Tên các chị, các anh đã thành tên đất nước!

Thứ Hai, 30/04/2018, 07:35
Tháng 4. Chúng tôi bỏ lại cái lạnh se se của Hà Nội để về với các anh - những người con của mọi miền đất nước đã gửi lại cả thanh xuân trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng trong những ngày khói lửa. 

Mảnh đất “đứng mũi chịu sào” với hàng ngàn tấn bom đạn giữa cuộc chiến năm nào giờ đang hồi sinh mạnh mẽ và ôm ấp những người con anh dũng đang nằm lại đất này.

Không chỉ riêng chúng tôi – Đoàn cán bộ, phóng viên của Báo CAND- mà con đường dẫn vào khu đồi Bến Tắt (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh) còn tấp nập những đoàn người, đoàn xe. Tất cả hướng về Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn với lòng thành kính tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh.

 Đài Tổ quốc ghi công sừng sững trên đồi, bên tán cây bồ đề xanh mướt. Dưới cái nắng miền Trung gay gắt, chúng tôi đứng sát bên nhau, từng người bày tỏ sự tri ân với những người lính đang nằm ở nơi đây với thắp những nén nhang ngát hương. Lặng lẽ bước đi giữa những hàng mộ chí nằm dưới những vạt cây rừng, chúng tôi nghe quá khứ đau thương và hào hùng vọng về, mà thương cảm dâng trào, mà xót xa xen lẫn tự hào …

Những người lính trẻ chăm sóc Nghĩa trang Đường 9.

Ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, những khu mộ được sắp đặt theo từng địa phương. Có đủ cả các tỉnh thành, từ Hà Nội đến Cao Bằng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng v.v… Chẳng có thể so nơi nào ít mộ hơn nơi nào, vì sự dâng hiến và hy sinh của nhiều thế hệ ở khắp cả nước trong cuộc chiến này là vô bờ. 

Tôi chợt nghĩ, trong những ngôi mộ nằm đây, có thể nhiều người xưa kia từng là hàng xóm, họ hàng thân thuộc. Giờ đây dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng họ vẫn được bên nhau, quây quần như tuổi thơ họ từng trải… Họ vẫn có được cảm giác gần gũi của quê nhà…Và điều đó, khiến tôi thấy ấm lòng hơn…

Ngày nhỏ, tôi từng đọc rất nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến ở Đường 9 - Nam Lào, về những trận đánh ở Khe Sanh. Cách đây vài năm tôi lại may mắn lại được đọc nhiều cuốn nhật ký viết tay của các liệt sĩ đã chiến đấu ở Quảng Trị, nên càng hiểu sâu hơn sự hy sinh quả cảm trong cuộc chiến bảo vệ mảnh đất này. Thế nhưng, chỉ khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tôi mới có thể hiểu thấu được sự khốc liệt và hy sinh mất mát mà những người lính đã trả cho độc lập dân tộc.

Nơi đây, trên diện tích 15ha, có hơn 16.000 anh hùng, liệt sỹ nằm lại. Họ là những người lính của cả ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu ở Quảng Trị và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến. Ở nhiều khu mộ, các chiến sĩ ở các tỉnh, thành khác nhau vẫn nằm bên nhau. Có lẽ các anh ở cùng đơn vị hoặc hy sinh trong cùng trận đánh.

Tôi nghẹn ngào khi người sĩ quan ở Nghĩa trang Đường 9 cho biết ở đây có nhiều khu mộ tập thể. Có khu hơn 300 liệt sỹ, có ngôi mộ 132 liệt sĩ, có ngôi mộ 126 anh hùng và nhiều ngôi mộ khác 80 liệt sĩ, 60 liệt sĩ hay 50 liệt sĩ v.v…

Tôi đứng lặng rất lâu bên khu mộ ghi “Liệt sĩ chưa có tên”… Rất nhiều ngôi mộ như thế. Các anh từ quê hương ra đi, tên tuổi đủ đầy, nhưng khi nằm xuống, sau cuộc trường chinh gian khổ, sau những ngày chiến đấu vì độc lập tự do, lại chỉ giản dị đến vậy. Không tên, không một dòng địa chỉ…

Khi chúng tôi có mặt ở nghĩa trang, cũng là lúc một đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn đang làm cỏ, tưới cây, chăm sóc từng ngôi mộ một cách cẩn trọng. Dưới cái nắng sém da, những người lính trẻ măng sinh ra và lớn lên giữa thời bình đến đây sẽ không chỉ chăm sóc các ngôi mộ, mà hẳn còn được tiếp nhận hào khí thiêng liêng của thế hệ trước qua những trang sử được ghi lại ở nơi này. Và các anh linh liệt sĩ hẳn sẽ ấm lòng, khi biết rằng sự hy sinh của mình luôn được đất nước ghi công, các thế hệ tri ân..

Những câu chuyện về cuộc chiến bi hùng 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị dường như in đậm trong mỗi chúng tôi. Bởi thế, địa danh Thành cổ Quảng Trị có sức hấp dẫn mạnh mẽ để chúng tôi tìm về. Đi qua dòng Thạch Hãn, ký ức lịch sử dội về, để chúng tôi cùng nhắc về những ngày khói lửa cách nay gần nửa thế kỷ trong nỗi nghẹn ngào. Có bao nhiêu chàng sinh viên tài hoa ra trận rồi nằm lại bên dòng Thạch Hãn trong những ngày hè đỏ lửa năm 1972? Có bao nhiêu người gửi lại cả tuổi xuân ở mảnh đất này cho khát vọng hòa bình của dân tộc? 

Không ai bảo ai mà tất cả chúng tôi cùng trầm ngâm nhìn dòng nước chảy và khe khẽ đọc câu thơ của Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

Vượt qua cổng thành cổ uy nghi, lịch sử lại hiện về trong màu cỏ xanh non ngập nắng vàng, trong từng di vật của những người lính: Một chiếc mũ tai bèo, một khẩu súng in màu thời gian, đôi dép lốp và cái bao gạo đã bạc màu…

Tất cả chúng tôi đều lặng đi, những tiếng nấc nghẹn cứ bật lên thành thổn thức khi nữ hướng dẫn viên kể câu chuyện một người lính trước khi hy sinh đã viết thư hướng dẫn vợ cách tìm mộ mình. Để rồi, mấy chục năm sau, theo lá thư đó, người vợ liệt sĩ đã “đón” được chồng về với quê hương… 

Nhưng chị còn là người may mắn. Bởi sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn in hằn vào thời gian, khi rất ít hài cốt chiến sỹ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị được tìm thấy và xác định được danh tính.

Gần 40 năm sau khi tiếng súng chiến tranh đã tắt trên những nẻo đường đất nước, chúng tôi về với các anh - một cuộc tìm về lịch sử. Để trân trọng hơn những khoảnh khắc hòa bình đang trải, để tự hào về các anh và cảm nhận sâu sắc rằng, mỗi chiến sĩ đã ngã xuống năm xưa đều xứng đáng được dựng tượng đài. Các anh nằm đây, như một sự hiện hữu để kết nối giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại với tương lai…

Thanh Hằng
.
.
.