Người Trí thức theo Bác Hồ về nước kháng chiến

Thứ Năm, 04/02/2016, 10:57
Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp để mưu cầu nền độc lập, thống nhất bền vững cho Việt Nam. 


Khi Bác Hồ về nước, với tinh thần yêu nước nồng nàn, 4 trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, đã nhiệt thành cùng Bác Hồ về Việt Nam tham gia kháng chiến… Trong đó, Võ Quí Huân là người đã có vợ (gốc Nga, quốc tịch Pháp) và một cô con gái; đây chính là những trắc ẩn của số phận người trí thức yêu nước.

Về nước tham gia kháng chiến

Ông Võ Quí Huân sinh năm 1912 trong một gia đình giáo học huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 1935-1937, ông tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm báo Đông Dương hoạt động (L’activité Indochinoise) xuất bản song ngữ Việt – Pháp. Đây là một tờ báo tiến bộ đương thời, có sự tham gia của các nhân sĩ như Lê Văn Chất, Huỳnh Tấn Phát…; luôn đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ các cuộc đình công, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Do những hoạt động chống đối nhà cầm quyền, tờ báo L’activité Indochinoise bị đóng cửa; Võ Quí Huân phải trốn sang Pháp. Tại Pháp, Võ Quí Huân vừa học vừa làm, vừa tham gia các hoạt động chính trị.

Ông đã giành được 3 bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp ở Pháp và Đức. Ông từng làm việc cho hãng tầu thuỷ Compagnie Translatique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef… 

Giữa năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp… Cùng với cộng đồng người Việt tại Pháp, ông Võ Quí Huân đã tham gia tổ chức các hoạt động nghênh đón, phục vụ Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc hoà đàm Fontainebleau với nước Pháp, song hội nghị đã thất bại do phía Pháp cương quyết khước từ nền độc lập của Việt Nam. 

Trung tuần tháng 9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc. Trong số 4 trí thức cùng Hồ Chủ tịch về nước, ông Võ Quí Huân có vợ và con gái mới tròn 2 tuổi. Vợ ông Huân là bà Vo Qui Irenè, gốc Nga. Bà là chuyên gia Ngôn ngữ học, nói và viết thành thạo 7 ngoại ngữ. Cô con gái có tên là Vo Qui Viet Nga (Võ Quí Việt Nga), là kết quả tình yêu sâu sắc của cuộc hôn nhân “không biên giới”. Lúc này, bà Irenè đang đi thi Tiến sĩ tại Paris, ông Võ Quí Huân nuôi bé Việt Nga mới tròn 2 tuổi; nhưng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông đã nén tình cảm riêng, quyết tâm trở về Việt Nam phục vụ đất nước.

Ông Võ Quí Huân và vợ, bà Irenè. (Ảnh chụp tại Pháp, khoảng năm 1940)

Sau khi điện thoại thông báo và từ biệt vợ, ông Huân gửi bé Việt Nga cho một người bạn nuôi giúp. Ông Huân ôm cô con gái cưng vào lòng và trân trọng hứa: “Ba đi công việc vài ba tháng sẽ trở lại!”; bé Việt Nga mếu máo rồi oà khóc níu áo ba, hai cha con nghẹn ngào giây phút biệt ly…

Trong kháng chiến chống Pháp, với trọng trách Giám đốc Sở khoáng chất kĩ nghệ Trung bộ, kĩ sư Võ Quí Huân đã chủ trì việc thiết kế, xây dựng lò cao đầu tiên sản xuất gang phục vụ kháng chiến. Từ đó, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí “Made in Vietnam” đã được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghĩa và gang của kĩ sư Võ Quí Huân. 

Cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt và cơ hội của ông Huân trở lại nước Pháp đón vợ con về Việt Nam là điều không thể. Một thời gian sau, ông Võ Quí Huân thành thân với bà Tạ Kim Khanh, ái nữ của một gia đình gia giáo Thành Vinh và sinh được 4 người con. Những người con của ông bà đều được đặt tên gắn với nghề nghiệp và ước mơ của cả một thời đại, là Võ Quí Gang Anh Hào, Võ Quí Thép Hăng Hái, Võ Quí Yêu Hoà Bình (tức Võ Quí Hoà Bình), Võ Quí Quốc Hưng.

Sau khi về tiếp quản Thủ đô, kĩ sư Võ Quí Huân được giao nhiều trọng trách trong đào tạo cán bộ kĩ thuật về cơ khí, luyện kim. Ông chính là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Kỹ thuật Trung cấp I (tiền thân của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nay)… 

Năm 1966, kĩ sư Võ Quí Huân bị một cơn đau nặng phải nhập viện Việt – Xô. Sang đến năm 1967, bệnh tình của ông trở nặng. Chăm sóc ông Huân những ngày lâm trọng bệnh, ngoài người vợ chỉ còn cô con gái Võ Quí Hoà Bình, năm ấy tròn 13 tuổi… 

Chị Võ Quí Hoà Bình nhớ lại: “Nằm trên giường bệnh, ba tôi thường lấy ra một số bức ảnh, tần ngần ngắm kĩ rồi thở dài; trong đó có bức ảnh anh trai tôi đang du học ở CHDC Đức và bức ảnh một đứa trẻ con Tây. Tôi hỏi thì ba tôi nói: “Đây là cháu ngoại của ba!”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: “Con còn một người chị nữa ở Pháp. Sau này, các con phải tìm bằng được chị ấy thì ba mới an lòng nơi chín suối”... 

Cuộc trùng phùng sau gần sáu thập kỉ

Cuối tháng 9 năm 1967, người kĩ sư trí thức Việt kiều Võ Quí Huân đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 56, khi mà trí tuệ và lòng yêu nước của ông vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu được gặp Bác Hồ.

Từ đó, cô bé Võ Quí Hoà Bình luôn tâm niệm phải bằng mọi giá tìm được bà Irenè và chị Việt Nga, nối lại sợi dây tình cảm đã bị gián đoạn bởi những bể dâu thời cuộc. Chị đã tự học tiếng Pháp và định hướng để hai người con sang Pháp du học. Người con gái là Võ Quí Thuỳ Dương trở thành nha sĩ ở Pháp; con trai là Võ Hồng Quân học trường Vatel, nơi nổi tiếng đào tạo về quản lý khách sạn và nhà hàng…

Trở lại những manh mối đầu tiên để đi tìm người chị gái nơi trời Tây, chị Hoà Bình kể: Năm 1975, khi lục tìm những tư liệu cũ, tôi phát hiện một lá thư của ba tôi ghi địa chỉ bà Irenè. Tôi bèn nhờ thầy giáo dạy tiếng Pháp viết hộ hai bức thư gửi kèm những bức ảnh về Việt Nga (để làm tin) mà cha tôi còn giữ được, cùng các bức ảnh anh em tôi ở Việt Nam. Bà Irenè đã không hồi âm. Còn chị Việt Nga viết thư cho chúng tôi, nhưng giữ một thái độ xa cách: “Thật không ngờ chị lại có những người em ở Việt Nam. Các em rất xinh đẹp, trẻ trung và giống cha”…

Từ trái qua: Anh Michel (chồng chị Việt Nga), chị Hòa Bình, chị Việt Nga, anh Quốc Hưng. (Ảnh chụp tại Pháp năm 2012).

Chị Việt Nga tự bạch: “Với chị, hai từ Việt Nam gợi lên nỗi đau mất cha. Hiện giờ sức khoẻ của chị không được tốt. Chị không dễ vượt qua nỗi đau của quá khứ để có thể gặp mặt các em”…

Tháng 10-2007, tròn 40 năm sau ngày ông Võ Quí Huân trăng trối với con gái phải đi tìm bằng được người chị nơi trời Tây, chị Hoà Bình lên đường sang Pháp lần thứ tư. Cả 3 lần trước, dù đã liên hệ qua điện thoại nhưng chị Việt Nga đều khước từ việc gặp gỡ. 

Chị Hoà Bình kể lại: “Con trai tôi đã ở Pháp nhiều năm nên không khó để tìm được địa chỉ của bác Việt Nga. Chúng tôi được một người lái taxi nhiệt tình chở đi và hỏi thăm đường tới làng Moux en Morvan, cách Paris khoảng 500km. Xe dừng lại trước một ngôi nhà ở cuối làng, cháu Quân xuống xe bấm chuông, tôi vẫn ngồi lại và nói với người lái taxi: “Nếu lần này chị ấy vẫn từ chối, thì chúng tôi sẽ về luôn”.

Khi ra mở cổng, chị Việt Nga sững sờ và lặng người mất vài phút mới mời khách vào nhà. Quân hỏi: “Cháu có thể mời mẹ cháu vào được không?”. Bác Việt Nga lúc này đã không thể từ chối tình cảm ruột thịt, chị Hoà Bình bước vào khu vườn và ôm lấy người chị gái của mình… Khi sự xúc động đã nguôi ngoai, họ cùng đi vào nhà. Chị Việt Nga chỉ im lặng lắng nghe những lời tâm sự của người em gái. Mãi lúc sau, chị mới hỏi: “Cha làm việc vất vả lắm phải không”? 

Trong nước mắt, chị Hoà Bình đã nói: “Ba rất nhớ bà Irenè và yêu chị. Ba rất ân hận vì đã không trở lại với hai mẹ con chị”… Hai mẹ con chị Hoà Bình được anh Michel (chồng chị Việt Nga) dẫn lên gác nhỏ, đâu đâu cũng thấy đầy ắp những hình ảnh, kỉ niệm về người cha Võ Quí Huân và mẹ Vo Qui Irenè, còn có cả một thùng gỗ đầy ắp những bức thư và ảnh từ Việt Nam gửi sang… Sau cuộc gặp gỡ này, chị Hoà Bình nhiều lần sang nước Pháp thăm gia đình chị gái Việt Nga.

Cận Tết Bính Thân, tôi trở lại căn nhà trên phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thăm chị Hòa Bình. Vợ chồng chị tíu tít cho tôi xem những tư liệu, hình ảnh mới sưu tầm được về người cha và chị gái Việt Nga ở Pháp. Chị Hòa Bình khoe: “Năm nay tròn 70 năm ba chị theo Bác Hồ về nước kháng chiến, chị sẽ sang Pháp thăm bác Việt Nga. Bác Nga giờ sức khỏe yếu rồi, rất ngại đi máy bay nhưng gia đình chị vẫn luôn mong mỏi mời được bác sang thăm Việt Nam, để thắp hương cho ba và đi thăm phố Võ Quí Huân (tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)”.

Duy Anh
.
.
.