Thăm nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước

Thứ Năm, 02/06/2011, 12:00
Cách đây tròn 100 năm (ngày 5/6/1911) tại bến cảng Sài Gòn bên sông Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba đã lên con tàu Amiral - Iatouche Tréville xin làm phụ bếp để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Tại là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP HCM, tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, trưng bày nhiều hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Các du khách có dịp tới TP HCM, điểm du lịch được lựa chọn là Bảo tàng Hồ Chí Minh, một di tích lịch sử đặc biệt, đây là một chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Theo những tư liệu lịch sử còn lưu giữ thì nơi đây, từ giữa những năm cuối thế kỷ XIX là trụ sở Công ty Vận tải đường biển Hoàng đế (Messageries Maritimes Impérialas) của Pháp, một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xâm lược sau khi chiếm được Sài Gòn.

Công trình được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây, nhưng trên nóc gắn là hai con rồng chầu vào nhau theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam, tuy nhiên hai con rồng ấy không chầu nguyệt mà lại chầu vào chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo.

Đây là phù hiệu của Messageries Maritimes Impérialas bởi trước đó công ty này vận tải đường bộ bằng xe ngựa, và tiến đến vận tải bằng tàu thuyền hàng hải, nên có sự kết hợp giữa đầu ngựa và mỏ neo. Sau 1955, thương cảng Sài Gòn do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, họ đã tu sửa lại mái ngói và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới quay đầu ra ngoài. Ngôi nhà có đầu rồng nên được gọi là bến cảng Nhà Rồng. Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975, Nhà Rồng được giao cho Cục Đường biển Việt Nam quản lý.

Ngày 2/9/1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1945". Đến 20/9/1982, UBND TP HCM ra quyết định thành lập "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" và đến ngày 30/10/1995, UBND TP HCM có quyết định chính thức thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP HCM. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ của Bác với nhân dân Sài Gòn và đồng bào Nam Bộ. Đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến cảng Nhà Rồng, ai cũng thành kính ngắm nhìn bức tượng anh Nguyễn Tất Thành, với tư thế ngẩng cao đầu hướng tới một chân trời mới…

Toàn cảnh bảo tàng. Ảnh: Duy Tường.

Các đoàn du khách vẫn tấp nập vào bảo tàng, người già có, lớp trẻ cũng nhiều và cả các đoàn du khách nước ngoài. Sau khi vào thắp nén nhang tại gian trưng bày lớn, nơi có ban thờ tượng Bác, bức tượng Bác đang ngồi với tờ báo Nhân dân trên tay, chòm râu bay trước gió trước nền đỏ của cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Đôi câu đối: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" đó chính là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của đất nước.

Theo chân các đoàn du khách, chúng ta sẽ được các hướng dẫn viên hướng dẫn và thuyết minh từng gian trưng bày. Mọi người đều đứng rất lâu bên chiếc tủ kính với bộ trang phục giản dị của Bác, những chiếc áo ka ki, đôi dép cao su, chiếc mũ cói, chiếc gậy song mây…, kế bên là tủ chứa đựng vật dụng Bác dùng: một chiếc bát sứ, đôi đũa tre, ống bương đựng nước, một chiếc rulô để in báo "Việt Nam độc lập" khi Người mới về nước sau 30 năm (năm 1941) bôn ba bốn biển năm châu trên đường cứu nước trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Lần lượt từng gian trưng bày, du khách chỉ bắt gặp những vật dụng đơn sơ, giản dị, những tấm hình ghi lại Bác tới nhiều vùng của Tổ quốc, vẫn đôi dép cao su, bộ quần áo kaki, khi thì Hồ Chủ tịch đạp guồng hoặc tát nước với bà con nông dân, lúc Người thăm công trường nhà máy, khi Người tiếp khách ngoại giao…, với hơn 17.000 tư liệu hiện vật, một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 4.000 cuốn sách do Bác viết và do các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác. Rất nhiều những hiện vật khác do các nghệ sĩ, các em học sinh, người dân sưu tầm, sáng tác gửi về bảo tàng càng nói lên tình cảm của nhân dân và đặc biệt là đồng bào Nam Bộ với Bác.

Nhân dân, học sinh, sinh viên thăm bảo tàng.

Hơn 30 năm qua, đã có khoảng 26 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao quốc gia và quốc tế. Bảo tàng cũng phối hợp và liên kết với nhiều đơn vị, cơ quan tổ chức, hội đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề…

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng cho biết, trong 31 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh này đã trở thành một trong những trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong 4 năm qua đã có hàng trăm đoàn là các chiến sĩ Bộ đội, Công an, học sinh, sinh viên… ở các tỉnh phía Nam và cả nước tới bảo tàng tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng và học tập tấm gương đạo đức của Người.

Lật giở cuốn sổ ghi cảm tưởng, có biết bao tấm lòng được thổ lộ. Một bà má từ đất mũi Cà Mau viết: "Được thăm bảo tàng là chúng con đã gặp được Bác, thật xúc động, chúng con nhớ tới Bác, Người đã mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân tộc". Trang viết cảm tưởng của Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Hoa Kỳ có đoạn: "Các đồng chí. Tôi hưng phấn bởi tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã sống cho cuộc đời rõ ràng là để phục vụ nhân dân. Tấm gương của Người đã chỉ hướng đi cho hàng triệu người trên thế giới. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc đấu tranh chính đáng của Người cho nền hòa bình chống chủ nghĩa đế quốc cho bình đẳng tự do và CNXH. Chào cách mạng (27/2/1996)" và còn biết bao dòng cảm xúc khác.

Trong năm 2011 này, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM sẽ tu sửa, thiết kế, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý phù hợp với chủ đề "Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1911 đến năm 1941" và toàn bộ cuộc đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Hồ Chủ tịch, thiết thực kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Duy Tường
.
.
.