Thiện và Tâm ở trong trái tim

Thứ Hai, 07/04/2008, 09:13
Khu đất rộng hơn nghìn mét vuông ở TP Thái Bình bộn bề đồ đạc, những gian nhà nhỏ nằm rải rác chẳng theo quy hoạch khiến người ta có cảm giác chủ nhân của nó là người dễ dãi. Nhưng, để tiếp cận và có được thông tin về chủ nhân của khu nhà này lại khá khó khăn. Ông từ chối tất cả những ai muốn tuyên truyền về mình, rằng ông không muốn người ta bàn nhiều về việc làm của ông, rằng ông sợ bị người ta nói quá, rằng...

Mặc kệ, chúng tôi vẫn tìm về Thái Bình để hiểu thêm một con người mang trong mình một trái tim nhân hậu. Gặp ông, chứng kiến việc làm của một sĩ quan Công an, điều đọng lại trong chúng tôi là lòng kính trọng, cảm phục và cả sự cảm nhận mới mẻ về hạnh phúc.

Biến bất hạnh thành hạnh phúc

Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy cái hạnh phúc thật giản đơn, thật ấm áp nhưng cũng thật cao cả của người đàn ông đang ở độ chín của cuộc đời - ông Phí Văn Tinh, Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ ATB, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi lang thang ở ngõ 707, đường Lý Bôn, phường Trần Lãm, TP Thái Bình.

56 tuổi, lại nghỉ mất sức, lẽ ra ông phải được hưởng sự an nhàn nhưng trái lại, xung quanh ông lại toàn là những đứa con sơ sinh đang khát sữa mẹ, có đứa chập chững những bước đi đầu tiên...

Sự vất vả, lo toan hằn rõ trên nét mặt khắc khổ. Ông già trước tuổi, nhìn ông khó mà đoán được ông ở tuổi bao nhiêu. Nhưng lẫn trong nước da đen sạm, gương mặt thiếu ngủ đó lại là đôi mắt hiền từ, ánh lên niềm vui khi ông nói về những đứa con của mình - đứa con rơi của người khác. Hạnh phúc của ông bắt đầu từ câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Ông Tinh nguyên là cán bộ Công an về nghỉ mất sức, năm 1990 ông mở tổ sản xuất thủ công, làm đồ mây tre đan, đồ lưu niệm. Năm 1992, tổ sản xuất mang tên mới: Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ông bán hai ngôi nhà do cha mẹ để lại, mua được một mảnh đất rộng 12.000m2 từ khi đất còn rẻ và lấy đó làm trụ sở để lại lập nghiệp với một công việc hoàn toàn mới.

Ông lên xe khách, bôn ba khắp nơi, vào Nam ra Bắc tìm đầu ra, đầu vào cho sản phẩm của mình. Và cơ duyên với trẻ thiệt thòi cũng đến với ông trong thời gian đó.

Trên đường phố, ông bắt gặp 3 đứa trẻ lang thang: đứa đánh giày, đứa chuyên đi ăn mày… Thương chúng sống vất vưởng, ông đón cả 3 đứa về nhà nuôi. Ông tạo cho chúng công việc nhẹ nhàng hợp lứa tuổi: quay sợi.

Thời điểm đó, Thái Bình có khá nhiều trẻ lang thang kiếm sống. Thế nên, sau khi 3 đứa trẻ được ông Tinh đưa về nuôi, nhiều đứa khác biết tiếng cũng xin về. Đó chính là lý do khiến ông thành lập Trung tâm nuôi dạy trẻ lang thang.

Nhưng không giống như trung tâm bảo trợ của Nhà nước, ông chỉ tiếp nhận những đứa trẻ đã mất môi trường gia đình. Ông nuôi chúng, dạy chúng cách làm vườn, cùng chúng nuôi gà, nuôi lợn để trang trải cuộc sống.

Năm 1997, ông xoá Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ để nuôi trẻ vì chúng ngốn thời gian của ông quá nhiều. Và rồi một lần nữa, cuộc đời của ông Tinh lại gắn bó với trẻ sơ sinh như đã định trước.

Năm 2000, có người đẩy một đứa trẻ sơ sinh đến với ông, rồi liên tiếp người ta gọi ông đến nhận trẻ bỏ rơi trong bệnh viện, cổng khu công nghiệp, trên đường phố, ngoài cổng chùa... Để có được số tiền trang trải cho đám trẻ có lúc lên tới 57 đứa, ông Tinh phải cùng gia đình miệt mài lao động, nuôi lợn, nuôi gà.

Rồi có lúc kinh tế gia đình như đi vào ngõ cụt khi cơn bão lớn phá tan chuồng trại. Nợ tiền ngân hàng, ông đành xót xa cắt hơn 9.000m2 đất bán lấy 450 triệu đồng để trả nợ. Tiếp theo, ông thành lập công ty dịch vụ bảo vệ, đó cũng là thế mạnh của một cựu sỹ quan Công an.

Đồng thời, đó là nơi tạo việc làm cho bọn trẻ đường phố khi lớn lên. Một cán bộ Công an Hà Nội về hưu cũng giúp ông đào tạo đội ngũ bảo vệ. Các nhân viên vốn là trẻ lang thang cơ nhỡ, sáng tủa đi các cơ quan, xí nghiệp làm bảo vệ, tối lại tìm về tổ ấm đã cưu mang chúng, các chị gái thì đêm đêm lại ngủ chung với bọn trẻ nhỏ, trông chúng, thay tã cho chúng...

"Tôi là người hạnh phúc"

Cứ nhìn cái cách mà bọn trẻ quấn quýt bên người cha già thì cũng đủ thấy tình thương ông dành cho chúng như thế nào. Bọn trẻ cảm nhận được tình thương đó nên cũng đáp lại với cách thể hiện tình cảm kiểu trẻ thơ: Dụi đầu vào vai, chạy tới ôm chân bố, ghen tị khi bố bế bạn khác, khóc gào lên khi bố ra khỏi ngôi nhà của chúng...

Sau cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Tinh, một bé gái 4 tuổi trắng trẻo chạy tới trèo lên lòng ông nũng nịu. Nhìn cử chỉ mà hai người, một già, một trẻ dành cho nhau, ai cũng ngỡ phải là máu mủ ruột thịt thì mới có tình cảm như thế. Nhưng không, cô bé Phí Hoàng Vân Anh đó lại là đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi vừa mới sinh ra thiếu tháng.

Ông tiếp nhận con bé khi nó mới nặng 1,5kg. Vậy mà sau 4 năm nuôi dưỡng, dành cho nó mọi thứ tốt nhất, Vân Anh đã trở thành cô bé khoẻ mạnh, tới trường mầm non như bao đứa trẻ bình thường khác.

Cậu bé Phí Hoàng Đức Anh đỏ hỏn mà chúng tôi nhìn thấy trên ảnh với khuôn mặt đầy vết muỗi cắn, bỏ rơi tại Khu công nghiệp Đài Tín, giờ đây cũng bụ bẫm, khoẻ mạnh sau 2 năm sống trong tình thương của ông.

Mỗi khi nhận một đứa trẻ về, ông Tinh phải đưa chúng đến Bệnh viện Việt - Pháp khám tổng thể (Bệnh viện hỗ trợ một nửa kinh phí). Không làm được giấy khai sinh ở thành phố cho bọn trẻ, ông về quê ở huyện Đông Hưng, lấy họ của mình khai sinh cho chúng. Bởi vậy mà tất cả những bé sơ sinh ở trung tâm đều có cùng một họ của người đã nuôi dưỡng chúng, được dành điều kiện sống tốt hơn cả bản thân.

Ông đưa ra lẽ sống của mình: "Nếu không chăm sóc tốt bọn trẻ là có tội, cưu mang phải đảm bảo cuộc sống cho chúng". Nhiều người khuyên, gợi ý, muốn kết hợp với ông làm dự án nhưng ông từ chối: "Mình đã tự nguyện làm công việc này thì cũng không muốn kêu gọi sự giúp đỡ hay than vãn vì không có tiền nuôi các cháu. Tự mình phải vận động để kiếm tiền trang trải, bù đắp thiệt thòi về tình cảm cho các cháu".

Ông Tinh có tài sản vô giá với 251 đứa con, 60 nhân viên bảo vệ. Cứ vào dịp Tết, ông lại đưa bọn trẻ đường phố ăn Tết với mình, đón những đứa con đã trưởng thành đi làm ăn xa về... Ngày lại ngày, những đứa trẻ ở Trung tâm nuôi trẻ mồ côi, lang thang của ông Phí Văn Tinh cứ hồn nhiên lớn lên mang đầy đủ tình thương của cha, thừa hưởng lòng tốt của cha, những đứa con ông đã cùng phụ giúp cha công việc xuất phát từ trái tim ấy. Bên ông còn có một phụ nữ lặng lẽ làm nhiệm vụ của người bảo mẫu, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho bọn trẻ.

Chứng kiến bọn trẻ lớn lên trong hạnh phúc và tình thương, ông Tinh bảo: "Tôi không giàu nhưng là người hạnh phúc"

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.