Sức trẻ Bạch Long Vĩ

Thứ Ba, 24/03/2009, 16:34
“Bạch Long Vĩ kia rồi"! - Chúng tôi cùng thốt lên khi Thuyền trưởng tàu HQ 14-41-88 Nguyễn Văn Công chỉ tay về phía hòn đảo đang dần hiện ra giữa biển trời mênh mông. Rất nhiều người vội ra boong tàu để được chiêm ngưỡng hòn đảo từng được gọi là Phù Thủy Châu (hòn ngọc nổi trên mặt nước). Trên nóc hàng trăm con tàu đều rực rỡ lá quốc kỳ thiêng liêng phần phật trong nắng gió mênh mang của biển Đông...

Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, rộng 2,3km2, trong đó có 1,78km2 hoàn toàn không ngập triều, cách Hải Phòng 73 hải lí (khoảng 140km). Cho đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trên đảo không có cư dân, chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân tránh bão. Nguồn nước ngọt trên đảo được phát hiện năm 1920, đã dần dần kéo những cư dân đầu tiên mạo hiểm và giàu ý chí đến sinh cơ, lập nghiệp.

Từ năm 1937, triều đình Bảo Đại phái người tới Bạch Long Vĩ lập đồn canh và xây dựng chế độ Lý trưởng trên đảo... Đúng 20 năm sau, ngày 16/1/1957, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định số 49/TTg quy định đảo Bạch Long Vĩ là xã trực thuộc UBND TP Hải Phòng. Trên đảo hình thành hợp tác xã nông ngư với gần 100 lao động, 11 thuyền, 2 tàu đánh cá.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964), chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, từ cuối năm 1965 ngư dân trên đảo được sơ tán về đất liền; từ đó cho tới năm 1992, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Xét về mặt tự nhiên, đảo Bạch Long Vĩ có tuổi xưa gần bằng trái đất, song dưới góc độ xã hội, đó là một hòn đảo trẻ theo đúng nghĩa của từ này. Ba tháng sau khi được thành lập, ngày 26/2/1993, 62 Thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân lên Bạch Long Vĩ. Mất không nhiều thời gian, những Thanh niên xung phong dần quen với ánh mặt trời chói chang và cái gió ào ạt đầy hơi nước mặn luôn dấp dính da người.

Những bữa cơm với lạc triền miên, rau hầu như không có; sang lắm thì có trứng tráng, canh bí quả, dưa nén chua đến long răng. Nỗi khổ tinh thần cũng chẳng kém gì nỗi khổ về vật chất. Thời gian đó đi lại giữa đất liền và đảo Bạch Long Vĩ còn rất khó khăn; gặp khi trái gió trở trời, đến cả tháng không thấy bóng dáng một con tàu.

Mỗi lần có tàu từ đất liền chở hàng ra đảo, thì đó là ngày hội với Thanh niên xung phong. Ngoài lương thực, thực phẩm, nước ngọt, cái mà Thanh niên xung phong mong đợi nhất là những lá thư vượt trùng khơi...

Nếu như trong đất liền, câu thơ "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" nói lên nỗi vất vả và công sức của con người cải tạo thiên nhiên thì ngoài đảo xa, điều đó lại càng gian nan gấp bội. Bao mồ hôi, công sức của Thanh niên xung phong đã đổ xuống biển đảo. Hơn 1.300ha rừng được trồng đã biến Bạch Long Vĩ thành một hòn đảo xanh; nhờ đó lượng nước ngọt dự trữ trên đảo đã đỡ khó khăn. Thanh niên xung phong có mặt trên hầu hết những công trình của đảo Bạch Long Vĩ để thực hiện mục tiêu điện, đường, trường, trạm.

Con đường bê tông quanh đảo dài khoảng 7km, cùng nhiều đường nhánh và các Công viên Tuổi trẻ Sông Hồng, Công viên Văn hóa trung tâm, Công viên Đài tưởng niệm đã làm cho Bạch Long Vĩ khang trang như một thị xã nhỏ thơ mộng...

Riêng trong năm 2008, Thanh niên xung phong đảo Bạch Long Vĩ đã thực hiện hàng ngàn ngày công trồng mới 6.500 cây phi lao, 3ha rừng phòng hộ và thực hiện nhiều công trình, phần việc do UBND huyện phân công. Hơn 12 tấn rau xanh, gần 3 tấn lợn hơi và nhiều gia cầm thu được trong năm qua, là những sản phẩm rất có nghĩa với đời sống của Thanh niên xung phong.

Thấm thoắt 17 năm gắn bó với đảo, nắng và gió đã nhuộm nâu làn da, đã chai sần những đôi tay Thanh niên xung phong để Bạch Long Vĩ có một diện mạo như ngày hôm nay... Vốn nhạy cảm và mắc bệnh nghề nghiệp nên cánh nhà báo chúng tôi luôn băn khoăn tìm hiểu lí do để những con người cụ thể khoác lên mình bộ đồng phục Thanh niên xung phong với phụ cấp mỗi người chỉ từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng/tháng (không được đóng bảo hiểm xã hội).

"Em ra đảo được một năm rồi. Em cảm thấy tự tin vì được rèn luyện, được sống trong môi trường tập thể và làm những công việc hữu ích cho đảo" - Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huế, quê Tiên Lãng, Hải Phòng - trả lời.

Những Thanh niên xung phong khác như Vũ Thị Sâm (quê Hải Phòng), Vũ Khánh Định (quê Hà Nội)... đều có câu chung câu trả lời: "Cuộc sống ngoài đảo không có bon chen. Ở trên đảo quý nhau lắm anh à. Ngoài đường cứ gặp gỡ, kể cả người lạ cũng vui vẻ chào nhau".

Đoàn công tác Hội nhà báo Việt Nam và Báo CAND thăm
và tặng quà huyện đảo Bạch Long Vĩ

Nhân Tháng thanh niên Việt Nam và hướng tới kỉ niệm 78 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam do ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam dẫn đầu đã ra thăm và tặng quà quân và dân huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng). Tham gia đoàn có 30 nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương và một số địa phương.

Với tình cảm của đất liền và những người làm báo, đoàn công tác đã thăm và tặng quà Liên đội Thanh niên xung phong, Công an huyện Bạch Long Vĩ và Đoàn C52, Vùng A Bạch Long Vĩ - Bộ Tư lệnh Hải quân. Quà tặng gồm một số ấn phẩm sách, báo, và một số hiện vật phục vụ đời sống tinh thần.

Thay mặt đoàn, ông Lê Quốc Trung bày tỏ tình cảm trân trọng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng và bảo vệ vững chắc hòn đảo Bạch Long Vĩ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhân dịp này, Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã tặng 2 tivi cùng một số băng, đĩa nhạc cho Đoàn C52 và Công an huyện đảo Bạch Long Vĩ. 

PV

Duy Hiển - Việt Anh
.
.
.