Tết Trung thu với trẻ em mưu sinh

Thứ Hai, 12/09/2011, 14:15
Đến thị trấn Sa Pa, Lào Cai, cùng với khung cảnh thơ mộng một điều khiến nhiều người khó có thể quên chính là hình ảnh của những em nhỏ bán hàng rong tại bất cứ điểm nào từ các bản làng, khu du lịch, cổng chợ...Với các em Tết Trung thu thực sự là một điều gì đó thật xa vời.

Tết Trung thu với đêm trăng rằm được tất cả trẻ em mong đợi, vì vào ngày này, các em được bố mẹ mua quần áo mới, đồ chơi đẹp và đặc biệt là được sắm cho một mâm cỗ với thật nhiều hoa quả, bánh kẹo để cùng các bạn “trông trăng, phá cỗ”. Thế nhưng, tại thị trấn Sa Pa, Lào Cai, không ít các em nhỏ dân tộc Mông, Dao… vẫn cặm cụi làm thêm bằng công việc bán hàng rong để phụ giúp gia đình. Nhưng không vì thế mà các em không có Tết Trung thu.

Đến thị trấn Sa Pa, Lào Cai, cùng với khung cảnh thơ mộng một điều khiến nhiều người khó có thể quên chính là hình ảnh của những em nhỏ bán hàng rong tại bất cứ điểm nào từ các bản làng, khu du lịch, cổng chợ... Quần áo nhem nhuốc, những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, để có thể bán được những thứ đồ nhỏ bé với giá từ 5.000 đồng, các em phải cần mẫn bám theo các du khách ngay cả trong những đêm mưa rét lạnh đến tê người ở Sa Pa.

Cô bé nhỏ quắt, đôi chân đất tái xạm giữa cái lạnh tê tái của Sa Pa những ngày giữa thu. Cô bé có tên là Thào Thị Tú, ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa mới học lớp 3 nhưng hết giờ đi học là em lại đi bán hàng rong cho khách du lịch tại thị trấn. Tôi hỏi, vì sao em đi làm sớm thế? Thào Thị Tú kể: “Cô giáo bảo phải đóng 10.000 đồng để mua sách vở nhưng em không có tiền nên phải đi bán hàng để kiếm tiền”.

Khi tôi hỏi, Tết Trung thu em đã được nhận quà gì chưa? Em thật thà: “Cô giáo cho em 3 cái kẹo rồi. Em chẳng có tiền mua đồ chơi”. “Đêm Trung thu em có phải đi làm nữa không?”, tôi hỏi. “Em có. Không đi bán hàng thì chẳng có tiền đâu”, đôi mắt cô bé buồn buồn. Nhìn đôi chân trần bé xíu đang run run trong giá lạnh, chúng tôi chẳng cầm lòng, đưa cho Tú chút tiền để em mua đôi dép. Đang nói chuyện, bỗng thấy có một khách du lịch đi qua, Tú lại nhanh chóng bám theo họ rồi chìa những chiếc vòng bạc, những chiếc túi thổ cẩm nhỏ xíu… để mời khách mua. “Có 5.000 đồng một chiếc thôi, cô chú mua giúp con nhé”.

Cô bé Giàng Thị Mao thì vừa đi bán hàng vừa phải địu thêm đứa em mới 5 tháng tuổi trên lưng. Giữa cái lạnh buốt ban đêm ở Sa Pa là vậy mà đứa bé vẫn ngủ quẹo đầu ngủ quên trên lưng chị. Mới học lớp 5 tại Trường Thông Bản Pho, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa nhưng Mao đi bán hàng tại trung tâm thị trấn Sa Pa đã gần 3 năm nay. Đều đặn, cứ sau mỗi ngày lên lớp, Giàng Thị Mao lại mang những chiếc túi, vòng tay bằng thổ cẩm do mẹ dệt để bán cho khách du lịch tại Sa Pa.

Tôi hỏi: “Ban ngày đi học, chiều và tối lại đi bán hàng, thời gian đâu em học bài” thì Giàng Thị Mao trả lời: “Đi học phải đóng tiền, nhà em chẳng có. Đi làm có được tiền nên thích đi làm hơn”. Tôi hỏi em, đêm Trung thu năm nay em thích được quà gì?”, Mao trả lời: “Em chỉ mong có tiền để gia đình em đỡ nghèo thôi”. Thế nên, đêm Trung thu, Giàng Thị Mao vẫn phải bán hàng đến 22h mới được bố mẹ đón về. Lúc đó hy vọng em sẽ được đón Trung thu.

Các em nhỏ mưu sinh tại Sa Pa, Lào Cai.

Theo bà Âu Thị Oanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sa Pa, Lào Cai thì dịp Tết Trung thu năm nay, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ cho 10 điểm trường từ trường mầm non cho đến trường cấp 2 trên địa bàn huyện số tiền hơn 8 triệu đồng để mua quà bánh Trung thu tặng các em vui chơi.

Đặc biệt, tại một số khu vực sẽ tổ chức các chương trình như rước đèn Trung thu, làm các đồ chơi dân gian, tổ chức các giải thể thao… cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn, không ít các em nhỏ thiệt thòi đang cuốn vào công cuộc mưu sinh bằng việc đi bán hàng rong cho khách du lịch. Bà Oanh cho biết: tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Sa Pa với 17 xã, 1 thị trấn hiện còn hơn 52% trong đó nhiều xã, số hộ nghèo vẫn chiếm đến hơn 80%.

Nhiều gia đình do nhận thức còn hạn chế, do lợi ích trước mắt nên đã đưa các em, thậm chí có những em còn rất nhỏ tuổi đi bán hàng. Không ít các em nhỏ đã bỏ học để đi bán hàng từ rất sớm. Đối với những trường hợp này, các ban, ngành, đoàn thể đã cùng nhau tổ chức các chương trình tuyên truyền, vận động đến các thôn, bản để bố mẹ các em có nhận thức đúng đắn, không để con em tự ý bỏ học đi làm.

Bà Âu Thị Oanh cũng cho biết, với các trẻ em đi bán hàng tại các khu du lịch, nguy cơ bị lợi dụng cũng rất cao. Chính vì vậy, Hội Phụ nữ cũng như các ban, ngành, đoàn thể đã thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục cho các bà mẹ biết và hướng dẫn cho trẻ kỹ năng sống, cách tự bảo vệ mình…

Trong khi trẻ em tại các thành phố, thị trấn vùng đồng bằng đang đón chào Tết Trung thu với kẹo bánh, đồ chơi đẹp, nhìn hình ảnh những em nhỏ lặn lội mưu sinh trong đêm tại Sa Pa, chúng tôi hy vọng gia đình các em và các cấp chính quyền ở đây cần quan tâm tổ chức cho các em được đón Tết Trung thu dẫu vật chất còn thiếu thốn!

Tại tỉnh miền núi Lào Cai, không khí mua sắm tại các tuyến phố, siêu thị và ở chợ trung tâm thành phố, thị trấn, thậm chí cả những bản vùng cao Lào Cai cũng rất nhộn nhịp. Tại TP Lào Cai, hầu hết các loại bánh Trung thu đều được nhập từ các cơ sở sản xuất nổi tiếng dưới xuôi mang thương hiệu Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica... Bên cạnh đó, cũng có một số lượng lớn bánh địa phương như hiệu Vân Ngọc, Hoài Linh và một số lượng đáng kể bánh có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc với giá phải chăng 10.000 đến 25.000đ/hộp.

Tại các huyện miền núi như Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai... thị trường bánh Trung thu cũng sôi động không kém thành phố và các thị trấn lớn... Sản phẩm bán ra phong phú hơn các năm trước. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai đánh giá: Bên cạnh sự kiểm tra chặt chẽ các loại bánh nhập khẩu, các loại bánh do địa phương sản xuất một vài năm gần đây đã đảm bảo được yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đa dạng. Các cơ sở sản xuất đều có xuất xứ nguyên liệu rõ ràng, trên mỗi chiếc bánh đều ghi hạn sử dụng.

Lục Văn Toán

Đình Phương
.
.
.