Thắp sáng con chữ ở cổng trời đỉnh Trường Sơn

Thứ Tư, 29/06/2011, 17:00
Đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Pa Hy ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, gọi những thầy cô giáo cắm bản ở tận vùng biên là những “ngọn đèn”. Hơn 17 năm, vượt qua những khó khăn và thiếu thốn nhiều thứ, các thầy cô đã đưa các em vốn xa lạ với con chữ nay lại thích đến trường.

Nằm ở vùng biên giới, các thôn 6, 7 và 1 của xã Hồng Thủy được ví như “cổng trời”. Trò không thể xuống núi đi học, các thầy cô lại vác chữ lên non. Cuộc hành trình biết bao khó khăn để hôm nay không chỉ các em, mà cả những người lớn tuổi đồng bào dân tộc Pa Kô ai cũng biết đọc, biết viết.

Bản  sáng  nhờ “ngọn đèn” con chữ!

Thôn 7 nằm cách Trường Tiểu học Hồng Thuỷ, xã Hồng Thủy hơn 7 km. Theo chân thầy Nguyễn Ngọc Linh, chúng tôi men theo đường mòn qua mấy nương rẫy, phải vượt qua 4 con suối, với dốc đá cheo leo, hiểm trở mới đến được thôn 7 sau hơn 1 giờ đi bộ. Vì vậy, chúng tôi không ngạc nhiên khi biết học sinh nơi đây không biết đến trường học là gì. Niềm mong ước đưa “ngọn đèn” con chữ để thắp sáng vùng cao của nhiều thầy, cô đã thành hiện thực khi Trường Tiểu học Hồng Thủy quyết định mở điểm dạy học ở thôn 7 vào năm 1994. Điểm dạy học này trở thành nơi đến trường cho các em ở các thôn 7, thôn 6 và thôn 1. Và thầy Trần Xuân Long, thầy Nguyễn Ngọc Linh... đã tình nguyện vào thắp sáng con chữ cho các em.

Kể từ ngày có các thầy đến, các em nơi đây đã làm quen con chữ, tiếng học vang lên mỗi ngày đã làm cho cuộc sống vùng biên của xã Hồng Thủy thêm nhộn nhịp, tươi vui hơn. Không đủ phòng học các thầy phải chia lớp học thành 2 ca. Thầy Trần Xuân Long, cho biết: “Các em đến học rất đông, nhiều em có trình độ nhận thức khác nhau nên chúng tôi dạy theo cách nếu lớp 1 học chính tả thì lớp 2 sẽ làm toán...”.

Không chỉ ở thôn 7, mà thôn 6 và thôn 1 nằm heo hút sát biên giới cũng có thầy cắm bản dạy chữ. Thầy Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “Trường Tiểu học Hồng Thuỷ có tỉ lệ các em đến lớp đạt 99% trong độ tuổi đến trường, trong đó những thôn cách trở như thôn 7, thôn 6 và thôn 1 đều có giáo viên cắm bản và cũng hoàn thành mục tiêu đưa học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường”. Đối với các em học đến lớp 5 sẽ được chuyển về học tại cơ sở chính Trường Tiểu học Hồng Thủy để nâng cao kiến thức trước khi vào trung học cơ sở.

Cô Diệu Hoa cũng cắm bản dạy học.

Hạnh phúc vì các em thích đến trường

 Thầy Nguyễn Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thủy vừa dẫn đường vừa nói: “Thời tiết mùa này còn đi được, chứ mùa mưa thì không tài nào vượt qua được, dù chỉ một con suối”. Thế nhưng, đối với thầy Long, thầy Dóp, thầy Minh, cô Diệu Hoa đã là quen thuộc. Thời gian cắm bản dạy chữ của các thầy đến hơn 17 năm, thầy ít nhất cũng 8 năm.

Các em thích đến trường là một một quá trình gian khổ của các thầy cô đến cắm bản. Thầy Linh cho biết: “Ở vùng đồng bào dân tộc nơi này, trẻ em cũng là một lao động, nên đồng bào dân tộc nơi đây  không cho con em của mình đến trường, họ không cần học chữ”. Đối với người dân tộc, khi Vỗ (tiếng Pa Kô nghĩa là Già làng) lên tiếng là mọi người phải nghe theo. Các thầy, cô đã đến trình bày tầm quan trọng của việc dạy chữ cho các em để nhiều Già làng biết. Thế rồi ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng như mùa mưa các thầy cùng với Vỗ Hương, Vỗ Mia lần lượt đến từng gia đình để vận động cho con em đến trường hoặc những ai chưa biết chữ đến trường để học chữ. Gia đình ông Quỳnh Lương, ở thôn 7, có 6 người con nhưng không biết chữ. Các thầy phải đến lần thứ 5 vận động ông Lương mới cho con đi học.

Xã Hồng Thủy phần lớn là người dân tộc Pa Kô và Pa Hy. Cuộc sống người dân nơi đây đặc biệt nghèo khó. Phòng học là một căn nhà ván nhỏ bé lại chia làm 2 gian. Bàn ghế là những tấm ván đã cũ được bà con dân bản giúp sức dựng nên. Các thầy phải che tạm gian nhà cạnh phòng học để ở... Sự đồng cảm của các thầy cô, vì đồng bào, vì con chữ nên họ đã hy sinh một phần cuộc sống của gia đình... “Mình muốn về ở với con, với vợ lắm, nhưng thương các em mình sẽ dạy thêm vài năm, có thầy cô khác đến thay mình sẽ về”, anh Long, thầy Dóp tâm sự

Đông Hưng
.
.
.