Long An:

Sức sống ở "xóm thương binh"

Thứ Bảy, 30/07/2005, 07:17

Chiến tranh đã lùi xa 30 năm, nhưng những mất mát đau thương vẫn in hằn lên thân thể của họ. Hoà nhập với cuộc sống khi đã mất đi đôi tay, đôi chân và hai mắt… khó khăn trăm bề. Song, họ vẫn ngẩng cao đầu để sống, làm việc và xây dựng hạnh phúc.

Họ là những gia đình thương binh nặng ở “xóm thương binh” - ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Những ngày gian khó…

"Qua con đường trải sỏi vào ấp 1 là đến nơi cư ngụ của 15 gia đình thương binh 1/4 xã Nhị Thành. Những ngôi nhà khang trang, nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, cuộc sống nơi đây đã đổi thay nhiều lắm. Con đường trải sỏi đó cũng có phần đóng góp của những người thương binh ấy"- Đó là thông điệp đầu tiên mà Chủ tịch UBND xã Nhị Thành - Phạm Hoài Vũ nói với chúng tôi.

Thương binh làm kinh tế là chuyện không còn mới ở "xóm thương binh" Nhị Thành. Họ thành lập tổ vay vốn tín dụng Nhà nước để chăn nuôi heo, cá… cùng giúp nhau làm giàu, tương trợ và chăm sóc nhau lúc ốm đau.

Từ trái qua: các thương binh Trần Văn Sáu, Nguyễn Hoàng Lên và Đỗ Văn Nhịp.

30 năm trước, những người con của Long An trở về quê sau nhiều năm ly hương nhưng sự trở về đó không còn nguyên vẹn, bởi chiến tranh đã lấy đi của họ một phần thân thể. Những thương binh nhẹ về chung sống với gia đình, người neo đơn, thương binh nặng được tập trung về trại an dưỡng của tỉnh. Thời gian đó, Trại an dưỡng thương binh tỉnh Long An đặt tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Họ đến từ những vùng quê khác nhau, người ở Thủ Thừa, người tận Đức Hòa, Cần Đước, Đức Huệ… hội ngộ dưới mái nhà chung và bắt đầu "cuộc chiến đấu" mới trong thời bình.

Chú Đỗ Văn Nhịp, thương binh 1/4, nói: "Ngày trở về đầy bỡ ngỡ, chúng tôi rất khó khăn. Nhưng thương binh thì cũng phải ăn cơm để sống chứ. Chúng tôi động viên nhau lao động trong khả năng để nuôi sống chính mình, chứ trông chờ vào Nhà nước hoài sao được. Nhà nước còn phải lo cho toàn dân, mình chỉ là một trong số đó". Không riêng gì chú Nhịp mà những thương binh khác trong "xóm thương binh" cũng suy nghĩ như thế.

Dưới mái nhà chung của Trại an dưỡng thương binh này, đã có nhiều mối tình đẹp giữa anh thương binh cùng cô thôn nữ Nhị Thành, hay cán bộ chăm sóc thương binh trong trại. Không hiếm những cặp vợ chồng đều là thương binh. Chú Đỗ Văn Nhịp - một trong những thương binh rời khỏi trại sớm nhất, cho biết: "Năm 1981, tui lập gia đình và cất nhà ở riêng tại ấp 1 này. Lúc vợ tui nói thương tui, tui không tin vào tai mình nữa. Cô ấy đã cứu sống tui một lần nữa. Ra riêng, với đồng lương ít ỏi của vợ và tiền trợ cấp của tôi, có lúc không đủ ăn, nhưng riết rồi cũng qua".

Vợ chú Nhịp - cô Trần Thị Thịnh, một cán bộ chăm sóc thương binh ở trại an dưỡng, quê ở tận Nam Định đã không quản khó nhọc chăm sóc người chồng liệt hai chân bằng tình yêu chân thật và lòng cảm phục. Căn nhà tạm bợ được dựng lên, vợ đi làm xa, chú Nhịp ở nhà chăn nuôi heo, gà, bán quán nước và chăm sóc hai con trai. Dù kinh tế khó khăn, vợ chồng chú Nhịp vẫn quyết tâm lo cho con được đến trường. Khi hay tin con đậu một lúc 3 trường đại học, cả nhà ai cũng mừng.

Còn cô Huỳnh Thị Đan (vợ chú Nguyễn Hoàng Lên, thương binh bị cụt mất hai cánh tay), nhớ như in sự phản đối của gia đình hơn 20 năm trước: "Năm 1984, tui lập gia đình với anh Lên, gia đình, dòng họ tui ngăn cản dữ lắm. Nhưng đã thương thì quyết theo". Mối tình của hai người rất đẹp. Cô thôn nữ Huỳnh Thị Đan có cha là liệt sĩ nên mỗi dịp lễ 27-7, cô theo mẹ lên trại thương binh nấu ăn và ông tơ bà nguyệt đã se duyên cho cô gặp anh thương binh Bảy Lên, với những câu chuyện hóm hỉnh rất duyên đã khiến cô Đan mê mẩn tự hồi nào chả hay. Rồi sau đó họ nên duyên vợ chồng. Tất cả khó khăn chồng chất lên đôi vai người vợ trẻ khi đứa con đầu lòng chào đời. Kinh tế quá khó khăn, cô Đan phải đi làm mướn để lo cho cuộc sống gia đình.

Đầu năm 1990, Trại an dưỡng thương binh chuyển về thị xã Tân An, 18 thương binh 1/4 trong trại đã có cuộc sống gia đình ổn định, Nhà nước trợ cấp tiền xây nhà tình nghĩa. Không hẳn là ngẫu nhiên mà 15/18 hộ thương binh xây nhà liền kề nhau ở ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Những căn nhà lá tạm bợ dần được thay bằng nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi từ bàn tay cần cù của những con người "tàn nhưng không phế".

Một sức sống mới…

Khó khăn, bệnh tật không thể khuất phục được ý chí của những anh bộ đội Cụ Hồ, với nghị lực sống mãnh liệt, cùng bản lĩnh người lính, họ tạo nên sức sống mới ở "xóm thương binh". Nhà nhà đều có phương tiện nghe nhìn, xe máy, con cái học hành đàng hoàng. Chú Nguyễn Hoàng Lên khoe: "Mấy năm trước, tui còn vay tiền Nhà nước để chăn nuôi. Bây giờ không còn phải vay nữa". Hay chú Đỗ Văn Nhịp - một trong những hộ thương binh được xem là "nổi" nhất xóm, bởi chú có hai con đều học đại học, một sắp ra trường ngành Sư phạm hóa (Trường Đại học Cần Thơ) và con út đang học năm thứ 2 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đó là thành quả của vợ chồng chú trong những ngày gian khó nhịn cơm cho con đến trường.

Và người thương binh mù hai mắt Trần Văn Sáu bây giờ không còn cuốc đất trồng rau, lặn lội ra sông bắt cá. Sắp bước vào tuổi 60, chú Sáu đã cho phép mình an hưởng tuổi già, bởi 3 đứa con đều lớn khôn và có nghề nghiệp ổn định. Chú nói: "Tui bây giờ còn mong gì nữa. Nhà cửa đàng hoàng, con cái lớn khôn và xe gắn máy, máy vi tính… cũng có rồi. Mấy đứa con không cho tui làm nữa". Bây giờ, chú Sáu tham gia công tác xã hội, là Chủ tịch Hội Người mù huyện Thủ Thừa.

Sức sống mới ở “xóm thương binh” được xây dựng bằng nguyên lý: Chiến tranh gian khổ, mất mát còn vượt qua được, hòa bình yên ổn chẳng lẽ đầu hàng sao? Ngoài việc giúp nhau làm kinh tế, họ còn đùm bọc nhau những lúc khó khăn, bệnh tật. Mới đây, cô Hồng, thương binh 1/4 nhập viện mổ ruột thừa, chồng và con trai cô không chăm sóc được nên "xóm thương binh" đã cử cô Huỳnh Thị Đan - vợ chú Bảy Lên  vào bệnh viện chăm sóc cô Hồng. Còn rất nhiều câu chuyện cảm động và đầy tình người ở “xóm thương binh”. Họ gắn bó với nhau bằng tình nghĩa xóm giềng và tình đồng đội. Bằng nghị lực phi thường, những thương binh nặng ở ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa đã vượt lên chinh phục cuộc sống. Và một lần nữa, họ lại là người chiến thắng

Nam Thơ - Hà Thu
.
.
.