"Thần y" Nam Hải và bài thuốc chữa ung thư máu

Chủ Nhật, 26/02/2006, 07:00

Ông tìm ra hy vọng sống cho những người mắc bệnh ung thư máu từ việc lăn lộn nghiên cứu giữa những cánh rừng bị rải chất độc hóa học nơi chiến trường. Ông được nhiều người tôn là "Thần y". Đó là lương y Nam Hải, ở thôn Phúc Đức (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây). 

Khi tôi đến số nhà 15, ngõ 333, phố Vọng (Hà Nội), hai bố con Đức Hải vừa đi đá bóng về. Trông Đức Hải khỏe mạnh chẳng khác gì những cậu bé cùng tuổi. Vậy mà, gần 10 năm trước, gia đình tưởng đã phải mất em vĩnh viễn.

Những người trở về từ cái chết

Bố Đức Hải nhớ lại: Một ngày đầu năm 1997, khi cháu mới 8 tuổi, đang học lớp 3, sau khi đi đá bóng về, cháu nằm thừ ra kêu đau hai bắp chân. Mấy ngày sau cơn đau chạy dọc sống lưng, rồi chuyển lên ngực nên phải nhập viện. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo một tin khủng khiếp rằng, Hải bị máu trắng, cùng lắm chỉ sống được một tháng nữa. Bố mẹ Hải suy sụp. Hải nằm viện suốt 3 tháng liền, truyền đủ các loại hóa chất. Người em xanh xao, chỉ còn bộ xương bọc da, tóc rụng còn vài sợi lơ thơ. Nhìn cảnh em giãy giụa quằn quại vì bác sĩ chọc chiếc xơranh vào sống lưng rút tủy mà người mẹ ngất lên ngất xuống. Trong nhà có thứ gì đều đã bán sạch để mua thuốc đắt tiền, truyền máu... mong kéo dài sự sống cho em dù chỉ một ngày, nhưng đều vô vọng. Thế nhưng, giữa lúc bi quan nhất thì có người mách ông lang Nam Hải có phương thuốc chữa bệnh máu trắng.

Cháu Đức Hải và bố trò chuyện với tác giả.

Có bệnh thì vái tứ phương nên dù không tin lắm, bố vẫn bế gần như cái xác không hồn tìm đến nhà thầy. Sau một tháng uống thuốc, em trở nên hồng hào, tăng cân nhanh chóng. Căn bệnh quái ác hủy diệt cơ thể từng ngày dường như biến mất. Từ bấy đến nay, đã sang năm thứ 10, em vẫn sống khỏe mạnh, vẫn học tập, đá bóng như các bạn cùng trang lứa. Để chống lại căn bệnh, vài ngày em lại phải uống hết một thang thuốc. Số tiền mua thuốc mỗi năm gần 2 triệu đồng chẳng thấm tháp vào đâu so với 50 triệu đồng viện phí trong một tháng hồi năm 1997. Cứ tình trạng sức khỏe tiến triển như thế này, căn bệnh máu trắng sẽ chẳng còn lo lắng nhiều đối với gia đình Đức Hải nữa.

Lần tìm mãi mới thấy căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Mai Hùng ở số 149, ngõ 218, phố Chợ Khâm Thiên. Vợ chồng anh Hùng từng suy sụp vì cậu con trai đang thông minh, khỏe mạnh lại đột ngột mắc căn bệnh mà cả thế giới phải khiếp sợ: ung thư máu. Hồi đầu năm 2002, khắp người cậu con trai Nguyễn Việt Anh đột nhiên nổi lên những dị tật li ti, rồi đau ê ẩm khắp người. Đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ bảo bị ung thư máu, nếu chữa trị sẽ rất tốn kém mà chỉ một phần nghìn tia hy vọng. Cuộc sống của Việt Anh chỉ còn đếm từng ngày. Chứng kiến cảnh những đứa trẻ nằm ở giường bên lần lượt ra đi mà vợ chồng anh Hùng đau đớn khôn tả.

Không chịu khuất phục, anh Hùng đi bộ nhiều ngày lần vào tận vùng rừng núi biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Nghệ An, giáp biên giới Lào để tìm các bài thuốc của dân tộc Mông, nhưng cũng chẳng ăn thua. Giữa lúc đó thì có người mách về “thần y” chữa ung thư máu. Dù chỉ nghe bập bõm thông tin, anh Hùng cũng bế đứa con xanh xám, gầy guộc đến tận nhà ông Nam Hải thử vớt vát lần cuối xem sao. Không ngờ, chỉ uống vài thang thuốc, Việt Anh đã dần lại sức, tăng cân. Các triệu chứng đau nhức, chảy máu chân răng, sốt cao, chóng mặt biến đâu hết. Giờ đây, sức khỏe của Việt Anh bình thường như bạn bè cùng lứa. Hiện tại, Việt Anh đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa.

Đối với gia đình, căn bệnh ung thư máu không phải là đã chấm hết hy vọng như mấy năm trước nữa, mặc dù con đường chiến đấu với nó còn rất lâu dài. Anh Hùng giở cho tôi xem những bản xét nghiệm máu gần đây nhất của Việt Anh. Lượng hồng cầu trong 1cc máu khi thì 5,2 triệu, khi thì 5,3 triệu, có lúc lên đến 5,7 triệu, trong khi đó, người bình thường lượng hồng cầu cũng chỉ ở mức 5 triệu.    

Những người bệnh đang điều trị nội trú tại nhà lương y Nam Hải cũng cho biết những tin tức khả quan.

Anh Dương Văn Chính, 32 tuổi, ở xã Tân Cương (Thái Nguyên) kể: Sau khi khám bệnh tại Bệnh viện K, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp, gia đình đã tuyệt vọng. Sau 7 lần tiêm vinvíttin (mỗi mũi giá 1,7 triệu đồng) và 7 lần truyền máu, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nghe có người nói về lương y Nam Hải, anh đã tìm đến. Bệnh tình của anh lúc đó rất nặng, thiếu máu, hồng cầu chỉ còn 1,08 triệu, da xanh xám, môi thâm, mắt vàng, sốt cao liên tục... Sau hơn 2 tháng chữa trị, các triệu chứng bệnh giảm 70 - 80%, tăng 4 cân, ăn ngon, ngủ tốt. Xét nghiệm lại tại Bệnh viện E cho biết hồng cầu trong máu đã tăng lên 2,5 triệu.

Cháu Diệp Thị Yến, số nhà 59, đường Hùng Vương (Móng Cái, Quảng Ninh) cũng được “thần y” Nam Hải đưa từ cõi chết trở về. Cháu mắc phải căn bệnh máu trắng cấp L1. Gia đình đã chữa trị ở khắp các bệnh viện, nhà cửa, tài sản cũng đã bán sạch bách mà bệnh tình vẫn ngày một nặng thêm. Gia đình thất vọng phải xin cháu về vì không theo nổi chi phí thuốc men. Lúc cháu nguy kịch thì nghe phong thanh về khả năng chữa bệnh của thầy Nam Hải, gia đình quyết định đưa cháu đến gặp thầy. Từ ngày chữa trị bằng thuốc của thầy cháu đã khỏe lên nhiều, sinh hoạt bình thường, và không phải truyền máu.

Còn rất nhiều trường hợp ung thư máu đã cận kề cái chết như trường hợp cháu Lê Văn Bình, 9 tuổi; cháu Nguyễn Anh Khuê, 14 tuổi, quê ở Thanh Hóa; anh Nguyễn Công Mại, 32 tuổi, công tác tại Công ty Truyền tải điện 2 (Đà Nẵng); ông Lưu Gia Thái (Thủy Nguyên, Hải Phòng)...  đều đã được cứu sống nhờ bài thuốc của lương y Nam Hải.

Chưa thể khẳng định những bệnh nhân máu trắng sẽ khỏi vĩnh viễn, song những người tôi gặp đã và đang có những ngày sống đầy lạc quan, tin tưởng, như vừa từ cõi chết trở về.

Khám bệnh qua ngón tay và kỳ duyên với bài thuốc nơi chiến trường

Những ngày đầu năm mà nhà lương y Nam Hải đã chật kín xe cộ. Người ta xếp hàng để được xem bệnh, bốc thuốc. Chỉ vuốt vuốt ngón trỏ ở bàn tay phải là ông Hải đọc ra bệnh trong nội tạng cơ thể. Tài năng của ông làm ai cũng phục bởi phần lớn những người đến khám đều đã qua siêu âm, chiếu chụp... và đã có kết quả chẩn đoán của tây y. Tất cả các loại bệnh đều được bốc thuốc với giá chung là 15.000 đồng/thang. Bệnh nặng hay thuốc quý đến mấy giá cũng chỉ vậy. Lương y Nam Hải cho biết, bán thuốc như thế để người giàu bù cho người nghèo, người bệnh nhẹ bù cho người bệnh nặng. Điều đặc biệt là thuốc không cần sắc, chỉ hãm vào phích với nước sôi như hãm trà. Mỗi thang uống trong 2 ngày, sau đó ông sẽ khám lại và điều chỉnh thuốc để điều trị tiếp.--PageBreak--

Lương y Nam Hải tên đầy đủ là Tạ Quang Hải, sinh năm 1939. Ông nhập ngũ, đóng quân ở rất nhiều nơi, rồi được đào tạo thành y sĩ phục vụ quân đội.

Cuối năm 1966, khi ở chiến trường Campuchia, ông được một Hoa kiều dạy cho rất nhiều về nghề thuốc. Một hôm, nghe giảng về bệnh ung thư qua bức tranh vẽ một người mẹ cho con bú để lộ một bầu vú màu tím, dưới bức tranh có chữ thạch thư (ung thư), cháu bé bú mà nước mắt người mẹ chảy dài trên hai gò má. Hải không sao cầm được nước mắt. Biết Hải là người chịu khó học hỏi, lại có tâm với nghề y nên ông thầy rất quý, cho học thêm ngoài giờ về phương pháp khám bệnh qua các ngón tay. Cứ miệt mài học như vậy, sau một năm Hải có thể tự khám bệnh được. Sau này, có nhiều kinh nghiệm rồi, chỉ cần nhìn mỗi ngón tay trỏ là có thể đọc được hầu như các loại bệnh liên quan đến lục phủ ngũ tạng.

Tết Mậu Thân năm 1968, trong một chuyến công tác, bị giặc phục kích, ông chạy vào chùa Thiên Mụ và được thiền sư Thích Đôn Hậu cứu thoát. Lúc chia tay, vị thiền sư rất giỏi thuốc nam cầm tay dặn dò: “Trời là cha, đất là mẹ. Trời sinh ra con người ắt sinh ra bệnh tật. Trái đất này sẽ sinh ra cây thuốc chữa bệnh cho con người. Chẳng có bệnh nào là vô phương cứu chữa, mà chỉ do học chưa thấu đáo mà thôi”. Lời của vị thiền sư đã củng cố quyết tâm của ông trên con đường đi tìm những vị thuốc quý chữa bệnh hiểm nghèo.

Những năm ngang dọc trên chiến trường Tây Nguyên, ông Hải đã chứng kiến sự tàn phá của bom đạn, sự hủy diệt của chất độc hóa học da cam. Trong khi những người khác tránh xa những vùng bị máy bay Mỹ rải chất độc thì ông lại xông vào đó để nghiên cứu cây cỏ. Hầu hết cây cối nhiễm phải loại chất độc khủng khiếp này đều chết cháy, song một số loài vẫn xanh tốt, thậm chí các loại côn trùng như châu chấu, bọ ngựa, sâu bọ ăn nó cũng không chết... Ông tin rằng trong những loại cây cỏ đó có chất kháng và giải độc.

Đánh cược tính mạng, ông hái lá những cây còn sống mang xuống suối rửa sạch và nhai luôn. Ông lấy thân rễ nấu nước uống. Thử nghiệm nhiều lần, thấy sức khỏe tăng lên, da dẻ hồng hào, ông liền phổ biến cho anh em trong đơn vị bộ đội cứ hái lá tươi nhét vào bi đông rồi đổ nước nóng vào hãm uống, có lợi cho sức khỏe, giải được nhiều hóa chất độc hại trong cơ thể. Ngoài ra, những loài cây cỏ có khả năng hồi sinh sớm nhất trong vùng bị rải chất độc hóa học cũng được ông nghiên cứu để chế thuốc tăng hồng cầu.

Phục viên, ông Hải không nghỉ ngơi, mà suốt 15 năm ròng lặn lội vác muối lên các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa như Sơn La, Lai Châu và dọc dãy Hoàng Liên Sơn để đổi lấy những bài thuốc quý, mà chỉ vùng đó, người dân tộc ở đó mới biết. Khi có những bài thuốc trị bệnh hữu hiệu, ông trở về mở phòng chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng. Vì kết quả trị bệnh tốt, được nhân dân tin tưởng, số bệnh nhân ngày càng đông, có ngày lên tới vài trăm người từ khắp mọi miền đất nước tìm về. Có cả bệnh nhân các nước như Nhật, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng đến khám, chữa bệnh.

Điều khiến dư luận chú ý là khả năng điều trị bệnh ung thư máu của ông, căn bệnh mà nền y học thế giới còn phải bó tay. Hiện tại, một ca điều trị hóa chất hết 30-50 triệu đồng, một ca ghép tủy vài chục ngàn USD, điều trị tấn công gần hai tháng hết 100 triệu tiền thuốc và truyền máu, song cuối cùng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

 

Rất đông bệnh nhân đến khám tại nhà Lương y Nam Hải.

Hiện tượng lương y Nam Hải có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư không chỉ làm kinh động thôn Phúc Đức nhỏ bé quê ông mà rất nhiều giáo sư, bác sĩ đã tới đây  để tận mục sở thị và đem những thang thuốc của ông về nghiên cứu, mong tìm ra sự thực về hiệu quả của nó. Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) đã cấp 150 triệu đồng cho đề tài “Nghiên cứu khả năng chữa bệnh bạch cầu cấp bằng thuốc nam của lương y Nam Hải”. Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối, do các bệnh viện ở tuyến trên trả về vì việc điều trị không còn hiệu quả. Tham gia đề tài gồm GS Đặng Đức Quý (Giám định viên quốc gia về huyết học), GS-TS Ngô Quang Lực (Trưởng khoa Trữ máu Bệnh viện Việt - Đức), GS-TS Dược học Đỗ Tất Lợi, cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành y, dược, có uy tín.

Lương y Nam Hải đã dùng 10 bài thuốc để điều trị, trong đó có 1 bài đặc biệt, gọi là “Bài thuốc tinh thần”, có mục đích làm cho người bệnh tin tưởng, lạc quan, xóa bỏ ý nghĩ máu trắng là căn bệnh vô phương cứu chữa. Hàng tháng, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm để so sánh với kết quả ban đầu, sau 3 tháng lại sơ bộ đánh giá. Thời gian điều trị cần có 7 tháng tấn công và 3 năm điều trị duy trì. Sau 3 năm, nếu đạt được các yêu cầu: Thể trạng khỏe, đi lại bình thường, ăn ngon miệng, ngủ tốt, hết sốt, hết viêm loét họng, hết đau đầu, hết đau xương, không phải truyền máu... và không tái phát sẽ được coi là ổn định.

Sau nhiều năm theo dõi, trong số 26 bệnh nhân máu trắng qua điều trị bằng thuốc nam của lương y Nam Hải cho thấy: 16 bệnh nhân chuyển biến tốt, 4 người giảm bệnh, 2 người thuốc đáp ứng  kém, chuyển biến chậm và 4 người thuốc không đáp ứng.

Trao đổi với ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng, người đã bỏ hàng chục năm theo dõi, nghiên cứu bài thuốc này cho biết: Bài thuốc của ông Nam Hải có tác dụng tăng cường lượng hồng cầu trong máu, do vậy, nếu người bệnh máu trắng liên tục uống thuốc, cơ thể lại hợp thuốc tốt thì sức khỏe sẽ tiến triển gần như người bình thường”.

Tuy nhiên, lương y Nam Hải có chữa khỏi hẳn bệnh ung thư máu hay không còn cần rất nhiều thời gian theo dõi, nghiên cứu.

Từ trước tới nay, chúng ta đã nghe quá nhiều những chuyện huyễn hoặc về khả năng chữa bệnh của một số thầy lang. Để tránh những hậu quả không đáng có, cũng như tạo điều kiện cho những thầy lang phát triển các bài thuốc quý trị bệnh cứu người, rất mong các cơ quan chức năng cùng với lương y Nam Hải nghiên cứu, tổng kết về các bài thuốc quý của ông đối với căn bệnh nay y này

Phạm Ngọc Dương
.
.
.