Tạ Đình Đề - Đồng đội, bạn bè vẫn nhớ về anh

Thứ Sáu, 29/02/2008, 18:26
Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi muốn biết sự thực về những chuyện người ta đồn thổi về anh. Anh cười đôn hậu. Chúng tôi hỏi anh về chuyện bắn súng hai tay như một. Nghe nói, anh có thể bắn cụt điếu thuốc lá trên môi người đang hút và bắn tan cái cốc đặt trên đầu người cách xa 50mét! Chuyện giết nhiều tên mật thám, Việt gian trong thành Hà Nội!...
>>Huyền thoại về Tạ Đình Đề

Kỷ niệm Tại trường Lục Quân

Cuối năm 1950, đầu năm 1951, tôi và một số anh em được đơn vị cử đi học Lục quân. Một chặng đường hơn 1.000km từ Nghệ An, qua Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, vượt cầu Thanh Thủy sang Trung Quốc, băng qua Thập vạn đại sơn lên tận Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam học tập. Ngày nghỉ, đêm đi để giữ bí mật, đồng thời tránh máy bay địch. Ròng rã hơn 3 tháng chúng tôi mới tới địa điểm.

Trường Lục quân chia làm hai phân khoa. Phân khoa 1 đào tạo chỉ huy cấp trung đội, đại đội bộ binh, thông tin, pháo binh, công binh; Phân khoa 2 bổ túc cán bộ đại đội. Hiệu trưởng nhà trường là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Chính ủy là Thiếu tướng Trần Tử Bình.

Tạ Đình Đề học ở Phân khoa 2. Anh học khóa 6 và học thêm khóa 7. Không rõ vì sao trong khi anh đang làm tốt nhiệm vụ chỉ huy Đội Biệt động Liên khu 3 lại được cử đi học liền hai khóa bổ túc?

Tạ Đình Đề đối với những người lính Khu 3 chúng tôi là một thần tượng. Nghe tiếng anh, chúng tôi chỉ muốn được gặp anh, được trò chuyện cùng anh. Tôi hình dung anh là một hiệp khách trong tiểu thuyết Trung Quốc, cao to, đôi lông mày xếch, mặt hung dữ, tiếng nói như sấm vang, phi ngựa, múa đao, hai tay hai súng, bắn gục kẻ thù xa hàng trăm mét nhanh như chớp!

Nhưng không, gặp anh chúng tôi thấy anh nhỏ nhắn, với nước da màu đồng, trông hiền từ như người nông dân quê tôi sau một ngày cày sâu, cuốc bẫm. Chỉ có đôi mắt anh thật sắc và con người anh hoạt bát, nhanh nhẹn. Anh cũng như chúng tôi vác khẩu Trung chính thất cửu dài nghêu, cùng chiếc nón sơn vàng, có chữ Bát Nhất đỏ chói.

Huân chương Độc lập hạng 3 của chủ tịch nước truy tặng ông Tạ Đình Đề.

Chúng tôi chỉ được gặp nhau trong những ngày kỷ niệm hoặc họp toàn trường, trên sân vận động gần Hiệu bộ. Những ngày chủ nhật cũng không được gặp mặt nhau, vì phải tăng gia cho đủ chỉ tiêu nạp cho nhà bếp.

Mỗi khi gặp nhau, bọn lính trẻ chúng tôi ngồi quây lấy anh. Gặp chúng tôi anh rất vui. Hầu như những người lính Khu 3 chúng tôi có mặt ở đây, làm anh nhớ tới những chiến sĩ trong Đội Biệt động Liên khu 3 do anh chỉ huy, đang tung hoành ngang dọc trong nội thành Hà Nội.

Anh nói với chúng tôi - Các cậu là những chỉ huy các đơn vị Tổng phản công. Học nhanh lên anh em ta sẽ trở về giải phóng Hà Nội. Đây là nguyện ước của tất cả mọi người. Những bài hát "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, “Ai về thủ đô tôi gửi vài lời..." của Huy Du, thường đọng trên môi mỗi người dân kháng chiến.

Chúng tôi mường tượng, giải phóng thủ đô là đuổi Tây ra khỏi đất nước, là hoàn thành thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi muốn biết sự thực về những chuyện người ta đồn thổi về anh. Anh cười đôn hậu. Các cậu đừng nghe người ta đồn! Chuyện bịa đấy! Chúng tôi hỏi anh về chuyện bắn súng hai tay như một. Nghe nói, anh có thể bắn cụt điếu thuốc lá trên môi người đang hút và bắn tan cái cốc đặt trên đầu người cách xa 50mét! Chuyện giết nhiều tên mật thám, Việt gian trong thành Hà Nội!...

Anh giải thích: Cách mạng là thuyết phục, là giáo dục, cải tạo con người. Ngoài những trận đánh cùng bộ đội, mình chưa hề bắn ai, giết ai trong nội thành Hà Nội. Các chiến sĩ biệt động giết địch thì có. Đôi khi lấy danh nghĩa Tạ Đình Đề viết thư cảnh cáo những tên ác ôn, tay sai của giặc làm thiệt hại cho kháng chiến.

Những lá thư cảnh cáo đó thường được gài vào khe cửa, dán lên tường nhà những tên ác ôn, với chữ ký: Ông Đề. Việc đó, có tác dụng làm chùn tay những tên ác ôn. Nhiều tên tự giác thú tội và tình nguyện làm việc cho kháng chiến.

Còn chuyện bắn súng. Hồi học ở Trường Quân sự Quế Lâm, Trung Quốc, sau nhà ở là bãi tập bắn. Nơi đó, có đủ các loại súng Pạc-khoọc, Brao-ninh, Mô-de... kể cả trung liên, đại liên... có thể bắn thoải mái bất kể lúc nào, ban ngày, ban đêm... với mọi tư thế nằm, ngồi, bắn sau lưng, bắn trong lúc hành tiến...

Ban đêm đốt nén hương bắn trúng điểm hồng. Nghe tiếng động, vẩy súng trúng mục tiêu sau lưng. Phi ngựa bắn trúng mục tiêu gần trăm mét... Vì vậy, mà bắn giỏi, thế thôi. Tôi cũng như các cậu, cũng là con người bằng xương bằng thịt, bố mẹ đẻ ra, có gì là ghê gớm lắm đâu!

Tôi nghỉ hưu năm 1991 sinh hoạt trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến. Lúc này, tôi mới được gặp anh trong những lần sinh hoạt cựu chiến binh hằng năm. Và, cũng lúc này, tôi mới được biết anh rời bộ đội trở về với nghề cũ làm việc tại Tổng cục Đường sắt từ tháng 10/1954. Có nghĩa là ngay sau những ngày giải phóng thủ đô, anh đã rời quân ngũ, nơi mà anh hằng gắn bó, yêu thương.

Về Tổng cục Đường sắt, anh trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Tổng kho Biên giới Lạng Sơn, Trưởng đoạn Đầu máy Hà Nội, Trưởng ban Thể dục - Thể thao, kiêm Giám đốc Nhà máy Dụng cụ cao su Đường sắt - nhiều người thường gọi là Xưởng sản xuất dụng cụ thể thao Tổng cục Đường sắt. Anh nghỉ hưu tháng 2/1991 với mức lương cán sự 3!!!

Tôi được nghe anh Hoàng Sinh, thư ký của Khu trưởng Hoàng Sâm kể:

- Hồi ở Liên khu 3, thấy chúng tôi lau mấy khẩu Brao-ninh, Van-te... mới được cấp phát khá thành thạo. Liên khu trưởng vui lắm. Ít lâu sau, chừng muốn thử súng mới, lại đúng dịp xạ thủ nổi tiếng Tạ Đình Đề có mặt ở Bộ tư lệnh Liên khu, báo cáo tình hình Biệt động đội thành phố Hà Nội, anh Sâm gọi xạ thủ Tạ Đình Đề ra thi bắn.

Chúng tôi được cử làm trọng tài chứng kiến cuộc thi bắn không hẹn trước này. Mục tiêu là chùm sung rừng cách xa 20m. Mỗi người bắn 3 viên. Kết quả xạ thủ Tạ Đình Đề thua điểm.

Tôi vẫn khâm phục Tạ Đình Đề về tài bắn súng. Hầu như trong tôi, anh là xạ thủ bắn súng ngắn duy nhất mà tôi tôn thờ. Tôi hỏi anh chuyện thi bắn với Khu trưởng Hoàng Sâm. Anh chỉ cười tủm tỉm.

Ông Tạ Đình Đề (phải) với Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo.

Được trả tự do ngay tại tòa án

Tháng 8/1985, Tạ Đình Đề lại bị bắt lần thứ hai, ngày 3/9/1987, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề với 34 tội danh. Mấy ngày tòa xử, là mấy cơn "địa chấn" dữ dội ở Tòa án Hà Nội. Người từ Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà kéo lên, người từ các công xưởng, phố xá ùn ùn kéo tới... đứng tràn cả ra đường Lý Thường Kiệt.

Phiên tòa xử Tạ Đình Đề lần này cũng như lần trước. Tòa không luận được tội trạng của Tạ Đình Đề. Tội tập hợp những phần tử xấu lưu manh, trộm cắp thì hàng trăm công nhân con thương binh, liệt sĩ, những tù nhân đã được cải tạo mãn hạn tù, những chiến sĩ bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự bị thất nghiệp... được anh dung nạp, đều là những người tốt.

Nhiều anh em công nhân vừa làm, vừa học trở thành bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, trở thành nhạc sĩ, như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ. Không hề tìm thấy dấu vết một người trong số đó thoái hóa, biến chất. Việc làm của Giám đốc đều vì công việc, vì nhà máy, vì mọi người. Tòa không đủ chứng cứ kết tội.

Các tội vi phạm khác, đều bị luật sư tình nguyện bảo vệ Tạ Đình Đề, dùng luật bác bỏ. Điều lạ, luật sư bảo vệ cho Tạ Đình Đề là luật sư không chuyên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Dương Bạch Liên trong công văn gửi Tòa án cũng khẳng định: "...Có nhiều việc liên quan đến Bộ, đến Tổng cục Đường sắt chịu trách nhiệm, Giám đốc xưởng Dụng cụ cao su Tổng cục Đường sắt không tự ý làm...”.

Hội đồng xét xử tuyên bố Tạ Đình Đề không phạm tội. Tạ Đình Đề được trả tự do ngay tại tòa. Tòa kiến nghị Tổng cục Đường sắt phục hồi quyền lợi mọi mặt cho bị cáo!

Lời tuyên bố của tòa được truyền qua loa phóng thanh. Tiếng của Chánh án chưa dứt thì tiếng vỗ tay, hoan hô vỡ òa như sấm. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề lên vai, rồi tặng anh những bó hoa. Chính những chiến sĩ công an vừa khóa tay Tạ Đình Đề, lại là người dẫn đầu mở lối cho anh ra với bà con, bè bạn!

Anh được đồng đội ùa ra đón, Tạ Đình Đề không hiểu mình khóc hay cười.

Trong lúc Tạ Đình Đề vướng vòng tai ương thì vợ anh, chị Đặng Thị Thọ, người phụ nữ phúc hậu trằn lưng gánh vác việc gia đình, xã hội. Sống trong thời kỳ sổ gạo, tem phiếu... tiêu chuẩn của anh, của chị và con anh bị cắt hết, gia đình sống rất chật vật, thiếu thốn.

Chị cắn răng, bán căn nhà số 2 phố Hàng Ngang của cha ông để lại nuôi dạy con cái, tiếp tế cho chồng! Nhưng chị đã vượt qua tất cả khó khăn để đứng vững trong cuộc sống và luôn luôn tin tưởng vào sự vô tội của anh...

Khi hay tin, tôi được Ban Liên lạc Bộ đội Tây Tiến phân công viết về anh. Nhiều anh em gọi tôi tới cung cấp tài liệu về Tạ Đình Đề. Cũng có người hỏi: Chuyện Tạ Đình Đề đã rõ, đã được tổ chức minh chứng, công khai. Sao bây giờ mới viết?

Tôi nói, Tạ Đình Đề có nhiều điều bí ẩn về cuộc đời, về công việc anh làm. Ngày trước có thể tổ chức chưa hiểu hết về anh và còn một số điều "ràng buộc" khác viết khó được đăng lắm!

Lời kết

Một ngày đầu thu năm 1998, Tạ Đình Đề về cõi vĩnh hằng, đem đi biết bao chuyện như huyền thoại của cuộc đời anh. Thể theo nguyện vọng của bè bạn, đồng đội, anh em và của gia đình, thi hài anh được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Nơi đó, không gian rộng rãi hơn, trang trọng hơn.

Bạn bè, đồng đội, học trò, bà con Hà Nội đến đưa tiễn anh khá đông. Những chiến sĩ Biệt động Hà Nội râu tóc bạc phơ, chống gậy đến nhìn anh lần cuối. Các chiến sĩ Liên khu 3: Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung đoàn 66 Chủ lực của Liên khu, Trung đoàn 48 Thăng Long... đều cử đại diện đến đưa tiễn anh. Người ta còn thấy các vị tướng từng công tác, chiến đấu cùng anh: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Nguyễn Hòa..

Chỉ tiếc Lưu Quang Vũ, Phan Lạc Hoa, nhiều anh em được anh cưu mang trong lúc khó khăn, trong lúc bệnh tật hiểm nghèo không có mặt tiễn anh.

Ban tổ chức tang lễ tiễn đưa anh hôm đó là Tổng cục Đường sắt. Song, người đọc điếu văn lại là Thiếu tướng Văn Phác. Bài điếu văn của Thiếu tướng Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Tây Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội tiễn Tạ Đình Đề về nơi an nghỉ cuối cùng khá dài, xúc động. Tôi chỉ nhớ đoạn cuối của bài điếu:

“...Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại đẹp về anh...".

Có lẽ không có lời nào để bạn bè, đồng đội, bà con Liên khu 3 nhớ về anh hay hơn thế!

Và, sau 9 năm anh mất, căn cứ vào thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước của anh, ngày 11/5/2007 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định truy tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc Lập hạng Ba

Trần Kỳ - ANTG 732
.
.
.