Đại đội C18, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A:

Thắp lửa ký ức

Thứ Ba, 26/04/2016, 08:39
Hòa chung không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tối 24-4, tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội, những cựu binh thuộc Đại đội C18, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A đã tổ chức buổi gặp mặt ôn lại ký ức hào hùng, bi tráng một thời kỳ chiến đấu chống Mỹ cứu nước.


Những người lính năm nào nay mái tóc đã bạc, thân hình không còn lành lặn nhưng họ vẫn luôn mang trong mình tinh thần lạc quan của người lính Bộ đội Cụ Hồ dù trong thời chiến hay thời bình. 

Cách đây gần 50 năm, vào tháng 7-1967, tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội, Đại đội C18 đã làm lễ xuất quân lên đường vào Nam chiến đấu với một lời thề “rằng chưa hết giặc là ta chưa về”. Từ đó, bước chân của các chiến sỹ C18 đã in dấu trên khắp các chiến trường từ Thành Cổ, Quảng Trị đến đường 9 Nam Lào, Tây Nguyên. Rồi những đêm hành quân thần tốc, dồn dập trên con đường số 7 cho đến những trận đánh ác liệt cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cựu binh Trần Hữu Phúc nhớ lại: “Đại đội C18 lúc bấy giờ bao gồm 4 trung đội với nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho Trung đoàn 48 trong chiến đấu. Nguyên tắc của bộ đội thông tin là chính xác, bí mật và an toàn”. Đôi chân run run, mắt đã mờ, những vết thương trên người do những mảnh đạn găm vào thỉnh thoảng lại tái phát khi trái nắng trở trời nhưng những ký ức về những tháng năm bom đạn vẫn hằn in trong ký ức của cựu binh Đỗ Việt Dũng.

Các cựu binh C18 trao tặng nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Hà Tĩnh.

Ông kể: Cuối năm 1971, ông cùng đồng đội thuộc C18 tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Những trận đánh khốc liệt như trận đánh Khe Xanh, Cửa Việt, Thành cổ Quảng Trị, sự sống và cái chết chỉ còn cách nhau trong gang tấc. Có những đồng đội tối hôm qua còn vừa ăn cơm, vừa trêu chọc nhau mà hôm nay đã không kịp vuốt mắt cho nhau...

Hòa bình lập lại, Đại đội C18 ngày ấy đã mỗi người chọn một con đường. Người ở lại trong quân đội, người đi học, người xuất ngũ về quê. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi quê hương, tưởng rằng sẽ rất khó để có ngày gặp lại. Thế nhưng, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình cờ một nhóm cựu binh C18 đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội gặp gỡ nhau.

Tủi mừng khôn xiết, ý tưởng thành lập lên “Hội bạn chiến đấu C18, E48, F320A” và bầu ra Ban liên lạc C18 thời kỳ chống Mỹ ra đời từ đó. Hội bạn chiến đấu C18 vừa là nơi để các cựu binh được cùng nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh trên khắp các chiến trường, đồng thời cũng là nơi để anh em cùng nhau chia sẻ những buồn vui, gian khó trong cuộc sống đời thường, thể hiện nét đẹp truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta cũng như đề cao phẩm cách của anh Bộ đội Cụ Hồ.

“Hầu hết những đồng đội của chúng tôi khi trở về cuộc sống đời thường đều gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ốm đau, bệnh tật, những di chứng chiến tranh đã bào mòn cả tinh thần, vật chất của họ. Có những người còn không có cả túp lều che nắng che mưa.

Vậy rồi anh em trong C18 đã tự bảo nhau “lá rách ít đùm lá rách nhiều, trích từng đồng lương ít ỏi để mong chia sẻ với những đồng đội kém may mắn hơn mình”, cựu binh Trần Hữu Phúc chia sẻ. Đặc biệt, anh em trong Ban liên lạc C18 còn tổ chức tìm kiếm của những đồng đội ngã xuống mà vì lý do nào đó chưa tìm thấy hài cốt.

Không những vậy, trong những năm qua, các cựu binh C18 đã cùng nhau tìm kiếm và tài trợ, tặng nhiều suất quà cho các gia đình chính sách tại huyện Kỳ Tây, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - nơi đơn vị đóng quân gần 6 tháng năm 1971, tặng nhà tình nghĩa cho một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Có thể nói, cuộc gặp gỡ với chủ đề “Có C18 chúng ta” tại xã Đỗ Động vào đêm 24-4 không chỉ là dịp để các cựu binh năm nào “thắp lửa ký ức” nhớ đến những tháng năm chiến tranh mà còn là cơ hội để lớp trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng, bi tráng của ông cha ta thuở trước.

Nguyễn Hương
.
.
.