Thêm nhiều thầy, cô giáo ở tỉnh Hà Tây tiếp tục tố cáo gian lận trong thi cử

Thứ Năm, 29/06/2006, 13:30
Có giám thị ở trường Nguyễn Du (Thanh Oai) đi làm thi ở một hội đồng thuộc huyện Mỹ Đức, do làm đúng, làm nghiêm đã bị "khủng bố" bằng mắm tôm, nước bẩn.

Thầy Long năm nay đã 59 tuổi, với 37 năm làm nghề dạy học. Khi biết có nhà báo đến, thầy Đặng Đình Báu - giáo viên Toán THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) và THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội), cô Đặng Thị Chính - giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông), thầy Phạm Khánh Hòa - giáo viên Toán Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) cũng có mặt, cùng thầy Long chia sẻ mọi bức xúc và những nỗi ẩn ức trong thi cử mà họ nhiều năm phải chứng kiến, chịu đựng.

Thầy Long vẫn còn lưu giữ được bài phát biểu "Nỗi buồn thi cử" mà thầy nói ra tại lễ bế mạc Hội đồng giám khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT Hà Tây ngày 18/6/2001, lưu giữ được cả những tấm ảnh chụp thầy đứng cạnh hàng cân "phao" thi do thầy thu lượm được tại hội đồng thi THPT Xuân Mai (những bức ảnh này đã được gửi cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT từ hồi đó - PV). Thầy bảo, đó là những "kỷ niệm buồn", ám ảnh thầy nhiều năm trời.

Thầy cũng không ngờ được rằng, ngày hôm nay, nó lại rất cần cho báo chí và dư luận, là một bằng chứng sống động để chứng minh rằng, những gì người ta đang hoài nghi về kết quả thi tốt nghiệp là hoàn toàn có cơ sở, và một điều quan trọng hơn là nó đang tiếp sức mạnh cho những người thầy giáo tâm huyết như thầy Đỗ Việt Khoa, dũng cảm vạch trần những góc khuất thi cử của ngành Giáo dục.

Thầy Long bức xúc kể hiện tượng gian lận thi cử nhiều năm trước: "Có lần tại phòng thi do thầy Phạm Gia Chiến, giáo viên dạy Lý của trường Trần Hưng Đạo làm giám thị, đề vừa bóc ra được mấy phút thì có người lao vào cướp đề. Tôi làm giám thị phòng thi bên cạnh liền nói với thầy Chiến: "Anh phải lập biên bản ngay".

Mãi nửa tiếng sau, người ta mới lấy lại được đề về. Ai dám chắc là không có hàng trăm bản đề đã được nhân lên. Chúng tôi đau xót lắm nhưng gần như bị bỏ rơi, không ai bảo vệ, can thiệp. Cũng tại Thanh Oai, có giám thị dởm trà trộn được vào phòng thi. Nhưng đau nhất là phải chứng kiến những tiêu cực trong khâu chấm thi mà lâu nay người ta cứ hô hào là chấm đúng quy chế, hai vòng độc lập, có phản biện. Làm trò hết!".

Theo thầy Long, tại nhiều hội đồng chấm thi Hà Tây thời đó đã có hiện tượng đánh phách sai quá nhiều, bỏ quên phách, cắt phách còn nguyên tên trường, thí sinh; rồi xuất hiện cả giấy thi lạ, không cùng loại giấy thi mà Sở GD-ĐT đã độc quyền cung ứng, gây ra vô số hoài nghi (có người cho rằng thí sinh làm bài thi từ nhà, tự cài phách vào).

Theo thầy Long, những sai phạm này xảy ra tại tổ chấm số 4 môn Địa lý do thầy Duy A làm Tổ trưởng và cũng đã có biên bản cụ thể nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông trưởng phòng phổ thông không đưa vào biên bản tổng kết hội đồng chấm. Ngày đó thanh tra viên, giám thị biên kê ghế ngồi ăn dưa hấu, uống nước Cocacola, hút thuốc lào với người lạ xâm nhập vào hội đồng thi. Có lần thầy Long cùng Chánh thanh tra giáo dục Hà Tây - Hà Văn Truy đến hội đồng thi Thanh Oai B. Thầy Truy đạp cửa xông thẳng vào ổ giải đề tập thể, thật trắng trợn vì trong đó có cả lực lượng bảo vệ, phục vụ cùng tham gia.

Không học Sử mà vẫn có điểm tổng kết để đi thi

Thầy Đặng Đình Báu, gần 40 năm đứng trên bục giảng cho biết, khoảng những năm 2000, vợ thầy đi coi thi tại trường Thanh Oai B đã phát hiện: Hầu hết học sinh của trường này cả học kỳ II không học môn Sử, nhưng cuối cùng tất cả vẫn có điểm tổng kết để đi thi.

Thầy Báu đã lên gặp và có văn bản gửi lãnh đạo Bộ, Sở, nhưng cuối cùng sự việc được giải quyết không đâu vào đâu, thầy cũng không nhận được câu trả lời nào bằng văn bản từ cơ quan cấp trên, họ chỉ trả lời thầy bằng… miệng, thậm chí thầy đề nghị họ ký vào sổ những điều thầy vừa ghi chép, họ cũng không ký. Sự việc cứ thế chìm vào quên lãng.

Năm đó thầy Báu làm giám thị ở Hoài Đức B, do làm nghiêm túc nên khi về đến khu Len nhuộm Hà Đông, thầy đã bị một tốp người xô đẩy, đấm đá, nhưng cũng không ai đứng ra bảo vệ, giải quyết.

Còn cô Đặng Thị Chính, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo cho chúng tôi biết: "Năm nào tôi cũng đi trông thi, nhìn vẻ ngoài các phòng thi bình yên lắm nhưng bên trong thì thật khủng khiếp: Trò chép tài liệu, thầy giải đề cho trò chép. Có lúc chán quá, tôi định "mũ ni che tai". Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình không nói thì sẽ chẳng có ai nói. Thế mới có những người như anh Khoa, anh Long, tôi cảm phục họ vô cùng".

Ngay tại địa bàn thị xã Hà Đông nhỏ bé hiện đã có rất nhiều thầy, cô giáo đang ủng hộ thầy giáo Nguyễn Thượng Long, Đỗ Việt Khoa. Đó là các thầy Nguyễn Thanh Nhàn, Đoàn Phan Anh - giáo viên Trường THPT Quang Trung, thầy Kiều Văn Chất, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn và một số giáo viên đã về hưu của ĐH Lâm nghiệp (thị trấn Xuân Mai). Họ sẽ không đơn độc. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Hà Tây, Sở GD-ĐT Hà Tây cần phải xử lý thật nghiêm những tiêu cực thi cử ở Hà Tây để làm bài học cho toàn quốc.

Ngày 28/6, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây (người được giao nhiệm vụ phụ trách khâu chấm lại bài thi tốt nghiệp THPT của ba hội đồng thi Phú Xuyên A, Đồng Quan và THPT dân lập Xuân Mai) cho biết: Từ chiều 27/6, công tác chấm lại đã bắt đầu với gần 50 bài thi/môn. Sẽ có khoảng 1.500 bài thi được chấm lại ở 5 môn thi tốt nghiệp.

Riêng môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm do máy chấm nên Sở GD-ĐT đang xin ý kiến Bộ phương án chấm như thế nào. Giáo viên chấm lại được chọn từ các trường THPT trong tỉnh Hà Tây.

Ông Hiếu khẳng định, việc chấm lại hiện chưa có khó khăn gì và sẽ chấm theo đúng quy chế hai vòng độc lập. Tuy nhiên, ông Hiếu từ chối trả lời về kết quả chấm ban đầu. Điều dư luận băn khoăn là với số lượng bài thi không quá nhiều như vậy, vì sao Bộ không tổ chức một hội đồng chấm và lấy giáo viên từ tỉnh ngoài, để đảm bảo sự khách quan, thực chất...

Thu Phương
.
.
.