Suy ngẫm từ cái chết của ba mẹ con nhà Voọc

Thứ Tư, 22/12/2004, 07:41

Voọc quý thế, nhưng thợ săn vẫn bẫy rồi để voọc chết rục, thối rữa trong rừng. Rừng sâu thẳm, rừng xa đến mức thợ săn cũng đặt bẫy hú họa rồi năm thì mười họa lên thăm bẫy một lần.

Giống như đôi thiên nga bơi trên hồ nước tình tứ, bỗng dưng có gã thợ săn đi qua, nổ súng giết chết một trong hai con rồi bỏ đi cũng không thèm nhặt xác thiên nga về làm thịt. Cũng không cần ngoảnh lại xem con thiên nga còn lại hốt hoảng vỗ cánh bay đi hay là đớn đau tự vẫn chết cùng "bạn tình" xấu số.

Bức ảnh voọc đau đớn chưa từng có!

Xin được bắt đầu bằng tấm ảnh tôi đã chụp được ở trên núi Nam Nung, đỉnh núi cao nhất của tỉnh mới lập Đắk Nông. Hình ảnh ba mẹ con nhà voọc (một loài linh trưởng quý hiếm, đẹp, có mức độ tiến hóa cao) đã ôm nhau chết rục trong rừng. Nguyên nhân cái chết là do voọc mẹ đi kiếm ăn bị trúng bẫy của cánh thợ săn kẹp “tay”, đành nằm ôm gốc cây chờ chết...

Bẫy được cánh thợ săn tự chế bằng dây phanh xe đạp, xe máy buộc thòng lọng ở tán cây rừng, rồi đào hố, thả thức ăn vào đó để nhử. Bất kỳ con gì thò “tay” bốc thức ăn đều bị thòng lọng dây phanh “nắm lấy”, thít chặt rồi giữ rịt cho đến chết. Con vật rồi sẽ chết vì đói.

Mỗi sợi phanh xe đạp cũ, nhưng kẻ giết rừng có thể chế ra một cái bẫy. Và, con voọc mẹ này đã trúng bẫy rồi bị trói tay treo lơ lửng trên cây. Hai chú voọc con có thể là quá đau lòng cho voọc mẹ xấu số nên đã nằm phủ phục dưới chân mẹ và chết dưới cái bụng đói lả của mẹ. Sự khôn ngoan, tình nghĩa của các loài voọc, vượn, đười ươi có mức tiến hóa rất cao sẵn sàng chết theo mẹ (hoặc con) như thế này đã được các nhà khoa học ghi nhận bằng tư liệu, hình ảnh, không có gì là lạ.

Cũng có thể 2 con voọc con chết theo mẹ bởi một lý do còn đau lòng hơn nữa: ấy là con voọc mẹ bị treo tay mắc bẫy khi đang còn căng bầu sữa nuôi hai con nhỏ, mỗi đứa con chỉ to hơn... bắp ngô răng ngựa một chút. Hai voọc con khát sữa, đói sữa đã nằm phủ phục dưới bầu vú bị treo lơ lửng dọc thân cái cây đã trói chết mẹ nó. Voọc mẹ đói rạc mà chủ bẫy vẫn không tới tóm cổ về làm món giả cầy, bởi người ta cứ đặt bẫy hú họa trong rừng sâu, có khi đặt bẫy rồi lại quên cả đường tới thăm bẫy. Hai con voọc con đã chết theo mẹ. Xác của chúng rồi cũng rữa rục về với đất rừng Nam Nung. Duy có vòng tròn thòng lọng bằng dây phanh xe đạp đã thít chết tay voọc ấy chắc là cứ lơ lửng thế rồi tiến mãi lên ngọn cái cây đang lớn đó...?

Tỉnh Đắk Nông nằm cách Hà Nội khoảng 1.500km. Cách tỉnh lị Gia Nghĩa 40km có một ngọn núi cao nhất tỉnh, là nóc nhà của tỉnh, ngọn núi mang tên Nam Nung. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã lấy tên ngọn núi này để đặt tên cho một tạp chí văn học nghệ thuật.

Ngọn núi này từ sau ngày giải phóng miền Nam chưa có một đoàn cán bộ nào khảo sát một cách đầy đủ và quy mô như đoàn chúng tôi. Đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông dẫn đầu, có lực lượng công an, bộ đội biên phòng đi cùng. Chúng tôi đem theo la bàn, hệ thống định vị toàn cầu GPS, có các người giỏi đi rừng leo núi dẫn đường.

Qua một đêm mắc võng hạ trại ngủ giữa rừng hoang, đi suốt 2 ngày ròng rã thì chúng tôi lên tới đỉnh 1.529m của dãy Nam Nung. Tôi (từ Hà Nội vào) và 2 phóng viên của đài và báo tỉnh trở thành những người làm báo đầu tiên có mặt trên “nóc nhà tỉnh Đắk Nông”. Cũng ở độ cao xấp xỉ 1.500m so với mực nước biển đó, đoàn thám hiểm chúng tôi ai cũng buồn trước cái chết của ba mẹ con nhà voọc.

Chú Voọc nhồi trấu đứng chào khách trong nhà của một gia đình giàu có dưới chân núi Nam Nung

Ba mẹ con nhà voọc đã chết là một loài chà vá (voọc), hiện ở Việt Nam chỉ ghi nhận còn được hơn 200 con trong thực địa núi rừng. Cũng có thể hơn một chút, cũng có thể quá nửa con số này đã bị bắn và bẫy chết rồi, vì cũng trong chuyến leo núi này, tôi còn chụp được tấm ảnh về một con voọc bị nhồi bông trưng bày ngoài thị trấn Kiến Đức.

Tôi đã quen thân và gắn bó với ông Tilo Nalder, người Đức. Năm nay ông 65 tuổi, đã có hơn mười năm tình nguyện sống ở Việt Nam nghiên cứu, làm mọi thứ để cứu hộ các loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng ở các nước Đông Nam Á. Ông Tilo hiện là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương, ông từng mở triển lãm ảnh về vẻ đẹp sặc sỡ và quyến rũ của các loài voọc, vượn... Ông cũng nung nấu ý tưởng sẽ làm một triển lãm ảnh tố cáo những kẻ giết voọc. Đó là những bức ảnh lay động nhân tâm. Ông Tilo chụp được những bức ảnh người ta thả nguyên cả một con voọc vào bình ngâm rượu. Con voọc tội tình ngồi như một đứa trẻ trong bào thai, như một cháu bé ngồi trong bồn tắm! Ông chụp cảnh con voọc bị dính bẫy, tay gẫy giập, mặt voọc con thiểu não đang ngồi nhìn các bác sĩ thú y người Đức băng bó “tay chân” què gãy cho mình. Ông chụp ảnh chú voọc chà vá chân đen vừa bị bắn chết nằm sõng soài trên cỏ xanh, vẻ mặt voọc còn ngơ ngác...--PageBreak--

Nhưng, theo xác nhận của Trung tâm với chúng tôi, chưa bao giờ ông Tilo hay một chuyên gia đi rừng nào cứu được voọc mà chỉ từng gặp cảnh đau lòng như cảnh chúng tôi đã gặp. Hơn ai hết, ông Tilo hiểu được cái lý của loài voọc tinh khôn ấy: những chú voọc con, chúng sẵn sàng chết theo mẹ. Cũng như ở Trung tâm của ông, ông từng kể với tôi rằng, nếu thợ săn bắt được vượn mẹ thì cũng có nghĩa là chúng sẽ bắt được vượn con (và ngược lại), vì loài vật có “trí tuệ” khá phát triển này lúc nào cũng gắn bó với nhau như chim liền cánh, như cây liền cành.

Gia đình nhà voọc đã chết vì bẫy, giống như những chú nhím, chú sóc, chú chồn, chú cáo xấu số khác. Những tên thợ săn dã man đi chọc tiết thú rừng ấy đã không ngờ được rằng: chúng đang giết chết niềm hy vọng của bao nhiêu người có lương tri. Bởi voọc là loài động vật hoang dã quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ cao trên thế giới. Sự hiện diện của đàn voọc tinh khôn còn là chứng chỉ cho độ nguyên sinh của cánh rừng thuộc dãy Nam Nung mà chúng tôi đang có mặt. Ông Tilo và mười mấy cộng sự của ông đã lặn lội đem cả tuổi thanh xuân của họ ra để bảo vệ voọc.

Tôi từng theo chân những người trẻ tuổi, bỏ cả tháng trời nhai mì tôm lội rừng chỉ để ghi âm tiếng hót của voọc, vượn về phân tích ra để đếm áng chừng xem cánh rừng ấy có bao nhiêu cá thể linh trưởng. Tôi biết bà Roossi, người Đức, đã bỏ mười mấy năm nghiên cứu bảo tồn loài voọc Cát Bà ở Vườn quốc gia Cát Bà để bàn kế cứu voọc. Loài voọc đầu vàng (còn gọi là voọc Cát Bà) quý hiếm tới mức, cả thế giới giờ chỉ có 59 cá thể (vừa rồi một chú bị rắn cắn chết, còn 58!). Các cán bộ của Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương là những người yêu quý voọc cực kỳ. Voọc với vẻ đẹp huyền thoại sặc sỡ của mình, với những lời truyền tụng nhảm nhí và ngu muội trong một số ít người về công dụng làm thuốc từ xương voọc, nên voọc đã và đang bị săn bắt ráo riết.

Nhiều người hẳn còn nhớ gã thợ săn Trần Tiến Minh vốn là cán bộ Cảng vụ Sài Gòn đi bắn voọc cách đây chưa lâu. Và cảnh mẹ con nhà voọc cùng dính chung một viên đạn rồi chết rất giống cảnh ba mẹ con nhà voọc mà chúng tôi đã gặp. Xin diễn tả lại những hành động ngông cuồng, bất nhân mà gã bắn voọc Trần Tiến Minh đã làm.

Thừa tiền, Minh mua hai khẩu súng săn hai nòng và một chiếc xe Uoát biển số xanh 51A-3610 có lắp thêm bộ phận máy tời ở đầu xe để thích hợp cho các chuyến đi rừng. Minh vào rừng Hàm Tân, Bình Thuận bắn voọc. Trước khi đi, anh ta không quên mang theo một thợ sửa ôtô, một người đi theo vác thịt thú rừng. Đặc biệt, đi cùng với hắn vào rừng săn lại còn có cả du kích xã Hàm Cần, lại còn có cả xã đội phó xã Hàm Cần cho “đoàn thợ săn bất nhân” mượn khẩu súng M16 và bốn viên đạn mà bắn voọc! Súng của bọn chúng bắn voọc như thế nào? Xin trích phần miêu tả này của Báo Pháp luật TP HCM ra ngày 17-5-2004, như sau: “... Chỉ bắn 3 viên đã hạ gục 4 con voọc (...), một viên khác bắn chết con voọc mẹ khoảng 5kg và một con voọc con nặng 0,95kg (khi bị bắn, voọc con đang ôm bụng mẹ nên cùng trúng đạn)”. Bài báo viết tiếp với những cảnh trần trụi dã man như thời trung cổ: “Khi bắn gục hai con voọc, Năm và Danh Bình Miên (người mang vác thịt) đã mổ bụng hai con vật xấu số lấy gan nướng ăn tại chỗ!... Xuống núi, cả nhóm làm thịt con voọc mẹ và một con voọc đực nặng 4kg ăn nhậu, sau đó Trần Tiến Minh bỏ bốn con voọc còn lại vào thùng ướp đá”. Tất nhiên, gã trọc phú chơi ngông Trần Tiến Minh và đồng bọn đã phải hầu tòa. Và chúng đã, đang và sẽ còn chịu sự lên án của công luận.

Ngược trở lại với núi Nam Nung, có trời cũng chẳng biết ai là tác giả của chiếc bẫy dây phanh xe đạp đã giết chết 3 mẹ con nhà voọc. Rừng Nam Nung là khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý hẳn hoi, nhưng mà cũng như rất nhiều cánh rừng khác của chúng ta, ở đó hằng ngày, hằng giờ có vô số những cái bẫy giết hại thú rừng, điều này cũng không nhất nhất cứ quy trách nhiệm hay trách móc ai được cả. Vì rừng quá rộng, rộng đến mức đến cả thợ săn cũng không tìm thấy bẫy và gỡ xác ba mẹ con nhà voọc về nấu ăn và lấy da nhồi trấu.

Trên tất cả là sâu thẳm một nỗi đau. Voọc là một trong những loài động vật có mức độ tiến hóa gần người nhất trong tiến trình khỉ biến thành người mà người ta thường nói. Và, tôi cứ nghĩ, trong bức ảnh kia, tôi đã chụp ảnh một "bà mẹ"  với hai bầu ngực đầy sữa cùng hai "đứa trẻ", phục dưới chân mẹ rồi chết vì khát sữa, vì thương mẹ, và vì không biết đi đâu, về đâu...

Đỗ Doãn Anh
.
.
.