Theo dấu cọp trên núi Pêng Ôi

Thứ Năm, 22/05/2008, 09:41
Đỉnh núi Pêng Ôi sừng sững uy nghi như che chở cho những con người Giẻ Triêng nằm phía sau thung lũng và khá bằng phẳng. Làng Bung Koong (Đăk Glei, Kon Tum) đặt "cứ địa" ngay dưới đỉnh núi Pêng Ôi. Từ xa xưa đến bây giờ, chưa có một ai trong làng bị mất trộm trâu bò. Nhưng trước sự việc mất trâu bò liên tục, bà con đã tổ chức truy tìm hòng xua đuổi không cho cọp tiếp tục "đánh chén" trâu bò của họ, xem kỹ thì khắp nơi trên nền đất in đầy dấu chân cọp.

Cách đây đã 23 năm, cọp cũng từng ghé "thăm" người dân làng Bung Koong, Bung Tôn (xã Đăk BLô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Dạo ấy trên 10 con trâu bò đã phải nộp mạng cho cọp. Người Giẻ Triêng ở đầu cực Bắc Tây Nguyên nghĩ rằng sẽ không còn cảnh tượng đó xảy ra nữa, vậy mà...

Bà Y Nghiệp nắm lấy tay tôi, với nét mặt đầy lo âu nói: "Bây giờ hổ vẫn đang quanh quẩn bên kia cánh rừng, sợ lắm! đêm nằm không dám ngủ...".

"Ghé thăm" thì trâu bò phải nộp mạng!

Chúng tôi có mặt trên đỉnh đèo Lò Xo đường Hồ Chí Minh huyền thoại, rẽ trái chừng 10 cây số, trước mặt chúng tôi là dốc Cổng trời. Đứng trên cổng trời nhìn xuống xa xa là những nếp nhà của người dân Đăk BLô.

Người dân nơi đây hầu hết đều chăn nuôi trâu bò, toàn bộ trâu bò đều được nuôi, nhốt luôn ngoài rừng cách làng hơn một giờ đi bộ. Hằng tuần người dân mới lên thăm đàn trâu bò của mình một vài lần, bà con thường mang theo ít muối cho trâu bò ăn.

Vào khoảng tháng tư, đầu tháng năm, gia đình A Ná, làng Bung Tôn lên thăm thấy thiếu 2 con bò, tưởng chúng đi ăn xa đâu đó và tổ chức đi tìm kiếm nhưng không thấy, rồi gia đình A Sáng, A Pel, A Đảng cũng lần lượt kêu mất trâu bò. Cả làng lại tổ chức đi tìm kiếm, lần này nhà Y Vác "may" hơn là tìm được một nửa con bò mà cọp mới xơi hết một nửa phía sau, thịt bò còn nóng hổi.

Chúng tôi đến thăm nhà A Nan, A Dun, A In, những gia đình có trâu vừa bị cọp vồ trật, vuốt móng của cọp bập vào cổ và chân trước, không hiểu sao những con trâu này lại may mắn thoát chết, nay được chủ nhà dìu tập tễnh đi về làng để chữa trị, vết thương vẫn còn rớm máu tươi.

Chúng tôi có mặt tại làng Bung Koong, đi đâu đều nghe người dân bàn tán về chuyện trâu bò của người làng bị cọp ăn thịt, riêng nhà A Ka có tới hai con. Gặp chúng tôi giọng như mếu AKa nói: "Định bán cặp bò để xây lại cái nhà, nhưng cọp bắt mất thế này thì...".

Theo dấu cọp ba chân trên núi Pêng Ôi!

Đỉnh núi Pêng Ôi sừng sững uy nghi như che chở cho những con người Giẻ Triêng nằm phía sau thung lũng và khá bằng phẳng. Như ngầm thỏa thuận Bung Tôn dùng bãi bên phải làm nơi chăn thả trâu bò, còn làng Bung Koong đặt "cứ địa" ngay dưới đỉnh núi Pêng Ôi.

Cách xa làng chừng 4-5 cây số, nhưng từ xa xưa đến tận bây giờ, chưa có một ai trong làng bị mất trộm trâu bò. Nhưng trước sự việc mất trâu bò liên tục (trên 15 con), bà con đã tổ chức đi truy tìm hòng xua đuổi không cho cọp tiếp tục "đánh chén" trâu bò của họ, xem kỹ thì khắp nơi trên nền đất in đầy dấu chân của cọp.

Hầu hết người dân gặp chúng tôi đều tả lại qua dấu chân của cọp để lại, thì đây là một con cọp chỉ có ba chân, có người còn khẳng định ngoài một con lớn, thì còn một con nhỏ đi cùng. Đây là một con cọp khá lớn, bởi khi bắt trâu bò thì nó nhấc bổng để tha đi ăn, chứ không phải kéo rê dưới đất, bởi tại hiện trường cây cỏ xung quanh không hề bị đập nát, hoặc nghiêng ngả. Sức ăn của chú cọp cũng phải... nể! Có trâu bò gần cả tạ, mà khi bị cọp đánh chén chỉ còn mỗi mấy khúc xương to và cái đầu.

Tôi được anh A Dem, A Im là những dân quân xã Đăk Blô làm người dân thường lên hiện trường để xem dấu vết của con cọp, nhưng do trời vừa mưa như trút nước xong, nên mọi dấu vết đã bị xóa nhòa. Những ngày này, người dân làng Bung Koong, Bung Tôn đưa hết đàn trâu bò chăn thả ngoài rừng điều mà bao đời nay họ vẫn thường làm, nay phải đưa chúng về buộc quanh nhà.

Giải pháp xua đuổi cọp?

Bí thư Đảng ủy xã Đăk BLô A Ngỗi cho biết, hiện nay toàn xã có trên 700 con trâu bò, trong đợt rét đầu năm 2008 cả xã có 87 con trâu bò bị chết rét. Nay lại đang đứng trước nguy cơ trâu bò bị mất từng ngày do cọp ăn thịt, xã đã làm báo cáo gửi huyện nhằm nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của cấp trên.

Riêng xã đang tìm mọi cách để xua đuổi cọp đi càng xa càng tốt. Bà con trong xã đã tổ chức đi phát quang quanh khu vực nuôi thả trâu bò, theo kinh nghiệm các cụ già truyền lại bằng cách xuống suối bắt con ốc rồi đem đóng chúng vào các cành cây, nghe nói rằng mùi từ ốc bay ra khiến hổ... sợ!

Một số người dân đã dùng thùng phuy đem ra suối, đặt nơi dòng chảy để dùng sức nước gây tiếng kêu, họ cho rằng cọp cũng rất "ngán" nghe tiếng động kiểu này mà bỏ đi xa.

Dân làng Bung Koong, Bung Tôn, xã Đăk BLô đang hoang mang, lo sợ tới cực độ bởi số lượng trâu bò chết và bị thương tăng lên từng ngày. Nhiều người dân còn cho rằng, đàn trâu bò đã đưa về gần nhà liệu cọp có liều mình theo về "hỏi thăm" không và khi ấy tính mạng của người dân cũng rất khó bảo toàn!

Vĩnh Hà
.
.
.