Tây... quậy xứ ta

Thứ Ba, 06/09/2005, 07:00

Rất nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam với thái độ văn minh lịch sự, nhưng một số ít người lại không như thế. Dân ta vào vũ trường uống rượu say, quậy đã khiếp, nhưng mấy bác Tây khi nốc chán rượu rồi quậy thì chỉ có… giời can!

Mà dân mình hiếu khách đến lạ. Nhìn mấy bác Tây to đuỳnh to đoàng, bước đi lềnh khềnh, trèo thốc lên bục cao mà cướp micro hát hò rồi có khi cả chửi (ai mà biết được), thậm chí vùng vằng, nôn ọe, đánh nhau thì đám nhà ta ngồi dưới chỉ biết… cười thôi. Và vỗ tay. Và hú hét. Bar nào, vũ trường nào vớ được mấy bác này thì đêm ấy "xôm" phải biết.

Bar, vũ trường hay những "night club" đối với người Việt ta dường như vẫn là một chốn xa lạ với đa số người dân, nó chỉ là nơi đến của một bộ phận giới nhiều tiền.  Thế nhưng, với dân Tây, bar đơn thuần là quán rượu và là nơi người ta đến để giải trí, uống rượu, nhảy nhót... Vì thế, đối với họ, bar chẳng là cái gì ghê gớm để mà phải chọn bộ cánh xịn nhất mới dám mò đến. Xứ ta nóng, mà với các "bác" có nơi "chôn nhau cắt rốn" ở xứ lạnh, nếu trót sang Việt Nam đúng mùa hè thì chỉ có quần soóc mới "chịu được nhiệt".

Đêm ấy, ở bar S. trên phố HL, có "bác" uống rượu say rồi liền cởi áo, giơ tay quay tít trên cao, xì xồ gọi mấy cô gái đang múa bụng trên sàn như ở sân vận động người ta cổ vũ cho các chàng cầu thủ. Đoạn, bác cởi... quần. Nhưng dù có say thì bác vẫn nhớ mình mặc... quần đùi nên... lại thôi. Và, như để "tri ân" sự cổ vũ của đám thanh niên người bản địa bên dưới, bác nhảy cái bộp lên bục, làm "cột" cho các cô múa. Họ cười với nhau, làm các động tác nhạy cảm khó tả bằng lời, cho đến khi hai anh bảo vệ phải lịch sự mời xuống. Xuống rồi mà bác nọ vẫn còn tiếc rẻ, lầm bầm (chắc là chửi thề). Đêm ấy, bác Tây này mà không tìm cách "liên lạc" với cô gái nhảy bục mới là chuyện lạ.

Sàn X. ở phố MH. trước đây thường xuyên có hai "cô Tây" làm vũ công, đẹp bốc lửa. Sàn này hút được khách vì cái sự lạ không ở đâu có, gái nhảy là người nước ngoài nên độ "bạo" và "chuyên nghiệp" quả là có thừa. Vì thế, các "đại gia" người Việt ngồi dưới hễ thấy các cô xuất hiện là thi nhau nhét những tờ polimer vào vùng "nhạy cảm", mong nhận được nụ cười của người đẹp. Còn các cô bạn đồng nghiệp người Việt tha hồ nhìn mà... tức. Nghe nói, các gái nhảy này người Nga, dân du lịch, sang một hai tháng rồi lại về nước giới thiệu cho bạn bè sang kiếm thêm thu nhập.

Hơn chục năm trước, khi nhà văn Lê Lựu đi Mỹ về kể chuyện bên ấy, có đoạn người Mỹ vào họp cũng mặc quần soóc thì mới đỡ ngạc nhiên khi gặp mấy chàng Tây, nàng Tây vào chùa chiền ở ta mà cứ xài áo ba lỗ, quần cộc đều. Và, vì cái văn hóa ăn mặc ấy nó thoáng nên có "ông Tây", (gọi là ông vì người này cỡ phải ngoài 50 tuổi) tôi gặp ở bar MM hôm ấy không hiểu có phải vì muốn thể hiện cái sự tự do của đất nước mình không mà lại cởi trần. (Thì cởi trần đã đành, vì nóng). Nhưng ông ta lại giắt quanh hông, móc vào cạp quần soóc đến hàng chục vỏ hộp bia Heineken. Thú thực, nhìn "bác", người ta dễ tưởng tượng đến một nhân vật vừa "sổng chuồng" từ Trâu Quỳ về chứ mấy ai dám nghĩ đó là người... Tây. Dân ta nhìn thấy một hình nhân quái dị như thế thì buồn cười lắm, hơn nữa lại là người nước ngoài thì cái sự buồn cười nó như được nhân đôi. Bác còn "hút khách" hơn cả mấy cô gái đang mải uốn éo trên bục kia. Bác nọ sướng lắm, được thể cười cứ như ngô rang. Bác nốc rượu như người ta uống nước lã. Nghe nhiều người bảo, dân Tây chỉ "tài xỉu" với mấy anh "cuốc lủi" chính hiệu chứ ba cái loại "Hen-nét-si", "Chi-vát" vớ vẩn này thì... nhằm nhò gì. Mà cũng không biết chừng, "bác" này có khi lại là nhân vật quảng cáo cho các hãng giải khát cũng nên. Nếu đúng như thế thì quả là "bó tay" với các nhà quảng cáo.

Cũng giống như dân mình, dân Tây chỉ chịu quậy khi đã "tây tây", còn bình thường thì hiền lắm. Sau một chầu nhậu quắc cần câu, một nhóm thanh niên người Thụy Điển lả lướt bước ra một sàn "cỏ" ở Hải Phòng. Gọi là sàn cỏ vì nó không được quy mô, hoành tráng như một số sàn hiện đại ở Hà Nội (cỏ tức là bình dân, như kiểu "thảo dân"). Lúc ấy, chỉ có vài cô gái người bản địa đang nhảy. Tức thì, hơn chục "chú" Tây quây tròn một cô xinh nhất. Cho đến khi, bạn trai của cô bực quá mới nổi máu "anh hùng cứu mỹ nhân", hai tay nắm hai chiếc... vỏ chai thì các "chú" Tây mới chịu mở đường. Tôi cứ nghĩ, đám thanh niên người Thụy Điển hôm ấy gặp may, chứ nếu gặp đúng "giang hồ đất Cảng" thì việc họ bị nằm viện đã là may lắm. Xưa nay, trong mắt "đầu gấu" Hải Phòng, dân giang hồ các xứ khác chỉ là "muỗi", nữa là ba cái anh Tây lẻ tẻ, đi du lịch bằng tiền trợ cấp thất nghiệp.--PageBreak--

Hầu như người nước ngoài nào cũng rất khoa học trong việc chi tiêu, thế nên mới bị các cô "chân dài" đặt cho cái biệt danh "ki bo". Họ quen đi chợ mua đúng giá, không thích bị chặt chém nên thường vào siêu thị mua hàng. Và vì quen trả tiền đúng giá nên các "bác Tây" cũng không chịu được cảnh tự nhiên một ngày nào đấy, họ bị các cô gái "chân dài" "phá giá", dù cái giá này không được ai quy định. Một cô chuyên có mặt ở sàn CW từng bị một anh Tây đến "ngồi đồng" chỉ để đòi 10 đô mà cô còn "nợ", khiến cô này và các "đồng nghiệp" phát cáu, mắng mỏ nhau om sòm. Từ đầu đến cuối, anh này chỉ đưa ra một cái lý lẽ "giản dị": Lần trước anh ta phải trả có thế này mà lần này lại thế này, thế thì anh ta phải... thế này. Thế đấy, người nước ngoài sòng phẳng lắm, họ có thể "boa" cho các cô bao nhiêu không tiếc, nhưng bị lừa kiểu "nợ" kể trên thì phải quyết làm cho ra lẽ. Tuy thế, theo các cô thì anh này vẫn còn là dạng tử tế, chứ "có thằng cha rủ hai cô đi một lúc nhưng lại chỉ trả tiền với giá… một cô, lằng nhằng thế nào cũng không trả hơn, vì theo anh ta thì, hai hay ba cô thì anh ta cuối cùng cũng chỉ... "thế thôi", có gì hơn đâu?!.

Hiếm có một nơi nào trên thế giới mà khách nước ngoài có thể thoải mái đi đêm, ăn chân gà nướng, nhậu xỉn rồi hò hét giữa đường như ở Việt Nam ta. Andrey, chàng trai người Nga học cùng khoa NN với tôi, được mấy anh bạn người Việt rủ đi ăn chân gà nướng để quyết tâm cho "thằng bạn vàng" Tây phải... bò về nhà. Và khổ, cho dù thể lực người nước ngoài vốn gấp 3 người Việt Nam, nhưng chỉ với "dăm xu bia, một hào rượu", mà đúng là loại nếp cẩm chính hiệu thì 1 Andrey chứ đến 10 Andrey cũng "a-s-nôn". Chàng ta hò hét giữa đường, giằng lấy con "min khù khờ" mà biểu diễn với các màn bốc đầu, bó vỉa khiến dân đi trên đường Lê Duẩn hôm ấy được một phen hú vía. Thế nào mà đêm ấy, chú chàng cũng mò về được đến nhà. Mấy hôm sau gặp lại, Andrey cho biết, bữa ấy phóng con "min khù khờ" qua các ngã tư đèn đỏ, mấy anh CSGT chỉ biết đứng nhìn theo, lắc đầu với anh chàng Tây "dở hơi", vượt đèn đỏ còn toét mồm ra cười.

Cách đây không lâu, một doanh nhân trẻ người Nhật Bản cũng từng "đại náo" đường phố Trần Nhật Duật với màn biểu diễn xiếc trên đường, dẫn đầu một tốp thanh niên Việt Nam hò hét, rú ga đằng sau. Cuộc biểu diễn ngoạn mục ấy chỉ kết thúc khi lực lượng CSCĐ chặn bắt và mời "tổ lái" người Nhật về trụ sở. Chàng này đeo cặp kính trắng hiền khô, ngọng líu lô với vốn tiếng Việt chưa sõi. Hoá ra, chỉ vì "tức mắt" khi nhìn thấy đám thanh niên "ăn chơi nửa mùa", có một đoạn đường mà cứ quành đi quành lại, đua không ra đua nên chàng ta mới "ngứa mắt" biểu diễn chơi cho biết. Nhiều chàng sống lâu ở Việt Nam, học được các mánh khoé của dân "SV", thành ra lâu dần cũng "mèo già hóa cáo", cứ tưởng người nước ngoài nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, thực ra nhiều vị cũng giống dân ta cả thôi. Qua ngã tư, ngắm không thấy Công an là vượt tuốt, còn chẳng may bị giữ thì cứ xì xà xì xồ trình bày thật dài dòng văn tự, miễn làm sao để cho "đối tác"... chẳng thể hiểu được gì. Sống lâu với người bản địa rồi thì cũng bị ảnh hưởng văn hóa giao thông... leo cả xe máy lên hè mỗi khi bị tắc đường. Mà cũng lạ, không ở nơi đâu như xứ này, người nước ngoài được ưu tiên đến phát ghen, chỉ trừ có lệ phí tham quan du lịch là giá khác.

Tây cũng có năm bảy loại Tây, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ muốn đề cập đến một bộ phận người nước ngoài bình dân, như là một thứ "tài liệu tham khảo", đọc để vui, để biết và hiểu rõ hơn về họ. Không hẳn cứ Tây là nằm khách sạn 3 sao, đi xe hơi và ngồi phòng điều hòa... Và không hiểu sao, mỗi lần nhớ đến hình ảnh Andrey hò hét giữa đường, tôi lại thấy chạnh lòng khi nghĩ tới những vụ sinh viên Việt Nam bị tấn công vô cớ ở nước ngoài bởi những kẻ côn đồ. Mới thấm hai câu thơ dân mình từng đi lao động ở nước ngoài vẫn nói vui với nhau: "Ở Tây thì khổ như ta / Đến khi về nhà lại sướng như Tây"

Quang Thắng
.
.
.