Thấy gì qua bản án 28 năm tù cho ba sát thủ trẻ tuổi?

Thứ Sáu, 14/04/2006, 15:00

Thời điểm đứng ra tổ chức thanh trừng đối thủ một cách dã man, các sát thủ này đều còn rất trẻ. Nguyễn Thanh Sang mới chỉ 21 tuổi; Lê Văn Thọ vẫn còn vị thành niên, chính xác là mới 17 tuổi 6 tháng 21 ngày. Thế nhưng tội lỗi của chúng thì lại hết sức nghiêm trọng. Điều gì đã khiến những đứa trẻ này hành xử ngông cuồng và phạm tội tày trời đến thế?

Với Nguyễn Thanh Sang, kẻ chủ mưu cả hai vụ, câu trả lời quá đơn giản. Cha là Nguyễn Thanh Gương, tức Hai Chi, chú là Nguyễn Văn Thọ (Thọ “đại tá”), Nguyễn Văn Tư (Tư “gà lôi”)... toàn là những hung thần khét tiếng trong băng tội phạm Đồi Hoa Mai hoành hành trên đất Tân Nghĩa, Hàm Tân mười mấy năm trời nên từ nhỏ đến lớn, Sang đều sống trong một không khí sặc mùi bạo lực.

Trong gia đình Sang, máu côn đồ đã ăn sâu vào huyết quản của mọi thành viên. Dù đã học hết lớp 12, có nhận thức nhất định nhưng ảnh hưởng "truỵền thống" gia đình đối với bị cáo này vẫn quá lớn. Với Sang, mọi vấn đề khúc mắc trong cuộc sống đều chỉ có duy nhất một cách giải quyết, đó là bạo lực. Hơn thế nữa, chính cách hành xử của cả một tập đoàn người thân gồm cha, các ông chú, rồi cả mẹ kế và những người thân quen khác đều chỉ khẳng định cho thằng nhóc này duy nhất một chân lý: bạo lực đồng nghĩa với quyền lực.

Vì thế, khi Võ Văn Tài vác mã tấu đến nhà Lê Thị Thu Hằng đòi ăn thua đủ với Hai Chi, ngay tức khắc trong đầu Sang đã nảy ra ý định chém Tài để trả thù. Ý định nảy ra từ đầu năm nhưng gần ba tháng sau, Sang mới tổ chức thực hiện. Lý do: khi vác mã tấu đến nhà Lê Thị Thu Hằng gây hấn với Hai Chi, Võ Văn Tài vẫn đang là người hùn hạp mở quán chung với Đỗ Ngọc Thơ (Thơ "đen"), một đối thủ mà ngay cả Hai Chi cũng ngại đụng chạm. Nhưng sau đó, anh em nhà Hai Chi tổ chức đánh gãy 2 chân Thơ “đen” khiến Tài “gấu” mất đồng minh, phải về Tân Lập mở quán mưu sinh, vô tình đã tạo điều kiện cho Hai Sang ra tay. Có thể nói, hành động tội ác (đánh Thơ “đen”) của Hai Chi, Thọ “đại tá”, Tư "gà lôi" đã mở đường, cổ vũ cho tội ác (chém Tài “gấu”) của con em chúng.

Trong một gia đình như gia đình Hai Chi, nếu không phải là di truyền thì tội ác cũng giống như một thứ bệnh truyền nhiễm hay một chứng di căn, truyền từ đời cha chú đến đời con cháu. Việc Nguyễn Thanh Sang phạm tội phải ra đứng trước vành móng ngựa có thể coi là điều tất yếu, không chóng thì chầy nhưng khó có thể tránh khỏi.

Trước tòa, hầu như Sang chẳng có chút hối hận gì về việc đã làm, bởi tội ác diễn ra hoàn toàn không phải do manh động, bột phát mà đã được chuẩn bị, ý thức một cách rõ ràng. Với Sang, dù mâu thuẫn giữa Tài “gấu” và Hai Chi  là chuyện của người lớn hoàn toàn không liên quan đến bản thân, nhưng “là con cái trong nhà nên (Sang) phải làm thôi!”. Nguyễn Thanh Sang xem việc thay cha tổ chức chém người như một thứ bổn phận, một công việc.

Thậm chí, khi giao việc cho Lê Hữu Đức, Sang còn hỏi đi hỏi lại: “Mày chuẩn bị tinh thần kỹ chưa?”. Khi được tòa cho nói lời cuối cùng, Sang đã bình thản thừa nhận: “Tội lỗi của bị cáo chẳng còn gì để nói nữa! Chỉ mong được tòa khoan hồng cho bị cáo sớm được trở về với đời!”. “Về với đời” chứ không phải “về với gia đình”. Ngôn ngữ chưa khôn đã sớm lọc lõi của tên tội phạm trẻ tuổi đã diễn đạt thực tại một cách chính xác, bởi hầu hết những người thân trong gia đình có ảnh hưởng nhất đối với nó đều đã tập trung đầy đủ ở trong tù!

Dẫn giải 3 bị cáo về trại giam.

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, tên bạn chí cốt đồng thời là trợ thủ đắc lực với Sang là Lê Hữu Đức cũng sớm tỏ ra là một sát thủ đầy “máu lạnh”. Hai cây mã tấu chém Võ Văn Tài là của Đức, được tên này chuẩn bị sẵn và cất giấu trong nhà. Tối 6/4/2005, khi Sang đến nhà rủ “đi với tao ra chém một thằng ở cây số 37”, Đức nhận lời và lôi hung khí ra ngay, dù chẳng biết là sắp sửa đi chém ai, người sắp bị chém có quan hệ hay ân oán kiểu gì với bạn mình. Một câu thắc mắc Đức cũng không buồn hỏi. Tội ác cứ thản nhiên xảy ra mà không cần nguyên nhân, nguyên cớ; không cần nhân danh bất cứ điều gì.

Nhận lời hành hung người khác giúp Nguyễn Thanh Sang, Lê Hữu Đức thậm chí còn thực hiện vượt cả yêu cầu. Sang bảo Đức chuẩn bị gậy đi đánh Từ Tấn Giao thì Đức chuẩn bị dao, xác định đúng đối tượng là xông ngay vào đâm túi bụi, bất chấp hậu quả đối với nạn nhân. Việc Tài “gấu” thoát chết nhưng cả hai tay sau khi được nối vẫn gần như liệt hẳn, thương tật vĩnh viễn 66%, Từ Tấn Giao tuy trúng nhiều nhát đâm nhưng chỉ bị thương nhẹ hoàn toàn chỉ là do may mắn, nằm ngoài dự tính của những tên sát thủ. Rõ ràng, máu côn đồ đã thường trực chảy trong huyết quản khiến những tên tội phạm hầu như mất hết nhân tính, trở nên coi thường luật pháp và rẻ rúng mạng sống của người khác.--PageBreak--

Trường hợp phạm tội của Trần Minh Hải và Lê Văn Thọ càng đơn giản đến mức khó tin. Trên đường rủ nhau đi chém Tài “gấu”, Sang và Đức tình cờ gặp và rủ hai tên nhóc này. Thấy chúng mang theo mã tấu, thừa biết là chúng sắp sửa đi đâm chém ai đó, nhưng hai tên nhóc, trong đó một tên còn vị thành niên, vẫn thản nhiên nhận lời ngay. Mới học chưa qua lớp 4, cả Hải lẫn Thọ đều không một chút ý thức trong việc đề phòng hành vi phạm tội. Ngay cả khi được Hai Sang phân công “chém giùm anh một thằng”, Lê Văn Thọ cũng không từ chối, không thắc mắc mảy may. Nhận lời đi chém người, với Thọ cũng chẳng khác gì nhận lời chặt giúp cành cây hay phát giùm đám cỏ.

Có thể nó không ý thức nhưng thật sự, việc nhận lời này là một biểu hiện của sự hàm ơn. Cha mẹ ly dị từ rất sớm, mỗi người bỏ đi một ngả không biết ở đâu, Thọ một thân một mình trôi giạt từ Di Linh, Lâm Đồng xuống Hàm Tân làm thuê làm mướn rồi phạm tội. Ngay cả khi nó phải ra đứng trước vành móng ngựa thì cha mẹ nó cũng không biết, hoặc không muốn, không quan tâm để đến dự tòa nhìn mặt con lấy một lần. Thiếu thốn tình thương và sự quan tâm, nó đâm ra ngộ nhận đối với mối quan hệ bạn bè hay đàn anh, đàn em mơ hồ mà những kẻ như Hai Sang dành cho. Đôi khi, biểu hiện duy nhất của quan hệ và sự quan tâm (để lợi dụng) chỉ là ly cà phê, điếu thuốc lá hay vài ba câu chửi thề thay lời chào hỏi được ném ra đúng vào lúc thằng nhóc đang buồn chán. Thế thôi. Nhưng thế cũng đủ để mua một sự nghe lời, thậm chí đủ cho những kẻ tứ cố vô thân như Thọ bán mình thành tội phạm, dù điều đó nằm trong vô thức nhiều hơn nằm trong ý thức. Và, tội ác cũng bắt đầu từ đó!

Tất cả những mầm mống phạm tội nói trên đều có thể ngăn chặn được nếu sự quan tâm của người lớn đối với con em họ tỏ ra sâu sát, đúng mức hơn. Đáng tiếc, đó chỉ là ước muốn, chỉ là điều nói sau. Tại tòa, chúng tôi ghi nhận một sự thật đáng buồn. Bà Lưu Thị Ngọc, mẹ của bị cáo Trần Minh Hải dù rất lo lắng cho con nhưng vẫn không biểu hiện chút gì gọi là nuối tiếc, ân hận về việc không phát hiện, cảnh giác sớm đối với những mối quan hệ tiềm ẩn đầy nguy cơ phạm tội của con mình. Ngược lại, bà quá quan tâm và cố chứng minh rằng bà không hay biết gì để xin tòa cho trả lại chiếc xe máy mà bà đứng tên đã được Hải xin phép mượn và sử dụng vào việc chở bạn đi chém Tài “gấu” rồi tẩu thoát.

Tòa tuyên án Nguyễn Thanh Sang 13 năm tù, Lê Văn Thọ tuy trực tiếp chém Tài “gấu” nhưng do phạm tội khi còn vị thành niên nên được lượng giảm còn 8 năm tù, Trần Minh Hải với vai trò đồng phạm nhận án 7 năm. Nhìn con bị còng tay dẫn ra xe, ông Trần Văn Minh, cha Hải mới thấm hết nỗi đau, chửi Hải là “đồ bất hiếu, đồ ngu, cho ăn học đến nơi (lớp 4?) mà còn ngu để phải nhận cái án quá nặng!”.

Ghi nhận cảnh tượng này, chúng tôi càng thấy xót lòng. Người ta vẫn đang nghĩ về tội ác một cách quá giản đơn, quá nôm na, không nằm ngoài cái gọi là mức án mà chẳng mấy ai lưu tâm tới nguyên nhân dẫn con em mình đến vành móng ngựa. Với cái nhìn đó, e rằng tội lỗi vẫn còn chỗ để ẩn thân, chỉ rình rập để khi có cơ hội là sẽ phát lộ!

.
.
.