Thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

Thứ Sáu, 28/01/2011, 16:00
Thành lập từ năm 1987 nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Võ Đại Hàm người cháu gọi đại tướng là ông thúc bá chông coi. Với ông Hàm đó là một vinh dự không có gì có được. Những việc Đại tướng làm, những lời Đại tướng dạy khi mỗi lần ông về thăm quê trở thành ký ức với ông Hàm.

Gió lạnh cuối đông dần nhường chỗ cho làn gió xuân. Cây khế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng ở hiên nhà tại quê hương Quảng Bình, hoa khế rụng tím cả lối đi. Đứng trước ngôi nhà giản dị của Đại tướng mà lòng rung lên những cung bậc thật khó tả; nhà của Đại tướng lợp bằng ngói vảy đã ngả màu theo thời gian; chiếc bàn; chiếc giường đơn; cuốn album ảnh… tất cả vẫn như còn vẹn nguyên bởi sự coi sóc, tỷ mẩn của ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá. Hơn 30 năm qua, ông Hàm vẫn đều đặn thức khuya, dậy sớm, nâng niu trân trọng từng kỷ vật dưới ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sâu lắng hình bóng quê nhà

Năm này đã bước sang gần tuổi 70, ông Võ Đại Hàm vẫn âm thầm tận tụy với công việc trông coi hương hỏa, chăm sóc ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông đó là vinh dự, niềm tự hào không dễ gì có được. Những việc Đại tướng làm, những lời Đại tướng dạy khi mỗi lần ông về thăm quê trở thành ký ức với ông Hàm.

Tất cả kỷ niệm về Đại tướng trở về trong ông nguyên vẹn, khi chúng tôi tiếp chuyện với ông dưới gốc cây sau hiên nhà. Gió xuân lay lay cành khế làm giăng mắc hoa tím rụng đầy cả lối đi. Lúc còn khỏe, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng vẫn thường ngắm cây khế với nhiều ký ức trong vắt tuổi thơ.

Dưới gốc khế, những buổi chiều hè cậu bé Giáp vẫn ngồi học bài với bạn làng. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà cuộc đời Đại tướng có được cũng bắt đầu từ những bài giảng về nhân nghĩa ở đời mà ông học được từ cha mình dưới gốc khế này. Cây khế đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn mướt màu xanh và cho đầy quả ngọt.

Ngắt dòng suy tư nỗi nhớ trào dâng, ông Võ Đại Hàm thủ thỉ về cuộc đời của mình. Tuổi thơ Võ Đại Hàm cũng giống như người ông thúc bá của mình; được tắm mát bởi dòng sông Kiến Giang hiền hoà, thơ mộng ở Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Cả cha và anh trai của ông Hàm đều hy sinh ở chiến trường.

Năm 1960, Võ Đại Hàm được ra Bắc học tập. Đất nước hoà bình, ông trở về quê hương. Năm 1987, khi ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành, ông tình nguyện về trông coi hương hỏa bàn thờ ông bà và chăm sóc ngôi nhà từng gắn bó với tuổi thơ Đại tướng. Nhà lưu niệm của Đại tướng với mái ngói rêu phong gắn với cả tuổi thơ vẫn còn đây. Ký ức những lần Đại tướng về thăm quê hương tất cả như vẫn nguyên vẹn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê Lệ Thủy - Quảng Bình.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh: "Tất cả những lần ông nói chuyện với Quảng Bình, ông không quên hai chữ đoàn kết. Ông nói đó là tinh thần của Bác Hồ. Và chúng tôi hiểu, suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng của ông, có lẽ ông thấm thía vô cùng hai chữ Đoàn Kết. Hai chữ Đoàn Kết - Bác Hồ đi suốt theo ông ở những bài phát biểu, nói chuyện, tâm sự".

Trong nhiều lần về thăm quê, Đại tướng từng thổ lộ; ông rất muốn được trồng rừng chắn cát cho quê hương. Rồi Đại tướng đến thăm mẹ Nghèng. Mẹ Nghèng không biên chế, không hưởng lương nhưng có đến hơn 40 năm trồng cây chắn cát. Mẹ cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng ngọn phi lao để ươm cây giống (trước đó người ta chỉ biết ươm từ hạt).

"Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam, nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy" - Đại tướng nói vậy. Giữa gian phòng khách được bày biện đơn sơ, treo khá nhiều hình ảnh và kỷ vật của Đại tướng. Hơn ba mươi năm nay, ông Hàm xem chúng như "báu vật", luôn trân trọng, giữ gìn.

Lật giở quyển album đã bạc màu thời gian, ông Hàm nâng niu từng tấm ảnh chụp Đại tướng và người làng nói chuyện với nhau mỗi lần Đại tướng về thăm quê. Ông Hàm nhớ lại: Mỗi lần về quê, khi xe đến đầu làng, Đại tướng thường nói lái xe cho ông xuống đi bộ, Đại tướng ôm hôn người già, xoa đầu con trẻ, bắt tay mọi người rồi Đại tướng ân cần thăm hỏi từng gia đình bà con lối xóm. Căn dặn mọi người sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, gắng sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Sau đó Đại tướng thăm và thắp nhang trước bàn thờ họ tộc... Trải qua bao năm tháng sống xa quê lo việc nước, nhưng Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng Kiến Giang. Đại tướng thường hỏi ông Hàm: "Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền làng nào về nhất?...". Trong ký ức của vị tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình. Với ông đó là một phần máu thịt quê hương.

Công việc của ngày mới

Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Hàm là quét dọn nhà cửa, chăm sóc cây cối, chăm lo hương khói trên bàn thờ ông bà và tiếp đón các đoàn khách. Mấy ngày này giáp Tết, ông Hàm lại đưa lư hương đồ cúng xuống lau, sạch sẽ.

Mỗi khi nhắc đến Đại tướng, mắt ông lại cảm động: "Cả cuộc đời cụ đi đánh giặc, lo cho dân cho nước, đọc đủ các loại sách, công việc bận rộn thế, nhưng khi còn khỏe mỗi lần về thăm quê, hoặc có con cháu ra thăm cụ nhớ hết kỷ niệm, kỷ vật ở quê, ở nhà. Cụ nhớ trên bàn thờ gia đình lư hương làm bằng gì, đặt ở vị trí nào, trong nhà chiếc bàn, chiếc ghế đặt ra sao…".

Nghe ông Hàm nói vậy, nước mắt tôi trào dâng tự lúc nào. Mỗi năm, khu lưu niệm Đại tướng đón hàng trăm đoàn khách du lịch quốc tế và nội địa đến viếng thăm. Nhưng nhà lưu niệm chưa có hướng dẫn viên du lịch nên ông bà Hàm đảm nhận luôn nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan.

"Du khách quốc tế khi đến đây họ say mê nghe tôi kể về những đồ vật, cây cối từng gắn liền với năm tháng tuổi thơ Đại tướng", ông Hàm bảo vậy. Những câu chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi về Đại tướng của ông Hàm đã cuốn hút du khách khi đến đây. Những ngày này trời khô hạn, ông Hàm lại phải dậy sớm hơn mọi người để tưới cây.

Ông Hàm rất quý cây cối trong vườn gắn bó với tuổi thơ Đại tướng hoặc do Đại tướng trồng. Đây là cây dừa tỏa bóng trước ngõ được Đại tướng tự tay trồng trong lần về thăm quê năm 1994. Rồi hai cây đào được chở từ Hà Nội vào là món quà người dân Tây Bắc tặng Đại tướng…

Chia tay ông Hàm, chúng tôi ra về khi sương xuân đã bắt đầu giăng mắc. Dòng Kiến Giang trong vắt một màu vẫn lững lờ trôi, bên bờ sông tiếng hò khoan Lệ Thủy của ai đó cất lên "Anh đưa em về thăm quê em xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề ngày xa quê anh không hẹn lại…"

Dương Sông Lam
.
.
.