Thấy gì qua vụ phẫu thuật gây chết người của bác sĩ Lê Hùng?

Thứ Bảy, 25/02/2006, 09:20

Vừa qua, dư luận tại TP HCM đã xôn xao về việc một thiếu phụ đến phòng mạch riêng của bác sĩ Lê Hùng để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, và tử vong mà nguyên nhân ban đầu được chẩn đoán là do sốc thuốc gây mê.

Đây không phải trường hợp tử vong đầu tiên xảy ra tại phòng mạch tư của các bác sĩ. Vì vậy, làm sao để trong tương lai, những chuyện đau lòng như thế được hạn chế đến mức tối đa...

Theo những thông tin chúng tôi ghi nhận được, thì ngày 3/2/2006 (mùng 6 tết), chị Văn Thị Bích Thủy, 41 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, đến phòng mạch tư của bác sĩ Lê Hùng, số 52 đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM, để tiến hành phẫu thuật lấy túi nâng ngực (do lớp màng silicon bao bên ngoài phần nước muối đã bị lão hóa), mà chị đã đặt trước đó.

Hiện đang công tác tại Bệnh viện Bình Dân, chuyên khoa Ngoại tổng quát, bác sĩ Lê Hùng được giới chuyên môn trong cơ quan đánh giá tay nghề là thường thường bậc trung, và từ trước đến nay, theo tường trình của bác sĩ Lê Hùng với cơ quan chức năng, thì ông chưa hề tiến hành một ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực nào.

Nói một cách công bằng, phẫu thuật để lấy túi nước muối dùng trong việc nâng cao bộ ngực là một phẫu thuật tương đối đơn giản vì nó không can thiệp sâu vào các bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, cái sai của bác sĩ Lê Hùng ở đây, là làm phẫu thuật tại phòng mạch tư mà chức năng không có trong giấy phép hành nghề và quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM tiến hành kiểm tra, thì phát hiện phòng mạch tư của bác sĩ Hùng đã vi phạm một số quy chế về hành nghề y dược tư nhân.

Trở lại chuyện phẫu thuật cho chị Văn Thị Bích Thủy, sau khi kiểm tra tim mạch, huyết áp, bác sĩ Hùng cùng bác sĩ Hạnh (chuyên khoa Gây mê hồi sức ở BV Bình Dân), và bác sĩ Tâm (đang đi học sơ bộ chuyên khoa tại Đại học Y Dược TP HCM), tiến hành làm tiền mê cho bệnh nhân rồi sau đó, gây tê cục bộ vùng phẫu thuật. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, thì bác sĩ Hùng, bác sĩ Tâm và bác sĩ Hạnh đã sử dụng 3 loại thuốc phối hợp, tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch bệnh nhân.

Thông qua một bác sĩ ở BV Bình Dân, chúng tôi đã nhờ liên hệ với bác sĩ Hùng để biết thêm chi tiết nhưng không thấy bác sĩ Hùng hồi đáp. Tuy nhiên, một bác sĩ trong ngành gây mê hồi sức nhận định, rằng ca phẫu thuật này có thể đã sử dụng phương pháp cocktail lytic để tiền mê, và 3 loại thuốc trên, khả năng là Promethazin, Pipolphen và Dolargan.

Sau khi tiến hành tiền mê rồi gây tê cục bộ vùng ngực, bác sĩ Lê Hùng, với sự trợ giúp của bác sĩ Tâm và bác sĩ Hạnh, đã bóc tách túi nước muối ở một bên ngực thì bất ngờ, chị Thủy có dấu hiệu sốc thuốc qua các biểu hiện co giật, khó thở, tím tái, huyết áp tụt. Có lẽ do mất bình tĩnh - và cũng có lẽ do thiếu hẳn những phương tiện cấp cứu cần thiết, nên bác sĩ Hùng đã vội vã chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Sài Gòn. Đáng tiếc thay, do sốc phản vệ, chị Văn Thị Bích Thủy đã tử vong sau đó, mặc dù các bác sĩ ở BV Sài Gòn đã hết lòng cứu chữa.

Trong điều trị y khoa, sốc thuốc không phải là chuyện lạ. Ngay cả những loại thuốc tưởng như vô hại như Vitamine B1, hoặc Vitamine C, khi tiêm vào vẫn có thể gây chết người như thường, chứ nói gì đến thuốc tiền mê, là những loại thuốc độc bảng A. Bên cạnh đó, không phải cứ tiêm loại thuốc X, Y, Z nào đó nhiều lần mà không sốc, thì có nghĩa là sẽ không bao giờ sốc bởi lẽ y học đã ghi nhận rất nhiều trường hợp sốc, khi tiêm đến mũi thứ 11, 12. Theo pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, thì phòng mạch riêng của các bác sĩ, được phép sử dụng 59 loại thuốc cấp cứu nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cả 59 loại đều... an toàn.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế TP HCM khi trao đổi với chúng tôi, đã nói: “Nếu xảy ra sốc phản vệ khi bác sĩ tiêm cho bệnh nhân 1 trong 59 loại thuốc này, thì vấn đề là bác sĩ có làm hết sức mình để cứu bệnh nhân hay không”. Cũng theo bác sĩ Nghiệm, trên toàn địa bàn TP HCM, chỉ có 40 cơ sở y tế tư nhân được phép tiến hành làm phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng chỉ giới hạn ở việc xăm lông mày, xăm môi, cấy tóc, xóa nếp nhăn... Đối với những phẫu thuật như nâng ngực, hút mỡ bụng, nâng mông..., thì phải được Bộ Y tế cấp phép.

Hàng năm, Sở Y tế đều tiến hành kiểm tra 2 lần - thường là đột xuất nhưng chẳng thể nào kiểm tra được hết những cơ sở có phẫu thuật thẩm mỹ, núp bóng “viện uốn tóc”, “viện chăm sóc sắc đẹp”. Cũng cần phải nói đến những quảng cáo vô tội vạ về “giải phẫu thẩm mỹ” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nơi mà người đăng quảng cáo trưng ra những bằng cấp chuyên môn của mình như tiến sĩ này, viện sĩ kia, và nhận “giải phẫu” tất tần tật các bộ phận từ đầu đến chân, từ mông đến ngực nhưng không hiểu các cơ quan chức năng, đã có lần nào thẩm định về tính chân thực của những lời quảng cáo ấy chưa?

Ngày 13/2, bác sĩ Lê Hùng làm bản kiểm điểm, nộp cho lãnh đạo BV Bình Dân, trong đó đã thừa nhận sai lầm của mình khi tiến hành phẫu thuật cho chị Văn Thị Bích Thủy. Theo bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân, thì vụ việc xảy ra tại phòng mạch tư của bác sĩ Lê Hùng, nên sẽ được xử lý theo Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm nhằm xác định nguyên nhân gây ra cái chết của chị Thủy để có biện pháp xử lý với êkíp thực hiện phẫu thuật.

Cuối cùng, xin được nói thêm là, trong y học, không hề có cụm từ “giải phẫu thẩm mỹ” mà rất nhiều cơ sở... giải phẫu thẩm mỹ vẫn trương biển quảng cáo. Theo Từ điển tiếng Việt, giải là tách ra, phẫu là mổ xẻ. Giải phẫu là “mổ xẻ để nghiên cứu về một vấn đề gì đó trong cơ thể”, chẳng hạn như “giải phẫu bệnh”, là mổ để tìm hiểu cơ chế gây bệnh, “giải phẫu tử thi” là mổ để xem nguyên nhân gây chết. Khi tiến hành mổ trên một cơ thể sống, y học dùng từ “phẫu thuật”, chẳng hạn như phẫu thuật cắt ruột thừa, phẫu thuật cắt gan, còn mổ để làm đẹp, là "phẩu thuật thẩm mỹ", hoặc "phẫu thuật chỉnh hình"... Một vị giáo sư - bác sĩ chuyên về nhân chủng học rất nổi tiếng, lúc còn sống đã nói: “Mổ để chỉnh sửa nhan sắc cho con người, mà dùng chữ “giải phẫu thẩm mỹ” thì hóa ra mổ để làm đẹp cho... xác chết à?”

.
.
.