TT Nhân đạo Quê hương: Cần lắm những vòng tay nhân ái

Chủ Nhật, 29/11/2009, 09:33
Trên Báo ANTG cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã đăng bài viết về cuộc đời đầy bất hạnh của 1 cô gái bị cha mẹ bỏ rơi từ tấm bé. Lớn lên từ vũng lầy, từ những cạm bẫy bên lề cuộc sống, từng bị đám trẻ mồ côi đánh đập tàn nhẫn, bị làm nhục, bị hãm hiếp nhiều lần, từng bị những băng nhóm bụi đời bắt quăng xuống sông Sài Gòn… nhưng cô đã không chết, cô đã tự đứng dậy, phấn đấu, trở thành một doanh nghiệp thành đạt và hướng thiện, đó là Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương Huỳnh Tiểu Hương.

Hàng ngày, những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, những đứa trẻ mồ côi lang thang kiếm ăn ở đầu đường, xó chợ luôn ám ảnh Tiểu Hương. Cùng thân phận mồ côi, nhiều đêm Hương trăn trở: Hàng tỷ đồng có được từ việc kinh doanh mình sẽ sống sung sướng đến trọn đời. Nhưng còn các em mồ côi? Các em có tội gì mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm, suốt ngày đội mưa đội nắng ở gầm cầu, xó chợ. Các em cũng giống mình, không cha, không mẹ, không người thân. Tương lai các em sẽ đi về đâu? Các em ấy rất cần một mái ấm. Chỉ nghĩ thế là Tiểu Hương đi đến một quyết định táo bạo, dồn hết hàng tỷ đồng tiền vốn liếng, những đồng tiền mồ hôi, nước mắt để gầy dựng lên Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (TTNĐQH), một mái ấm dành cho những mảnh đời bất hạnh.

Lúc đầu Tiểu Hương nhận những đứa trẻ tàn tật, mồ côi về trung tâm nuôi, dạy và cho chúng ăn học. Thấy Trung tâm từ thiện của Hương, nhiều người đã nhặt những sinh linh bé bỏng vừa lọt lòng cha mẹ đã bị bỏ rơi ở miệng ống cống nào đó, đựng trong thùng giấy carton, trong những bô rác, quấn hờ trong những tờ báo, cái khăn… đem đến nhờ Tiểu Hương cứu giúp. Không thể làm ngơ trước mạng sống của các sinh linh bé bỏng ấy, Tiểu Hương dang tay đón nhận về Trung tâm nuôi dưỡng. Từ đó số cháu bị bỏ rơi được nhân dân mang đến Trung tâm ngày một nhiều.

Đôi lần Tiểu Hương tâm sự: Biết làm như thế là không đúng chức năng của Trung tâm, nhưng nửa đêm, nghe tiếng trẻ con khóc thảm thiết trước cổng nhà mình, chạy ra xem thì thấy trẻ sơ sinh người thâm tím quấn hờ trong chiếc khăn, kiến bu kín mình mẩy. Điện thoại cho các trung tâm cứu trợ thì không ai bắt máy. Không nhẽ để các em chết oan uổng. Thế là Hương đã đón về Trung tâm nuôi dưỡng. Hơn tám năm qua, trên 4.000 đứa trẻ mồ côi đã được cứu sống và nuôi dưỡng như thế, các em lớn lên trong tình yêu thương, trong sự bảo bọc, chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện cho các em học văn hóa, học nghề ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương.  Đến nay nhiều em đã có công ăn việc làm ổn định và tự kiếm sống.

Chính những việc làm đó mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành từ Trung ương tới địa phương đến thăm, tặng quà và động viên Huỳnh Tiểu Hương.

Trong lần đến thăm TTNĐ Quê Hương (ngày 12/11/2006) nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã động viên: "Cháu Huỳnh Tiểu Hương là một tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam thông minh, năng động, giàu nghị lực, biết vượt qua số phận của chính mình để làm việc thiện. Việc làm nhân đạo của cháu đã được Đảng, Nhà nước ủng hộ, biểu dương. Trong 5 năm qua, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương đã có hướng đi đúng đắn, biết phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau để đứng vững và phát triển. Hàng nghìn cháu bất hạnh đã được trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, đào tạo và đã trở thành những người có ích cho xã hội… Tôi mong Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm, các nhà từ thiện, các nhà tài trợ, những người hảo tâm tiếp tục ủng hộ cho các cháu mồ côi, các cháu khuyết tật… một cách thường xuyên và thiết thực hơn".

Các cháu mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nhân đạo Quê hương.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì viết: "Bác rất thương và khen ngợi cháu Huỳnh Tiểu Hương đã vượt lên số phận đầy khó khăn trở thành nhà kinh doanh giàu lòng nhân ái, một phụ nữ Việt Nam đầy lòng nhân hậu thương người như thể thương thân. Cháu bỏ tiền của xây dựng nên Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nuôi dạy được nhiều trẻ em mồ côi, tàn tật và hăng hái làm công tác từ thiện. Chúc cháu thắng bệnh tật, tiếp tục lãnh đạo Trung tâm ngày càng phát triển, cứu giúp được nhiều trẻ mồ côi, tàn tật và hoạt động từ thiện, trợ giúp xã hội đạt nhiều kết quả".

Sáng 26/11, khi chúng tôi có mặt ở TTNĐ Quê Hương thì một đoàn thiện nguyện của một công ty liên doanh GS… cũng có mặt tại trung tâm để giúp đỡ các cháu. Chúng tôi đặt vấn đề phỏng vấn, chị M.L. trưởng đoàn từ chối với lý do đơn giản: Chúng tôi tự nguyện làm công việc thiện và không muốn ai biết. Từ lâu, chúng tôi đã biết đến những hoạt động của TTNĐ Quê Hương, chúng tôi vô cùng cảm phục những việc làm của Huỳnh Tiểu Hương, vừa qua khi có thông tin về TTNĐ Quê Hương chưa đảm bảo vệ sinh cho các cháu, chỗ ăn, chỗ ở chưa đúng tiêu chuẩn. Không thể đứng ngoài nhìn, hơn 90 thành viên trong cơ quan chúng tôi đã tình nguyện lên đây giúp đỡ, động viên để các cháu có cuộc sống tốt hơn. Đoàn đã quyên góp tã, quần áo để tặng cho các cháu. Đoàn chia ra 3 ngày, mỗi ngày khoảng 30 người, trong 30 người lại được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ tổ chức vui chơi với các cháu, sửa sang toàn bộ hệ thống bồn rửa tay, nhà vệ sinh và vẽ tranh thiếu nhi lên toàn bộ những bức tường trong khuôn viên. 

Chị Tr. - thành viên trong đoàn chia sẻ với chúng tôi: Em có con nên em hiểu, mình có cả hai vợ chồng chăm sóc mà con có lúc bẩn, lúc sạch, huống chi ở đây có hàng trăm cháu thế này, chuyện lúc sạch lúc bẩn là khó tránh khỏi. Nhưng các cháu mồ côi được chăm sóc như ở đây là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn những đứa trẻ mồ côi được âu yếm, vuốt ve, ngủ ngon lành trong những vòng tay ấm áp của các tình nguyện viên, chúng tôi thấy các cháu được chia sẻ phần nào hạnh phúc.

Cuối tháng 11 vừa qua, có một số thông tin lại cho rằng TTNĐ Quê Hương hoạt động không đúng với quy định. Giải thích về thông tin này, chị Huỳnh Tiểu Hương bức xúc: Trung tâm Nhân đạo Quê Hương có đầy đủ giấy phép của Trung ương Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam cấp. Vì thế, thông tin trên là không đúng, đã làm tổn thương đến hệ thống trung tâm nhân đạo và những người đang làm công tác nhân đạo như Huỳnh Tiểu Hương. Một số đơn vị và cá nhân tài trợ cho rằng mình núp bóng, rằng tài chính không minh bạch, rằng Trung tâm như kiểu mua bán trẻ em… Chính những điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho Trung tâm.

Hơn tám năm qua đã có hàng trăm cô chú cán bộ cao cấp đến thăm hỏi, động viên, hàng ngàn cơ quan ban, ngành, đoàn thể, cá nhân đến thăm và tặng tiền, quà cho TTNĐQH. Một người còn có thể che mắt được chứ hàng ngàn người thì làm sao che mắt được? Từ bé đến giờ Tiểu Hương chưa một ngày được cắp sách đến trường, nhưng Tiểu Hương biết mình làm gì phải làm cho đúng. Chính vì thế mà UBND và các ban, ngành tỉnh Bình Dương đã động viên và ủng hộ Tiểu Hương rất nhiều.

Giải thích về những thắc mắc của dư luận vừa qua về TTNĐ QH, Tiểu Hương cho biết: Trước áp lực về nhà ở cho các cháu lúc trưởng thành, năm 2009, Tiểu Hương quyết định thế chấp căn nhà ở đường Gò Dầu, quận Tân Bình, TP HCM và Trung tâm ở xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, Bình Dương để vay 9,2 tỷ đồng mua thêm đất ở Bình Dương để sau này xây dựng nhà ở cho các cháu có tương lai. Còn số tiền 5,8 tỷ đồng là tổng số tiền các cá nhân và đơn vị ủng hộ bằng tiền mặt và cả vật chất quy đổi ra để lo cho các cháu trong năm. Số tiền này được trung tâm ghi thu ghi chi không sót một xu.

Trung tâm nằm trong tổ chức phi chính phủ, tự túc 100% vốn, vì thế về mặt tài chính chỉ chịu sự kiểm tra giám sát trực tiếp của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Hơn nữa không muốn nhà tài trợ bị làm phiền. Vì lẽ đó, vì quy định của Trung ương Hội nên khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra thì Tiểu Hương không có trách nhiệm báo cáo chi tiết. Chính vì vậy mà Đoàn đã có thông tin chưa chính xác về hoạt động của Trung tâm.

Trong buổi làm việc hôm ấy, cô trưởng đoàn còn nói, Giám đốc phải có bằng đại học, lời nói này đã chạm vào nỗi đau của Tiểu Hương. Là đứa trẻ mồ côi, cả tuổi thơ của Tiểu Hương ở đầu đường xó chợ, chỉ no đòn chứ không được một bữa ăn no. Lớn lên lo kiếm tiền và gầy dựng lên TTNĐQH, từ đó các con của Hương ngày một nhiều, tập trung lo cho các con nên chưa lúc nào Hương có thời gian để đi học lấy bằng cấp. Không có bằng đại học nhưng 100% các con của Hương đủ 3 tuổi đều được đến trường học. Thế thì việc không có bằng mà làm giám đốc như Hương không được sao?

Cùng ngày, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với chị Mai Thị Dung, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương để làm rõ thêm về tư cách pháp nhân của TTNĐ Quê Hương. Tỏ ra bức xúc, chị Dung cho biết: Về tư cách pháp nhân, TTNĐQH trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, thuộc tổ chức phi Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ ký tại Quyết định 590TTg ngày 4-12-1993. Đúng ra trước khi ban hành quyết định thành lập TTNĐQH của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phải có ý kiến đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH. Ngoài ra Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam khi ra quyết định thành lập Trung tâm phải xin ý kiến của UBNDTP, UBND tỉnh Bình Dương, nhưng trong văn bản này thiếu đi vai trò của địa phương, đây không phải lỗi của Tiểu Hương, không vì thế mà chúng ta làm khó một Trung tâm nhân đạo có hiệu quả tốt như TTNĐ Quê Hương. Về phía UBND tỉnh Bình Dương, sau khi kiểm tra thực tế, chúng tôi đã có văn bản gửi cho Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam chấp thuận cho TTNĐ Quê Hương được phép hoạt động trên địa bàn của tỉnh. Như vậy TTNĐ Quê Hương là một tổ chức nhân đạo hợp pháp. Thực tế từ năm 2003 đến nay UBND tỉnh Bình Dương và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Dương đã tạo nhiều điều kiện cho Trung tâm hoạt động.

Trước thông tin Trung tâm không đạt chuẩn và để các cháu mắc bệnh sởi nhiều, bà Dung phân tích: Do tình hình thực tế ở tam giác kinh tế TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương thu hút cả triệu lao động, hầu hết số lao động này ở độ tuổi từ 18 đến 25, trong đó nữ chiếm 80%. Xuất phát từ nhu cầu tình cảm rất con người, ngược lại do điều kiện lương bổng của công nhân thấp, cộng với công tác tuyên truyền về sinh hoạt tình dục, kế hoạch hóa gia đình trong các công ty và xã hội còn yếu, vì thế các em có thai ngoài ý muốn khá nhiều, khi sinh con ra phần lớn sinh non, sau đó đem bỏ rơi ở nơi công cộng, hoặc bỏ trước cổng TTNĐ Quê Hương. Theo giấy phép thì Trung tâm chỉ nuôi trẻ tàn tật, nhưng trước một thực trạng trên Tiểu Hương không thể bỏ các em chết nên đón về nuôi, đó là một việc làm hợp đạo lý. Việc các cháu bị bỏ rơi ngày một nhiều thì chuyện Trung tâm Quê Hương quá tải là chuyện đương nhiên. Hơn nữa các em bị bỏ rơi lượm về đây hầu hết trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, sức khỏe bị suy giảm, có cháu trên đường đưa đi bệnh viện thì tử vong, vì thế 14 cháu tử vong trong hơn 8 năm qua trên hàng nghìn cháu được nuôi dưỡng chăm sóc là không thể tránh khỏi. Còn 20 cháu bị sởi trong điều kiện sống tập thể ở Trung tâm cũng là chuyện bình thường, chúng ta không nên thổi phồng vụ việc này để làm khó Trung tâm.

Trước những thông tin chưa chính xác về TTNĐ Quê Hương, ngày 26/10/2009, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức một đoàn kiểm tra gồm: Thường trực Hội đồng nhân dân (Ban văn hóa), Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các Sở LĐ-TB&XH, Tài chính, Xây dựng, Giáo dục-Đào Tạo, Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, phóng viên các báo đài trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các ban ngành của huyện Dĩ An và xã Tân Đông Hiệp tiến hành kiểm tra Trung tâm Nhân đạo Quê Hương. Sau khi tiến hành kiểm tra, chúng tôi đã có kết luận gửi các cơ quan ban, ngành thuộc tỉnh Bình Dương và TP HCM.

Trước tất cả những thành quả to lớn mà TTNĐ Quê Hương làm được trong nhiều năm qua, chúng tôi đã kêu gọi các ban, ngành thuộc tỉnh Bình Dương và các địa phương khác, cùng những nhà hảo tâm tiếp tục đến với Trung tâm Nhân đạo Quê Hương bằng những vòng tay nhân ái, để cùng chung tay với Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương chăm lo những mảnh đời bất hạnh đang sinh sống tại đây

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.