TP HCM: Tết về với những cụ già neo đơn, tàn tật

Thứ Ba, 19/01/2010, 10:24
Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (3E Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12) và cảm nhận không khí ở đây có phần nào nhộn nhịp, ấm áp hơn ngày thường vì có những đoàn khách đến thăm hỏi và tặng quà.

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 356 người bị bại liệt và bại não. Phần lớn những người đang sinh sống ở đây bị bỏ rơi do hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, khó khăn. Nhưng đáng thương hơn, có không ít cụ già không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ngày đêm phải "nuốt ngược nước mắt" vì bị con cái ngược đãi, phủi bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng của mình…

Những số phận đáng thương

Cầm phần quà của một "Mạnh Thường Quân" trao tặng, cụ Phạm Văn Mạnh (67 tuổi) rưng rưng cảm động: "Lâu lắm rồi chúng tôi mới nhận được những món quà như thế này của các nhà tài trợ. Ở Trung tâm này, chúng tôi được các cán bộ, nhân viên chăm sóc rất chu đáo, nhiệt tình nhưng những cũng không bù đắp được tình cảm thiếu vắng của gia đình".

Rồi cụ Mạnh kể, trước khi vào Trung tâm (năm 2006), cụ sống cùng người em gái và 3 đứa cháu ở khu vực gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nên sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ đã quyết định chọn Trung tâm này làm nơi trú ngụ. Gần một năm đầu người nhà thay nhau đến thăm cụ cũng thấy đỡ tủi thân. Nhưng 2 năm nay, ngày nào cụ cũng chờ tin người nhà nhưng không thấy một ai đến hỏi han, thăm viếng.

Trong số những cụ già mà chúng tôi tiếp xúc tại trung tâm, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Nhiều cụ thấy mình tuổi cao sức yếu lại bệnh tật, trong khi gia cảnh quá khó khăn nên không muốn trở thành gánh nặng cho con, cho cháu; Nhiều cụ già là người lang thang, không nhà cửa, không người nuôi dưỡng,  sống vật vạ ngoài đường và được đưa vào trung tâm sau những đợt thu gom của các lực lượng kiểm tra.

Tuy nhiên, trong số hàng trăm cụ sống ở đây, vẫn có nhiều cụ là đấng sinh thành của những thầy giáo, cô giáo, kỹ sư, bác sĩ… hoặc những người có gia đình khá giả. Nhưng những người con đã đưa cha, mẹ mình vào trung tâm, rồi sau đó không một lần ghé lại, thăm hỏi.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái!

Trong 356 người sống ở đây thì có đến 285 cụ già tàn tật nặng và 71 người bị bại não (trên 18 tuổi) đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: TP HCM, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội… Anh Tạ Trọng Nghĩa - phụ trách trại liệt nam của trung tâm cho chúng tôi biết: Những người sống ở đây không có người thân chăm sóc nên trách nhiệm này là của cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Công việc hàng ngày của họ là chăm sóc cho những "bệnh nhân đặc biệt" này từ việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa cho đến chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ... Theo ghi nhận của chúng tôi thì những bệnh nhân ở đây ngoài việc được chăm sóc đặc biệt thì cuộc sống tinh thần của họ cũng được quan tâm khá tốt. Tại các phòng đều có trang bị tivi, đầu máy, có cả phòng đọc sách cho những ai có nhu cầu...

Với những gì chúng tôi ghi nhận được thì cái Tết của những cụ già neo đơn, tàn tật quả thật rất nghèo và đơn sơ. Để những cụ già không người thân nuôi dưỡng được đón cái Tết ấm áp và ý nghĩa thì họ vẫn còn cần lắm những tấm lòng của các nhà hảo tâm…

Thuý Hà
.
.
.