Những đứa con của hòa bình

Thứ Ba, 28/04/2020, 15:02
Đúng ngày đất nước thống nhất – 30/4/1975, có 2.000 đứa trẻ được chào đời tại Sài Gòn. Những đứa con của ngày thống nhất năm nào, giờ luôn hạnh phúc đón sinh nhật cùng 45 năm đất nước chuyển mình, hàn gắn những vết thương của bom đạn, cùng thành phố vươn lên mạnh mẽ.

Những cái tên năm xưa được mẹ cha gửi gắm cả niềm hy vọng, sự tự hào và ước mong yên bình, giờ đã có vị thế, góp sức cho cộng đồng. Hoặc đâu đó giữa bộn bề thành phố, những khát vọng của mẹ cha đã được những đứa con gắng sức suốt 45 năm, như một sự nhắc nhở sống sao cho xứng với sự hy sinh và cả niềm vui của triệu triệu lớp người…

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều năm rồi, những đứa con sinh trong ngày thống nhất ấy đã lập nên CLB “sinh ngày 30 tháng 4 năm 1975”, để kết nối giao thương, để hỗ trợ cộng đồng, và để sẻ chia vượt khó… Sinh ra đúng thời khắc lịch sử đó nên cái tên cũng thành thông điệp quý giá của cuộc sống. Những tên gọi như òa vỡ của niềm vui, sự hạnh ngộ, của sự đền đáp ước mong.

Trần Các Hùng Dũng, Tạ Thống Nhất, Nguyễn Xuân Đại Thắng, Lê Thành Nam Giải Phóng,… cũng được gọi lên đầy hạnh phúc và thiêng liêng như vậy. Và trong số 2.000 đứa trẻ sinh trong ngày thống nhất, có hơn 50 người được đặt tên “Hòa Bình”, như một niềm ước mong được đáp lại của hàng triệu người sau bao năm đất nước bị chia cắt, gian lao.

1. Lúc 1h15’ ngày 30/4/1975, sau hai ngày vật vã vì đói và chạy loạn, mẹ sinh ra anh Nguyễn Hòa Bình ở Bệnh viện Gia Định. Mẹ anh định sẵn tên con là Nguyễn Văn Thành, nhưng khi nhìn thấy mặt con trai vừa chào đời, cha anh đã quyết lấy tên Hòa Bình, bởi “đây là cái tên mang niềm mong mỏi Hòa Bình cho tất cả người dân Việt Nam”.

Mỗi năm qua đi, là mỗi năm Hòa Bình lớn lên cùng thành phố. Cuộc sống sau chiến tranh không đơn giản, mọi gia đình đều khâu vá lại những vết đạn của cuộc chiến, và nỗ lực vượt qua những cực nhọc của cơm áo ngày thường. “Tôi luôn phải lựa chọn giữa nghỉ học để mưu sinh giúp gia đình, hoặc cố gắng vươn lên dù chặng đường phía trước khá nan giải. Nhưng, mẹ tôi bảo, tôi tên là Hòa Bình, và cái tên đó nhắc tôi rằng, phải nỗ lực bằng mọi giá để các em tôi nhìn vào đó mà noi theo”.

Anh Nguyễn Hòa Bình (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến từ thiện.

Nguyễn Hòa Bình đã trải qua nhiều công việc, với những nỗ lực vượt bậc để trở thành một người thành đạt, không phải chỉ là để giàu có, mà là khát vọng một cuộc sống bền vững cho gia đình và những người thân. “Có câu nói, thời điểm hay nơi chốn sinh ra không quyết định thân phận, nhưng như sự lựa chọn của tạo hóa cho 2.000 đứa trẻ được sinh ra ở Sài Gòn vào thời điểm chuyển giao quan trọng ấy, như đặt vào chúng tôi cả niềm tin và hy vọng vào sự đổi thay.

Đã 22 năm làm việc và 45 tuổi đời gắn với TP Hồ Chí Minh, niềm vui lớn là có thể cảm nhận sự đổi thay từng ngày của thành phố. Biết bao thăng trầm biến đổi, Sài Gòn ngày tôi sinh giờ đã là một đô thị với những đổi thay mạnh mẽ về diện mạo phố xá, giao thông và hạ tầng đô thị, những tòa nhà cao tầng, những khu vui chơi giải trí chuẩn quốc tế, những khu dân sinh cao cấp, những trung tâm thương mại sầm uất. Đặc biệt nhất đến bây giờ là dự án giãn khu trung tâm ra cho tất cả mọi người.

Chẳng hạn, chúng ta đã quen duy nhất một trung tâm thành phố là khu quận 1, thì nay chính quyền đã thiết kế hạ tầng những trung tâm mới ở Tân Bình, Bình Chánh… để xây dựng một thành phố quy mô gấp nhiều lần. Chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành, và đủ trải nghiệm để ngắm nhìn sự đổi thay của thành phố bằng sự biết ơn và hạnh phúc”, anh Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Nguyễn Hòa Bình đang hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim, phụ trách phát triển kinh doanh mua sắm trên truyền hình (home shopping), với 2 kênh truyền hình cáp HTVC và VTV Cab 11.

“Công việc cũng rất nhiều vất vả, tôi không ảo tưởng về những gì mình có thể làm, chỉ mong đủ sức khỏe và nhiệt tâm để theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn. Không phải sinh vào ngày thống nhất thì trở thành thiên tài, mà tôi muốn chở hết những mong mỏi của mẹ cha tôi đặt lên hai chữ Hòa Bình”, anh bộc bạch thêm.

2. Tuổi 45, bác sĩ Trần Các Hùng Dũng là bác sĩ có chuyên môn cao ngành sản – nhi của TP Hồ Chí Minh. Từng công tác nhiều năm tại Bệnh viện Từ Dũ, nay anh chuyển qua Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Mẹ anh, bà Phạm Thị Nga từng kể, rạng sáng 30/4/1975, Sài Gòn ngổn ngang người xe và khói đạn. Tiếng súng nổ vọng tứ bề. Đường phố tắc nghẽn. Bà  không thể kịp đến Từ Dũ, buộc phải ghé vào Bệnh viện Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh) để sinh Dũng.

Bác sĩ Trần Các Hùng Dũng.

Nằm trên bàn sinh, tiếng đạn vẫn nổ và mắt mũi bà vẫn cay xè mùi thuốc súng. Chỉ sau vài giờ sinh, bà Nga phải bế con xuống nhà nguyện phía dưới bệnh viện để tránh đạn. Chính vì thực tế oanh liệt vào thời khắc ấy, vợ chồng bà quyết đặt tên con là Hùng Dũng vì “con chúng mình lựa ngày đặc biệt để chào đời”.

45 năm qua đi, Trần Các Hùng Dũng luôn tâm niệm đã gắn bó với ngành y thì sẽ phải làm hết mình phục vụ người dân bảo vệ sức khỏe. 19 năm theo nghề y, anh cùng các cộng sự nghiên cứu nhiều đề tài và làm việc cần mẫn trong phòng chẩn đoán hình ảnh.

Công việc hằng ngày của anh là nghiên cứu và đưa ra những chẩn đoán hình ảnh từ ngực và cơ quan sinh sản của phụ nữ, để giúp các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. Công việc này quá lặng thầm và đôi khi còn dễ bị quên lãng, nhưng với Hùng Dũng, làm nghề y không phải để mưu danh, mà là một hành trình gian nan và đầy nhân tâm để cứu người và cùng góp sức phát triển nền y tế của thành phố.

3. Đúng 15 năm trước, ngày 30/4, TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Sài Gòn ngày tôi 30” và CLB những người sinh vào ngày thống nhất được thành lập.

“Lúc ấy chúng tôi thấy hiếm có dịp nào như vậy, nên lấy thông tin để gặp gỡ như những người bạn. Rồi tôi, anh Lê Thành Nam Giải Phóng, anh Vinh Quang, chị Trang, chị Ngọc Diễn, chị Vy Thảo, anh Ngọc Hiệp và một số anh chị em khác tham gia giao lưu, sinh hoạt định kỳ. Chúng tôi không tự cho mình là một thế hệ đặc biệt, ngoại trừ ngày sinh trùng với ngày thống nhất. Nhưng đây là một CLB được lập nên để sẻ chia. Và những chuyến công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa… đã dần giúp CLB lớn mạnh. 15 năm đã trôi qua, cuộc đời của các thành viên vì thế cứ kéo gần lại với nhau, như những người thân”, anh Hòa Bình chia sẻ.

Thành viên hạt nhân của CLB là anh Lê Thành Nam Giải Phóng, người được nhắc đến suốt 20 năm như một điển hình thành công của thế hệ 1975. Giờ đây, anh tập trung vào việc điều hành công tác chuyên môn của một công ty nước ngoài và cùng nhóm bạn tham gia các chương trình thiện nguyện.

Trong những người sinh ngày 30/4/1975 thành đạt phải kể đến một nữ doanh nhân dịu dàng nhưng thường bị nhầm là… con trai chỉ vì cái tên - Huỳnh Thống Nhất. Chị Nhất đang là Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Huỳnh Bách và tham gia giảng dạy tại Đại học Sài Gòn. Chị và những người bạn của mình đã liên tục đi đến những miền xa, tiếp tục hành trình tri ân và sẻ chia với những mảnh đời khó khăn.

Anh Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty Bình Hương cũng là người được chào đời ở vùng ven Sài Gòn vào rạng sáng 30/4/1975. Là lứa thanh niên có khát vọng lập nghiệp sớm, năm 2000 anh Bình đã có công ty riêng. Và những năm tháng sau này, ngoài việc kinh doanh và phát triển công ty, Nguyễn Ngọc Bình đã luôn nỗ lực để giúp những bạn trẻ vươn lên trong hành trình khởi nghiệp, cùng những người bạn của mình tiếp sức những thế hệ tiếp nối, cùng chung tay góp sức cho thành phố.

4. Sinh ra trong ngày đặc biệt, như một sứ mệnh gửi gắm từ tạo hóa. Sống một cuộc đời đặc biệt, là lựa chọn của mỗi con người. Với những người con Sài Gòn sinh nhằm ngày thống nhất năm 1975, họ không chỉ là niềm hạnh phúc của mẹ cha, mà còn là những hạt mầm xanh tươi cho một mùa vụ mới. Đã 45 năm kể từ ngày lịch sử ấy, TP Hồ Chí Minh đã đổi khác rất nhiều, nhưng trong hành trình này, những con người cần kiệm ấy vẫn tiếp tục gắng sức để cùng thành phố vươn cao…

Thái Sơn
.
.
.