Tật nguyền vẫn không thôi mơ ước

Thứ Hai, 11/07/2005, 08:40

Hơn 14 năm dạy học, chưa bao giờ cô giáo Trần Thị Thủy nghỉ dạy một buổi. Buổi sáng, Thủy dậy rất sớm nấu nướng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó cùng mẹ bế ba chị đi vệ sinh, thay quần áo và giặt giũ xong mới tới lớp.

Vượt qua con đường miền núi trơn như đổ mỡ sau một cơn mưa, tôi cùng anh Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An, đến nhà cô giáo Trần Thị Thủy (31 tuổi). Một chút ấm lòng đến với tôi khi bước vào căn nhà ngói ba gian lát gạch do Hội Chữ thập đỏ Mỹ xây tặng năm 2003, lại được Thủy rót nước mời khách thân tình. Bỗng phía đầu góc nhà ba cô gái trắng trẻo, mặt mũi sáng sủa bò lết về phía chúng tôi. Đó là ba chị gái của Thủy bị tật nguyền trên 40 năm nay. Thấy các chị vừa nghe chuyện vừa bàn tán, Thủy chạy lại nhẹ nhàng bảo: "Các chị vào buồng giúp em nhé, lát nữa em sẽ đọc chuyện cho các chị nghe".

Kiên trung dưới mái tranh nghèo

Thủy được nghe kể lại rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, Thanh Hà là một làng của tổng Bích Hào, mảnh đất cuối cùng của vùng hạ huyện Thanh Chương, nơi mà cái nghèo, cái khổ cứ bám riết từ đời cha tới đời con. Đói là thế, khổ là thế nhưng hiếu học thì khó nơi nào sánh kịp. Thủy cũng được nghe kể lại rằng, đầu năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản ở Thanh Chương được thành lập, ông  nội của cô là Trần Đình Trượn vinh dự được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản rồi tiếp tục dìu dắt con trai đầu Trần Lương vào đội tự vệ.

Bà mẹ (phải), Thuỷ cùng 3 chị gái.

Đầu năm 1931, thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dìm trong biển máu. Cùng với bao chiến sĩ cách mạng trung kiên khác, ông Trần Đình Trượn và con trai đã anh dũng hy sinh. Sau khi ông Trượn và anh Lương hy sinh, bọn cường hào ở địa phương đến đốt nhà ông, đuổi mẹ con ra khỏi làng, tất cả 5 người con phiêu bạt mỗi người một nơi, chỉ còn lại người con thứ 6 Trần Đình Trọng, do nhỏ tuổi nên được người trong làng đùm bọc cưu mang.

Năm 1947, anh Trọng đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở các chiến trường Thượng Lào, Tây Bắc, Điện Biên Phủ… bị thương trở thành thương binh chống Pháp. Rồi chiến tranh chống Mỹ cứu nước bùng nổ, từ năm 1960 đến 1964, anh xung phong đi dân công hỏa tuyến ở đường 9 Nam Lào. Cuối năm 1964, do sức khỏe yếu, anh trở về địa phương giữ chức vụ xã đội trưởng cho đến năm 1989 thì được nghỉ hưu. 7 năm sau, ông qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của bà con làng xóm.

Nỗi đau dai dẳng

Năm 1955, ông Trọng xây dựng gia đình với bà Vương Thị Lý, người cùng xã. Ông bà sinh 6 lần được 7 người con (trong đó có một lần sinh đôi). Người con gái đầu Trần Thị Quảng lành lặn hiện đã có chồng, 6 người con còn lại đều bị tàn tật. Người con thứ 2 Trần Thị Châu khi mới sinh ra đã bị còi cọc, đi đứng không vững và mất năm 1995. Trần Đình Đức (sinh năm 1962) vừa mới lọt lòng, bà Lý đã ngất xỉu vì thấy con có thân hình dài lêu khêu, bàn tay bị cụt ngón. Nào có ai biết ông Trọng bị nhiễm chất độc thế nào, vậy là thương con, tủi phận, ông bà lại gắng sinh. Lần sinh thứ 4, bà sinh đôi được 2 con gái là Liên và Minh, nhưng trời vẫn không thương, cả hai đều bị liệt hai chân từ khi còn nhỏ, hiện tại các chị đã 40 tuổi nhưng chưa một lần đứng lên được trên đôi chân của mình. Cô con gái Trần Thị Thắng thì bị liệt cả hai tay và hai chân. Vượt lên nỗi đau, ông bà gắng sinh thêm lần nữa, Trần Thị Thủy ra đời năm 1974, có phần may mắn hơn các chị nhưng cũng rất yếu, chân tay nhỏ bé, đi lại chậm chạp.

Thương con, khi Thủy còn học tiểu học và THCS, ngày hai buổi, ông Trọng lúc thì cõng lúc thì chở con tới trường với chút hy vọng mong manh vào ngày mai. Lên bậc THPT, Thủy được bạn bè giúp đỡ chở đi chở về. Và Thủy đã vượt lên số phận, tốt nghiệp lớp 12 năm 1991, thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm nhưng Thủy không có đủ sức khỏe và kinh tế để theo học. "Giàu con út, khó con út", Thủy mà đi học lấy ai nuôi cả nhà. Thương cho hoàn cảnh gia đình bà Lý, UBND xã Thanh Hà đã ưu tiên cho Thủy được vào dạy lớp mẫu giáo mầm non trong xóm.

Hiện tại, gia đình Thủy có năm người gồm bà Lý 73 tuổi, ba chị gái tàn tật ngồi lết một chỗ là Minh, Liên, Thắng. Riêng Đức, người con trai duy nhất vì ngớ ngẩn, tàn tật nên đã bỏ nhà đi lang thang gần chục năm nay. Cả nhà chỉ biết trông cậy vào một mình Thủy mà thôi… 

Gánh nặng trĩu xuống vai gầy

Những năm trước khi chưa có điện, đến bữa ăn, Thủy vừa quạt vừa động viên các chị ăn. Do tàn tật không đi lại được, cuộc đời Minh, Liên, Thắng chưa một lần được đến trường, chưa một lần ra khỏi lũy tre làng nên các chị hay buồn tủi lắm, thường chụm đầu lại với nhau mà khóc nức nở. Thủy thương các chị, nuốt nước mắt vào trong, vờ tươi tỉnh hát ru các chị, nhiều lúc ru đến khản cả giọng, hát hết bài "tủ", Thủy lại mang sách báo ra đọc những mong các chị ngủ ngon để còn soạn bài cho ngày mai. Những bài hát mộc mạc, những câu chuyện cổ tích có hậu, những chuyện tình cảm động trên sách báo đã phần nào làm nguôi ngoai những tủi buồn của các chị. Chẳng biết có con cò nào chấp chới thắp sáng niềm tin chắp cánh ước mơ một ngày mai đỡ khổ hơn cho ba số phận luẩn quẩn nơi vườn nhà?

Sáng hôm sau đến lớp, thấy các cháu nhỏ vui đùa, Thủy như quên hết nỗi đau. Hết mình với công việc, từ năm 1991 đến nay, lớp học của Thủy liên tục đạt danh hiệu tiên tiến. 11 năm liền Thủy được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hôm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủy vui lắm. Như vậy là hạt giống cách mạng vẫn nảy mầm trong căn nhà nghèo thanh sạch, tiếp tục ba đời của một gia đình đảng viên.

Để nâng cao trình độ, hè này, Thủy theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm mầm non hệ tại chức. Trước khi đi, em nhờ bạn bè trong xóm xây cho gia đình một cái bể đựng nước để ở nhà mẹ giặt cho các chị đỡ vất vả. Thủy vẫn không nguôi day dứt khi chưa tìm được người anh đang lang thang phương trời nào.

Chia tay gia đình Thủy, tôi xin phép chụp vài kiểu ảnh. Thủy không phát hiện đôi tay cầm máy của tôi đang run lên khi trước mặt tôi là ba người con gái mặt mũi sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ nhưng đều không đi lại được mà phải bò khắp sân nhà. May sao các em còn có chính quyền xã, có Thủy, một cô giáo trẻ, một đảng viên biết vượt lên số phận để sống và làm việc như một huyền thoại giữa đời thường. Thủy vẫn không thôi mơ ước, còn sức khỏe, còn học để làm việc, dành dụm ít tiền tiết kiệm cho ngày sau. Tôi hỏi em: “Có người con trai nào cảm phục em, yêu em để dũng cảm ghé vai gánh vác việc nhà?”. Thủy chạnh lòng nhìn ra ngõ vắng, nơi bước chân em đã bao lần đi về để nuôi dưỡng, sưởi ấm căn nhà có nhiều số phận đang cần sự hy sinh của em…

Nguyễn Hữu Mai
.
.
.