Thảm kịch ở "làng ung thư"

Thứ Ba, 25/10/2005, 13:33

Nghĩa trang Thạch Sơn nằm bên sườn đồi hiu quạnh. Những ngôi mộ sin sít, mờ ảo trong cơn mưa. Người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ dẫn tôi lội qua những vũng nước. Chị đếm, tôi ghi, chỉ một lát đã tới con số một trăm nấm mộ của những người bị chết vì căn bệnh ung thư quái ác.

Người đàn bà đó là chị Nguyễn Thị Việt, ở xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ). Cả đời chị đầy vơi nước mắt vì chứng kiến cảnh những người thân trong gia đình lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư. Những tấm di ảnh giăng kín trên tường, những bát hương lớn nhỏ xếp đầy mặt tủ. Trong khói hương nghi ngút tỏa ra từ ban thờ, khuôn mặt với đôi mắt trũng sâu thâm quầng của chị càng lộ vẻ lo âu, khổ hạnh. Nhớ lại những ngày ấy, chị vẫn còn sợ...

Nỗi đau của người đàn bà có 11 người thân bị chết

Chị Việt tâm sự với tác giả về nỗi mất mát qúa lớn.
Chị Nguyễn Thị Việt lấy anh Đào Văn Thách và trở thành dâu của gia đình họ Đào nơi xóm Mỏm Dền từ năm 1975. Khi ấy, rất nhiều người trong xóm mắc những căn bệnh quái ác, cứ nổi u trên người rồi chết. Người đầu tiên trong đại gia đình họ Đào bị chết vì bệnh ung thư là Đào Văn Khiêm, anh họ của anh Thách, chồng chị Việt. Đào Văn Khiêm chết năm 1978, khi mới 12 tuổi vì ung thư vòm họng.

Một năm sau, ông Đào Văn Đồng, bác ruột của anh Thách cũng theo người cháu về nơi chín suối vì ung thư gan. Năm 1981, bà Quản Thị Khang, mẹ chồng chị Việt và cô em chồng Đào Thị Ước cùng đột ngột ra đi vì ung thư dạ dày và ung thư gan.

Đại gia đình kiệt quệ vì phải chi tiền nằm viện, thuốc men, hơn nữa, do có nhiều người chết vì ung thư khiến mọi người hết sức lo sợ. Năm 1984, toàn thể gia đình quyết định bỏ lại đất đai, nhà cửa ở xóm Mỏm Dền chuyển vào các xóm khác của xã Thạch Sơn sinh sống. Tưởng rằng, xa rời mảnh đất cũ thì đại gia đình sẽ được yên, nào ngờ, tai họa vẫn cứ liên tục ập đến. Năm 1988, ông Đào Văn Thử, bố chồng chị Việt mất vì ung thư phổi. Năm 1999, chồng chị Việt, người thương binh tận tụy với gia đình cũng theo cha vì ung thư vòm họng.

Ông Đào Văn Minh, người anh cùng cha khác mẹ của ông Đào Văn Thử, sau 23 năm thương nhớ người con là Đào Văn Khiêm, thì đến năm 2001 cũng từ bỏ dương thế vì ung thư phổi. Ngay khi hết tang chồng, vợ ông, bà Nguyễn Thị Ký cũng đi theo ông vì căn bệnh ung thư não, và năm 2004, cô con gái xinh đẹp tên là Đào Thị Ngân, mới bước sang tuổi 17, cũng chết vì ung thư não. Hình ảnh những vòng hoa trắng và những giọt nước mắt của các bạn học sinh bên ngôi mộ của Ngân vẫn in đậm trong tâm trí người dân xã Thạch Sơn như một sự đau đớn vô cùng.

Nỗi đau chưa nguôi, gia đình họ Đào khốn khổ này lại phải chứng kiến anh Đào Văn Tịch (con ông Đào Văn Đồng - người đã chết vì ung thư gan năm 1979), anh họ của chồng chị Việt, chết vì ung thư gan. Ngoài họ Đào, cậu em con dì, sống ở gần nhà chị Việt là Huỳnh Văn Khiêm cũng vừa chết vì ung thư não khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi.

Một nỗi khốn khổ đang đè nặng lên đôi vai gầy của chị Việt, đó là người em chồng Đào Văn Hùng cũng đang bị ung thư phổi. Chị đã bán hết đất, bán cả cái miếu nhỏ trước nhà mà bấy lâu nay chị nhang khói cầu trời, khấn Phật cho gia đình được bình yên, để lấy tiền chữa bệnh cho em. Còn ngôi nhà rách nát chỉ toàn di ảnh với bát nhang, không biết khi nào chị phải lạy lục đám cò đất để họ rao bán hộ đây! Cầu trời cho mấy người con của chị được bình an, để đêm đêm chị được yên giấc.

Bi kịch của những người nằm chờ chết

Ông Tam đang nằm liệt giường
Trên chiếc giường nơi căn nhà ọp ẹp bên cánh đồng là người đàn ông có cái đầu trọc lốc, khuôn mặt vàng ệch và hai hố mắt sâu vô hồn. Người đàn ông đang nằm chờ chết đó là ông Nguyễn Đức Tam. Mới bước sang tuổi 50 mà trông như ông lão 70 ốm yếu, hom hem. Ông cố gượng dậy nói với tôi bằng cái giọng khào khào như gió thoảng của người mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối: “Trước đây tôi khỏe lắm, một mình làm gần mẫu ruộng cứ như đi chơi. Bỗng nhiên, một ngày thấy nổi lên hai cái hạch to bằng nửa cái chén ở dưới hàm rồi lăn ra ốm liên tục. Vợ đưa xuống Hà Nội khám. Ai ngờ bác sĩ bảo đã bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, cùng lắm sống được vài tháng nữa”.

Từ ngày ông bị bệnh, bà Quản Thị Vệ, vợ ông, suốt ngày muối mặt hết làng trên xóm dưới, anh em xa gần để vay nóng tiền chữa trị cho chồng. Theo lịch bác sĩ đề ra, cứ 18 ngày, bà Vệ lại phải khăn gói quả mướp đưa ông Tam ra ga đón tàu về Bệnh viện K để truyền hóa chất, truyền đạm. Riêng tiền thuốc đã mất đứt 5 triệu một lần, chưa kể tiền ăn, tiền nằm viện, tiền đi lại, ở trọ... Từ đầu năm đến giờ, ông Tam xuống Hà Nội truyền hóa chất 6 lần, có đợt điều trị tới 2 tháng. Tổng số tiền đã chi phí là 60 triệu đồng. Không còn chỗ vay mượn nữa, bà Vệ phải cầm cố sổ đỏ đất đai cho ngân hàng để có tiền chữa chạy cho chồng, hy vọng “còn nước, còn tát”.

Theo lịch thì hôm tôi đến thăm là ngày ông Tam phải xuống Hà Nội truyền hóa chất, thế nhưng, ông kiên quyết không đi. Ông bảo: “Cùng lịch điều trị như tôi ở dưới Bệnh viện K có 10 người, nhưng đã chết mất 6 rồi. Bác sĩ nói cùng lắm tôi chỉ sống được hai tháng nữa thôi. Chữa chạy làm gì nữa cho tốn kém”. Khổ cho bà Vệ, đi chạy vạy, giật nóng từ mấy ngày trước mới được 6 triệu, nhưng khóc hết nước mắt mà ông Tam không chịu cho con cái chở ra ga về Hà Nội.

Nằm ngay cạnh nhà ông Tam là ông Quản Văn Thực, cũng bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Ông Thực là em vợ của ông Tam. Khi tôi đến, ông Thực đang nằm bẹp trên giường, chân tay tong teo, khuôn mặt hốc hác, đầu trọc lốc, da mặt xám xịt và mấy cục hạch to bằng cái chén dưới hàm. Ông Thực phát bệnh từ năm 2002. Gia đình đã đưa ông đi chạy chữa ở nhiều bệnh viện, song chỉ kéo dài thêm đau khổ và tuyệt vọng. Sổ đỏ căn nhà đã gán cho ngân hàng để vay tiền từ năm ngoái rồi, năm nay lại phải mượn tới 3 cái sổ bìa đỏ nữa của anh em mới có tiền xuống Hà Nội truyền hóa chất. Người vợ tảo tần, thương chồng còn đưa ông lên tận Hòa Bình, Yên Bái để chữa thuốc nam, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, nhưng kết cục vẫn chẳng được gì. Giờ ông Thực nhất quyết không đi chữa trị gì nữa. Ông tuyên bố, ai mà bắt ông đi thì ông cắn lưỡi tự vẫn.

Cùng cảnh mắc bệnh ung thư, bị bệnh viện trả về nằm chờ chết, ở Thạch Sơn còn có ông Trần Văn Vận. Lúc các bác sĩ mổ thì khối u của ông Vận đã di căn, chẳng thể cứu nổi, đành phải khâu lại rồi trả về quê cho gia đình chuẩn bị lo hậu sự.

Trong sổ theo dõi của Công an xã Thạch Sơn thì từ đầu năm đến nay trong xã đã có 6 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư. Danh sách này chắc chắn sẽ còn dài thêm, bởi hiện tại ở Thạch Sơn còn tới 10 bệnh nhân đã có kết luận bị ung thư. Có người đang nằm chờ chết, có người đang bôn ba trong Nam, ngoài Bắc để mong tìm chút hy vọng...

Người bác sĩ già đi tìm nguyên nhân

Vị bác sỹ già Quản Văn Lộc và cuốn "sổ tử".
Người dân Thạch Sơn chẳng còn lạ gì ông Quản Văn Lộc, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Sơn. Cuộc đời ông Lộc gắn với trạm y tế của cái xã nhỏ này tổng cộng 50 năm trời, từ năm 1954 đến năm 2003. Và cũng trong nửa thế kỷ ấy, ông đã chứng kiến cả trăm cái chết bi thương của người dân quê mình trong cơn hoành hành của bệnh ung thư. Người dân Thạch Sơn đã quá quen với hình ảnh một ông già đầu trần, mặc quần soóc, áo may ô cứ lọ mọ giữa trưa nắng ở một cái mương nước thải hay vũng nước nào đó ở ngoài đồng. Khi lại thấy ông xăm xắn đến bên người bệnh hỏi han, xem xét bệnh án và ghi ghi, chép chép. Bao nhiêu năm nay, ông cứ đạp xe còng cọc đến cơ quan này, cơ quan nọ để kêu cứu cho dân. Và cũng bao nhiêu năm nay, ông tất tả trong các đám tang ma. Người nào bị bệnh và chết vì ung thư đều được ông ghi tỉ mỉ vào hai cuốn sổ đã nhàu nhĩ, ố vàng. Trong hai cuốn sổ ấy là dãy tên, tuổi, địa chỉ, ngày chết... Ô cuối cùng của trang giấy đều ghi nguyên nhân chết như K (ung thư) vòm họng, K phổi, K gan, K não, K dạ dày... Và số thứ tự cuối của danh sách ấy là ông Nguyễn Văn Quảng, chết ngày 8/7/2005.

Ông Lộc nói: “Người dân Thạch Sơn mắc bệnh ung thư từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu thì lác đác vài người, nhưng rồi càng ngày càng nhiều. Khủng khiếp nhất là thời gian cuối những năm 70 đến hết những năm 80 của thế kỷ trước. Hồi ấy, cả làng quanh năm đưa tiễn người chết vì ung thư. Năm 1987, cả xã có tới 21 người; năm 1988 có 11 người; năm 1998 có 12 người... chết vì ung thư. Năm 2001 và năm 2003, mỗi năm đều có 9 người chết; năm 2004 có 7 người chết vì ung thư. Từ đầu năm đến nay đã có 6 người chết, và có thể đến cuối năm sẽ còn vài người nữa phải từ giã cõi đời vì căn bệnh quái ác này...”. Nói rồi ông giở cuốn “sổ tử” đọc cho tôi nghe: Nhà bà Quản Thị Khang chết 2 mẹ con, nhà ông Trần Văn Mai chết 2 vợ chồng, nhà ông Đào Văn Phương chết 3 người, nhà ông Đào Văn Minh chết cả 2 vợ chồng và 2 người con, nhà ông Đào Văn Thử chết cả 2 vợ chồng và 2 người con...

Tất cả những gia đình mà ông Lộc đọc cho tôi nghe đều từng ở xóm Mỏm Dền. 40 hộ gia đình xóm này đều có người chết vì ung thư. Làng xóm gần như ngày nào cũng có giỗ, có đám hiếu, khói nhang nghi ngút. Mọi người hoảng quá nên cứ lần lượt bỏ lại mảnh đất tổ tông, di cư sang các xóm khác trong xã sinh sống. Mảnh đất xưa kia là xóm Mỏm Dền giờ không còn ai ở.

Đang lúc cơn bão số 6 đổ về, trời vừa ngớt cơn mưa tầm tã, ông Lộc và một cán bộ y tế xã cùng tôi xăm xắn lội bùn, vượt qua cánh đồng mênh mông nước, tìm ra gò đất bị khoét nham nhở vì hàng trăm lò gạch. Nơi đó xưa kia là xóm Mỏm Dền. Trời mưa lớn suốt hai ngày qua mà con mương dẫn nước từ đống sỉ than khổng lồ của Nhà máy Supe Phốtphát và Hóa chất Lâm Thao đổ ra cánh đồng vẫn đỏ như máu, bốc mùi khiến tôi cảm thấy khó thở.

Ông Lộc bảo rằng, những ngày trời nắng, khô ráo thì dễ chịu hơn vì khói thải từ nhà máy bay đi xa hơn, chia đều sự ô nhiễm cho những vùng khác, còn những ngày mưa thì khói bụi quẩn xuống khắp xã Thạch Sơn. Người dân ở đây đều biết phân biệt từng loại khói. Khói lưu huỳnh đặc quánh gây khó thở, khói axít có vị chua, gây rát họng. Những ngày trời khô ráo, khói bụi bám vào cây cối một lớp dày màu trắng. Mưa xuống, hóa chất trong bụi gặp nước phản ứng làm cháy cả lá cây.

Dòng mương ngấm nước từ đống sỉ than bên nhà máy chảy ra cánh đồng khiến mặt ruộng có một lớp bùn sỉ khá dày, mặt nước lại có lớp váng màu trắng. Không một con tôm, con cá, thậm chí không con đỉa nào có thể sống được ở cánh đồng này. Người nông dân lội xuống ruộng một lúc là ngứa ngáy, viêm nhiễm các lỗ chân lông. Mùi lưu huỳnh từ mặt ruộng sộc lên khiến đầu óc choáng váng. Nhân dân xã Thạch Sơn từ nhiều năm trước vẫn dùng nước giếng. Nước giếng ở đây có màu đen, mùi lờ lợ. Cốc chén, bát đĩa đem rửa, để một lát sau lên màu xanh lè. Gần đây, chính quyền lắp ống dẫn nước sạch về thì người dân mới không phải dùng nước giếng nữa.

Có người cho rằng, xã Thạch Sơn có nhiều người bị ung thư, nguyên nhân là do bị ô nhiễm chất thải từ Nhà máy Supe Phốtphát và Hóa chất Lâm Thao. Tuy nhiên, trao đổi với tôi, ông Trần Văn Bách, Phó giám đốc kỹ thuật nhà máy cho hay: “Nếu kết luận một số người dân xã Thạch Sơn bị ung thư do chất thải của nhà máy là không có căn cứ”. Ông giải thích như sau: Để sản xuất axít sunfuric phải đốt quặng pirít bằng lưu huỳnh. Sau khi đốt quặng pirít sẽ thải ra sỉ. Trong sỉ than có một lượng nhỏ ôxýt sắt và khí sunfurơ. Khi khí sunfurơ gặp nước sẽ tạo thành axít sunfuric. Tuy nhiên, với lượng nhỏ này thì không gây nguy hại cho sức khỏe con người, hơn nữa, trong chất thải do nhà máy xả ra, độ PH = 6, nằm trong mức chấp nhận được. Cũng theo ông Bách, từ đầu năm 2003, cả 3 dây chuyền của nhà máy đã chuyển sang công nghệ đốt lưu huỳnh hóa lỏng nên không có sỉ than, vả lại, nhà máy dùng bể lọc tuần hoàn nên không có nước thải. Hiện tại, nhà máy đang đầu tư xây dựng mương dẫn nước từ bãi sỉ thải đi qua cánh đồng, thôn xóm xã Thạch Sơn để hạn chế ô nhiễm.

Đến thời điểm này, chưa thể kết luận thủ phạm gây ra tình trạng cả trăm người chết vì ung thư ở Thạch Sơn. Nhưng vì hàng trăm người đã chết và hàng chục người sẽ chết trong những năm tiếp theo bởi căn bệnh quái ác này, chính quyền, nhân dân ở đây mong mỏi các nhà khoa học hãy vào cuộc, điều tra, nghiên cứu làm rõ, để có biện pháp phòng chống hiệu nghiệm.

Cũng phải nói thêm rằng, sau những ngày âm thầm tích lũy tư liệu, làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi của vị bác sĩ già Quản Văn Lộc, năm 1987-1988, đã có một đoàn các nhà khoa học gồm các GS, TS Đào Ngọc Phong, Trần Văn Dần, Phạm Văn Phú... ở Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về nghiên cứu, phân tích môi trường, kiểm tra sức khỏe người dân hàng năm trời. Thế nhưng, chẳng hiểu những công trình nghiên cứu ấy đã kết luận như thế nào để giúp người dân Thạch Sơn thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo mà cho tới nay vẫn chưa thấy "hồi âm"? Họ vẫn phải mòn mỏi trông đợi và hy vọng!

Phạm Ngọc Dương
.
.
.