Thắm tình những lá thư gửi từ đất liền ra Trường Sa

Thứ Hai, 02/07/2012, 19:43
Lật giở tập thư dày cả gang tay trên bàn làm việc của Thiếu úy Lê Tất Hà, tôi tiếp tục được “mãn nhãn”, bồi hồi xúc động trước tình cảm của các em học sinh - những mầm xanh tương lai của đất nước dành cho lính đảo Trường Sa.

“Giữa biển muôn trùng cơn sóng bạc đầu. Khí hậu luôn diễn tiến khắc nghiệt. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các chú cũng không quản. Các chú đã rất hăng say anh dũng rèn luyện thi đua lao động sản xuất giữ yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”, đọc những dòng thư này, tôi cũng như các anh - những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi Tổ quốc hướng mặt trời đều cảm thấy ấm lòng khôn tả. Và ngạc nhiên hơn, những dòng cảm xúc trên được truyền tải bởi chính các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở - mầm xanh tương lai của đất nước.

Giữa muôn trùng sóng biển. Vạn vật, con người quả là bé nhỏ. Tất cả như thể bị khỏa lấp bởi những con sóng biển dựng vách. Ấy nhưng, cũng chính từ những nơi khắc nghiệt, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa, Nhà giàn DK1 này, nghĩa tình quân dân, truyền thống đoàn kết dân tộc lại thắm đượm hơn bao giờ hết.

Vượt qua bao gian truân, cách trở về địa lý, những bức thư truyền tải cảm xúc ngưỡng mộ, sự tri ân tinh thần quật cường, vươn khó tới quân, dân Trường Sa của các em học sinh nơi đất liền đã tới địa chỉ cần tới. Tổ quốc hướng mặt trời.

Thiếu úy Lê Tất Hà, lính đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa) vừa tất bật sắp xếp lại vật dụng vừa khoe với tôi những bức thư mà các anh – những người lính kiên trung đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc mới nhận được. “Đây là thư do các em học sinh gửi từ đất liền ra đấy anh ạ. Mỗi lần nhận được thư, em thấy mình càng phải gắng gỏi hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thiếu úy Hà nói trong niềm hân hoan.

Là một trong những lính trẻ mới ra Trường Sa nhận nhiệm vụ ở đảo, Thiếu úy Hà quê ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) mang theo mình những hoài bão lớn đó là được giữ chắc tay súng cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đối với anh tân binh trẻ này, một trong những sở thích của bản thân chính là sau mỗi giờ trực, làm nhiệm vụ được ngồi tĩnh tâm, đọc những bức tâm thư được gửi từ đất liền ra. Thiếu úy Hà tâm sự, thời gian qua, anh nhận và đọc không ít bức thư được viết bởi các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Dòng cảm xúc, suy nghĩ của các em thật lắng đọng. Nó ẩn sau do âng chữ được viết trên nền giấy trắng ô li còn nguyên vẹn lần hồ.

Đọc cho chúng tôi nghe một trong những bức thư mà đơn vị mới nhận được, Thiếu úy Hà cũng như các thành viên trong Đoàn công tác đi trên con tàu HQ 996 ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 lần này chợt lặng đi vì cảm động đồng thời không nghĩ rằng, đây là tâm thư được trước tác bởi một em học sinh cấp 2. Trong thư, em Nguyễn Thị Thùy Dung, học sinh Trường THCS Bình Tân (thị xã La Gi, Bình Thuận) viết: “… Ở trên đó (Trường Sa - PV), ngày đêm canh giữ, chắc các chú nhớ nhà lắm đúng không? Mọi tình cảm chỉ nói qua thư từ, chắc là các chú buồn lắm. Nhưng các chú đừng lo, chúng cháu luôn ở bên các chú… Các chú thực sự là điểm tựa chắc chắn cho việc củng cố an ninh quốc phòng và chiến lược phát triển kinh tế biển của Tổ quốc…”.

Thiếu úy Lê Tất Hà (đảo Đá Lát) đọc những bức thư do các em học sinh Trường THCS Bình Tân gửi ra.

Không chỉ nghĩ và tiếp thêm tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1, Thùy Dung còn thay lời của các ngư dân, gửi trao niềm tin yêu tới người lính đảo, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định chân lý quần đảo Trường Sa luôn là địa chỉ tin cậy của ngư dân đánh cá trên biển. “… Ở trên đảo còn là địa chỉ của các thuyền đánh cá của người dân Việt Nam vào tránh bão hoặc giúp đỡ khi có người gặp nạn…”, đọc đến đoạn thư này, trên khuôn mặt của Thiếu úy Hà hiện lên một niềm tự hào khôn tả khi được làm lính đảo giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Lật giở tập thư dày cả gang tay trên bàn làm việc của đồng chí Hà, tôi tiếp tục được “mãn nhãn”, bồi hồi xúc động trước tình cảm của các em học sinh - những mầm xanh tương lai của đất nước dành cho lính đảo Trường Sa. Các em đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ngồi cầm cây bút nắn nót viết những dòng suy nghĩ, những lời động viên chân thành tự đáy lòng. Dù có đôi phần hồn nhiên, thế nhưng ẩn sau những bức thư này là cả một tâm nguyện lớn lao.

Có không ít bức thư, những cung bậc cảm xúc của các em được thể hiện dài kín cả 2, 3 trang giấy. Như bức thư của em Huỳnh Thị Kim Châu, học sinh Trường Tiểu học Bình Tân là một điển hình. Sau khi gửi những lời hỏi thăm tới các chú lính đảo, Châu đã sẻ chia hết suy tư này đến suy tư khác. Nào là, ước mong được một lần ra Trường Sa thăm và tiếp xúc với quân, dân trên đảo. Nào là những câu hỏi về hoạt động tăng gia sản xuất của các chú bộ đội “… Ở ngoài đó, việc tăng gia sản xuất của các chú có tốt không?...”. Hay những lời động viên: “… Cháu mong sao các chú tiếp tục cầm vững tay súng, bảo vệ quần đảo của Tổ quốc…” v.v…

Đáng chú ý, có những tâm thư, các em còn thể hiện sự quyết tâm sẽ phấn đấu, gắng gỏi học tập để sát cánh cùng lính đảo giữ bình yên chủ quyền đất nước. Những vần thư ấy tiếp tục thôi thúc, thắp tiếp ngọn lửa tinh thần chiến đấu quật cường, kiêu hãnh nơi muôn trùng cơn sóng bạc đầu của các anh – những người lính đảo Trường Sa.

Em Ngô Thị Tuyết Trinh, ở thị xã La Gi (Bình Thuận) qua lời nhắn gửi trong sáng và giản dị ở phần cuối thư, em đã cho thấy lòng ngưỡng mộ, sự tri ân quyện hòa thành mục tiêu lý tưởng cho mình. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm không của riêng ai: “… Các chú yên tâm công tác nhé, các cháu ở nhà sẽ cố gắng học cho thật giỏi để sau này góp phần xây dựng đất nước, để đất nước ta tiếp tục giàu mạnh, vững chắc và phát triển về mọi mặt…”.

Các em – những người chưa một lần được đặt chân ra đảo. Chưa một lần biết mặt, gặp và tiếp xúc trực tiếp với quân, dân đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Có chăng cũng chỉ được biết đến qua các kênh thông tin truyền thông thông tấn như: sách, báo, truyền hình, mạng Internet… Thế nhưng, qua những lá thư chan chứa cảm xúc, nỗi niềm cảm phục gửi từ đất liền ra nơi muôn trùng khơi – Tổ quốc hướng mặt trời, các em như thể đã và đang sinh sống cùng quân, dân đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 vậy! Thật thân thương, thật nghĩa tình. Biển và bờ thêm một lần nữa lại xích gần nhau hơn.

Đảo trưởng Đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa), Thiếu tá Trương Văn Núi cho biết, thời gian qua, anh em lính đảo nhận được rất nhiều lá thư được gửi ra từ đất liền. Trong số này có hàng trăm tâm thư của các em học sinh. Ẩn sau mỗi câu chữ là một dòng suy tư, một niềm tin trong sáng của các em gửi trao anh em lính đảo đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều bức thư, các em viết cảm động khiến anh em trên đảo sau khi đọc xong đã lặng người đi hồi lâu, đồng thời tự nhủ lòng phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện bản thân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của các em học sinh, người dân ở đất liền.

Trần Huy
.
.
.