõ ràng, cụ thể thì càng dễ vận dụng nên UBND TP Hồ Chí Minh cần có hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện chỉ thị này

M.T.P. - B.P.
.
.
.