TP HCM: “Cảnh chùa nhốn nháo”

Chủ Nhật, 04/02/2007, 14:05
Đi vào bên trong sân chùa Vĩnh Nghiêm, cảnh nhốn nháo tại đây không kém gì bên ngoài, mặc dù nhà chùa đã bố trí địa điểm giữ xe riêng biệt trong sân nhưng khách thập phương vẫn đỗ đầy xe trong sân chùa.

Chúng tôi có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm vào một buổi tối ngày mùng 1 (âm lịch), điều đập ngay vào mắt chúng tôi là cảnh mất trật tự tại cổng chùa. Vài chục em nhỏ, tuổi từ 7, 8 đến 14, 15 mặc quần đùi, áo ba lỗ, đứng tràn cả ra lòng đường chèo kéo, mời chào khách, thậm chí có em còn đứng cách cổng chùa vài chục mét chạy theo xe của khách để mời mua nhang và hoa, bọn trẻ tranh giành khách, chửi nhau um xùm ngay giữa dòng xe cộ qua lại đông như nêm cối.

Trước cổng chùa, mấy bác xe ôm tụ tập để chào mời khách, nhiều phụ nữ đẩy bán đồ ăn, đồ chơi, cứ đi đi lại lại trước cổng. Vỉa hè được cơ quan chủ quản đào bới lên rồi để từ ngày này qua ngày khác, những ống cống có đường kính hàng mét vứt ngổn ngang.

Đi vào bên trong sân chùa, cảnh nhốn nháo tại đây không kém gì bên ngoài, mặc dù nhà chùa đã bố trí địa điểm giữ xe riêng biệt trong sân nhưng khách thập phương vẫn đỗ đầy xe trong sân chùa. Chúng tôi không hiểu lực lượng bảo vệ túc trực tại đây tới 3, 4 người để làm gì khi mà đủ mọi loại hàng hoá vẫn được mang vào chùa để bán, xe ôm đứng ngay giữa cổng…

Một lần khác, chúng tôi có dịp đến huyện Bình Chánh, xã Lê Minh Xuân, nơi có ngôi chùa Phật Cô Đơn. Toàn bộ khuôn viên của ngôi chùa tọa lạc trên một khoảng đất bằng phẳng rộng 5ha, thuộc Công viên văn hoá Láng Le. Trước, nơi đây là vùng kinh tế mới, dân tứ xứ tới để làm ăn, lập nghiệp. Chính vì vậy mà có một thời gian dài xã Lê Minh Xuân tập trung nhiều loại tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, cờ bạc…

"Thời trang" đi chùa.

Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng nhức nhối trên đã được cải thiện rõ rệt. Công an, chính quyền địa phương đã kiên quyết đẩy lùi các loại tệ nạn. Hàng trăm người dân đến lễ chùa rất đông.

Những nỗ lực của chính quyền địa phương đã góp phần rất lớn trả lại vẻ thanh tịnh cho Phật Cô Đơn nhưng vẫn còn một số hộ dân dựng lên hàng loạt ngôi lều bạt ở hai bên lối vào chùa để hành nghề mê tín dị đoan, kinh doanh đồ ăn, uống, đồ lưu niệm, coi xe, nhà nghỉ… với giá cắt cổ. Đó là chưa kể hàng trăm người bán hàng rong luôn túc trực.

Cảnh lộn xộn tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam quốc tự, vừa  đặt chân vào cổng chùa, chúng tôi choáng ngợp khi thấy chạy dọc hai bên đường vào chùa chen chúc những người bán nhang, bán hoa và ăn mày.

Những mảnh giấy, túi nilon đựng nhang vứt đầy lối đi… Đi sâu vào trong là một khoảng sân rộng nhưng lại không hề thông thoáng, bởi nó đã bị những chiếc xe đẩy bán đồ ăn như đậu rán, chả quạt, chả xiên, dừa xiêm, cân tính, cộng với những người bán đồ lưu niệm: kính mắt, vòng đeo cổ, đeo tay… chiếm cứ hết.

Đấy là còn chưa kể đến những người bán sách tử vi tướng số trải chiếu ngồi la liệt khắp nơi, từ gốc cây cho đến ghế đá. Đó là những người lợi dụng nơi cửa phật để kiếm sống, còn đối những người "thành tâm" đến với chốn cửa Phật tôn nghiêm thì sao?

Người đi chùa bao gồm đủ mọi thành phần nhưng một điều đáng nói ở đây là cách mà mỗi người thể hiện lòng tôn kính của mình đối với Đức Phật từ bi. Dường như cửa phật linh thiêng đã bị các cô, các chị biến thành sàn diễn thời trang bất đắc dĩ, nhiều loại thời trang thiếu vải được phô diễn không một chút ngại ngùng. Không chỉ là các bà, các cô ăn mặc thiếu vải vào chùa, thậm chí các ông cũng diện quần đùi, quần ngố... đi chùa.

Dây điện lòng thòng trước cổng chùa.

Theo bước chân của khách thập phương đi chùa leo lên tháp chùa Việt Nam quốc tự, không khí thoáng đãng, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh đẹp của Sài Gòn khi màn đêm buông xuống, cũng chính vì nguyên do đó mà không tầng nào của tòa tháp là không có cảnh những đôi trai gái tâm tình.

Một số người còn khắc tên mình và tên của người yêu lên những cột trụ, bức tường của tháp, có lẽ những đôi trai gái này muốn chọn cửa Phật làm nơi minh chứng cho mối tình son sắt của họ?!

Cụ Nguyễn Thuý Quỳnh (ngụ tại phường 10, quận 3) ta thán: "Người ta đi chùa bây giờ thiếu ý thức quá, họ đi chùa theo trào lưu chứ không phải thành tâm".  Tình trạng trên cũng thường xuyên xảy ra với các chùa khác trên địa bàn thành phố như chùa Tuyền Lâm, quận 6; Huệ Lâm, Linh Quang Tự, quận 11; Phụng Sơn Tự (chùa Gò), quận 11; chùa Phước Viên, 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 12, quận Bình Thạnh…

Tết Nguyên đán đang tới gần. Đi chùa cầu phúc, cầu tài, cầu Phật ban phước lành, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc… là nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Việt, đã được duy trì từ hàng ngàn đời nay. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp thiết thực hơn để giữ cho nhà chùa cảnh trật tự tôn nghiêm

Ngọc Sơn
.
.
.