Thâm nhập hiphop Việt

Thứ Bảy, 05/11/2005, 07:08

Mới đây thôi, do quá nhiệt tình xoay đầu nhảy theo nhịp điệu hiphop trên tivi mà Hoàng Anh, 14 tuổi, bị vẹo cổ và liệt cả hai tay, phải đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán H. bị tổn thương tủy cổ, ít nhất phải mất 9 tuần cái cổ mới có thể cựa quậy.

Hiphop xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu từ các ca sĩ và nhóm nhạc, họ sử dụng thể loại nhạc hiphop để thu hút giới trẻ, các ca sĩ T.D., H.N., T.T. thể hiện khá thành công, và những người hâm mộ các ca sĩ này nhanh chóng trở thành những dân hiphop. Với sự trẻ trung, sôi động, náo nhiệt, hiphop dần lan rộng...

Breakdance chỉ là một trong 4 môn chơi của hiphop: MC (đọc ráp), DJ (chọn nhạc), graffity (vẽ tranh tường), breakdance (vũ điệu) mang đậm chất hiphop và phổ biến nhất. Từ breakdance, dân hiphop biến nó thành những cuộc so tài giữa những dân chơi với nhau và giữa các nhóm với nhau, từ đây phát triển thành những trận chiến breakdance để phân biệt đẳng cấp hiphop. Nhiều dân hiphop quan niệm rằng, thời nay sành điệu không phải chỉ biết ăn chơi mà còn phải biết thế nào là hiphop (?!).

Sau bữa dẫn tôi đến CLB Phan Đình Phùng, thấy tôi say sưa tìm hiểu về hiphop, T. rất hãnh diện giới thiệu tôi gia nhập nhóm của cậu, những dân hiphop, còn có tên rất Tây là Hiphop's fans. Nhiều bạn trẻ yêu thích hiphop đã tự lập đội nhóm, CLB để chơi và tự tập luyện với nhau. Đây cũng chính là những đội ngũ “máu me” và nghiện hiphop nhất Sài Gòn.

Những dân hiphop cũng đã tự tạo cho mình hẳn một trang web, trang web này là nơi để những dân hiphop có thể tâm sự, trao đổi và tất nhiên không thiếu cả những cuộc tranh luận. T., người hướng dẫn hiphop cho tôi đến với hiphop từ khi du học Nhật Bản. T. kể, khi qua Nhật, T thấy một nhóm học sinh người Hàn Quốc với một phong cách rất lạ, quần thụng, áo số... và luôn nhảy nhót cuồng nhiệt, chính những điều mà T. cho là lý thú này đã thu hút cậu, T tìm hiểu và tập tành “chơi” hiphop.

Từ Nhật về Việt Nam, T. đã mua dĩa VCD của kênh MTV dạy nhảy hiphop về nhà tự học, T. kể chỉ mỗi tư thế trồng cây chuối thôi, T đã phải tập cả tháng, bầm toàn thân, trật tay chân, trầy xước, đổ máu là chuyện thường ngày ở... huyện. Nhưng càng luyện T. càng đâm ra mê mẩn, nó có một sự lôi cuốn mà T. cho là kỳ diệu, không thể cưỡng lại được.

Học hiphop đa phần là người trẻ, và họ tập rất liều, bất cần để bảo vệ thân thể. Nhiều cô cậu bé vào cuộc mà không cần khởi động, có cậu chưa tới 10 tuổi, chưa hề tập hiphop lần nào cũng cứ bậm môi ke đầu xuống đất, cố hết sức để trồng chuối ngược. Những người hướng dẫn cho biết khi tập hiphop phải đội mũ bảo hiểm nhưng ngay cả những người hướng dẫn lúc biểu diễn cũng không khi nào sử dụng mũ bảo hiểm.

Họa hoằn lắm mới thấy một chiếc mũ bảo hiểm ở những nơi biểu diễn hiphop, những chiếc mũ ấy không trầy xước thảm hại thì cũng lồi ra lõm vào, thử tưởng tượng những chiếc nón ấy được thay bằng những mái đầu non choẹt? Chẳng thế mà, có dân hiphop bị hói đầu khi cái tuổi chưa tới 20.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp. HCM liên tục tiếp nhận những ca chấn thương do tập hiphop. Mới đây thôi, do quá nhiệt tình xoay đầu nhảy theo nhịp điệu hiphop trên tivi mà Hoàng Anh, 14 tuổi, bị vẹo cổ và liệt cả hai tay, phải đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán H. bị tổn thương tủy cổ, ít nhất phải mất 9 tuần cái cổ mới có thể cựa quậy.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Tp. HCM, từ khi có trào lưu hiphop, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 ca bệnh nhân là thanh thiếu niên bị vẹo cổ. Các bác sĩ đã giải thích rằng, tỉ lệ đầu của thanh thiếu niên lớn hơn so với người trưởng thành, khi tập những động tác mạnh, rất dễ vẹo cổ, đau cổ, nghiêm trọng hơn là bị tổn thương tủy cổ dẫn đến liệt tứ chi, những di chứng như yếu tay, hạn chế cử động có thể đeo đuổi bệnh nhân suốt đời. Đấy là chưa kể não bộ sẽ bị tổn thương do những va đập xảy ra khi tập liều các kiểu trồng chuối, ke đầu, xoay đầu...

Hiphop hay không hiphop?

Để tìm hiểu kỹ hơn về hiphop, PV Chuyên đề ANTG đã có một cuộc trao đổi với Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Tp. HCM, người từng tiếp cận đời sống hiphop từ thời gian còn học tập và nghiên cứu tại Mỹ, ông cho biết:

“Về mặt tâm lý, hiphop là một sự giải tỏa căng thẳng. Sẽ hay hơn, nếu xã hội tạo điều kiện, sân chơi để hiphop phát triển lành mạnh. Người trẻ có một tâm lý thế này: càng cấm, càng nhào vô; càng ngăn cản thì càng khám phá, họ muốn chứng minh rằng họ có giá trị của mình, sẵn sàng làm những chuyện mà người lớn lấy làm khó chịu. Nhưng những người trẻ chỉ nên coi hiphop là những nhịp điệu, một bộ môn thể thao hiện đại mà thôi...”

Thuận Thiên
.
.
.