Thầy trò ở tuổi xưa nay hiếm

Thứ Bảy, 07/01/2006, 06:45

Thầy giáo đứng trên bục giảng mặc comple, đi giày bata. Học sinh râu tóc bạc phơ, đeo kính lão dầy cộp. Quy chế hoạt động của lớp có đoạn ghi: "Những khi yếu mệt và thời tiết khắc nghiệt, các cụ nên liệu sức cho vừa phải, tránh mọi sự đáng tiếc xảy ra"...

Một lớp học với các học sinh gọi nhau bằng "cụ", nhưng sự xuất hiện có vẻ như khập khiễng, "ngược đời" như thế lại là một minh chứng của chủ trương xã hội hóa giáo dục ở Bắc Ninh.

Một giờ ở lớp học cụ già

Ông Nguyễn Tiến Chấn, Chủ tịch Hội Khuyến học và ông Nguyễn Hồng Phùng, Hội trưởng Hội Hán Nôm huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa chúng tôi đến thăm một lớp học Hán Nôm vào chiều cuối cùng của năm 2005. "Lớp học trung tâm" đào tạo nguồn giảng viên cho các lớp khác và cũng là lớp học chữ Hán Nôm lâu năm của huyện, học nhờ địa điểm của Trường Tiểu học Ninh Xá, huyện Thuận Thành.

Theo danh sách, lớp có 37 học viên nhưng vào ngày cuối năm, việc cỗ bàn, họ hàng nhiều nên một số cụ phải nghỉ học. Hơn 20 học viên cắm cúi đưa nét bút vạch lên, vạch xuống, sang ngang. Từng cột chữ hiện dần lên trang giấy trắng, theo từng nét phấn trên tấm bảng xanh của thầy giáo già.

Giờ học Hán Nôm ở huyện Thuận Thành.

Thầy Nguyễn Danh Hán năm nay đã ngoài 70 tuổi, mái tóc bạc phơ, dáng người rắn rỏi, nhanh nhẹn và nụ cười thường trực trên môi. Học sinh ở đây được gọi là học viên, thầy giáo gọi là giảng viên. Các thầy giáo dạy Hán Nôm ở Thuận Thành như thầy Hán vốn chỉ biết chữ Hán Nôm qua thầy đồ xưa chứ không phải là giáo viên hoặc qua các lớp đào tạo chuyên nghiệp. Không giống như các lớp học thầy đồ xưa ngồi chiếu viết bút lông, lớp học Hán Nôm này ngồi bàn học sinh, viết bút bi trên vở ô ly.

Ngay bàn một, cụ Nguyễn Tiến Như, 73 tuổi, ở thôn Lê Xá, xã Nguyệt Đức, cắm cúi ghi chép. Bàn tay run run, đôi mắt mờ đục dưới cặp kính dầy dễ tới nửa centimét vẫn kiên nhẫn nhấn từng nét bút. Phía sau cụ Như là hai cụ già có tuổi cao nhất lớp, đều đã ngoài 80. Các cụ tâm sự: "Chúng tôi học để biết, học để làm gương cho con cháu và học theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9, cần gì học lấy, không phân biệt lứa tuổi".

Chăm chú không kém các "học trò" tóc bạc, học viên trẻ nhất lớp Nguyễn Thanh Toàn ở xã Gia Đông, ngồi khép nép dưới bàn cuối. Anh chọn chỗ này cũng bởi đôi mắt còn tinh, nhường bàn gần cho các học viên già. Năm nay Toàn 32 tuổi, đã có một cậu con trai lên 5. Trả lời về mục đích theo học chữ Hán Nôm, Toàn tâm sự: "Tôi đi nhiều nơi, thăm đền chùa mà không biết người ta ghi gì trên đó. Văn tự cổ của dân tộc mình mà không đọc và không hiểu được thì tôi thấy rất buồn. Vả lại, tôi cũng muốn học để làm gương cho con sau này".

Khi tấm bảng đã kín những cột chữ, thầy giáo Hán xuống từng bàn học viên kiểm tra và sửa sang từng nét chữ. Giờ nghỉ giải lao, các cụ quây quần bên ấm trà nóng, đàm đạo chuyện đời, chuyện văn thơ. Được tham gia lớp học, được chứng kiến niềm say mê kiến thức của các cụ, tôi nhận thấy cuộc sống thật thanh thản và có ý nghĩa biết bao.  

Bắt đầu từ một chữ "tâm" 

Ông Nguyễn Tiến Chấn khẳng định, tất cả sự ham học, ham dạy học của 162 học viên và 12 giảng viên đều có điểm xuất phát từ một chữ "tâm". Trò "tâm huyết học", thầy "tâm huyết dạy" là làm được tất cả. Mọi khó khăn để thành lập và duy trì lớp học chỉ còn là thứ yếu. Ban đầu lớp học được thành lập với ý tưởng của cụ Dương Xuân Hải (nguyên là cán bộ xã) khi đã sắp bước sang ngưỡng cửa của tuổi 80. Rằm tháng Giêng năm Nhâm Ngọ 2002 là ngày khai giảng lớp học Hán Nôm đầu tiên và người thầy giáo đầu tiên cũng không ai khác là cụ Hải. Rồi sau đó, lớp học cứ thế phát triển dưới sự quản lý của Hội Hán Nôm và Hội Khuyến học huyện. Đến nay, Hội đã khai giảng được 8 lớp ở 15 xã, thị trấn trong huyện, nhiều học viên ở các tỉnh lân cận cũng tham gia, có nhiều học viên là cán bộ, công chức Nhà nước. Trong đó có 10 cụ trên 80 tuổi, số còn lại ở độ tuổi 60-70. Học viên nhiều tuổi nhất 90 tuổi (cụ Phạm Văn Nhỡ ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông), trẻ nhất 22 tuổi.

Tham gia lớp học, mỗi học viên phải đóng 10.000 đồng tiền quỹ lớp để mua sách vở, bút phấn, chè, nước... Ngoài ra, lớp học không có một nguồn tài trợ nào. Cũng vì cái tâm với chữ thánh hiền, thiết tha với văn hóa dân tộc mà các giảng viên ở đây không lấy một đồng lương. Sau nhiều năm hoạt động, đợt tổng kết năm học 2004, các học viên mới gom góp tiền mua tặng thầy giáo một chiếc phích nước Rạng Đông. Sách học cũng không đủ tiền để mua nên cả huyện mua một bộ sách mang về phôtô cho từng cụ cho rẻ. Khó khăn là vậy mà chẳng thầy giáo, học viên nào kêu ca, phàn nàn. Chỉ thấy một lòng quyết tâm học, "học chỉ có điểm bắt đầu chứ không có kết thúc" - các cụ khẳng định với tôi như vậy.

Thật đáng quý khi bắt gặp những học viên tuổi "cổ lai hy" vẫn chăm chỉ đạp xe gần chục kilômét đến trường đúng giờ và đầy đủ. Những học viên già yếu, đường xa không tự đi được thì có con cháu đưa. Trường hợp của cụ Như là một điển hình. Cụ tham gia lớp học từ những ngày đầu thành lập. Nhà cụ cách lớp học 8 cây số. Do mắt kém, điều kiện sức khỏe, cụ không tự đến lớp được nên hàng tuần con cháu thay nhau đưa cụ đi. Cả gia đình ai cũng phấn khởi.

Rằm tháng Giêng tới sẽ kỷ niệm 4 năm ra đời lớp học đầu tiên ở Thuận Thành. Có thể trên cả nước có nhiều lớp học cao tuổi như thế nhưng việc hoạt động theo quy mô, tổ chức chặt chẽ theo Hội Khuyến học, Hội Hán Nôm và theo giáo trình của Bộ môn Hán Nôm Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì có lẽ chỉ có ở Thuận Thành.

Giáp Tết Nguyên đán, khi những người trẻ tuổi đang bươn bả bận rộn với tiền, hàng Tết thì các cụ, những người thuộc thế hệ có thể tự cho phép mình "mũ ni che tai" lại gặp gỡ nhau, tìm những câu đối hay, nêu cao tấm gương học hành cho con cháu. Âu đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam, của xứ Kinh Bắc nổi tiếng và ước mong khôi phục vốn cổ lâu nay bị mai một. Còn gì ý nghĩa hơn khi những ngày sum họp gia đình đón năm mới, con cháu quây quần quanh ông bà nghe giảng giải về câu đối, nghe những tích cổ, bài thơ hay... Xuân đang tới gần, mang theo tín hiệu vui cho thế hệ trẻ xứ Kinh Bắc về món quà hiếu học của cha ông

Việt Hà
.
.
.