Gần nửa thế kỉ, chuyện vẫn còn day dứt...

Thứ Tư, 29/04/2020, 14:12
Ông Nguyễn Như Trình (bí danh Hai Phong), sinh năm 1922, quê gốc Thừa Thiên - Huế. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1947. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ chức Chánh Văn phòng Ty Công an Bình Trị Thiên và trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Chánh Văn phòng Ban An ninh T4 - Khu Sài Gòn Gia Định. Ông hy sinh anh dũng ngày 7/6/1971 tại Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Nhiều thập kỉ đã trôi qua kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, là người từng chứng kiến vị Thủ trưởng đáng kính của mình hy sinh ngay trước mắt, người lính trẻ 17 tuổi năm ấy luôn thấy trong lòng day dứt.

Từ biên giới Campuchia đến Bến Tre

Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh chị Lê Thị Thu Thủy (sinh năm 1952, Trung tá Công an) và Lê Văn Tặng (sinh năm 1945, Trung tá Công an) tại phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Hai anh chị nay đã tuổi xế chiều, mỗi lần nhắc đến ông Hai Phong, chị Thủy lại nấc lên, nghẹn ngào, xúc động.

Gần 50 năm trước, chị Thủy (quê Sài Gòn) là nhân viên văn thư, giao liên kiêm cấp dưỡng cho cơ quan Ban An ninh  T4 (Công an Khu Sài Gòn - Gia Định) hoạt động bí mật. Còn vị thủ trưởng là ông Hai Phong (Nguyễn Như Trình) làm nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu địch tình Khu ủy. Chị Thủy nhớ mãi khoảnh khắc định mệnh ông Hai Phong đã nhường hầm trú ẩn cho mình, anh dũng hy sinh.

Thẻ căn cước sỹ quan của ông Nguyễn Như Trình.

Chị Thủy và ông Hai Phong gặp nhau giáp biên giới Campuchia, địa phận tỉnh Tây Ninh vào năm 1969. Chị chỉ biết ông Hai là Thủ trưởng của mình, sau này mới biết rõ ông được cấp trên giao nhiệm vụ rất quan trọng là chuyên phân tích, nghiên cứu địch tình trong thành phố Sài Gòn - Cơ quan đầu não của địch, ông phụ trách Bộ phận Văn phòng tổng hợp của Ban An ninh T4.

Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, địch khủng bố trắng, cơ quan bí mật rời sang đất Campuchia. Ở đây yên tĩnh lắm. Ông Hai làm việc ngày đêm, dồn hết tâm trí cho các công việc mình được đảm nhận. Họp suốt ngày, đến giờ ăn ông mới đến ăn cùng anh em, nghỉ ngơi một lúc rồi lại tiếp tục làm việc.

Một thời gian, nhận lệnh cấp trên, đơn vị chị Thủy lại rời đất Campuchia về đóng quân tại xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Cơ sở bị chia thành những bộ phận nhỏ, nhưng vẫn gắn kết và làm việc ngay cạnh lãnh đạo. Ban lãnh đạo do các ông Tư Trọng (đồng chí Nguyễn Tài, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) và ông Sáu Ngọc (đồng chí Lê Thanh, sau này là Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ đạo chung, một bộ phận Văn phòng do ông Hai Phong đảm nhận cùng với một số cán bộ khoảng 10 người.

Hằng ngày, ông Hai Phong cùng mọi người trong nhóm nhận tin tức của địch trong lòng thành phố Sài Gòn gửi vào, nghiên cứu, phân tích, gửi qua cho ông Sáu. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường, ông Sáu Ngọc lại phát lệnh rồi chuyển cho ông Hai Phong lo việc triển khai nhiệm vụ đến các tổ Điệp báo hoạt động trong nội đô Sài Gòn.

Cơ quan khi đó chỉ bố trí bốn thanh niên: Hai nam, hai nữ để làm công tác phục vụ. Chị Thủy chia sẻ, là lính, lo văn thư, giao liên, kiêm nhiệm nấu ăn cho mấy “ông già”.

Chị bật cười và giải thích hồi đó mọi người vẫn gọi đùa nhau như vậy. Công việc hàng ngày của chị, đó là chuyên viết tài liệu/chỉ thị, từ những chữ rất to, thu lại bằng chữ viết bé xíu trên giấy pơ-luya. Viết xong phải cuốn thật nhỏ bằng ngón tay út để chuyển đi.

Đặc biệt những tài liệu bí mật đưa về thành phố thì yêu cầu phải viết càng nhỏ càng tốt rồi cuốn như đầu đũa, giấu lẫn trong giỏ hàng, chuyển cho các chị giao liên đóng giả người nhà đi chơi, thăm bà con để chuyển tiếp.

Tài liệu có lúc giấu trong ống kem đánh răng, đế dép, hoặc ruột gà. Cũng có lần chị viết trên giấy dầu dùng để gói đồ nhằm ngụy trang, tránh địch không phát hiện. Người nhận được mang về, mở giấy ra, lấy thuốc, lấy bông gòn chà lên, lúc đó chữ sẽ hiện. Với các cách ngụy trang này, chỉ khi nào có kẻ chỉ điểm mới bị phát hiện. Trường hợp không may bị bắt, địch có hỏi thì tuyệt đối không nhận là đồ của mình, cứ chối phắt rằng tôi chẳng biết của ai.

Miền quê Bến Tre khi ấy vô cùng thiếu thốn. Mọi người ở đơn vị phải chia ra từng nhóm, địch thường xuyên càn quét, chà xát có ngày tới hai, ba lần. Tất cả mọi người đều phải lấy những cái lu thật to, đựng tư trang: Quần áo, bàn chải, khăn mặt…và bí mật đem chôn dưới vườn. Chiều tối khoảng ba-bốn giờ, thấy mọi chuyện yên ắng mới được lấy lên.

Còn đồ nấu ăn như xoong, nồi, bát đĩa thì mọi người tìm cái mương trong vườn, đào thật sâu để có nước và cũng là “địa chỉ” giấu đồ nấu ăn trong đó, cứ đến bữa thì ra lấy và đem về dùng.

Cơ quan hoạt động ngay trong lòng dân, được dân yêu thương, che chở, bao bọc, gia đình gần đó rất quý mến anh em cán bộ. Mỗi khi kiếm được con tôm, con cá, họ lại gọi chị Thủy ra lấy, mang về. Ông Hai Phong dễ tính lắm. Mọi người ăn gì là ông ăn nấy, luôn ngồi ăn trong tư thế cầm súng, không bao giờ ca thán hay cằn nhằn do món ăn không hợp khẩu vị. Ông hay mặc bộ quần áo mỏng, màu đen giặt cho mau khô, đi đôi dép Lào. Trong công việc ông rất cẩn thận, nghiêm túc, còn với anh em thì ông luôn là người hiền lành, thân thiện, bao dung.

Giây phút không quên

Ngày ấy, địch thường xuyên tổ chức các trận đánh điểm. Chúng đánh những nơi bọn chỉ điểm khai báo, bị lộ, còn không thi thoảng chúng đánh chớp nhoáng một vài địa điểm bất kì, hoặc nghi ngờ có Việt cộng thì nã đạn không thương tiếc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn đại biểu cựu cán bộ - con em Điệp báo An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định tại Phủ Chủ tịch (ngày 4/4/017). Người đứng hàng đầu, ngoài cùng bên trái là con trai ông Nguyễn Như Trình.

Vào hôm đó, tầm buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, mọi người nhận tin có đánh điểm. Ông Sáu Ngọc ra lệnh cả bộ phận di chuyển qua bên kia sông. Nhóm ông Sáu Ngọc đi trước, kịp sang được bờ bên kia. Còn nhóm ông Hai Phong đi sau, gồm chị Thủy và chú Tư Râu chạy dọc theo đường của bờ sông đến bến đò để sang phía bên kia.

Cả ba người đi vào căn chòi, trong chòi có một cái hầm nổi. Khi đó chú Tư Râu chui vào trước soi đèn xem có rắn rết không. Ông Hai Phong và chị Thủy ngồi ngay miệng hầm. Miệng hầm nhỏ đủ một người chui lọt, có mái che bằng lá dừa. Khi nghe tiếng pháo đề-pa, chị Thủy nói: “Chú Hai chui vô đi”, ông Hai nhường chị: “Cháu vô trước đi”, miệng ông nói nhưng tay lại đẩy chị Thủy vào hầm.

Vừa nghe tiếng pháo nổ, chị Thủy nhìn ra miệng hầm thấy ông Hai Phong bị miếng pháo văng/chém vào giữa trán, bật ngửa ra sau, máu chảy đầm đìa, bên vai còn mang chiếc túi xách màu xanh dương chứa những tài liệu mật mà ông Hai xem như vật “bất ly thân”. Chị Thủy kêu lên:

- Chết chú Hai rồi, chú Tư ơi…

Nói xong, chị liền bò ra nhưng chú Tư Râu níu áo, kéo lại:

- Khoan, nó còn bắn nữa.

Sau trái pháo nổ rung cả miệng hầm, chú Tư Râu và chị Thủy bò ra khiêng ông Hai Phong để lên vạt dừa (giường được bện bằng cọng dừa). Khi đó, ông Hai Phong đã lấy hơi, thở nấc ra, rồi mất. Chú Tư cố khuyên chị bình tĩnh. Chị Thủy vội chạy đi tìm mấy anh chưa qua sông để báo.

Nhìn ông Hai lúc đó vô cùng thương tâm. Bên người ông chỉ có thứ duy nhất là chiếc cặp tài liệu màu xanh dương đã thấm máu. Đây là chiếc cặp vô cùng quan trọng mà ông Sáu Ngọc ngay sau đó đã hỏi: “Cái cặp đâu rồi?”.

Đêm đó, chị Thủy được phân công ở một mình trong chiếc hầm khác để trông coi ba lô cho mọi người. Còn mấy anh em thì khiêng ông Hai Phong đến nơi chôn cất. Chứng kiến cái chết của ông Hai Phong ngày ấy còn có chú Mười Lùn (Củ Chi), chú Hùng (Bến Tre) và chú Hai Cầu (đồng đội với chồng chị Thủy).

Ông Hai Phong hy sinh, chiến sự vẫn tiếp diễn, mọi chuyện tạm khép. Người nào việc nấy bận rộn. Vì làm công tác bảo mật, nên khi còn sống ông Hai rất ít trò chuyện với mọi người, duy nhất một lần trong lúc vui vẻ, ông tiết lộ rằng, ông đã sử dụng tên con trai là Phong làm bí danh hoạt động. Một phần do công việc mang tính đặc thù, nên rất ít người biết về ông Hai Phong, bởi thế không ai ngờ cho đến tận ngày hôm nay, gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Trình (Hai Phong) vẫn chưa nhận được Bằng khen, Huy chương hay Huân chương Kháng chiến của Đảng, Nhà nước…

Ngày giỗ cúng măng cụt

Kỷ niệm về ông Hai Phong, chị Thu Thủy nhớ lại, khi còn là lính của ông Hai, nơi đơn vị đóng quân có hai cây măng cụt. Do hết mùa, nên trên cây chỉ còn duy nhất hai trái non. Ông Hai Phong vốn là dân tập kết vào, thấy lạ mới hỏi: “Cháu à, đây là cây gì mà có trái vậy, cách ăn như thế nào và mùi vị ra sao?”. Chị Thủy nói khi nào chín, cháu sẽ hái cho chú ăn thử.

Thế là từ hôm đó, lúc nào chị cũng chờ đợi trông mong trái nhanh chín. Một hôm quan sát trái măng cụt đã chuyển sang màu nâu, chị biết nó đã chín, chị liền hái xuống, cắt ra mời ông ăn thử. Ăn xong, ông khen ngon và thích trái đó lắm. Hàng ngày, ông thường ra nơi có hai cây măng cụt mắc võng để nghỉ ngơi.

Gần 50 năm, nhớ về ông Hai, cứ đến ngày giỗ, hai vợ chồng chị Thủy cùng mọi người bảo nhau mang trái măng cụt thắp hương cho ông. Mỗi lần nhắc chuyện cũ, chị lại rơm rớm nước mắt…

Ông Hai Phong hy sinh năm 1971 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Trong kí ức của chị Thủy, ông Hai là một thủ trưởng nghiêm khắc với công việc, bậc cha chú bình dị, mộc mạc luôn chỉ đạo tận tình cấp dưới. Ông là một người Anh hùng trân quý!

Lá thư mong ngày sum họp

Trong tư liệu tìm hiểu về ông Hai Phong, tôi đã đọc những lá thư do gia đình anh Phong (con trai ông) cung cấp. Được biết, khi có thời gian là ông Hai Phong viết thư cho gia đình, cái nào cũng dặn vợ và các con: Mong đất nước thống nhất, gia đình sớm sum họp, đoàn tụ. Trong lá thư viết ngày 21/-12/1964 có đoạn: “Anh hứa sẽ làm như lời em dặn. Anh sẽ vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và cấp trên giao phó. Trong mọi hoàn cảnh cho phép, anh luôn nghĩ tới em và các con. Anh tự nhủ rồi chúng nó sẽ khôn lớn, trưởng thành và ngày thống nhất gia đình mình nhất định sẽ hạnh phúc như em muốn, như con mong đợi và như anh khát khao”… Lá thư viết vội nhưng chan chứa tình cảm gia đình và trách nhiệm với công việc.

Nhớ về ông Hai Phong, ông Lê Thanh Vân, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó Ban An ninh T4, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đây là một đồng chí, đồng đội tốt. Công tác tích cực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Còn ông Tám Nam (Thái Doãn Mẫn - nguyên Phó Ban An ninh T4, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) nay đã ngoài 90 tuổi, khi được hỏi liền thốt lên: “Hai Phong hả? Hai Phong hả? Như anh em ruột, như anh em ruột, anh em đồng hương, cùng hoạt động ở Huế thời chống Pháp, còn ở T4 tau về sau ổng khoảng 4-5 năm. Ổng Hai bị lạc pháo do địch càn, lúc đó tau đang qua sông. Khi nghe tin ổng hy sinh, tau là người buồn nhất...”.

Thiếu tướng Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng), Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Cụm phó Cụm Điệp báo A10 An ninh T4 khu Sài Gòn - Gia Định, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị An ninh - Bộ Công an đã xác nhận: “Đồng chí Nguyễn Như Trình (tức Hai Phong), nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh T4, là liệt sỹ được ghi danh tại Nha Công an Trung ương (căn cứ địa cách mạng) ở Tuyên Quang”.

Nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cùng tưởng nhớ đến một sĩ quan CAND đã trọn đời cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc yêu thương.             

* Tái bút: Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các tư liệu về liệt sỹ Nguyễn Như Trình - bí danh Hai Phong. Rất mong quý bạn đọc cung cấp thêm những thông tin quý giá. Mọi liên hệ xin gửi về Email: kimthanhbtcm@gmail.com. Trân trọng cám ơn!

Nguyễn Kim Thành
.
.
.