Thấy gì qua một số vụ làm giả giấy tờ ở Hà Nội?

Thứ Bảy, 23/04/2005, 07:40

Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng thuộc Công An Tp. Hà Nội vừa phá đường dây làm giả giấy trúng tuyển đại học theo nguyện vọng 2, 3 cùng nhiều bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng... Vụ việc này cùng một số vụ tương tự xảy ra gần đây cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng trên bùng phát, đặc biệt là ở ngành Giáo dục.

Vào những ngày cuối tháng 3, Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng thuộc Công an Tp. Hà Nội đã “xóa sổ” đường dây làm giả giấy trúng tuyển đại học và bắt phần lớn những đối tượng liên quan. Cầm đầu đường dây này là Phạm Huy Hồng (41 tuổi) ở Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh, từng chịu 2 tiền án về tội môi giới mại dâm vào năm 1994 và 1997. Do “bắt” trúng tâm lý của một số người, đặc biệt là những đối tượng học sinh, sinh viên ở nông thôn muốn trở thành cử nhân, kỹ sư để thoát khỏi cảnh thất nghiệp hoặc để được đi lao động nước ngoài... nhưng lại không đủ kiến thức, bằng cấp cần thiết, Hồng móc nối với Nguyễn Như Sửu (44 tuổi) ở Thị Cầu, Bắc Ninh, và Hoàng Đình Năm, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Xây dựng Hà Nội, ở Quế Võ, Bắc Ninh, cùng một số kẻ khác lập một đường dây chuyên làm giả các con dấu, giấy tờ của các cơ quan Nhà nước; bằng cấp, giấy báo trúng tuyển đại học giả, thi thuê... để thỏa “ước nguyện” của những người này.

Tại nơi Hồng thuê ở (số 4, ngõ 191A, đường Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), cơ quan điều tra thu giữ một chiếc cặp số, trong đó có 15 dấu tròn, 25 dấu vuông, chữ nhật... trong đó có 1 con dấu của Phòng Công chứng số 1 Hà Nội, 1 con dấu của Bộ Quốc phòng, 6 con dấu của một số trường cao đẳng, đại học, dạy nghề... cùng với nhiều bộ hồ sơ xin việc, xuất khẩu lao động, tuyển sinh đại học...

Hồng khai, mỗi vụ trót lọt, Hồng kiếm được từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng, tùy theo đối tượng và mức độ khó dễ trong quá trình làm giấy tờ giả hoặc thi hộ. Từ nguồn thu nhập bất chính này, Hồng đã sắm hai điện thoại di động để “giao dịch” và một chiếc xe máy SH sành điệu chưa “bóc tem”.

Để có thể tồn tại trong một thời gian nhất định với số lượng “khách hàng” đủ ăn, Hồng đã thu nạp 2 thành viên rất hợp "cạ" vào đường dây “làm ăn” của y: Nguyễn Như Sửu và Hoàng Đình Năm. Vốn là thợ lắp ráp và sửa chữa đường ống nước lành nghề, rất có hoa tay, Sửu được Hồng giao “trọng trách” khắc các con dấu giả. Chỉ với một lưỡi dao nhọn, một lưỡi cưa nhỏ, mảnh giấy ráp cùng vài mẩu gỗ đã được tiện đủ để làm một con dấu, trước sự chứng kiến của cơ quan công an, trong vòng 30 phút, Sửu đã hoàn thành xong một con dấu chức danh; còn dấu của cơ quan Nhà nước, chỉ  mất chừng 3 - 4 tiếng là mọi việc O.K. Sửu khai, xong mỗi con dấu, Sửu nhận được 300 - 500 nghìn đồng tiền công. So sánh những con dấu thật với những con dấu do Sửu làm ra, Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng phòng An ninh Văn hóa tư tưởng Công an Tp. Hà Nội, xác nhận: "Thật khó phân biệt đâu là giả, đâu là thật".

Hoàng Đình Năm, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Xây dựng Hà Nội, quen biết nhiều sinh viên, học sinh. Hồng đã sử dụng đối tượng này như một người môi giới tích cực, mách mối cho những ai cần thi thuê vào đại học; cần có những văn bằng giả như bằng tốt nghiệp đại học, trung học phổ thông, giấy trúng tuyển đại học... Bản thân Hồng không những chỉ đạo chung mà còn là người trực tiếp thi thuê và  lôi kéo bạn học tham gia vào những “phi vụ” như thế.

Cả ba đối tượng trên, theo quyết định của Công an Tp. Hà Nội đã bị khởi tố với tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước”.

Cũng trong thời điểm đường dây làm giả con dấu, tài liệu của Phạm Huy Hồng bị phá vỡ tại Hà Nội thì ở Tp.HCM, 6 bị can trong vụ án làm giả  tài liệu cơ quan Nhà nước do Đinh Thanh Nhã cầm đầu cũng bị truy tố trước pháp luật. Điều đáng nói trong vụ án này có tới 2 trong số 6 bị can nguyên là giảng viên đại học. Do đứng ở vị trí “từ trên nhìn xuống” mà hai bị can đều thấu hiểu tâm lý, tham vọng của những học sinh thi “rớt” đại học cũng như “hội chứng” bằng cấp hiện nay trong xã hội. Nhóm này liên kết với nhau tìm ra 18 thí sinh thi trượt đại học chính quy và làm giấy báo điểm giả cho những người này để họ đến các trường đại học dân lập hoặc cao đẳng xin xét tuyển. Mỗi thí sinh, bọn Nhã thu từ 5 đến 14 triệu đồng. Còn với những thí sinh Nhã “chạy” được cho “đỗ” đại học thì phải trả cho y khoảng 30 triệu đồng; vào cao đẳng chừng 22 triệu đồng.--PageBreak--

So với hai vụ trên, vụ dưới đây "đáng nể" hơn.  Một nữ sinh THPT đã tự làm giả hồ sơ trúng tuyển đại học cho chính mình. Đó là Đặng Thị Thu, sinh năm 1983 ở Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Để có thể ung dung bước vào giảng đường đại học không bằng kiến thức học được ở nhà trường phổ thông, Thu đã tự  sáng tác hẳn một bộ hồ sơ trúng tuyển đại học theo nguyện vọng 3 vào Trường đại học Tây Bắc sau khi thi trượt Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bằng những dụng cụ vô cùng thô sơ: ống đựng tăm, nắp chai rượu vang Thăng Long cùng vài chiếc bút màu cùng bản phôtô copy giấy báo điểm mẫu của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) được in trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ”. Công cụ thì thô sơ nhưng sản phẩm thì trông như thật. Giống đến mức ngay cả Thu cũng bảo đảm rằng 100% sẽ “đỗ” vào Trường đại học Tây Bắc. Cô bé này không chỉ khéo tay, mà còn lượng được trình độ của mình nên chỉ khiêm tốn chọn nơi cô đủ khả năng theo học. Biết rằng nếu làm giấy báo điểm giả từ Trường  đại học Sư phạm Hà Nội 2, vào được Trường đại học Tây Bắc theo nguyện vọng 3 (điều này cô không nghi ngờ, vì hồ sơ của cô quá chuẩn) thì cô sẽ phải theo học khối A với những môn cô không kham nổi. Do vậy, Thu quyết định làm giả phiếu xác nhận kết quả tuyển sinh kiêm phiếu xét tuyển nguyện vọng 3 của Trường đại học Tây Bắc, một trường mà Thu chưa bao giờ biết tới, để được vào đúng khối mà cô có thể theo học. “Tài năng" trời cho đã không bị uổng phí. Cô đã được nhận vào Trường đại học Tây Bắc, theo đúng ngành cô cần. Tuy nhiên, "tài năng" đó cũng chỉ giúp cô yên vị trên ghế giảng đường được một học kỳ.  Sau đó, qua công tác hậu kiểm của Trường đại học Tây Bắc, hành vi gian lận của Thu bị phát giác. 

Kẽ hở trong tuyển sinh

Nhân các vụ việc này, xin nói đến khâu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Các vụ việc nói trên cùng một số vụ khác như của Tôn Long Hòa ở Tp.HCM chẳng hạn, có một điểm dễ nhận thấy là các bị can thường làm giả giấy báo điểm xét tuyển nguyện vọng 2, 3 của thí sinh. Phải chăng quy trình tuyển sinh này chưa khép kín nên mới tạo kẽ hở cho những kẻ “làm giả ăn thật” lợi dụng? Theo ông Lê Quán Tần, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường dự thi), có thể được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khác dựa trên cơ sở kết quả thi của nguyện vọng 1. Như vậy cơ sở để chứng minh năng lực đồng thời là chứng cứ pháp lý duy nhất của thí sinh là kết quả của bài thi theo nguyện vọng 1. Trong chuỗi mấy trường có thể nhận thí sinh, chỉ có một trường có bài thi, còn các trường khác, khi xét nhận, chỉ biết dựa hoàn toàn vào kết quả coi thi, chấm thi, báo điểm của trường thí sinh dự thi. Những trường xét nhận thí sinh theo nguyện vọng 2 (hay 3, thậm chí là 4) phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt phiếu báo điểm, danh sách ghi nguyện vọng vào trường rồi gửi danh sách những thí sinh trúng tuyển vào trường mình tới trường tổ chức thi nhờ kiểm tra, xác nhận độ chính xác...

Đó là một công việc hết sức vất vả, tốn kém công sức và rất mất thời gian. Có những trường nhận thí sinh theo nguyện vọng 2 từ gần 100 trường trong cả nước nơi thí sinh dự thi. Làm sao được, nguyện vọng 1 không đạt, thì nguyện vọng 2, và cũng là hy vọng cuối cùng của thí sinh chính là trường đó. Vả lại trường cũng đang thiếu sinh viên.  Mọi thủ tục cần giải quyết không phải qua điện thoại, không phải qua fax, cũng không phải qua e-mail, mà phải bằng công văn, từ nơi hỏi cũng như nơi phúc đáp. Chính vì vậy nên những bộ hồ sơ giả mới dễ lọt lưới.

Nhưng dù sao cũng dễ nhận thấy gốc gác của mọi chuyện giả mạo đó không chỉ là lòng tham của con người; không chỉ do cung cách làm việc quá quan liêu, đòi hỏi lắm giấy tờ; hệ thống thi cử, xét tuyển quá phức tạp, quá rắc rối. Nguyên nhân cơ bản vẫn là chính sách coi bằng cấp là trên hết. Thế kỷ XXI rồi mà quan niệm về kiến thức, địa vị trong xã hội... của không ít người trong chúng ta vẫn không khác thời phong kiến ngày xưa là bao -  không đỗ đạt, không được kính trọng; không đỗ đạt, không được ngồi chiếu trên nơi đình làng. Còn nghề nghiệp ư, các cụ chẳng đã từng dạy - nhất sĩ nhì nông. Người ta chỉ nhớ đến chỗ đó và cũng chỉ cần đến thế. Còn tới lúc hết gạo ra sao, hạ hồi phân giải

Tú Anh
.
.
.