Sức xuân vùng đất thức

Thứ Ba, 03/01/2006, 13:42

Như Quỳnh xưa vốn thuộc tổng Như Kinh, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Năm 1821, sau đợt vi hành xứ Đông, vua Minh Mạng truyền đổi tên tổng Như Kinh thành tổng Như Quỳnh, đi theo đó là một huyền thoại truyền miệng về vị vua nổi tiếng tài hoa và rất đào hoa này.

Tôi ngờ rằng, không phải ngẫu nhiên mà hoa quỳnh và hoa lan của xứ hoa Như Quỳnh vốn rất nổi tiếng được vua ân sủng đổi thành tên đất và trong những liên tưởng về tích Ỷ Lan xa xưa tôi vẫn hay thắc mắc cùng các cụ bên chén rượu nếp trắng thức đợi hoa quỳnh nở. Sao lại Như Quỳnh?

Ở mảnh đất cổ văn vật Như Quỳnh, chính trị, kinh tế đang phát triển ra sao? Cách đây khoảng 8 năm, khi doanh nghiệp đầu tiên (LG-SEG) đặt vấn đề thuê đất xây dựng liên doanh tại đây đã mở ra một bước đột phá mới cho Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Tôi thấy hiếm người nào gắn bó và nắm chắc vấn đề khu công nghiệp Như Quỳnh bằng Chủ tịch thị trấn Đào Văn Chiến. Đã từng là cán bộ lâu năm từ thời hợp tác xã tính công điểm, dân làm ra hạt thóc mà đói vàng mắt, có lẽ hơn ai hết, ông Chiến biết rằng làm gì thì làm nhưng dân phải no, Nhà nước phải có lợi thì mới tồn tại được.

Sau giải phóng miền Nam, Như Quỳnh thuộc diện nghèo nhất tỉnh Hải Hưng (cũ). Làng xóm tiêu điều, dân thấy khó khăn quá xin đi xây dựng vùng kinh tế mới mãi Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc. Họ nhà tôi cũng đi nhiều, thỉnh thoảng các anh, chị dẫn con về líu lo tiếng Hơre, Gia Rai ngồ ngộ. Ngày ấy, ông Chiến là đội trưởng sản xuất cùng cán bộ xã viên lăn lộn suốt ngày ngoài đồng mà dân vẫn đói, thóc vẫn không đủ nộp thuế. Có nơi chuyển đổi cây trồng chặt trụi hết cả tre mới ngơ ngác không biết làm thế có đúng không, đúng thì tại sao không đủ ăn, dân ngày một đói. Rồi ông Chiến cùng vợ đi buôn, ông kể với tôi, dạo ấy đói quá phải đi buôn dây khoai lang dưới Hải Phòng, đi đêm vì sợ bị chi bộ kiểm điểm đảng viên buôn bán. Những thực tế ấy hun đúc nên chí làm giàu cho người nông dân.

Khoán 10 nổ ra như sấm động. Dân Như Quỳnh được cán bộ cho khoán "chui", khoán "thử", mãi mới dám khoán thật, khoán trắng 100%. Ngày liên doanh đầu tiên đặt vấn đề xây dựng sản xuất, lắp ráp máy móc ở đây có hai luồng suy nghĩ chọi lại nhau của các cấp chính quyền. Người bảo không nên cho vào, mất đất, mất đồng, mất thuần phong mỹ tục. Người bảo phải tạo mọi điều kiện kêu gọi doanh nghiệp vào và coi đây là vấn đề sống còn của dân, vì dân. Dân đói khổ nhiều rồi, lạc hậu lâu rồi vẫn còn kìm hãm đến bao giờ nữa? Ông Chiến khi ấy là Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã đứng ở phe thứ hai. Cấp trên thấy nội bộ xã căng thẳng về chỉ đạo cũng khó quyết vì ai nói cũng đúng. Thế là mấy cán bộ trẻ, trong đó có ông Chiến, anh Bay, anh Thắng, cả một số đồng chí lãnh đạo huyện đưa đầu mình ra đặt cược cùng với lòng tin của nhân dân là cứ để cho các doanh nghiệp về. Đến nước ấy bảo còn gì nữa. Ngày gian nan đầu tiên ấy, cánh báo chí bọn tôi bám sát lắm, viết bài phản ánh, động viên, nêu tâm tư của dân, của liên doanh, đặc biệt là tâm tư của hàng nghìn, hàng vạn thanh niên có việc làm, có thu nhập.

Bây giờ thì gần 20 doanh nghiệp với hàng vạn công nhân đang ngày đêm làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Tôi có thằng bạn làm kỹ sư ở liên doanh ôtô, xe máy, thu nhập tháng vài triệu, vợ đi làm ở công ty may, tháng cũng tiền triệu ríu rít hạnh phúc lắm. Không có công ăn việc làm, không hiểu nhiều bè bạn, lớp thanh niên và cả tôi bây giờ sẽ ra sao? Hôm tôi bảo: "Chuyển từ kinh tế bao cấp sang thị trường có thể nói gọn ở vấn đề sản phẩm và tiêu thụ, hay nói cách khác là từ "dĩ sản định tiêu" thành "dĩ tiêu định sản" phải không ông Chủ tịch". Ông Chiến cười, mà ông cười cũng có vẻ vất vả lắm, bảo: Nói chữ như cánh nhà báo thì thế chứ làm cái anh cán bộ quản lý dễ bị sản sản tiêu tiêu làm lóa mắt, bọn này cứ dự án mà phang, tỉnh ký, Chính phủ ký, thì thị trấn bảo đảm giao đất, tạo môi trường lành mạnh. "Thế con em mình theo chủ trương nông dân giao ruộng cho liên doanh vẫn sẽ được suất liên doanh ở công ty chứ (theo thống kê của cánh báo chí đã có gần 1.000 con em ở thị trấn hiện đang làm công nhân ở các liên doanh. Riêng liên doanh ôtô, xe máy có trên 1.000 công nhân thì có đến 335 người Như Quỳnh). Vấn đề này sẽ tiếp tục ra sao đồng chí Chủ tịch?".

Tôi hay quấy rầy ông Chiến và bao giờ cũng thế, nửa đối thoại nửa phỏng vấn. Hôm đưa nhà văn Lê Lựu vào nhà ông vì trước đó, tôi có nói với nhà văn Lê Lựu rất hăng say về mảnh đất Như Quỳnh. "Cháu theo dõi nó đã mấy chục năm, thú vị lắm, đang ở đoạn cao trào". "Thế mày cho tao theo dõi cùng mấy". Lê Lựu cười… rất Lê Lựu. Tôi bảo: "Chú nên về đây. Vấn đề khu công nghiệp hay lắm. Để cháu hẹn ông Chủ tịch". Thế rồi chưa kịp hẹn hò gì thì Lê Lựu tạt vào tìm tôi, đi xe con hẳn hoi, chắc là đi nhờ nên cứ rối lên giục lung tung. Thế mà sau khi ở nhà ông Chiến ra, Lê Lựu ghé tai tôi: "Tin được. Lão này chơi được đấy. Cá tính lắm. Cậu viết văn nên tìm những thằng cha như thế này".

"Nó có phần chìm đấy, chú Khai ạ". Anh Thắng, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an thị trấn bảo tôi. Tôi rất hay gặp anh đi tuần đêm dọc thị trấn. "Vấn đề con người phức tạp lắm, riêng chuyện an ninh chú tính quản lý hàng nghìn người là công nhân tạm trú trên địa bàn, rồi công nhân làm tư ở Minh Khai, rồi các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đã và đang là bài toán cực khó cho chúng tôi”. Tôi nhìn anh, năng nổ, vạm vỡ, mắt lấp lánh cười. Tiếng là anh em cùng làng, lại có dính líu họ hàng mà gặp nhau lúc nào cũng vội vội vàng vàng.

Thú vị là cán bộ lãnh đạo hiện nay của thị trấn đều đã từng là lính. Chủ tịch, Bí thư, Phó Chủ tịch đều đã là lính chiến cả, chắc ngày trước đánh đấm cũng hăng. Tôi đang là lính, làm báo về người lính có cái dễ là bộc trực, thẳng thắn, không thích quanh co. Dạo giáp Tết 2000, các con nghiện ở Như Quỳnh tăng lên đột ngột, bãi đá Từ Vũ, di tích văn hóa và bỗng nhiên thành cái "chợ giời" công khai buôn bán ma túy. Chị Thủy, vợ anh Thắng bảo dạo ấy anh đi đêm nhiều, người sắt lại, chị rất sợ. Tôi biết các anh chuẩn bị cất một mẻ lớn nên điện thoại cho một chiến hữu mang máy ảnh về phục kích. Điện di động cho Trưởng Công an Thắng nhiều lần không được. Đúng như dự tính, các anh đã phối hợp với Công an tỉnh làm gọn một mẻ. Sau đấy, tệ nạn lắng hẳn xuống.

Nhà văn Lê Lựu khi ngồi uống bia ngà ngà bảo, vùng đất Như Quỳnh là vùng đất thức. Ông bảo, đất ở đầu tỉnh phải thức để anh em nghỉ ngơi một chút chứ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa như thế mà không thức thời đi lên được hay sao. Tôi cũng tin những dòng sông ngầm đang lầm lũi chảy ở Như Quỳnh sẽ ra đến biển và khi ấy nó sẽ không bao giờ tự đánh mất mình

Phùng Văn Khai
.
.
.