Thế nào là “dư lưọng kháng sinh” trong tôm, cá?

Thứ Ba, 06/12/2005, 08:53
Vừa qua, Chuyên đề ANTG nhận được điện thoại của ông Trần Văn Tâm, đại diện một số gia đình nuôi cá bè ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, và ông Lê Thanh Dùng, ở An Giang, hỏi: "Thế nào là dư lượng kháng sinh Chloramphenicol và Quinolon, Fluoroquinolon trong tôm, cá và khi tôm cá có nguy cơ bị bệnh thì chữa bằng cách nào?". 

Kháng sinh là gì?

Theo định nghĩa của Từ điển Dược lý học, thì kháng sinh là các chất lấy từ vi sinh vật, hoặc tổng hợp bằng phương pháp hóa học, có khả năng ức chế sự phát triển của vi trùng, hoặc tiêu diệt chúng mà chỉ cần đến một liều lượng rất nhỏ. Đặc tính chọn lọc của kháng sinh là làm tổn hại đến quá trình chuyển hóa, sinh sản của vi trùng gây bệnh nhưng không, hoặc ít ảnh hưởng đến cơ thể người, các loài vật khi sử dụng.

Những năm đầu thế kỷ XX, kháng sinh lần đầu tiên được biết đến bởi một nhà hóa học người Đức, là Tiến sĩ Paulus Ehrlich, khi ông chứng minh chất Arsphenamine có khả năng chữa lành bệnh giang mai. Đến năm 1929, một bác sĩ người Anh là Fleming tìm ra chất Penicilline rồi năm 1935, Domagk khám phá ra chất Sulfonamides. Từ đó kéo dài đến tận ngày nay là kỷ nguyên huy hoàng của kháng sinh trong điều trị tất cả các bệnh nhiễm trùng.

Thế nào gọi là thủy sản có chưa Quinolon, Fluoro Quinolon?

Trở lại câu hỏi của ông Trần Văn Tâm và ông Lê Thanh Dùng về các kháng sinh có tên Chloramphenicol, Quinolon và Fluoroquinolon. Là một chất thuộc thể rắn được chế tạo từ một loại nấm, rất đắng, rất bền vững trong axít và trong nhiệt độ cao, Chloramphenicol thường được dùng để chữa bệnh thương hàn, bệnh viêm màng não, bệnh Rickettsia, các bệnh do cầu trùng "Gram âm" (Gram -) gây ra. Khi người bệnh uống, hoặc chích Chloramphenicol, thuốc đi vào các mô, kể cả dịch não tủy. Tuy nhiên, Chloramphenicol được sử dụng rất hạn chế vì nếu dùng dài ngày, nó có thể gây ra chứng không tái tạo máu dẫn đến chết người.

Trong nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi tôm, có bà con nông dân do chưa hiểu biết đầy đủ khi thấy tôm bị bệnh, nhất là bệnh nấm trên thân đã tự ý mua Chloramphenicol (đóng trong chai 250ml do nước ngoài sản xuất) về trộn vào thức ăn, hoặc hòa loãng với nước rồi đổ xuống vuông tôm. Đúng là sau khi cho tôm ăn thức ăn có Chloramphenicol, hoặc đổ Chloramphenicol vào vuông tôm thì chỉ sau một thời gian ngắn, tôm khỏi bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài Chloramphenicol sẽ tích lũy trong thịt tôm và khi nó vượt quá mức tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho phép thì lợi bất cập hại.

Cũng như Chloram- phenicol, với chất Quinolon, Fluoroquinolon, sau khi kháng sinh ra đời, cứu sống hàng trăm triệu con người, thì xuất hiện hiện tượng kháng thuốc. Sở dĩ có điều này là vì vi trùng, sau một thời gian tiếp xúc với kháng sinh (nhất là kháng sinh không đủ liều lượng để tiêu diệt nó, hoặc kháng sinh không phù hợp với cơ chế tiêu diệt nó), thì vi trùng trở nên thích ứng và thuốc dường như không có tác dụng với những thế hệ vi trùng sinh ra tiếp theo.

Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đề ra biện pháp “kháng sinh dự trữ” (là những loại kháng sinh mới, có tầm hoạt động rộng, rất cần thiết cho việc điều trị trong các trường hợp mà các loại kháng sinh khác đã vô tác dụng), và Quinolon, Fluoroquinolon nằm ở nhóm “kháng sinh dự trữ này”. Nó thường được biết đến dưới tên thương mại là Ciprofloxacin, Enoxacin, Levofloxacin, Ofloxacin, Norfloxacin, Lomefloxacin... trong đó, nhóm Fluoroquinolon thế hệ thứ ba, ra đời vào năm 1999, như Trovafloxacin, Levofloxacin..., rất dễ khuếch tán vào tế bào, đặc biệt là xương, tiền liệt tuyến, dịch não tủy. Cũng theo WHO thì nhóm Fluoroquinolon được xem là “vũ khí cuối cùng” để điều trị các bệnh nhiễm trùng trong giai đoạn hiện nay.

Điều nguy hiểm của việc tôm, cá có chứa dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Quinolon, Fluoroquinolon là: Với thành phần rất nhỏ, tưởng như vô hại, nhưng khi người tiêu dùng ăn vào và ăn thường xuyên sẽ dẫn đến hệ quả là cơ thể xuất hiện những loại vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Rồi khi người đó mắc các bệnh nhiễm trùng, phải cần đến Chloramphenicol hoặc Fluoroquinolon để điều trị, thì hầu như không có tác dụng.

Vì thế, bà con nuôi tôm, cá basa... mỗi khi vật nuôi bị bệnh, nên tham khảo ý kiến của các ngành chức năng như Thủy sản, Thú y để được hướng dẫn cụ thể cách chữa trị. Tuyệt đối không tự tiện mua kháng sinh - dù bất cứ loại gì để tự điều trị cho tôm, cá. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần kiểm tra thường xuyên mặt hàng thủy hải sản nuôi trồng, để tránh trường hợp sản phẩm có chứa dư lượng kháng sinh được tung ra thị trường không có lợi cho việc tiêu dùng và ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín của nhiều người nuôi tôm, cá theo đúng phương pháp vệ sinh khoa học

Vũ Cao
.
.
.