Tết trên đỉnh Pò nà ma

Thứ Hai, 04/02/2008, 10:25
Nằm cách trung tâm TP Lạng Sơn hơn 30km về phía đông bắc, đỉnh Mẫu Sơn (còn có tên khác là đỉnh Pò nà ma) cao hơn một ngàn mét, được bao bọc xung quanh bởi núi Phìa Phò (núi Cha) và Phìa Mè (núi Mẹ) và hơn 80 ngọn “núi con, núi cháu” to nhỏ sum vầy. Ở đây suốt bốn mùa chìm trong biển sương mù. Tuởng như chẳng có ai sống ở cái chốn mây trời bàng bạc ấy, thế nhưng vẫn có những con người đang ngày đêm bám trụ để giữ cho những con sóng được thông suốt…

Sống giữa ngàn mây

Với những người ở các thành phố lớn, hầu như ít ai quan tâm đến sóng đài phát thanh hay những trạm phát sóng. Thế nhưng, là những người thường xuyên đi công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... chúng tôi mới hiểu tầm quan trọng của sóng phát thanh. Ở những nơi ấy, chiếc đài bán dẫn dường như là phương tiện duy nhất để người ta có thể tiếp cận với "thế giới văn minh", cũng là phương tiện giải trí đắc dụng mà rẻ tiền.

Chúng tôi có dịp lên Lạng Sơn vào những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Tý. Trạm viba Lũng Uất (nằm trên đỉnh Pò nà ma) - nơi có những con người quanh năm "sống giữa ngàn mây" trở thành một điểm mà tôi định ra là phải lên bằng được.

Từ trung tâm TP Lạng Sơn theo hướng Đông Bắc thẳng tiến, sau gần một giờ lượn ngoằn ngoèo, quanh co bên các sườn đồi thoai thoải, có lúc như "đánh vật" với những đoạn đường còn đang làm dang dở trên chiếc xe “bọ hung” chúng tôi mới đến được dưới chân núi Mẫu Sơn. Anh Lâm, là “thổ địa” chạy xe ôm ở dưới chân núi chỉ tay lên phía trên đỉnh vẫn đang chìm trong sương: “Phải 15km nữa mới lên đến đỉnh. Trạm phát sóng phát thanh FM 10KW của Đài tiếng nói Việt Nam nằm trên đó!”.

Theo hướng đó, tôi cùng anh Lâm “bò” lên đỉnh Mẫu Sơn với chiếc xe Minsk cũ kỹ. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước, song tôi cũng không thể ngờ là thời tiết trên đây rét đến vậy. Mưa phùn, gió bấc quất vào khiến người tôi cứ run lên từng đợt. Đi được một đoạn, anh Lâm chỉ cho tôi thấy một cột sóng thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện trong những đợt sương bay qua. Anh bảo, cách đây vài năm muốn lên đỉnh Mẫu Sơn phải đi theo đường mòn, leo núi mất nửa ngày trời, nhưng chú cứ yên tâm, nay đã có đường nhựa lên đến nơi!

Chiếc xe của chúng tôi cứ thế ì ạch “bò” lên đỉnh Mẫu Sơn. Con đường trải nhựa dẫn lên đỉnh tựa như những sợi dây chão nối lại với nhau được vắt cẩu thả quanh các sườn núi, một bên là vách núi, một bên là thung lũng, xuyên qua những làn sương mù dầy đặc, tầm nhìn xa chưa đầy chục mét.  Sau gần một giờ đồng hồ, khi đã thấm mệt chúng tôi mới “bò” lên đến đỉnh Mẫu Sơn - nơi đặt cột phát sóng phát thanh FM 10KW.

Đường lên đỉnh Mẫu Sơn.

Vui nhất là chúng tôi được đi trong một "vườn đào". Thời điểm này, trên đỉnh Mẫu Sơn đã rực lên những cánh đào khoe sắc thắm! Đào rực rỡ trên khắp các sườn núi, đào nở ngay trên đường dẫn lên đỉnh, ngay dưới chân cột phát sóng như muốn mang niềm vui nho nhỏ đến với các anh, những người quanh năm sống ở lưng chừng trời!

Mùa xuân ở đây đến sớm là vậy, nhưng các anh em ở đây luôn phải ăn tết muộn. Cái tết của các anh cũng thật đơn giản, chỉ một cành đào bẻ trên núi, vài cái bánh chưng tự tay các anh gói, tuy có thiếu một ít thịt lợn hay ít muối thì chiếc bánh chưng vẫn vuông vắn vẫn giữ được mùi đặc trưng. Đêm giao thừa ba anh em ngồi quây quần bên bếp củi chất bánh. Cái lạnh trên núi được hơi ấm của ánh lửa xua đi, nhưng nỗi nhớ nhà thì cứ ập đến không nguôi. Có khi ba người ngồi đó mà hàng giờ liền không ai nói với nhau câu gì, họ cứ ngồi đó nhìn ánh lửa bập bùng rồi thả nỗi suy tư…

Anh Nông Văn Phọn cho chúng tôi biết, Trạm phát sóng phát thanh FM có một đội trực vận hành, gồm 3 kíp trực, mỗi kíp có 3 người thay nhau trực liên tục 24/24 giờ trong vòng một tuần. Năm 2004, khi trạm phát sóng được thành lập và xây dựng, anh Phọn là một trong những người đầu tiên được điều động lên đây cùng với anh Lưu Văn Bắc, bây giờ là trạm trưởng. Có thể nói các anh là những người có kinh nghiệm và mẫn cán nhất được cấp trên tin tưởng giao cho đảm nhiệm công việc mới mẻ và đầy khó khăn vất vả này.

Nhiệm vụ của trạm Phát sóng phát thanh trên đỉnh Mẫu Sơn là tiếp sóng của Đài phát thanh Trung Ương rồi truyền cho tất cả các đài phát thanh truyền hình trong khi vực Đông Bắc. Ngoài ra các kíp trực còn phải túc trực 24/24 giờ để vận hành, khai thác phát sóng cho đồng bào các dân tộc. Xử lý sự cố thông tin liên lạc.

Hơn nữa nơi đây là vùng biên giới, việc giao lưu diễn ra liên tục, nếu thông tin liên lạc bị nghẽn mạch, dù chỉ một phút thôi cũng gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, đó là chưa nói đến an ninh quốc gia nên trong dịp tết anh em lại càng phải tập trung cao độ.

3 "cột sóng" giữa trời

Năm nào cũng vậy cứ vào dịp cuối năm, những cơn gió lạnh lại tràn về bủa vây căn nhà nhỏ nằm chót vót trên đỉnh Pò nà ma, nơi những người gác trạm phát sóng đang sinh sống và làm việc. Dường như cái lạnh ở trên núi được tăng cường lên gấp đôi, gấp ba cái rét ở dưới xuôi. Những cơn gió mang theo nước sương lạnh buốt thổi đến héo uá cả lá, rụng cả hoa. Hơi sương bao bọc cả trạm, cái lạnh buốt lúc nào cũng thấu đến tận xương tuỷ!

Ngày đầu lên trạm, các anh phải chuẩn bị tất cả quần áo, đồ ăn, lương thực, nước uống từ tối hôm trước. Hồi đó đường đất còn khó đi, tờ mờ sáng hôm sau lên đường mà mãi đến trưa mới leo lên đến nơi.

Sau khi được phân chia thành 3 kíp trực, mỗi kíp trực vận hành trong vòng một tuần thì cứ đầu các kíp phải chuẩn bị tất cả các đồ dùng sinh hoạt cho một tuần đó. Từ gạo, nước, thức ăn, rau, quả, củ, thịt đều được mua từ dưới rồi đèo xe máy lên. Anh Phọn nói vui: “Ba anh em chúng tôi mua vài cân thịt lên ăn dần trong một tuần. Thịt để cả tuần mà cứ tươi roi rói bởi vì thời tiết trên đây lúc nào cũng lạnh như ở trong tủ lạnh ấy. Rau, củ quả thì được xếp rải ra đất hàng tuần mà vẫn xanh tươi mơn mởn…”.

Nhưng cái khó nhất không phải là lương thực mà là nước sinh hoạt. Anh Lương Thế Hùng kể lại, từ đây xuống bản các bản gần nhất cũng phải vài km đường dốc dựng đứng. Cứ co chân bước là đầu gối chạm ngực. Mỗi lần như thế các anh lại phải cố gắng di chuyển sao cho thật tiết kiệm sức mới mang nổi nước về trạm. Hàng ngày 3 người thay nhau xuống lấy nước về, tiết kiệm nước thậm chí có khi cả tuần, các anh mới dám tắm một lần!

Việc tắm giặt và phơi phóng quần áo cũng là những “vướng mắc” lớn khiến các anh thường phải “đau đầu”. Trên đỉnh Mẫu Sơn khí hậu quanh năm lạnh là thế, nhưng sương mù lại còn bao phủ dầy đặc khiến cho không khí lúc nào cũng ẩm thấp, quần áo thì cứ đóng bao cầm ở dưới lên đến nơi là bị ướt sũng. Thế là mỗi anh vào một buồng máy, đóng chặt của để phơi áo quần… "Nhiều khi quần áo vẫn còn ẩm, nhưng chúng tôi cứ mặc đại vào người. Sau một lúc có hơi ấm của người là tự khắc nó sẽ khô thôi!...”. Anh Đạt dí dỏm kể. “Thỉnh thoảng Mẫu Sơn còn có tuyết rơi, nhiệt độ xuống tới độ âm. Dân tình các nơi nô nức rủ nhau đi xem tuyết. Thế nhưng các anh ở đây lại càng lo hơn, vì độ ẩm cao thế, các thiết bị rất dễ bị hỏng”.

Nam thanh nữ tú đổ về Mẫu Sơn xem tuyết rơi.

Anh Phọn cho chúng tôi biết thêm: "Chỉ cần sống ở đây một tuần là biết thế nào là sấm sét. Vào một ngày tháng 4/2002, trời bỗng trở nên u ám đến kỳ lạ, mưa giông bỗng chốc kéo về. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trực vi ba, tôi lập tức đóng đất (đóng cầu dao xuống đất), cắt toàn bộ điện ở trạm biến thế. Chưa đầy 30 phút sau, một tia chớp khổng lồ dội xuống ngọn núi, cả trạm biến thế điện như bật lên khỏi mặt đất.

Có đêm sét ghé thăm “đánh” tới mấy chục lần, có những đêm mưa gió, sét “dựng” tất cả ba anh em chúng tôi dậy cùng một lúc. Có khi trời không có mưa nhưng vẫn có sét (sét khan), có khi không gió chỉ cần một đám mây mù cũng có sét. Sét cứ xoèn xoẹt như trêu ngươi rồi oành một cái giật bắn cả người. Lâu dần thành quen, có khi lâu lâu không được nghe tiếng sét lại thấy thiêu thiếu cái gì đó…". 

Anh Phọn quê ở mãi Thụ Hùng - Cao Lộc, đã có hai cháu. Tính đến nay anh đã có hơn hai chục năm công tác trong ngành thông tin liên lạc, biết bao kỷ niệm buồn vui anh đều đã từng nếm trải, nhưng có lẽ những cái tết anh cùng các anh em đón trên đỉnh Mẫu Sơn sẽ không bao giờ quên được. Anh tâm sự: “Năm ngoái kíp trực của ba anh rơi đúng vào ba ngày tết. Những ngày ấy trong anh cứ rạo rực một niềm nhớ! Từ trên cao nhìn xuống, anh tưởng tượng ra cảnh dưới mỗi nếp nhà là sự quây quần đầm ấm bên nhau. Nhớ! Nhớ vợ con đến nao lòng…”.

Anh Đạt quê dưới Lộc Bình, cũng mới cưới vợ và đã có một cháu nhỏ. Tết đó anh cũng ở lại trong kíp trực. Nhớ người vợ, nhớ con nhỏ đến nỗi mà ngồi bên bếp lửa anh chỉ biết ôm cây đàn và hát nghêu ngao cho nguôi đi nỗi nhớ nhà. Anh "xuyên tạc": "Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có... ba người, chỉ có ba người...yêu nhau...hờ hờ". Chúng tôi nghe mà vừa cười, vừa thấy thương những "chiến sĩ" của mặt trận thông tin liên lạc.

Năm ngoái là năm đầu tiên mà Lương Thế Hùng phải ăn tết xa nhà, nỗi nhớ cha, nhớ mẹ nhớ cô người yêu dưới quê cứ day dứt mãi trong lòng. Cả đêm thức trắng, Hùng chỉ biết ngồi trong buồng máy cầm tấm ảnh gia đình ra ngắm cho đỡ nhớ.

Nhưng do đặc thù của công việc, những ngày tết là thời gian các anh bận rộn nhất vì các anh phải xử lý, phát sóng cho các đồng bào dân tộc xem các chương trình tết. Các chương trình phát sóng tết không được phép để gián đoạn vào những thời khắc đó. Đêm giao thừa, lời chúc tết của Chủ tịch nước được truyền đến từng nhà của bà con dân tộc Mông, người Dao…

Trong những ngày tết giá rét ấy, trên đỉnh Mẫu Sơn, ba người sát cánh bên nhau và chưa bao giờ dám lơ là dù chỉ một phút. Mặc dù ngày tết đấy, các anh chỉ dám nhấp một chút rượu nhỏ để mừng xuân, ăn tạm gói mì tôm cho ấm bụng bởi với họ, chỉ một sơ suất nhỏ là có thể làm cho bà con dân tộc bị mất sóng.

Anh Đạt tâm sự, vào những ngày tết, ngồi một mình trên đỉnh núi mù sương, nghe đài thấy cảnh gia đình người ta vui vầy, sum họp còn mình thì biền biệt, lại thấy thương vợ, nhớ con đến chảy nước mắt… Nhưng  khi nghĩ đến nhiều người trong ngày tết dù cách xa nhau vẫn được dõi theo không khí xuân trên khắp đất nước, mình cũng được an ủi phần nào.

Tết năm nay, họ lại ở lại với cột phát sóng, ba người luôn động viên nhau, bằng bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo phát sóng được thông suốt. Đến giấc ngủ họ cũng chia nhau…Và trên ngọn núi cao ngất ấy luôn có 3 "cột sóng" để theo dõi những con sóng, góp thêm niềm vui xuân cho nhân dân

Minh Tiến - Đông Hưng
.
.
.