Tháng 4, đến với ngư dân đang ngày đêm bám biển, đảo của Tổ quốc

Chủ Nhật, 28/04/2013, 20:49
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã động viên bà con ngư dân: "Đánh bắt cá xa bờ, bà con ta luôn phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Biển đảo mình bà con cứ đánh bắt cá. Nếu xảy ra sự cố gì bà con phải báo cáo cho các cơ quan một cách chính xác và kịp thời. Ra biển tính mạng ngư dân là số một. Cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm can thiệp đến các nước".

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó đã 38 năm kể từ giữa trưa 30/4/1975, khi chúng tôi có mặt ở Dinh Độc lập trong niềm vui bất tận của ngày chiến thắng. Sau ngày lịch sử đó, ai cũng nghĩ, từ nay giang sơn đất nước đã thu về một mối, toàn vẹn lãnh thổ đất nước được giữ vững. Vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta sẽ mãi bình yên. Nhưng thời cuộc không đơn giản như mong muốn. Thế hệ chúng tôi cùng với các lớp cha anh lại phải tiếp tục cống hiến, hy sinh để bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Và hôm nay một thế hệ mới lại phải đang đương đầu với bao thách thức, phức tạp mới trên biển đảo để được yên ổn làm ăn, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà các bậc tiền nhân và bao thế hệ đi trước đã dày công xây đắp, bảo vệ.

Ý thức về sự hệ trọng, trách nhiệm của chúng ta, mới đây chúng tôi đã thêm một lần chứng kiến nhân chuyến đi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Mục đích chuyến đi của Chủ tịch nước là tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên. Như một phương pháp, thành thói quen trước khi làm việc với lãnh đạo các địa phương bao giờ Chủ tịch cũng dành thời gian đi tìm hiểu tình hình ở các cơ sở, đến tận từng làng xã, thôn bản, gặp gỡ lắng nghe ý kiến của cán bộ, người dân.

Đến thăm huyện Núi Thành (Quảng Nam) nơi đón tiếp Chủ tịch lại ở cảng Kỳ Hòa với sự có mặt của hàng trăm ngư dân đang chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá. Chính tại nơi đây, 38 năm trước là căn cứ hải quân của chính quyền Sài Gòn, là nơi địch tháo chạy khỏi Núi Thành. Giờ đây Kỳ Hòa đã trở thành một cảng thương mại chủ yếu phục vụ đánh bắt hải sản. Núi Thành là huyện có nghề khai thác thủy sản lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, gần 48% số lao động sinh sống bằng nghề cá. Trong đó số tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên chiếm gần 70% số tàu thuyền của tỉnh Quảng Nam. Ngư trường truyền thống khai thác xa bờ đã bao đời nay chủ yếu là khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân gắn bó, sống chết với biển đảo như vậy nhưng nay lại đang gặp khó khăn. Sau khi nghe lãnh đạo huyện Núi Thành báo cáo những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bất ngờ Chủ tịch nước đề nghị bà con ngư dân phát biểu, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong công việc làm ăn. Hàng chục cánh tay rắn chắc giơ lên.

Với cử chỉ thân thiện, Chủ tịch  nước đề nghị từng người lên ngồi cạnh để cùng trò chuyện. Người đầu tiên thưa chuyện cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là anh ngư dân Huỳnh Minh Cảng, tiếp đó là anh Phạm Vĩnh Tiến, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Núi Thành, rồi đến ngư dân Phạm Văn Bi, chủ tàu 91757. Tiếng nói của các anh át cả gió biển mỗi khi trả lời câu hỏi của Chủ tịch nước. Chân thực, thẳng thắn mỗi người ở góc độ khác nhau nhưng các anh đều có tiếng nói chung để khai thác và bảo vệ biển đảo của ta ngư dân phải được đầu tư có tầu thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Muốn đóng con tàu để làm ăn được phải có từ 2 đến 4 tỷ đồng. Cái khó là vốn liếng ngư dân có hạn nên phải vay ngân hàng, mà điều đó thì không dễ dàng gì. Nếu có vốn tự có rồi thế chấp để đi vay thì ngân hàng cũng chậm giải quyết, lãi suất vẫn cao, thời gian cho vay lại ngắn hạn v.v... Trong khó khăn chung của đất nước, bà con cũng dễ hiểu điều đó nhưng chả lẽ bó tay để rồi chịu đói nghèo trước nguồn tài nguyên biển cả của đất nước. Đành phải nói sự thật. Có những việc ai cũng thấy mà chính sách của Nhà nước vẫn chưa giải quyết. Như việc thu phí đường bộ tính cả vào giá xăng dầu mà xăng dầu đánh bắt cá cũng phải chịu mức giá như vậy. Ông Lê Văn Trịnh một ngư dân liền đứng dậy phát biểu khẳng khái: "Thưa Chủ tịch, ngoài phí đường bộ đánh vào xăng dầu chạy tàu thuyền phi lý, ngư dân ra biển đánh cá còn là để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế đặc biệt, giảm miễn thuế môn bài...".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà các ngư dân tiêu biểu đánh bắt cá xa bờ của huyện đảo Lý Sơn.

Chủ tịch Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe và ghi chép ý kiến của bà con ngư dân. Trong nắng, gió ngập tràn từ biển cả, bất giác hiển hiện trước mắt chúng tôi hình ảnh các anh bộ đội 38 năm trước đã hành quân vượt trùng khơi để giải phóng thu biển đảo về giang sơn Tổ quốc. Trong số những lợi ích mà biển cả mang lại, kinh tế thủy sản chiếm một vị trí quan trọng đan xen giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài với đầy đủ ý nghĩa của nó. "Còn biển là còn thủy sản" vì đó là nguồn tài nguyên tái tạo. Đó cũng là nguồn kinh tế quan trọng bảo đảm sinh kế, cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư ở vùng nông thôn ven biển và hải đảo. Chúng tôi đi theo Chủ tịch nước đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mới hiểu thêm tình cảm của người dân đối với biển đảo. Hàng nghìn người dân tập trung trên bến cảng Lý Sơn nơi xa đất liền 15 hải lý. Sự nóng lòng, ngóng đợi vị Chủ tịch nước là muốn nghe trực tiếp tiếng nói của Đảng và Nhà nước về con đường bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia của người dân nơi đây với gần 40% số dân trên đảo sống bằng nghề biển đánh bắt cá xa bờ.

Hiện nay ở đảo Lý Sơn có gần 420 chiếc tàu, thuyền thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp đánh bắt cá trong đó có 158 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ngư trường thân thuộc bao đời nay của ngư dân là ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hôm đến đảo, anh Trung úy Công an quê ở Tiên Phước (Quảng Ngãi) ra đảo công tác đã gần ba năm chở tôi bằng xe máy chạy lòng vòng từ bến cảng đến hội trường UBND huyện. Ven đường có không ít miếu đền tôn thờ những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, hàng trăm năm trước. Đó là những con người từ thế kỷ XVII ở Lý Sơn ra trấn ải các đảo xa đem đến cho vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa một sức sống mới bất chấp nguy hiểm, phong ba, bão tố.

Giữa nắng trưa, cũng như ở cảng Kỳ Hòa, ở Đảo Lý Sơn, chúng tôi đã được nghe những tiếng nói sốt sắng mà chân thành của bà con ngư dân nói về những bất cập, khó khăn của nghề đánh bắt hải sản hiện nay. Xung quanh việc đầu tư cho vay vốn của ngân hàng hay chuyện giá xăng dầu. Tai nghe, mắt thấy, Chủ tịch Trương Tấn Sang hỏi thẳng ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, một thành viên trong đoàn công tác: "Thực tế chuyện việc đưa phí đường bộ vào giá xăng dầu của bà con ngư dân như thế nào?". Ông Thứ trưởng khẩn khoản trả lời: "Giá xăng dầu Chính phủ đã điều chỉnh không đưa phí đường bộ vào giá xăng dầu nữa". Như vậy vẫn còn một khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Chủ tịch ân cần nhắc nhở: "Chính sách tốt rồi, nhưng phải hoàn thiện việc triển khai chính sách trên thực tế, tạo điều kiện để bà con ngư dân bám biển, khai thác đánh bắt cá. Chính sách phải vươn tới cuộc sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bà con ngư dân".

Những bức xúc của ngư dân còn làm nóng thêm câu chuyện. Đó là việc tàu Trung Quốc thường xuyên xua đuổi, bắt bớ, chiếm đoạt tài sản khi bà con đánh bắt cá ở khu vực Hoàng Sa. Ông Nguyễn Quốc Chính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải vốn là ngư dân đã có thâm niên hàng chục năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa không ngần ngại báo cáo với Chủ tịch Trương Tấn Sang: "Ngư dân Lý Sơn chúng tôi bao đời nay coi Trường Sa, Hoàng Sa như ruộng vườn của mình. Đó cũng là nơi ngư dân chúng tôi được che chở,  trú ẩn mỗi khi gặp thiên tai, bão gió. Vậy mà nay tàu, thuyền chúng tôi bị xua đuổi, gây khó dễ trong việc làm ăn, đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của mình. Gần đây các tàu của Trung Quốc còn vô cớ tịch thu tài sản, bắn cháy tàu của chúng tôi, xem thường luật pháp quốc tế. Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước và các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp thiết thực bảo vệ sự làm ăn yên ổn cho chúng tôi".

Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết thêm: "Trung bình mỗi năm ở Quảng Ngãi có 35 tàu cá bị Trung Quốc chèn ép, đẩy đuổi, cướp đoạt phương tiện. Ba tháng đầu năm nay tình hình căng thẳng hơn, đã có 25 tàu cá bị Trung Quốc đẩy đuổi và bắn cháy không cho bà con làm ăn trên vùng biển chủ quyền của mình". Anh ngư dân trẻ tuổi Bùi Văn Phải mới 24 tuổi được Chủ tịch nước mời lên hỏi chuyện. Ngồi cạnh Chủ tịch, anh Phải nói bộc bạch: "Cháu định ra khơi nhưng nghe tin bác Chủ tịch ra thăm nên nán lại để được gặp Chủ tịch". Phải đã kể lại với Chủ tịch nước sự thực về việc tàu 96382 của anh bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin ngày 20/3 vừa qua và hành động bảo vệ cờ Tổ quốc trên tàu để khẳng định chủ quyền trên biển Hoàng Sa. Anh Phải vừa dứt lời đã vang lên những tràng vỗ tay của hàng nghìn bà con ngư dân đứng, ngồi xung quanh...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các ngư dân tiêu biểu đánh bắt cá xa bờ của huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Trương Tấn Sang xúc động nghe những câu chuyện của bao ngư dân trong khó khăn, gian khổ thậm chí đến nguy hiểm vẫn bám biển, đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc. Chủ tịch cũng dành tình cảm trân trọng và sẻ chia trách nhiệm với bà con.

Biển đảo của đất nước trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chính là vùng đất gắn bó máu thịt của bà con ngư dân. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, bà con ngư dân còn coi đây là một thế trận bảo đảm an ninh - quốc phòng giữ vững chủ quyền quốc gia. Đó cũng chính là bản lĩnh, tư duy và hành động mới của bà con ngư dân mỗi lần ra khơi đánh bắt cá xa bờ hôm nay. Vươn ra biển không chỉ để mưu sinh, làm giàu mà còn để bảo vệ Tổ quốc. Thế mới biết giành độc lập tự do thống nhất đất nước nhưng bảo vệ Tổ quốc còn là sự nghiệp lâu dài. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã động viên bà con ngư dân tinh thần đó và căn dặn: "Đánh bắt cá xa bờ, bà con ta luôn phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Biển đảo mình bà con cứ đánh bắt cá. Nếu xảy ra sự cố gì bà con phải báo cáo cho các cơ quan một cách chính xác và kịp thời. Ra biển tính mạng ngư dân là số một. Cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm can thiệp đến các nước. Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân cả nước luôn bám sát hoạt động, chia sẻ khó khăn và bảo vệ bà con. Sắp tới Chính phủ sẽ bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc".

Giờ đây trên vùng biển Tổ quốc đã có nhiều Nghiệp đoàn nghề cá ra đời. Các ngư dân sẽ ra khơi trong tính tập thể, giữ vững truyền thống đoàn kết và trách nhiệm. Đó là tín hiệu mới đáng mừng, nhân lên niềm tin, nghị lực, tình người của bà con ngư dân bất chấp sóng to, gió lớn ở Hoàng Sa, Trường Sa nơi đã rèn đúc nên đức tính dũng cảm, ngoan cường của họ. Tháng 4 này, xin ghi lại đôi điều cảm nhận đó khi theo Chủ tịch Trương Tấn Sang đến với bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển đảo của Tổ quốc. 


 Tháng 4/2013

N.Đ.
.
.
.