Tết của người Việt ở Sénégal

Chủ Nhật, 29/01/2006, 07:06

Đối với những người con xa xứ, không phải ai cũng có điều kiện về quê sum vầy với gia đình, bà con trong những ngày tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc. Chúng tôi, những chuyên gia Việt Nam và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam công tác tại nước Cộng hòa Sénégal là những người như thế.

Sénégal là một nước nhỏ nằm trên bờ Đại Tây Dương với số dân khoảng 10 triệu người, hàng năm thiếu lương thực phải nhập khẩu hơn nửa triệu tấn gạo. Trên tinh thần của hợp tác Nam - Nam và trong khuôn khổ thỏa thuận 3 bên Việt Nam - FAO - Sénégal, từ năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã cử một đoàn chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang giúp bạn thực hiện chương trình đặc biệt về an ninh lương thực.

Các chuyên gia của chúng ta làm việc chủ yếu ở địa phương, đi sát giúp nông dân bạn thực hiện những dự án nhỏ phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí thấp như làm thủy lợi nhỏ, trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi gia súc nhỏ (gà, lợn, cừu), nuôi và đánh bắt cá, nuôi ong và chế biến nông hải sản ở 10 vùng trong cả nước. Con số chuyên gia Việt Nam lúc đông nhất lên tới 100 người.

Chúng tôi chỉ là những người Việt đến sau, tại đây có một cộng đồng người Việt Nam định cư đã lâu năm, trên nửa thế kỷ. Theo lời các bác Việt kiều cao tuổi, số người Việt hiện còn sinh sống tại Sénégal không nhiều, khoảng dưới một trăm người. Phần lớn các bác sống tại thủ đô của Sénégal, là thành phố Dakar nằm sát bờ Đại Tây Dương.

Chúng tôi, những chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam, đã trải qua 7 cái tết ở xứ Tây Phi, cận sa mạc Sahara, miền nhiệt đới nóng khô.

Ở Sénégal, đất nước có 90% dân theo đạo Hồi, 10% dân theo đạo Thiên Chúa, tết chính của bạn là tết Tabaski (tết cừu) và tết Noel. Tết cổ truyền của ta, chúng tôi đề nghị bạn cho phép nghỉ 3 ngày để tổ chức ăn tết cùng anh em ở các địa phương và cùng bà con Việt kiều tại thủ đô.

Tết cổ truyền tổ chức tại các vùng thường rất rôm rả vì anh em sống tập thể từ 8 đến 15 người mỗi vùng. Trước khi lên đường đi châu Phi, mỗi người đều không quên mang trong hành lý của mình những món thực phẩm Việt Nam, chuẩn bị cho một cái tết xa nhà sắp tới: gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ, miến, măng khô, hương. Đông vui, rộn ràng, đầm ấm như trong một gia đình lớn trước ngày tết, mỗi người một việc: các anh, chị lớn tuổi khéo tay gói bánh, làm nem (mời bạn Sénégal cùng vui tết Việt Nam phải làm nem thịt gà hoặc thịt bò vì người theo đạo Hồi kiêng ăn thịt lợn) thanh niên chạy vòng ngoài tìm lá chuối thay lá dong, kẻ khẩu hiệu mừng xuân, trang hoàng bàn thờ Tổ quốc, cắt giấy hồng làm hoa gắn vào cành cây khô tưởng tượng ra cây đào Nhật Tân và không khí mùa xuân quê hương giữa cái nắng chói chang của mùa khô khí hậu cận sa mạc.

Giao thừa Việt Nam 12 giờ đêm ứng với 5 giờ chiều Sénégal, chênh nhau 7 múi giờ. Lúc đó còn nắng tưng bừng trên đất nước Tây Phi đang giữa mùa khô này. Tôi còn nhớ câu thơ của một chuyên gia trong đoàn: “Giao thừa nắng đỏ nhớ quê hương!”. Đó là thời khắc những người xa gia đình, xa quê hương cảm thấy nhớ thương da diết! Mọi người kéo nhau đi gọi điện thoại về nước chúc tết ông bà, cha mẹ, vợ con, gia đình trước giao thừa, cũng có năm đường dây tắc nghẽn, tới mồng 1 mới liên lạc được.

Chúng tôi ở ban chỉ đạo đoàn thường cố gắng đi tới những vùng gần thủ đô, khoảng cách 100 km đổ lại, ăn tết cùng anh em, chia sẻ nỗi niềm, động viên nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại, tết Kỷ Mão 1999, trong những ngày vui tết cổ truyền ở vùng Fatick, một chuyên gia nhận được cuốn băng quay cảnh đám cưới con gái đầu lòng ở trong nước gửi sang đã bật khóc, làm một anh bạn trẻ xa vợ ở Hà Nội cũng khóc theo. Chúng tôi đến bên họ chia sẻ, động viên như anh em một nhà.

Những vùng xa như MaTam, Podor, cách thủ đô 700 km, giáp biên giới nước Mauritanie ở phía Bắc, anh em chuyên gia Việt Nam quây quần đón xuân trong luồng gió nóng harmattan thổi từ sa mạc Sahara về, nhiệt độ có lúc lên tới trên 45oC. Chúng tôi không có điều kiện đến ăn tết cùng anh em, lúc đó một cánh thiếp, một lời chúc đầu năm từ thủ đô hoặc từ các vùng khác tới đã làm mát lòng những người con xa đất nước, đang sống và làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Tết âm lịch là dịp chung vui đặc biệt, chúng tôi đã ăn tết cùng bà con, cô bác Việt kiều tại Dakar kể từ tết Đinh Sửu năm 1997 cho tới cái tết Nhâm Ngọ 2002. Địa điểm vui xuân thay đổi hàng năm, có lúc ở trụ sở đoàn tại phố Point E, gần Đại sứ quán Việt Nam năm xưa (nay ta không có sứ quán tại Sénégal, Đại sứ Việt Nam tại Algérie kiêm nhiệm nhiều nước ở Tây Phi, trong đó có Sénégal), có lúc ở nhà riêng hoặc các quán ăn Việt Nam của Việt kiều tại thủ đô Dakar.

Ngày tết chung vui, các bác Việt kiều, mỗi người mang tới một món ăn tự mình làm: xôi, chè, bánh cuốn, mứt,... và dĩ nhiên không bao giờ vắng món nem Việt Nam, món ăn bán chạy nhất ở các quán ăn Việt Nam tại thủ đô Dakar hoặc cố đô Saint Louis ở miền Bắc Sénégal.

Gặp nhau mọi người hàn huyên, chuyện trò vui vẻ, các bác lớn tuổi thích hỏi chuyện đất nước, quê hương, ôn lại những kỷ niệm ngày tết cổ truyền ở Việt Nam. Chương trình văn nghệ đón mừng xuân năm nào cũng có, các bác lớn tuổi hát cải lương, ru con, đóng kịch cùng vui chung với các chuyên gia Việt Nam.

Tết Nhâm Ngọ 2002, chúng tôi ăn cái tết cuối cùng tại Dakar cùng cộng đồng người Việt sống lâu năm tại Sénégal. Ngày 30 tết năm ấy, tại trụ sở đoàn ở Point E, anh chị em chuyên gia Việt Nam ở Thies, vùng gần thủ đô nhất, tới giúp đoàn chuẩn bị bữa liên hoan cuối năm. Đông đảo Việt kiều ở thủ đô đến tham dự: Chị Jackie, người chị cả của cộng đồng người Việt ở Dakar lúc đó, quê Quảng Trị, cùng con trai, con gái, chị Hằng quê gốc Hà Nội, chị Thanh, quê Văn Giang, Hưng Yên và con gái, chị Phương quê Hòa Bình và con gái, chị Lan quê Nam Định, chị Helene quê Quảng Nam và dĩ nhiên cả gia đình ông Gomis. Ngày cuối năm, những người Việt xa xứ quây quần bên nhau, nhâm nhi ly rượu quê hương, trò chuyện, hát hò vui vẻ để quên đi nỗi buồn tha phương trong những ngày tết thiêng liêng của người Việt.

Cuối năm 2002, đoàn chúng tôi rời Sénégal, kết thúc giai đoạn một của chương trình đặc biệt về an ninh lương thực tại nước bạn. Đầu năm 2004, đoàn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam trở lại nước Cộng hòa Sénégal với nhiệm vụ đào tạo, phổ biến rộng rãi những kỹ thuật cải tiến đã trình diễn thành công trong những năm trước về thâm canh lúa, rau, chăn nuôi gia súc nhỏ, nuôi cá, nuôi ong, làm thủy lợi nhỏ cho nông dân bạn, chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng của chương trình.

Những cái tết của người Việt ở Sénégal và chúng tôi, các chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang làm việc trên đất bạn mãi là kỷ niệm không thể nào quên

Lê Song
.
.
.