Tầm "ngọc" giữa thiên đường resort

Thứ Tư, 28/10/2009, 20:00
Cách trung tâm TP HCM 130km, hấp lực của Hồ với khách phương xa ngoài hàng chục resort nối tiếp, khung cảnh núi rừng nguyên thủy cùng bờ cát vàng ngập tràn con sóng vỗ bờ còn có sự hiện diện của một loài nhuyễn thể được cư dân địa phương gọi tên chang chang...

Do có hương vị thơm ngọt chừng như tích tụ bao tinh túy của đại dương nên loài hai mảnh vốn là "anh em" của nghêu-sò-ốc-hến này được du khách có máu thi sĩ gọi bằng cái tên mỹ miều "ngọc của biển". Tuy lắm nhọc nhằn nhưng nghề cào ngọc đã giúp nhiều lao động nghèo có công ăn việc làm và miếng cơm manh áo ổn định.

Chang chang là tên của nắng gió

Đã thành thông lệ, cứ đến cuối tuần là bờ bãi Hồ Tràm (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đặc ken bóng người. Sau giải thích "Tên gọi Hồ Tràm bắt nguồn từ sự hiện diện của cây tràm vốn một thời là tấm lá chắn che chở các làng chài quanh đây khỏi sự tấn công của sóng gió", mấy chị phụ nữ có gương mặt sạm đen liến thoắng mời khách mua hải sản làm quà.

Giữa "rừng" mực, tôm, cua, cá… vừa kéo lên từ biển tươi roi rói, giãy đành đạch được bày bán la liệt trên nền cát vàng, nhiều du khách dồn sự chú ý vào những thau chang chang đầy ăm ắp với màu sắc đa dạng gồm đen, trắng, xám, xanh, vàng, nâu… "Chang chang một ký 7.000 đồng, tuy rẻ nhất trong các loại hải sản nhưng độ ngon ngọt không thua kém gì tôm mực đâu". Dứt câu chào hàng, chị phụ nữ tên Hương biện giải: "Sở dĩ giá rẻ vì chang chang sinh sôi nảy nở lềnh khắp vùng biển này đấy". 

Để kiếm thêm thu nhập, chị Mỹ từ "thợ săn" chuyển sang phục vụ khách du lịch.

Ở tuổi 57, bà Phụng, có chồng và 2 con trai sống bằng nghề đi lộng (đánh bắt cá ven bờ) tâm tình không biết cái tên chang chang có từ khi nào, do ai đặt tên. Khoảng 10 năm trước, chang chang nhiều vô kể. Chỉ cần lấy tay bới sơ trên cát vài đường là nhặt đầy cả thau. Bà Phụng kể chuyện: "Thời đó biển hào phóng lắm, tôm cá nhiều nên chẳng ai thèm động tới chang chang. Những năm sau này nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện làm cá tôm kiệt quệ, lại thêm cái thú ẩm thực của lạ từ khách ở xa nên chang chang mới được dòm ngó".

Cư dân địa phương cho biết, khi thủy triều lên, chang chang lủi sâu vào cát. Nước rút để lại bờ bãi thoai thoải là lúc đoàn quân cào "ngọc" gồm nam - phụ - lão - ấu túa xuống kiếm tìm "trân châu". Họ dùng những chiếc gậy cào được thiết kế từ một miếng thiếc ấn mạnh xuống nền cát vàng. Lưỡi cào lướt đến đâu, đám chang chang hiện lên đến đấy. Thời điểm nước rút cũng là lúc mặt trời lên cao. Mà nắng ở Hồ Tràm khắc nghiệt, khô nóng vô cùng.

Ông Trần Sáu, nhà ở ấp Bến Lội, suy luận: "Ai muốn kiếm cơm từ chang chang cũng phải tắm mình trong nắng gió khắc nghiệt. Phải chăng cái tên chang chang ra đời từ đó. Chang chang là tên của nắng - gió".

Nhọc nhưng ổn định

Trên biển Hồ Tràm hôm ấy, chúng tôi bắt gặp nhiều dáng người lầm lũi cào "ngọc" trong nắng gió hao hanh. Nói chuyện nhọc nhằn của nghề, bà Phụng tuôn một tràng: "Ngày nào cũng phơi nắng, khòm lưng, dồn sức vào tay ấn mạnh, dúi sâu lưỡi cào vào cát gần chục giờ đồng hồ, thanh niên sức dài vai rộng còn chịu hổng nổi nói chi lớp u u già già như tôi. Cúi cào riết nên lưng ai cũng gù, tay đầy vết chai". Một phụ nữ ngồi bệt trên cát, thở dốc sau hơn 3 giờ lầm lũi cúi cào, chia sẻ: "Khom - gập - chúi - cúi riết nên dân săn chần chần ai nấy đều ít nhiều mắc các chứng bệnh về khớp, thoái hóa đốt sống lưng. Mình còn trẻ, còn sức chịu đựng nên đau đớn hổng đến nỗi nào chứ với mấy người lớn tuổi thê thảm lắm, mình mẩy lúc nào cũng ê ẩm, lúc trái gió trở trời toàn thân đau nhức ghê hồn".

Hôm nay chị Hương, bà Phụng, ông Sáu… mỗi người cào được 8-10kg chang chang. "Gả" trực tiếp cho các chủ vựa hải sản với giá 5.000 đồng/ký, bình quân mỗi người thu nhập từ 40-50 ngàn đồng. "Nếu trực tiếp bán cho du khách về làm quà thì được tám đến mười ngàn nhưng khổ nỗi làm vậy chủ vựa ghét, bận sau mình bán họ không mua là ôm hận thôi. Bởi lẽ cái giống chang chang này khi rời biển chết rất nhanh (sống khoảng 3h). Mình bán hổng hết thì chỉ có nước đem đổ biển" - một chị tên chị Mỹ tâm sự.

Tuy có cực, có khổ, thu nhập không cao nhưng những cư dân tầm ngọc chẳng ai có ý định bỏ nghề. Quệt dòng mồ hôi lã chã trên khuôn mặt sạm đen, bà Trần Thị Mai ở xóm chài Hồ Đắng tâm tình, chang chang được khai thác đưa vào các hàng quán đặc sản ở Hồ Tràm đến nay đã hơn 5 năm. Nhờ cái giống 2 mảnh này mà trong lúc chồng con ra biển mà những người mẹ, người vợ như bà có việc để làm, có thêm thu nhập để đỡ đần chồng con những lúc sóng to biển động. Chị Mỹ, 32 tuổi, mẹ của 4 đứa con, góp lời: "Hôm nào khỏe thì cào được nhiều, mệt cào ít, nói chung nhờ có chang chang mà cuộc sống của gia đình tôi và nhiều người đỡ lắm!".

Một ngày nào đó có dịp đến Hồ Tràm, bạn sẽ bắt gặp đội quân tầm “ngọc” và thưởng thức hương vị thơm ngọt của chang chang xối mỡ, chang chang nướng mọi, chang chang xào me… do đích thân những con người lầm lũi bới cào như chị Mỹ, bà Phụng, bà Mai… xào nấu. Chỉ với giá 10.000 đồng một phần ăn, mong rằng bạn đừng mặc cả. Bởi ẩn sau những đĩa chang chang hảo hạng ấy là những thân phận cơ hàn cần được sẻ chia, vun đắp!

Dũng Thành
.
.
.