TP Hồ Chí Minh qua con mắt của bà con Việt kiều

Thứ Sáu, 02/12/2011, 18:18
“Trong một thời gian dài, vợ chồng tôi luôn nghĩ về nước Việt Nam mình nói chung, Sài Gòn nói riêng nghèo khổ, nhếch nhác. Nhưng khi trở về, khi đi trên những con đường rộng thênh thang được qui hoạch, thiết kế chỉnh chu với những tòa nhà cao tầng nằm e ấp bên thảm cỏ trải dài hàng cây số, vợ chồng tôi cứ nghĩ mình đang đi trên con đường nào đó ở bên kia trời Tây hay ở quốc đảo xanh Singapore”.

Ngày rời Canada trở về Việt Nam sau gần 20 năm xa cách, anh Võ Tri “còn nhớ như in” hình ảnh một Sài Gòn lố nhố, lắm bộn bề và không nghĩ sẽ có nhiều sự đổi thay. “Nhưng tôi đã lầm” - anh Tri thổ lộ: “Sài Gòn thay da đổi thịt đến chóng mặt. Từ khu vực cửa ngõ thành phố đến những khu ổ chuột một thời trong khu vực nội đô và các quận, huyện vùng ven như quận 7, quận 2, huyện Nhà Bè…, tôi không tìm thấy sự xô bồ, nhếch nhác. Những “vùng đất mới” gắn liền với các công trình trọng điểm khang trang, sạch đẹp, về đêm rực rỡ ánh đèn màu không kém gì Hồng Kông, Singapore… Thành phố mang tên Bác rất xứng đáng với biệt danh “Con rồng châu Á”.

Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc chỉnh trang, tôn tạo, tô điểm cho “con rồng châu Á”.

Gặp nhau trên Đại lộ Võ Văn Kiệt (hướng từ quận 1 sang quận 2), như anh Võ Tri, bà Laura Trần, Việt kiều Mỹ, không giấu được tâm trạng phấn khởi, mừng vui trước sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của thành phố. “Tôi xa quê hương đã hơn 30 năm và đây là lần thứ 4 tôi về thăm thành phố” - bà Trần thổ lộ: “Mỗi lần về nước tôi lại thấy khang trang, đổi sắc hơn. 2 tháng trước, lúc còn ở Mỹ, qua kênh thông tin báo chí trên mạng Internet, tôi được biết vào ngày 20/11 Sài Gòn sẽ thông hầm Thủ Thiêm, tôi và nhiều người khác bán tin bán nghi. Một số người cực đoan ở bên ấy thậm chí còn tỏ ra bài kích, cho rằng đó chỉ là tin đồn nhảm. Dầu vậy, vợ chồng tôi vẫn quyết định về Việt Nam trước để mừng thọ mẹ được 90 tuổi, sau cũng để được hòa cùng không khí hân hoan của người dân thành phố trong ngày vui được rảo bước dưới hầm cầu vượt sông hiện đại, quy mô nhất Đông Nam Á”.

Ông Nguyễn Hổ, chồng bà Trần tâm tình, gia đình ông ngày trước sống trong khu ổ chuột sát mép kênh nước đen Nhiêu Lộc-Thị Nghè. “Thời đó xô bồ, phức tạp, ô nhiễm, cùng cực không thể tả. Do ý thức kém nên mọi thứ đều được các hộ dân tống thẳng xuống dòng chảy khiến nước đen kịt, phả mùi hôi thối không thể tả” – ông Hổ giọng hân hoan: “Năm 2008, tôi trở về nước. Trước đó, qua những lần gọi điện với người thân, dù vẫn biết các hộ dân sống bám vào con nước đã được Nhà nước di dời, con kênh nước đen đã lột xác nhưng khi đứng trên cầu Thị Nghè (địa phận giáp ranh giữa quận 1 và quận Bình Thạnh) phóng tầm mắt về phía xa, dù con kênh vẫn chưa thật sự trong xanh như mong muốn nhưng tôi không nghĩ hàng ngàn hộ dân sống dọc kênh với những cảnh nhớp nhúa rợn người đã không còn nữa”.

Sinh ra và lớn lên ở đất Sài thành, vì cuộc sống, thời cuộc mà những người như anh Võ Tri, bà Laura Trần, ông Nguyễn Hổ và hàng trăm ngàn người khác phải rời xa nơi quê cha đất mẹ, sang sinh sống, mưu sinh nơi xứ người. “Trong một thời gian dài, vợ chồng tôi luôn nghĩ về nước Việt Nam mình nói chung, Sài Gòn nói riêng nghèo khổ, nhếch nhác. Nhưng khi trở về, khi đi trên những con đường rộng thênh thang được qui hoạch, thiết kế chỉnh chu với những tòa nhà cao tầng nằm e ấp bên thảm cỏ trải dài hàng cây số, kéo dài từ Khu du lịch Suối Tiên đến cầu Sài Gòn, vợ chồng tôi cứ nghĩ mình đang đi trên con đường nào đó ở bên kia trời Tây hay ở quốc đảo xanh Singapore”. Đấy là chia sẻ của bà Kiều Nguyễn, Việt kiều Australia.

“Vợ chồng tôi là người ở Phan Thiết, Bình Thuận. Cứ mỗi khi về Việt Nam, khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất là chúng tôi về thẳng Phan Thiết. Sau một thời gian sum vầy bên người thân, cận ngày đi, chúng tôi lại tiến thẳng ra phi trường, chẳng hề có ý định thăm thú thành phố vì nghĩ tại nước mình, nơi đâu cũng vậy” - ông Phan Thúc tiếp lời vợ: “Lần này về thăm lại quê nhà, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội được thả mình ở Sài Gòn-thành phố mà nhiều bạn Australia ở gần khu vực tôi sinh sống sau khi đã có những ngày dài trải nghiệm khi về lại Australia đã nói với chúng tôi rằng họ rất bất ngờ khi thấy diện mạo của TP Hồ Chí Minh không kém gì Singapore, Malaysia, Hồng Kông…”.

Về đêm, trên nhiều nẻo đường của thành phố rực rỡ ánh đèn không khác gì Singapore, Thâm Quyến…

Còn nhiều, nhiều lắm sẻ chia tận đáy lòng của những người con Việt xa xứ khi trở về cố hương. Mang những hình ảnh của thành phố một thời còn nhiều khó khăn, bộn bề đến những miền đất hứa…, nay với ngày trở lại, họ hơn ai hết cảm nhận trọn vẹn, hiểu rõ sự đổi thay vượt bậc, là chứng nhân sống của sự vươn vai xứng danh “con rồng châu Á”. Ông Thúc thổ lộ rằng dẫu còn đó một số bất cập như nạn kẹt xe, nạn ô nhiễm, ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa tốt… nhưng không ai có thể phủ nhận sự lớn mạnh, phát triển như bão táp của “thành phố rồng”.

Và như ngàn vạn kiều bào yêu nước khác, những ông Thúc, ông Hổ, anh Tri, bà Kiều Nguyễn… trải lòng rằng trong sự lớn mạnh của “con rồng châu Á”, không thể phủ nhận vai trò đóng góp, sự hy sinh của một bộ phận người dân khi nhường đất nhường nhà để phục vụ cho các công trình trọng điểm, cả quyết tâm và tinh thần phụng sự đất nước, vì cuộc sống nhân dân không ngừng phát triển, đi lên của lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo Trung ương, khi đã dồn toàn lực đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, một trong những nền móng thúc đẩy sự phát triển.

TP Hồ Chí Minh hôm nay lại lộng gió. Những kiều bào mà chúng tôi có dịp gặp gỡ lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá, chiêm nghiệm “con rồng châu Á” về đêm rực rỡ đèn màu, diễm lệ không khác gì Ma Cao, Thâm Quyến… Lúc này, bên này hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2), tại cầu Cá Tra nằm trên Đại lộ Võ Văn Kiệt nối dài, chúng tôi gặp một nhóm người gồm nam-phụ-lão-ấu chạy xe gắn máy ở tít tận miệt cuối đất Cà Mau đang ngồi tựa lưng vào thành cầu trong gió lộng, nhìn ngắm những khoảng đất lau sậy rộng mênh mông được điểm xuyến bởi những công trình cao ốc đang khẩn trương xây dựng và sẽ hình thành những khu dân cư khang trang, sạch đẹp trong tương lai. Trò chuyện mới biết họ vượt hơn 300 cây số vì háo hức được lăn bánh, thả mình ở công trình thế kỷ hầm ngầm vượt sông. Chúng tôi xin được kết thúc bài viết bằng tâm tình của một bác lớn tuổi khi được hỏi thăm cảm giác khi xuyên hầm vượt lớn nhất Đông Nam Á: “Hồi nào giờ xem tivi thấy hầm vượt xuyên lòng sông, nhà chọc trời cứ nghĩ chỉ có ở nước ngoài, ai ngờ tại thành phố mình đâu thua gì họ”

N.T.Dũng
.
.
.