Tết này, vừa ăn vừa lo

Thứ Ba, 09/01/2007, 12:22

Formol không chỉ được sử dụng trong bánh phở mà đã xuất hiện trong các thực phẩm nướng, hun khói. Những mẫu hạt dưa lấy ở phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân để kiểm tra đều sử dụng phẩm màu công nghiệp, thuộc danh mục chất cấm sử dụng…

Tại buổi họp báo về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Đinh Hợi ngày 5/1, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế, Trần Đáng cảnh báo nguy cơ bùng phát các loại thực phẩm độc hại trong dịp Tết Đinh Hợi 2007.

Kiểm tra nhưng chưa đồng bộ

Trong đợt kiểm tra liên ngành tại Hà Nội giữa Sở Y tế và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng sử dụng hàn the, formol chẳng những không giảm mà còn gia tăng một cách đáng báo động. Đặc biệt mặt hàng giò được bày bán nhiều hơn trong dịp Tết và sự mua bán chất độc hại như formol, hàn the lại diễn ra khá công khai.

Trong tháng 12/2006, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát về vệ sinh phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm tại 5 khách sạn, nhà khách và 11 điểm thi đấu phục vụ Đại hội Thể dục thể thao sinh viên Đông Nam Á, 527 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố. Tiến hành xử phạt 17 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, huỷ gia cầm và trứng không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Để phòng chống dịch cúm gia cầm, Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động chống dịch cấp thành phố và 28 đội cơ động ở 14 quận, huyện sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Với kế hoạch đảm bảo ATVSTP trong dịp tết năm nay, trước tết 3 tháng, Cục đã tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, trước tết 2 tháng kiểm tra tình hình nhập khẩu và trước tết 1 tháng kiểm tra về lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, chức năng của Cục ATVSTP chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, phát hiện nhưng lại không có thẩm quyền thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đó cũng là hạn chế chưa được khắc phục.

Vấn đề thực phẩm qua biên giới, thực phẩm nhập lậu chưa kiểm soát được còn khá phổ biến như rau quả, gia cầm, trứng, thuỷ sản, thịt, phủ tạng gia súc, thuốc lá, rượu… Đặc biệt, các loại thuốc tăng trọng, thuốc diệt chuột, các loại phụ gia cấm còn nhập lậu khá phổ biến.

Các cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu chưa thống nhất được thủ tục, nội dung kiểm tra còn chồng chéo và bỏ trống nhiều mặt hàng thực phẩm. Việc kiểm tra mới chỉ theo từng đợt, chưa sâu rộng và chưa đồng bộ ở nhiều địa phương.

Người tiêu dùng hãy bảo vệ chính mình

Việc đảm bảo ATVSTP không chỉ là công tác của các cấp, các ngành mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính người tiêu dùng. Vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán hàng năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng lên rất cao, nhất là các loại thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… kéo theo việc sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn các loại thực phẩm này trên thị trường. Nguy cơ thực phẩm không đảm bảo ATVSTP được đưa ra bán trong dịp tết khá lớn.

Cục ATVSTP cũng có khuyến cáo nên mua thực phẩm ở những cửa hàng an toàn, đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Và đặc biệt, mỗi người dân hãy tự giác tố cáo những hành vi, cơ sở vi phạm về ATVSTP để các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết và kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng cảnh giác.

Có thể nói, năm 2006 đã hình thành được hành lang pháp lý để kiểm soát ATVSTP từ  "trang trại đến bàn ăn"  và bước đầu xây dựng hệ thống lý luận khoa học cho công tác quản lý ATVSTP ở Việt Nam hài hoà với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, với yêu cầu hiện nay, việc ban hành Luật Thực phẩm ở Việt Nam, có đủ sức mạnh về pháp lý để kiểm soát được thực phẩm là rất cần thiết. Bởi hiện nay, hệ thống quản lý, thanh tra chuyên ngành và kiểm nghiệm ATVSTP chưa đầy đủ.

Để Tết Đinh Hợi thật sự ý nghĩa và an toàn với mỗi người dân, thì bên cạnh ý thức của chính người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng nên có những kế hoạch thống nhất để ngăn chặn và xử lý kịp thời những nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn về ATVSTP, để mỗi người dân được đón một cái tết bình yên

Hồng Hạnh
.
.
.