Nhiều tỉnh phía Nam:

Thiếu máu, dịch truyền điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Thứ Tư, 13/10/2010, 10:58
"Nếu không có biện pháp kịp thời khống chế được số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP HCM xuống dưới 450 ca/tuần như hiện nay thì nguy cơ tới cuối năm 2010 số ca SXH dồn về BV thành phố sẽ lên từ 2000 -3000 ca/tuần vì đỉnh dịch SXH đã có dấu hiệu kéo dài cho tới tháng 11".

Ông Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòngNghiệp vụ y Sở Y tế  (SYT) TP HCM báo cáo với Cục trưởng Cục Quản lý và Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê vào chiều 12/10 tại cuộc họp khẩn với ngành Y tế TP và các bệnh viện (BV) chuyên ngành về dịch SXH. Cũng theo ông Nghiệm, dịch SXH trong TP hiện căng thẳng theo mật độ mưa. Bên cạnh đó, tình trạng triều cường phức tạp xảy ra ở một số khu vực trong TP làm cho việc khống chế dịch rất khó khăn với nhiều ca bệnh cảnh nặng do không được phát hiện sớm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, theo chỉ đạo bệnh viện đã liên tục cử những đoàn BS phối hợp tuyên truyền cũng như tập huấn cho giáo viên các trường Mầm non, Tiểu học về bệnh SXH.

Tuy nhiên số ca trẻ mắc SXH năm nay vẫn diễn tiến bất thường. Nhiều ca khi đưa vào bệnh viện, tay chân đã lạnh ngắt. Rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, tụt tiểu cầu, xuất huyết trầm trọng. Trong đó chủ yếu là bệnh Nhi được chuyển lên từ Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre.

Từ đầu năm tới nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 3.370 ca bệnh nhi SXH trong đó nhiều ca từ tỉnh chuyển lên. Tại đây đã có 5 ca tử vong do SXH. Số ca tử vong 2009 là 15 ca. Hiện trong Khoa Hồi sức cấp cứu của BV này đang có 20 ca nặng, trong đó có 5 ca phải nằm thở máy.

Theo ông Hùng, điều này cho thấy dù đã được trang bị máy móc và tập huấn kiến thức điều trị liên tục ngang tầm như bệnh viện của thành phố nhưng kinh nghiệm điều trị của các BS tuyến dưới về SXH cần phải được chú ý hơn. Trong khi đó theo phản ánh từ nhiều BV tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện ven TP HCM lại đang rơi vào tình trạng thiếu máu cho bệnh Nhi, thiếu tiểu cầu nhất là cho những ca nặng khi bị rối loạn đông máu, hay xuất huyết.

Rất nhiều trường hợp để cứu sống bệnh Nhi, các bệnh viện đã phải đề đạt với bệnh viện khác để xin máu, mua tiểu cầu về điều trị cho bệnh Nhi. nhiều ca từ tỉnh đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng vừa phải di chuyển, vừa lọc máu liên tục cho bệnh Nhi.

Bệnh Nhi sốt xuất huyết nặng được chăm sóc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho hay, BV này hiện cũng đang rơi vào tình trạng như Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca bệnh Nhi SXH nhập viện trong tháng 9 và đầu tháng 10 tới nay tăng vọt. Nhiều ca có những triệu chứng lâm sàng lạ, đa dạng, suy đa phủ tạng, suy hô hấp… dễ chẩn đoán lầm khiến công tác điều trị cực kỳ khó khăn.

Ông cũng cảnh báo hiện nay do chi phí mua NS1 (loại hóa chất nhập khẩu dùng trong xét nghiệm chẩn đoán SXH) còn quá cao, gây khó khăn cho các bệnh viện tuyến dưới. Điều này cần được Bộ Y tế nhanh chóng nghiên cứu để có thể nhập loại hoá chất này có giá thấp hơn, để các tuyến dưới và bệnh viện quận, huyện có điều kiện làm cho bệnh nhân. Vì thực trạng dịch SXH đang diễn ra cho thấy việc khám sàng lọc bệnh là vô cùng cần thiết. Tránh tình trạng để sót bệnh, hay khi đưa tới bệnh viện tuyến trên đã quá nặng như hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, số lượng bệnh nhân người lớn mắc SXH không nhiều nhưng nặng thì cao hơn năm ngoái. Và tình trạng phải đi xin máu cho bệnh nhân SXH có biến chứng cũng xảy ra tại đây. Gây nên tình trạng căng thẳng khi điều trị bệnh nhân vừa quá tải vì số bệnh nhân tăng, vừa phải điều trị theo dõi bệnh nhân trong bệnh cảnh nặng, dù chưa có ca người lớn SXH nào tử vong trong năm nay nhưng tình hình này khó nói trước.

Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh (KCB) Lương Ngọc Khuê chỉ đạo để "dập tắt các ổ dịch SXH và khống chế những ổ dịch không cho lây lan, giảm thiểu tử vong trong SXH…" là nội dung trong Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ với ngành Y tế trong việc phòng, chống dịch SXH năm nay.

Theo đó, Cục KCB sẽ trực tiếp tổ chức các đoàn công tác xuống thị sát việc chống dịch cũng như điều trị SXH tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên theo ông Khuê, việc nâng cao ý thức của từng người dân là quan trọng nhất. Một mình ngành Y tế không làm nổi.

Đặc biệt để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giảm tỉ lệ tử vong trong SXH, việc quan trọng là phát hiện ra bệnh SXH trong từng giai đoạn một. Các bệnh viện lớn như Nhi Đồng 1, 2, Bệnh Nhiệt đới phải phối hợp chia sẻ kinh nghiệm với các BV tỉnh. Cục KCB sẽ báo cáo về tình trạng thiếu máu, dịch tiểu cầu và việc chi phí về mua hóa chất xét nghiệm trong SXH… để kịp thời hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam

Huyền Nga
.
.
.