Sức trẻ nơi biên cương Tổ quốc

Thứ Tư, 06/08/2008, 13:59
Từ thị xã Cao Bằng vượt 80km, qua 3 ngọn đèo: Mã Phục, Khau Mòn và Khau Ruông mới tới được trung tâm huyện Hạ Lang; lại qua 15km đường đá lởm chởm nữa để tới trung tâm Đồn; cùng Thượng úy Lục Văn Trình đi bộ 1 tiếng rưỡi đường rừng để đến nơi làm việc của tổ công tác Nà Thúng…, tôi mới thực sự chứng kiến một phần sự vất vả của những chiến sỹ Đồn Biên phòng 87.

Gần dân, cùng dân bảo vệ biên giới quốc gia

Một dải đường biên dài hơn 26km, nối với 3 xã (Thị Hoa, Cô Ngân, Thái Đức), với 31 thôn, xóm; ai cũng hiểu việc bảo vệ an ninh biên giới ở đây không phải là một công việc đơn giản, càng không thể là thuận lợi.

Thế nhưng, khi chúng tôi tới, nhìn khuôn mặt của lực lượng gồm 70% là các chiến sỹ trẻ của Đồn, thấy tin yêu những chàng trai thế hệ mình. Dường như, trong ánh mắt, nụ cười của họ không vướng đọng những vất vả, khó khăn của cuộc sống, nơi mà ai cũng biết là nhiều khó khăn, thử thách. Chỉ có nét phong trần, rắn rỏi hiển hiện qua làn da rám nắng và những bước chân vượt rừng thoăn thoắt của họ.

Điều khiến Đại uý Giang Văn Cử, Phó đồn trưởng và các cán bộ, chiến sỹ ở Đồn 87 tự hào nhất không phải là những thành tích, bằng khen, mà chính là việc đã xây dựng được thế trận lòng dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.

"Bảo vệ biên giới quốc gia chưa bao giờ là công việc đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi sự kiên quyết, lòng dũng cảm, mà còn đòi hỏi sự khéo léo, tri thức. Không ít lần, chúng tôi phải thức thâu đêm để soạn thảo các văn bản ngoại giao, phải bạc tóc để suy nghĩ cách giải quyết các tình huống nảy sinh sao cho được toàn vẹn, sao cho không sứt mẻ mối quan hệ ngoại giao với bạn, sao cho nhân dân hai nước được an cư, lạc nghiệp", Đại úy Giang Văn Cử tâm sự.

Thật đáng khâm phục khi Thiếu úy Trần Thanh Quân - một cán bộ trẻ tâm sự với chúng tôi: "Bà con nhân dân hai bên có quan hệ họ hàng thân tộc lâu đời, vẫn đi lại, giao lưu với nhau; chúng tôi hiểu rằng, chỉ có dựa vào sức dân mới có thể hoàn thành công việc".

Chỉ huy Đồn cho biết, từ nhiều năm nay, Đồn đã ra sức gây dựng mối quan hệ quân dân cá nước và tuyên truyền giáo dục về ý thức quốc gia, quốc giới tới từng người dân. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng công việc này đòi hỏi không biết bao nhiêu công sức của từng cán bộ, chiến sỹ.

Đồn đã thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng ngôn ngữ (tất cả các cán bộ, chiến sỹ của Đồn đều có thể nói tốt tiếng Tày, Nùng; thậm chí có người còn nói được 5, 6 thứ tiếng của các dân tộc); 4 bám: bám dân, bám làng, bám đất, bám biên giới…

Thế rồi, dần dần, hiểu được tấm lòng của các anh, nhân dân cũng tình nguyện đồng cam cộng khổ. Phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới" bắt đầu từ đây.

Gần dân, bộ đội Biên phòng được nhân dân giúp đỡ bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Gần bộ đội Biên phòng, nhân dân được bảo đảm về an ninh trật tự. Tính mạng, tài sản, trâu bò của bà con không bị kẻ gian, kẻ cướp đe dọa như trước kia. Tình quân dân cá nước được như thế chính là nhờ công sức và tấm lòng thương dân của mỗi chiến sỹ Đồn Biên phòng 87 này.

Giúp dân thay đổi cuộc sống

Một câu chuyện rất lý thú là chính cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng là những người đi tiên phong trong việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo.

Ban đầu, chỉ một vài hộ gia đình làm theo cán bộ Biên phòng trồng mía, vì bà con chỉ theo thói quen canh tác cây ngô đã lâu ngày. Đến nay, đâu đâu cũng bạt ngàn màu xanh của mía. Do thời tiết ở Thị Hoa hạn hán kéo dài, khiến cho 51% diện tích của xã thiếu nước.

Cây mía phù hợp với đất hạn, lại được hướng dẫn trồng đúng kỹ thuật nên cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Nhiều gia đình như nhà ông Phia Đán trồng 5 tấn mía giống, mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng ngô chỉ được 5 triệu.

Hoặc trồng lúa trước đây, tính bình quân hàng năm chỉ đạt hơn 400kg/người. Riêng xã Thị Hoa năm ngoái đã thu về hơn 1,5 tỷ nhờ xuất khẩu mía. Đồn cũng thu được hơn 50 tấn mía, trị giá hơn 20 triệu để làm phúc lợi xã hội.

Đồng chí Lê Văn Sơn (người đồng thời là chiến sỹ Biên phòng đầu tiên được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã) lại kiêm luôn cán bộ nông nghiệp, đi học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây, canh tác… để về truyền thụ cho bà con.

Rất nhiều nhà xây kiên cố đã mọc lên, có cả nhà cao tầng, thay cho nhà lá trước kia. Một số gia đình còn mua được ôtô làm phương tiện vận chuyển. Máy móc cũng đã bắt đầu thay trâu bò trong việc cày bừa, làm đất. Việc chuyển diện tích trồng ngô sang trồng mía nguyên liệu xuất khẩu đã nâng đời sống của nhân dân Thị Hoa lên một bước mới.

Trung tá Hoàng Văn Khải, Trưởng đồn bên ao cá tăng gia của đơn vị.

Khi chúng tôi hỏi Trung tá Hoàng Văn Khải, Đồn trưởng về bí quyết để đạt được những thành tích trên, chỉ nhận được một câu trả lời giản dị: "Gần dân, nghe dân, hiểu dân chính là cách để thuyết phục bà con cùng xây dựng thế trận an ninh biên giới".

Với 47% dân số sống trong cảnh khó khăn, nạn mù chữ còn ở rất nhiều thôn bản, nhiều người không nói được tiếng phổ thông, nhiều hủ tục lạc hậu: tảo hôn, ma chay lâu ngày, ăn uống rình rang... vẫn còn tồn tại; các chiến sỹ Biên phòng có thêm nhiệm vụ giúp nhân dân thay đổi cuộc sống, bước ra khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Vừa bảo vệ biên giới, vừa là thầy thuốc, thầy giáo, cán bộ đoàn, cán bộ phụ nữ, cán bộ nông nghiệp… việc gì lính Biên phòng cũng có thể làm. Nhà ở của các tổ công tác đã trở thành "nhà đa năng": chỗ tránh nắng, xin nước, nghỉ ngơi của người dân đi làm nương rẫy; chỗ tránh nóng của các hộ gia đình ở thấp; công viên, lớp học của trẻ em; nhà sinh hoạt cộng đồng; nhà văn hóa…

Ở một số tổ công tác vẫn chưa có điện, mỗi khi có cơ hội ra ngoài, các đồng chí lại bỏ tiền túi ra mua vài lít xăng về chạy máy phát, chiếu phim, ca nhạc, cho bà con nghe các bài hát then, đánh đàn tính để thêm gắn bó với văn hoá dân tộc. Hiếm khi một mái nhà hơn chục mét vuông, một vài lít xăng, một chiếc tivi… lại có nhiều ý nghĩa như thế: giúp nhân dân khai sáng.

Hình ảnh thượng uý Trình cười nói, chào hỏi từng người dân gặp trên suốt dọc đường dẫn tôi vào Tổ công tác 26, khiến tôi thêm hiểu hơn tình quân dân nơi khó khăn này. Chuyển công tác sang xã khác đã 4 năm, nhưng anh vẫn nhớ tên, nhớ hoàn cảnh từng người. Tranh thủ từng phút nghỉ ngơi, anh đến thăm từng gia đình trước đây đã mời cán bộ ăn cơm, uống nước mỗi khi đi tuần xa không về kịp. Sức mạnh nơi biên giới chính là sức trẻ biết dựa vào dân

Vũ Hân - Vi Oanh
.
.
.