Đậm đà tết Bắc trên đất Tây Nguyên

Thứ Bảy, 25/01/2020, 10:37
Không khí vui tươi, phấn khởi và cuộc sống chan hòa trong Tết Canh Týgiữa cộng đồng dân tộc Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc và đồng bào bản địa nơi mảnh đất nhiều nắng gió huyện Kông Chro, Gia Lai đang tô điểm thêm tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau của các dân tộc anh em trên đất nước hình chữ S.

Ấm no trên quê hương mới

Năm 2008, hàng chục hộ dân tộc Dao thuộc các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh bắt đầu cuộc di cư tự do vào Tây Nguyên để tìm vùng đất màu mỡ, có điều kiện sản xuất, canh tác tốt hơn. Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng những hộ dân này chọn vùng đất gần dãy núi Chư Krey thuộc xã Chư Krey, huyện Kông Chro, Gia Lai làm điểm dừng chân. Dù cuộc sống giữa rừng tạm bợ, thiếu thốn trăm bề; người dân thường xuyên phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng, đường sá đi lại khó khăn nhưng đất mới hơn hẳn quê cũ nên họ vẫn bám trụ, kì vọng vào đất mới. Từ đó, khu dân cư tự phát với 43 hộ dân, gần 200 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao đến từ các tỉnh phía Bắc hình thành trên đất Kông Chro.

Các thành viên trong gia đình ông Hùng lần lượt đặt lễ vật lên bàn thờ tổ tiên.

 Thực trạng và vấn đề phát sinh từ dân di cư tự do đã gây nhiều khó khăn cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều giải pháp cấp bách được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh chính trị và bảo vệ những khu rừng gần khu dân cư tự phát. Sau nhiều đắn đo với các phương án đề ra, giải pháp tối ưu được chính quyền địa phương lựa chọn là di dời 43 hộ dân này về một khu đất trống rộng khoảng 3 ha thuộc làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, huyện Kông Chro. Năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai bố trí quỹ đất và xuất kinh phí 3,7 tỷ đồng xây dựng đường điện, san ủi mặt bằng, làm đường bê tông giao thông nông thôn, xây dựng 2 bể chứa nước và hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ di dời nhà gần rừng ra khu tái định cư.

Đồng bào Bahnar mang theo rượu ghè đến chung vui, chúc mừng năm mới gia đình ông Hùng.

Sau hơn 1 năm di dời, đời sống đồng bào dân tộc Dao tại khu tái định cư đã có nhiều đổi thay tích cực. Đến nay, khu tái định cư này gồm có 4 dãy nhà chia làm 2 khu vực dọc theo đường liên thôn, trong đó có nhiều nhà xây kiên cố. Những hàng cột điện thẳng tắp dọc trên những con đường bê tông ở khu tái định cư. Nước sạch cũng được dẫn về tận nhà dân. Đáng chú ý, khu tái định cư này nằm cùng làng Lơ Bơ với đồng bào Bahnar có 109 hộ, 523 nhân khẩu đã sinh sống lâu đời tại đây. Dù có nhiều nét văn hóa, tính ngưỡng khác nhau nhưng cộng đồng dân tộc Dao và Bahnar luôn sống chan hòa, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.

“Trước đây chúng tôi ở gần rừng, đường sá đi lại khó khăn, con cái không được học hành. Được Đảng và Nhà nước quan tâm bố trí nơi ở mới, con cái chúng tôi được đi học gần trường, khám chữa bệnh thuận tiện hơn; có điện thắp sáng, có đường bê tông đi lại dễ dàng. Các hộ dân ở đây đều có đất sản xuất, hộ nhiều được 3-4 ha. Cuộc sống ở đây tốt hơn quê cũ nên chúng tôi không phải lo cái ăn, cái mặc từng bữa như trước đây nữa”, ông Triệu Sinh Thành-một trong những hộ di cư tự do được di dời về khu tái định cư làng Lơ Bơ nói.

Phụ nữ người Dao uống rượu ghè vừa được tặng.

Tết Bắc trên Tây Nguyên - đoàn kết, yêu thương

Theo phong tục của đồng bào dân tộc Dao, ngày Tết sẽ được tổ chức từ ngày 20 tháng Chạp và kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Quá trình diễn ra Tết, các gia đình trong cộng đồng sẽ luân phiên đến chúc Tết từng gia đình trong làng vào 1 ngày nhất định để thắt chặt tình đoàn kết, trò chuyện, chia sẻ cùng nhau về một năm đã qua. Tại các gia đình tổ chức đón Tết, những gia đình đến chung vui sẽ chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến năm mới với nhiều may mắn, công việc thuận lợi.

Hôm nay, gia đình ông Triệu Tài Hùng tổ chức đón Tết Canh Tý 2020 với sự tham gia, chúc mừng của bà con trong làng. Trên bàn thờ tổ tiên nhà ông Hùng vẫn có đầy đủ những đặc trưng truyền thống của dân tộc mình như: bọn dảu dúa (bánh tét), dùa tải (bánh cặp), món khẩu nhục, gà, thịt heo, hoa, mâm ngũ quả và giấy bản cúng tổ tiên.

Điều đặc biệt là chị Nay H’Môi-dân tộc Jrai là con dâu ông Hùng cũng có mặt để đón Tết cùng gia đình. Chị Nay H’Môi vui vẻ nói: Mình lấy chồng và ở bên nhà chồng. Mặc dù phong tục người Jrai theo chế độ mẫu hệ nhưng bố mẹ mình cũng vui vẻ cho con về ở bên chồng, miễn là con gái được hạnh phúc, vui vẻ.

Bà Triệu Thị Múi (SN 1970) say sưa kể về nét đẹp của trang phục truyền thống dân tộc Dao.

Biết tin gia đình ông Hùng tổ chức đón Tết, già làng Đinh Văn Diu dẫn đầu cộng đồng Bahnar, làng Lơ Bơ đến chúc tết gia đình. Lễ vật mang tặng là bình rượu ghè quý mà dân làng đã làm và để dành cho những sự kiện trọng đại. Già làng Diu cho biết: Từ ngày cộng đồng người Dao về sinh sống tại làng, 2 cộng đồng chưa xảy ra mối bất hòa nào. Những dịp lễ cúng hay các gia đình hai bên có việc, người của cộng đồng này đều sang giúp đỡ; không có sự phân biệt nào cả vì người Bahnar, người Dao đoàn kết, yêu thương nhau và là bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam.

Đại diện gia đình, ông Triệu Tài Hùng cám ơn bà con trong làng, đặc biệt già làng Diu và các anh em Bahnar đã đến chung vui, đón Tết cùng gia đình. Trong dịp này, những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, sặc sỡ nhất cũng được gia đình ông Hùng cùng bà con dân tộc Dao khoác lên mình. Họ say sưa giới thiệu với khách đến nhà về những nét đẹp đặc trưng của bộ trang phục truyền thống dân tộc mình.

Đồng bào dân tộc Dao và Bahnar đoàn kết, yêu thương nhau.

Đại úy Đinh Klon, Trưởng Công an xã Chư Krey, Kông Chro cho hay: Từ ngày thành lập khu tái định cư đồng bào dân tộc Dao, tình hình an ninh chính trị địa phương vẫn được giữ vững, bà con chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Cộng đồng dân tộc Dao và Bahnar đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, sinh hoạt. Đây còn là địa bàn trắng về tội phạm nên rất cần được nhân rộng, phát huy. Hiện người Dao đã học và nói được tiếng của đồng bào Bahnar bản địa nơi đây.

Khoảng khắc đầm ấm tình đoàn kết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khương Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Chư Krey, Kông Chro: Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc Dao ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mới. Những hộ này đều chăm chỉ làm ăn nên đời sống tốt hơn trước rất nhiều. Sự tham gia của cộng đồng dân tộc Dao vào các hoạt động của địa phương đã làm phong phú thêm nét văn hóa, tín ngưỡng mà địa phương đang cố gắng giữ gìn, phát huy.

An Khang
.
.
.