Thiếu công cụ hỗ trợ cho người bảo vệ rừng

Thứ Ba, 25/11/2008, 14:45
Những câu chuyện Ban Quản lý rừng đặc dụng kể về tình huống người bảo vệ rừng trang phục như thường dân, không có vũ khí hỗ trợ, đối mặt với lâm tặc cười ra nước mắt. Có lần, trên đường tuần tra họ gặp lâm tặc, khi xử lý lâm tặc cự lại: "Ăn mặc như nhau, cũng dao rựa cầm tay, ai dám chắc các ông là bảo vệ rừng, không chừng cũng là lâm tặc như tụi tôi cũng nên".

Hiện nay, trong số các đơn vị sự nghiệp của TP Đà Nẵng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đà Nẵng là đơn vị có cơ sở hạ tầng và đời sống khó khăn nhất.

3 trạm quản lý bảo vệ rừng của ban này đều heo hút giữa rừng sâu, nhà cửa xập xệ, đến nay chưa có điện. Ngôi nhà lợp tôn cũ gỉ sét, xung quanh thưng ván, nền đất vừa đủ kê 8 chiếc giường gỗ nhỏ cho 8 người đàn ông là cơ ngơi đáng giá nhất của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, giáp với lâm phận xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Ông Trần Văn Ba, Trạm trưởng trạm này cho hay: Cõng được kilôgam gạo từ làng Láy vào đến trạm hơn 10 cây số không đơn giản. Cá khô, nước mắm là đặc sản ở vùng núi xa xôi này. Khổ nhất là đói thông tin. Phương tiện duy nhất nối với thế giới bên ngoài là chiếc radio nhỏ. Có người, khi hay tin vội vã về quê thì người thân qua đời đã nửa tháng. Cơ quan cho người lên báo, lũ cắt mọi ngả không vào được. Anh em ở đây, 2-3 tháng mới ghé qua nhà một lần.

Những câu chuyện họ kể về tình huống người bảo vệ rừng trang phục như thường dân, không có vũ khí hỗ trợ, đối mặt với lâm tặc cười ra nước mắt. Có lần, trên đường tuần tra họ gặp lâm tặc, khi xử lý lâm tặc cự lại: "Ăn mặc như nhau, cũng dao rựa cầm tay, ai dám chắc các ông là bảo vệ rừng, không chừng cũng là lâm tặc như tụi tôi cũng nên".

Rồi có đợt tuần tra vượt qua lâm phận Thừa Thiên - Huế, bị Kiểm lâm bên đó giữ lại, với lý do là bảo vệ rừng phải có công cụ hỗ trợ và trang phục riêng. May mà trong túi ai cũng có thẻ công chức của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng, mới được "tha" về.

Phải nói rằng đời sống đội ngũ bảo vệ rừng ở Đà Nẵng chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, cơ sở hạ tầng của 3 trạm bảo vệ rừng giữa rừng sâu xây dựng cách đây 15 năm chưa nâng cấp, đường sá xa xôi cách trở. Vũ khí trang bị thô sơ và thiếu thốn. Trang phục chuyên ngành chưa có.

Đợt triển khai công tác bảo vệ rừng cuối tháng 8/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính đã đồng ý chủ trương trang bị cho lực lượng này các công cụ hỗ trợ như roi điện, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn cao su, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được.

Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng cho rằng: Hiện nay, ngành nào cũng có trang phục riêng, trong khi lực lượng bảo vệ rừng ở Đà Nẵng thường xuyên đối mặt với lâm tặc vẫn chưa có trang phục riêng và công cụ hỗ trợ, từ đó mà thực thi nhiệm vụ rất khó khăn.

Quy định trang phục riêng và trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng là hết sức cần thiết. Các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng không chỉ triển khai ngay việc quy định trang phục và trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng mà phải chú trọng đầu tư cải thiện đời sống 3 trạm quản lý bảo vệ rừng để những cán bộ, nhân viên sinh sống giữa núi rừng heo hút yên tâm gắn bó với rừng

Nguyễn Cầu
.
.
.