Tháng Tám trên quê hương Pác Bó

Thứ Ba, 28/08/2012, 19:20
Từng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong những năm 1941 - 1945, Pác Bó nói riêng và Cao Bằng nói chung đang ngày một đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn. Bao năm rồi, cứ đến mùa thu tháng Tám, mỗi người dân đất Việt lại dâng trào cảm xúc, dường như có cái gì đó thiêng liêng đang hừng hực cháy trong huyết quản khi nhớ về Pác Bó, nhớ về Cao Bằng…

Từ thị xã Cao Bằng đi khoảng 45km, qua những đoạn đường nhỏ và quanh co, chúng tôi đến với Khu di tích lịch sử Pác Bó. Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát với biên giới Việt – Trung. Theo tiếng địa phương, Pác Bó có nghĩa là “miệng nguồn” hay còn là “đầu nguồn”. Đây cũng là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm từ 1941 – 1945. Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt mốc 108 trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Và Pác Bó được Người chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng. Tại nơi đây, Người đã có nhiều chủ trương và quyết định quan trọng cho sự thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945...

Pác Bó hôm nay đã có những đổi thay đến diệu kỳ. Ngoài ý nghĩa, giá trị về mặt lịch sử, Pác Bó còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Vẫn là hang Cốc Bó nơi Bác từng sống và làm việc, vẫn là núi Các Mác hùng vĩ, suối Lê Nin trong vắt, lán Khuổi Nặm nơi tổ chức Hội nghị ngày nào…

Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hà Quảng, Pác Bó là một “điểm nhấn” quan trọng. Pác Bó là nơi bắt đầu của con đường Hồ Chí Minh trải dài đến tận mũi Cà Mau. Từ một xã thuần nông nghiệp, hiện nay người dân Hà Quảng nói chung, Pác Bó nói riêng đã chuyển đổi sang phát triển thêm dịch vụ và du lịch. Hàng năm, Khu di tích đón hàng chục ngàn lượt khách về thăm và báo công lên Bác. 6 tháng đầu năm 2012, Khu di tích đã đón hơn 30 nghìn lượt khách.

Du khách thăm “Bàn đá” nơi Bác từng ngồi làm việc.

Theo Thượng tá Phương Văn Côn, Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Công an huyện Hà Quảng cho biết, hiện nay xã Trường Hà chỉ còn hơn 12% hộ nghèo, từ nhiều năm nay xã đã không còn hộ đói.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai dự án quy hoạch khu tái định cư để xây dựng nên một khu du lịch lịch sử hoàn thiện và khang trang hơn mà trung tâm chính là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 19/5/2011, đúng dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người. Nhìn từ xa có thể thấy Đền thờ như hình đầu rồng vươn cao, tạo thế “rồng cuốn, hổ ngồi”, mà các nhà phong thủy ví như thế của bậc đế vương, linh thiêng và trường tồn mãi mãi.

Tháng Tám này lên với quê hương cách mạng Cao Bằng, tôi cũng như nhiều du khách đều bồi hồi tận mắt chứng kiến những đổi thay trên vùng đất này. Với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Hà Quảng đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng các công trình giao thông nông thôn, công trình cấp điện sinh hoạt và một số công trình y tế, trường học. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc xóa nhà tạm theo kế hoạch đề ra, góp phần giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện tốt công tác giao khoán và bảo vệ rừng. Tạo điều kiện cho hộ nghèo vay 5 triệu đồng không lãi suất trong 2 năm để phát triển chăn nuôi. Những việc này đã khích lệ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Sau nhiều năm nỗ lực vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 47,7% năm 2010 xuống còn 38,69% năm 2011 và năm nay dự kiến sẽ giảm hơn 10%.

Hà Quảng cũng là địa phương triển khai thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thượng tá Phương Văn Côn, Trưởng Công an huyện cho biết, với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh trật tự càng phải chú trọng hơn bao giờ hết. Những năm qua, Công an huyện đã tăng cường cán bộ xuống địa bàn, làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu và triển khai có hiệu quả biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ đạt hơn 83,5%, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn không xảy ra bất kỳ một vụ trọng án nào. Công tác đảm bảo TTATGT cũng được chú trọng. Mặc dù lượng người và phương tiện đến với Hà Quảng, đến với Pác Bó có ngày cao điểm lên đến cả ngàn người nhưng an ninh trật tự luôn được giữ vững, giao thông được đảm bảo thông suốt.

Thượng tá Côn trải lòng: “Chúng tôi luôn xác định cho mình phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là những chiến sỹ Công an sống và làm việc trên mảnh đất cách mạng”.

Tháng 10 tới đây, thị xã Cao Bằng sẽ trở thành thành phố Cao Bằng trực thuộc tỉnh. Hiện thị xã Cao Bằng đang tập trung mọi nguồn lực để chỉnh trang, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường nội thị đến các vùng nông thôn cũng đã được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang. Cùng với đó là các khu trung tâm, cao ốc trung tâm thương mại đang dần được hoàn thiện. Và cũng trong tháng 10 tới, Khu di tích lịch sử Pác Bó sẽ long trọng tổ chức đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt.

Niềm vui nhân đôi đối với nhân dân Cao Bằng. Đây sẽ là một động lực để nhân dân Cao Bằng nói chung và người dân Pác Bó nói riêng nỗ lực phấn đấu để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp…

Ông Bế Thanh Tịnh, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng cho biết:

Huyện đặc biệt chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, chăm lo cho thế hệ trẻ, vì đây là những người quyết định sự phồn vinh của quê hương Pác Bó trong tương lai. Mặc dù còn khó khăn, nhưng những năm gần đây, Hà Quảng đã huy động gần 98%trẻ em học tiểu học đúng độ tuổi, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 19,2%...

T.T.
.
.
.