Phi đội quyết thắng – Đòn táo bạo trước ngày toàn thắng

Thứ Ba, 28/04/2020, 14:31
Cuối tháng 4 năm 1975, hòa cùng nhịp tiến quân thần tốc của các đơn vị trên mặt đất, từ trên không, Không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện đòn đánh hiểm hóc, táo bạo, bất ngờ vào sào huyệt địch bằng chính máy bay thu được của địch. 45 năm đã trôi qua, song trận đánh năm nào vẫn hiển hiện qua ký ức của những người trong cuộc...


Chuyển loại... thần tốc

Về nghỉ hưu đã lâu, song nghiệp bay cũng như chuyến bay đặc biệt năm nào vẫn luôn hiện hữu trong nhà riêng của Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lục, nguyên Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng, nguyên Trưởng phòng Quân huấn - Nhà trường, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ).

Trong phòng khách, ông luôn dành vị trí trang trọng cho những chiếc máy bay mô hình, đặc biệt là tấm ảnh chụp Phi đội Quyết thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975. Với giọng kể chắc, khỏe của “lính bay”, nhiệm vụ đặc biệt năm nào lại được ông tái hiện sinh động và rõ nét...

Cuối tháng 3/1975, sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, ta thu được một số máy bay chiến đấu của địch. Chủ trương của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là giao cho Quân chủng PK-KQ gấp rút huấn luyện, sẵn sàng tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch vào thời điểm quyết định. 

Phi đội Quyết thắng hoàn thành nhiệm vụ đánh bom Sân bay Tân Sơn Nhất, về hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang. (Ảnh tư liệu).

Ngay sau khi nhận được chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã xem xét, lựa chọn Phi đội 4, Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ) tham gia thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

Đại tá Nguyễn Văn Lục nhớ lại: “Chiều 22/4/1975, chúng tôi cơ động từ sân bay Gia Lâm vào sân bay Đà Nẵng. Sau khi hạ cánh, Đại tá Trần Mạnh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho Phi đội: Tổ chức huấn luyện chuyển loại trên máy bay A-37 thu được của địch ngay ngày mai, chuẩn bị cho một trận đánh lớn bằng chính loại máy bay này.

Sáng 23/4, các phi công gồm Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ, Hoàng Mai Vượng bắt đầu phần học lý thuyết bay; tìm hiểu tính năng, tác dụng của máy bay A-37 và các trang thiết bị trên máy bay… Hỗ trợ phi công của ta trong quá trình huấn luyện chuyển loại có hai phi công ngụy đã được ta giáo dục, cải tạo là Trần Văn On và Trần Ngọc Xanh.

Là người con của đất Tổ Phú Thọ, vinh dự được lựa chọn tham gia đội hình chiến đấu của Phi đội Quyết thắng ở vị trí bay số 5, Đại tá, Anh hùng LLVTND Hán Văn Quảng, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, bồi hồi nhớ lại: “Một trong những khó khăn lớn nhất đối với phi đội lúc bấy giờ là phải khai thác và làm chủ máy bay của địch chỉ trong vòng hai ngày rưỡi. Bởi vậy, các phi công đã tích cực học tập không quản ngày đêm, trong đó ưu tiên những nội dung quan trọng, thiết thực nhất, như cách sử dụng trang thiết bị buồng lái để cất cánh an toàn, khi ném bom thì bom phải ra, sử dụng cửa dầu sao cho chuẩn xác trong quá trình hạ cánh...”.

Một khó khăn khác xuất hiện là ký hiệu toàn bộ thiết bị trên máy bay đều bằng tiếng Anh, trong khi các phi công của ta không biết ngoại ngữ này. “Cái khó ló cái khôn”, sau khi trao đổi, một “sáng kiến” đã được đưa ra: Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Trần Ngọc Xanh dịch chữ trên các núm, nút công tắc ra tiếng Việt, sau đó viết ra giấy và dán đè lên phần chữ tiếng Anh.

Sáng 24/4, việc bay thử được tiến hành trên 2 chiếc A-37 đã được thợ máy khắc phục và chuẩn bị xong. Cùng bay thử với hai phi công On và Xanh có phi công Từ Đễ. Sau bay thử, cả 2 máy bay đều tốt. Khi các phi công bước vào thực hành bay chuyển loại, khó khăn lại xuất hiện, do các thiết bị trên máy bay A-37 bố trí hoàn toàn khác so với máy bay mà các phi công của ta đã khai thác trước đó, ví dụ như vị trí phanh, các công tắc…

Nhằm “hóa giải” những khó khăn đặt ra, các phi công học mọi lúc, mọi nơi, kể cả trước khi đi ngủ, nhằm hệ thống hóa lại những gì đã học, như hình dung lại vị trí các phím công tắc; trình tự một chuyến bay; nguyên nhân dẫn đến sai sót trong quá trình bay... Do vậy, trình độ kỹ thuật lái của mỗi phi công được củng cố vững chắc hơn qua mỗi chuyến bay. Và, đến hết ban bay sáng 27/4, kỳ huấn luyện chuyển loại “thần tốc” trong hai ngày rưỡi đã hoàn thành.

Lựa chọn mục tiêu

Sau khi kết thúc ban bay sáng 27/4, phi đội nhận lệnh cơ động vào sân bay Phù Cát (Bình Định). 16 giờ chiều cùng ngày, máy bay hạ cánh xuống sân bay Phù Cát. Tại đây, Thiếu tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho các phi công bay thử 5 chiếc A-37. Tối hôm đó, phi đội tổ chức sinh hoạt, xác định quyết tâm, đồng thời thống nhất phương án bố trí đội hình chiến đấu.

Theo đó, Nguyễn Thành Trung sẽ bay số 1, có vai trò dẫn đường bởi anh thông thuộc địa hình khu vực tác chiến; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 4 trên một máy bay, và Hán Văn Quảng bay số 5. Sáng 28/4, Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục báo cáo phương án và được Tư lệnh Lê Văn Tri phê duyệt.

8 giờ 30 phút ngày 28/4, Phi đội nhận lệnh cơ động máy bay A-37 vào sân bay Phan Rang (Ninh Thuận). Tại đây, trong phần giao nhiệm vụ, 6 mục tiêu đã được đưa ra để phi đội nghiên cứu, gồm: Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát ngụy, Kho xăng Nhà Bè, sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi thảo luận, phi đội đề nghị với trên cho phép tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, bởi đây là mục tiêu diện rộng, dễ nhận biết, dễ phát hiện từ xa, thuận lợi cho việc tấn công. Đặc biệt, khi đánh trúng mục tiêu này sẽ cắt đứt cầu hàng không của địch.

Tuy nhiên, có một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra là khi tấn công vào sân bay phải bảo đảm an toàn cho trại Đa vít- cách đường băng khoảng 300 mét- là nơi có phái đoàn quân sự của ta đang làm việc.

Phương án vạch ra là phải đánh bom dọc đường băng, tuy hiệu quả thấp hơn khi đánh bom cắt chéo sân bay một góc 30 độ, nhưng độ tản mát của bom ra hai bên đường băng sẽ hẹp hơn, bảo đảm cho trại Đa vít được an toàn. Phương án xử lý tình huống khi tiêm kích địch phát hiện, cản phá đội hình của ta cũng được xác định rõ: Các số 4, 5 sẽ không chiến với địch; các số 1, 2, 3 bằng mọi giá phải tiếp cận và công kích trúng sân bay Tân Sơn Nhất.

Xuất kích bí mật, bất ngờ

Nhớ lại trận đánh năm nào, Đại tá Hán Văn Quảng nhận xét: “Một trong những nguyên nhân quan trọng, quyết định thắng lợi của trận đánh là phi đội đã bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, từ lúc cất cánh đến khi ném bom”.

Để giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã yêu cầu sở chỉ huy các cấp và phi đội tuyệt đối không mở liên lạc vô tuyến điện trong quá trình bay.

Các ký, tín hiệu từ khi cất cánh đến tìm diệt mục tiêu đều được thống nhất: Khi vào cấp 1, đài chỉ huy bay bắn 1 phát pháo hiệu, phi công lên máy bay; bắn phát pháo hiệu thứ 2, phi công mở máy; bắn phát pháo hiệu thứ 3, phi công điều khiển máy bay lăn ra đường băng, quan sát, ổn định đội hình và cất cánh.

Do không được liên lạc bằng vô tuyến điện, nên phi công bay số 1 phải giữ đúng số liệu đường bay. Các số sau kiểm tra, nếu phát hiện số 1 bay không đúng đường bay thì số 2 có trách nhiệm vượt lên, lắc cánh, thay số 1 dẫn đội hình. Nếu số nào để mất đội hình thì phải bay giữ chênh lệnh độ cao.

Đúng 16 giờ 15 phút ngày 28/4/1975, phi đội 5 chiếc A-37 được lệnh chuyển vào cấp 1 và mở máy, xuất kích chiến đấu từ sân bay Phan Rang. Mỗi máy bay mang 4 quả bom loại 250 cân Anh. Sau khi xuất kích, phi đội bay dọc bờ biển, đến ngã ba sông Sài Gòn vòng phải, về sân bay Tân Sơn Nhất.

Để giữ yếu tố bí mật, bất ngờ, phi đội thực hiện nghiêm ngặt 3 quy định: Thứ nhất, bay trùng đường bay hằng ngày của máy bay địch, nhằm không để chúng nghi ngờ đó là máy bay ta; thứ hai, bay ở độ cao thấp, tránh bị ra đa địch phát hiện; thứ ba, không sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến điện mà chỉ sử dụng ký, tín hiệu.

Khi còn cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 20km, toàn bộ phi đội phát hiện được sân bay. Các số thực hiện kéo dài đội hình, mỗi số cách nhau từ 600-800m và lấy độ cao lên 2.000m. Tiếp đó lần lượt từng chiếc bổ nhào vào công kích mục tiêu.

Dưới bụng máy bay, khói lửa từ sân bay Tân Sơn Nhất bốc lên mù mịt. Sau khi công kích, phi đội tiếp tục bay theo đội hình, hướng về sân bay Phan Rang và hạ cánh an toàn khi trời đã chập choạng tối. Tư lệnh Lê Văn Tri cùng các đồng chí lãnh đạo Quân chủng PK-KQ và anh em thợ máy chạy ùa ra, ôm chầm lấy các phi công trong niềm vui mừng khôn xiết. Trong trận đánh này, 26 máy bay địch đã bị phá huỷ, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt.

Đại tá Nguyễn Văn Lục nhớ lại: “Khi chúng tôi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, địch hoàn toàn bất ngờ. Chúng hốt hoảng hỏi qua vô tuyến: “Máy bay của phi đoàn nào? Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!”.

Trực tiếp chỉ huy trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất trên cương vị Tư lệnh Binh chủng PK-KQ, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Đó là trận đánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ta đánh vào sào huyệt địch ngay trước ngày 30-4 khiến chúng hoang mang tột độ, đội hình rối loạn, đồng thời cắt đứt đường hàng không của địch, khiến chúng phải bỏ chạy tán loạn bằng đường bộ... Những yếu tố đó thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn.

Phạm Hoàng Hà
.
.
.